Kinh thánh: Châm Ngôn 14: 12; Ê-sai 35: 8, 10; Giăng 14: 5, 6 (*)
Kính chào quý độc giả thân mến,
Đường đi là một nhu cầu không thể thiếu của con người ở khắp moi nơi trên địa cầu nầy.
Không có đường đi thì mọi sự đều bế tắt, vì sẽ không thể nào giao thương buôn bán, giao thông qua lại với nhau được.
Trang Wikipedia.org cho biết về hệ thống đường sá ở một số nước như sau:
“Hoa Kỳ có mạng lưới đường bộ lớn nhất thế giới với 6,430,366 km (2005). Cộng hoà Ấn Độ đứng thứ hai về mạng lưới đường bộ với 3,383,344 km (2002). Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thứ ba với 1,870,661 km (2004). Khi xét về đường cao tốc, hệ thống Đường cao tốc Quốc gia (NTHS) tại Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa có tổng chiều dài 45,000 km vào cuối năm 2006, và 60,300 km vào cuối năm 2008, đứng thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ với 90,000 km năm 2005.” (**)
Nếu bạn có dịp đến Mỹ, bạn sẽ rất thích thú khi được trải nghiệm việc lái xe đi trên những xa lộ (freeway) rất tốt, rất đẹp, với nhiều làn xe chạy với tốc độ rất cao, từ 70 đến 75 miles/ h, có một số nơi bạn có thể chạy nhanh hơn tốc độ đó nữa. Ở Hoa Kỳ có hằng hà sa số những xa lộ như thế. Tôi biết có một số người dù ở Mỹ đã lâu, nhưng không dám lái xe đi trên xa lộ, vì...choáng ngợp với tốc độ xe chạy quá nhanh, cũng như với số lượng xe quá nhiều đang lưu thông trên đó. Họ chỉ dám lái xe đi trên những con đường local (địa phương) mà thôi.
Ở Mỹ, nếu bạn rẽ sai đường, có nghĩa là rẽ sai một exit (lối ra) là bạn phải đi mất cả một dặm nữa, bạn mới có lối vào (entrance) được để đi tiếp đúng con đường mà bạn đang đi.
Thật đúng là “sai một ly, đi một dặm”!
Trong kho tàng ca dao Việt Nam cũng có nhiều câu nói về đường đi rất hay. Xin đơn cử một vài câu nơi đây để chúng ta cùng thưởng thức cái tinh tế, sắc sảo của ông cha ta trong cuộc sống:
“Đường xa thì thật là xa,
Mượn mình làm mối cho ta một người.
Một người mười tám đôi mươi,
Một người vừa đẹp vừa tươi như mình.”
Cách nhờ làm mai mối như thế nầy thì thật là...quá tuyệt vời phải không bạn? Một lối nói quanh quanh, xa xa với mục đích cuối cùng là để tán tỉnh, chinh phục...chính người đang đứng trước mặt mình chứ không đâu xa cả.
Câu ca dao sau thì nói về cảnh đẹp của đường đi vô xứ Huế thơ mộng:
“Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.”
Miêu tả vẻ đẹp của con đường từ phía Bắc đi vô xứ Huế, một con đường dài hun hút, quanh co, hai bên là non xanh nước biếc đẹp như tranh vẽ, hành khách có thể thỏa sức nhìn ngắm cảnh đẹp của quê hương miền Trung nước Việt thân yêu.
Mấy câu ca dao sau cũng đề cập đến đường đi, nhưng thể hiện nỗi nhớ niềm thương của người con gái dành cho người yêu của mình khi họ phải xa nhau:
“Anh đi đường ấy xa xa,
Để em ôm bóng trăng tà năm canh.
Nước non một gánh chung tình,
Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng?”
Hoặc:
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng
Đưa nhau một bước lên đàng
Cỏ xanh hai dãy, mấy hàng châu sa”
Đó là ca dao nói về...đường đi!
Còn đây là một vài câu danh ngôn ý nghĩa về...đường đi:
+ “Điều quan trọng không phải ở vị trí ta đang đứng mà ở hướng ta đang đi.”
+ “Nếu đã là con đường của bạn, bạn phải tự bước đi, người khác có thể đi cùng, nhưng không ai có thể bước hộ bạn được.”
+ “Hãy theo đuổi con đường mà bạn có thể đi với tình yêu và lòng tôn kính, dù nó có hẹp và quanh co đến mức nào.”
+ “Đường nào cũng về La Mã”
+ “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi. Mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”...
Châu Kỳ-Hồ Đình Phương thì có bài hát “Con đường xưa em đi” với lời thật quyến rũ và được rất nhiều người thuộc như sau:
“Con đường xưa em đi,
vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê
Anh làm thơ vu quy,
khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi...
Con đường xưa em đi, thời gian có quên gì
đá mòn kia vẫn ghi
Ghi một đêm trăng thanh
quán bên đường vắng tênh
chỉ còn em với anh.”...
Trong cuộc sống thường ngày, đường đi có một tầm quan trọng thật lớn cho chúng ta. Không có đường đi, chúng ta không thể giao thông làm ăn, buôn bán hay gặp gỡ với nhau được. Không có đường đi thì mọi phương tiện xe cộ, hay tàu thuyền có sản xuất ra cũng không thể nào sử dụng được.
Mỗi khi đi sai đường, phải đi trở lại, tôi thường nhớ tới câu nói của ông cha ta: “Sai một ly, đi một dặm” mà thầm cười trong bụng về sự tinh tế và sâu sắc của câu nói ấy.
Trong lĩnh vực niềm tin, tâm linh, Con người chúng ta cần tìm một con đường đúng đắn cho chính cuộc đời mình để đi, kẻo “sai một ly, đi một dặm” thì ...nguy.
Nếu chúng ta không tìm đúng con đường để đi thì chắc chắn, chúng ta sẽ đi đến một nơi mà mình không bao giờ muốn đến.
Trong Kinh thánh, Chúa Giê-xu đã từng tuyên bố với sứ đồ Thô-ma khi ông hỏi Chúa rằng: “Thưa Chúa, chúng con không rõ Chúa đi đâu, làm sao biết đường?”. Chúa Giê-xu đáp: “Ta chính là Con Đường, Chân Lý và Nguồn Sống, chẳng bởi Ta thì không ai đến cùng Cha được.” (Sách Giăng, chương 14, câu 5, 6)
Trước đây, khi chưa nghe biết về Chúa, chưa đọc Kinh thánh, chưa biết lời Chúa Giê-xu phán, thì chúng ta thường đi theo một con đường nào đó cũng được, theo quan niệm “đạo nào cũng tốt”, miễn là chúng ta thấy thích hợp cho mình; hoặc đi theo con đường thờ cúng tổ tiên như ông bà mình đã đi. Cứ theo cách “xưa bày nay bắt chước” là...hay nhất và...yên tâm nhất phải không bạn?
Tôi cảm tạ Chúa, khi đọc Kinh thánh, tôi nhận biết được con đường sự sống phước hạnh duy nhất cho niềm tin của cuộc đời, đó chính là Chúa Giê-xu. Và tôi đã quyết định đi theo con đường phước hạnh đó từ mấy mươi năm qua. Tôi thật sự cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn và một niềm vui thỏa vô ngần trong cuộc sống.
Thưa bạn, Chúa Giê-xu không phải là bảng chỉ đường. Ngài là Con Đường và là con đường duy nhất đưa con người đến với Đức Chúa Trời để được hưởng sự sống đời đời.
Khi đi đường, bạn thấy có những tấm bảng nhỏ chỉ đường đặt ở những góc đường hoặc những tấm bảng chỉ đường lớn được bắt ngang qua trên đầu. Bạn theo hướng dẫn của những tấm bảng chỉ đường đó để đi đến nơi mà mình cần đến. Ngày hôm nay, trong thời đại cực kỳ tân tiến nầy, hầu như ai cũng có điện thoại thông minh, trong đó người ta đã cài đặt (set-up) sẵn GPS (hệ thống định vị toàn cầu), bạn bật lên và người ta sẽ hướng dẫn bạn rất rõ ràng đường để bạn có thể đi đến nơi bạn muốn đến một cách dễ dàng. Thật không còn gì tiện lợi hơn thế nữa!
Nhưng thưa bạn, những tấm bảng chỉ đường đó hay hệ thống GPS chỉ đường hiện đại đó, tự nó không thể nào đưa bạn đến nơi bạn muốn đến được, bạn cần phải có con đường để đưa bạn đi đến đó. Chính con đường, chứ không phải những tấm bảng chỉ đường mới đưa bạn đến được nơi bạn muốn đến. Hẳn bạn đồng ý với tôi điều đó?
Về phương diện tâm linh, niềm tin cũng vậy. Chính Chúa Giê-xu mới là Con Đường và là con đường duy nhất đưa chúng ta đến với Đức Chúa Trời, chứ không phải bất cứ tôn giáo hay triết lý nào cả. Các tôn giáo hay triết lý của trần gian có thể đóng vai trò là những tấm bảng chỉ đường để con người biết mình là tội nhân, cần phải đến với Đức Chúa Trời để được tha thứ tội lỗi và nhận được sự cứu rỗi, nhưng chỉ có Đức Chúa Giê-xu, và duy chỉ có Ngài mới là Con Đường đưa con người đến với Đức Chúa Trời mà thôi.
Hỡi những độc giả thân mến là những người chưa tin nhận Chúa Giê-xu,
Chúng tôi kính mời quý vị đến với Chúa Giê-xu để được ở trong Con Đường đến với Đức Chúa Trời, hầu đảm bảo cuộc đời của mình đang bước đi trên con đường đúng đắn và chính xác, không sợ sai trật, lầm lạc.
Tiên tri Ê-sai trong thời Cựu Ước đã bày tỏ về con đường phước hạnh đó một cách chắc chắn như sau: “Tại đó sẽ có một đại lộ. Một con đường gọi là đường thánh. Người ô uế sẽ không được đi qua, nhưng những người đi trên đường ấy, dù khờ dại cũng không lầm lạc...Những người được chuộc của CHÚA sẽ trở về. Đi vào Si-ôn trong tiếng hát. Niềm vui mừng vĩnh cửu sẽ ở trên đầu họ. Họ đầy niềm hân hoan, vui mừng. Buồn rầu và than thở sẽ trốn mất.” (Sách Ê-sai, chương 35, câu 8 và câu 10)
Nếu quý vị và các bạn đang đi trên con đường sai trật mà mình tưởng là đúng, thì hôm nay là thì thuận tiện, hôm nay là ngày cứu rỗi cho quý vị và các bạn, nếu quý vị và các bạn biết dừng lại và quay bước để bước đi trên Con Đường đúng đắn là Chúa Giê-xu, thì quý vị và các bạn sẽ không bao giờ sợ sai đường lạc lối nữa.
Kinh thánh có một lời cảnh báo cho con người chúng ta trong việc chọn con đường niềm tin, con đường cứu rỗi như sau: “Có một con đường dường như chính đáng cho loài người. Nhưng cuối cùng là con đường sự chết.” (Sách Châm Ngôn, chương 14, câu 12)
Thật là nguy hiểm biết bao cho ai chọn một con đường niềm tin mà con đường đó là con đường sai trật, nhưng cứ tưởng là con đường chánh đáng, để rồi dành cả đời đeo đuổi theo, và đến cuối cùng thì mới nhận biết được đó là con đường sự chết!
Ta thường hay nghe câu nói “Đường nào cũng về La Mã”. Ý muốn nói đến mục đích thì có một nhưng những phương cách để đạt đến mục đích thì có nhiều. Câu nầy có thể đúng trong cuộc sống hằng ngày; nhưng trong lĩnh vực niềm tin, trong lĩnh vực sự cứu rỗi linh hồn thì hoàn toàn không đúng. Phần lớn các tôn giáo có thể hướng con người đến việc thiện lành, như là những tấm bảng chỉ đường cho con người hướng đến Đấng Tạo Hóa, nhưng chỉ có Chúa Giê-xu mới là Con Đường để đưa tội nhân đến với Đức Chúa Trời. Con đường địa lý dưới trần gian nầy thì nhiều, và chúng ta có thể đi đến một địa điểm nào nó bằng nhiều hướng khác nhau, nhưng Con Đường Cứu Rỗi, Con Đường dẫn con người đến với Thiên đàng thì chỉ có một và duy chỉ một mà thôi.
Chỉ có một mình Chúa Giê-xu phán: “Ta chính là Con Đường, Chân Lý và Nguồn Sống...”
Xin mời bạn hãy đến và bước đi trên Con Đường Giê-xu hôm nay cùng với chúng tôi bạn nhé!
Trân trọng,
California, ngày 04. 10. 2019
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh thánh trích trong bài viết là từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)
(**): https://vi.wikipedia.org/wiki