Giê-hô-sa-phát, vua Giu-đa, đã liên minh với vua A-háp, vua Y-sơ-ra-ên, qua cuộc hôn nhân của con họ. Đây không phải là một bước tiến triển tốt đối với vua Giê-hô-saphát, vì ông kính sợ Chúa, còn A-háp là một người thờ thần tượng
Vua A-háp triệu tập bốn trăm tiên tri và lãnh đạo nổi tiếng nhất của Y-sơ-ra-ên. Đây không phải là những người hầu việc Ba-anh, A-sê-ra, Kê-mốt hay thần giả, mà là những tiên tri của Chúa (họ nói trong danh của Yahweh). A-háp hỏi họ xem ông đi tham chiến hay trì hoãn. Tất cả các tiên tri đồng lòng nói: "Vua hãy đi, Đức Chúa Trời sẽ trao thành ấy vào tay vua.” (2 Sử Ký 18:5). Các lãnh đạo này được huấn luyện để chỉ nói tích cực và giảng sứ điệp khích lệ cho người nghe, đặc biệt là những nhân vật quan trọng. Dù họ là các tiên tri của Chúa, nhưng họ lún sâu vào tham dục - họ là những người thờ thần tượng.
Dù các tiên tri này là những người được tôn trọng nhất của Y-sơ-ra-ên và các sứ điệp của họ rất ấn tượng, nhưng vua Giê-hô-sa-phát cảm thấy không thoải mái với lời khuyên này. Sự kính sợ Chúa trong đời sống của ông đã giữ cho ông có sự phân biệt không thiên vị. Ông hỏi, "Ở đây không còn một tiên tri nào khác của Chúa để chúng ta hỏi người sao?” (câu 6). Ông biết những người lên tiếng là các tiên tri của Chúa, nhưng có điều gì đó không ổn. A-háp vặn lại: "Còn một người chúng ta có thể nhờ để thỉnh cầu Chúa, tên ông ta là Mi-ch, con trai Giêm-la, nhưng tôi ghét ông ấy, ông ta không bao giờ nói tiên tri tốt về tôi nhưng chỉ toàn là xấu mà thôi.” (câu 7).
Sau đó A-háp cho gọi Mi-chê. Trong lúc họ chờ vị tôi tớ thật của Chúa, các tiên tri tiếp tục nói tiên tri trước mặt hai vua. Một người trong số họ, một người Hê-bơ-rơ có tên Sê-đê-kia thuộc chi phái Bên-gia-min tự làm cho mình một cái sừng bằng sắt và nói: "Chúa phán như vầy, Ngươi sẽ dùng các sừng nầy húc Sy-ri cho đến khi hủy diệt chúng” (câu 10). Sau đó tất cả các tiên tri nhất trí khuyên vua rằng, "Hãy tấn công Ra-mốt Ga-la-át, vua sẽ thành công; Chúa sẽ trao thành ấy vào tay vua” (câu 11).
Khi Mi-chê đến trước mặt A-háp, ông được đặt câu hỏi tương tự mà nhiều tiên tri khác đã trả lời. Mi-chê trả lời đầy mỉa mai, "Cứ đánh đi, vua sẽ chiến thắng mà, thành sẽ lọt vào tay vua” (câu 14). A-háp tức giận vì bị Mi-chê nói móc. Sau đó Mi-chê nói Lời Chúa liên quan đến hoàn cảnh đó: "Tôi thấy toàn thể Y-sơ-ra-ên chạy tán loạn trên các đồi như bầy chiên không có người chăn; và CHÚA phán: Những người này không có chủ, hãy để mỗi người trở về nhà bình an. ” (câu 16). A-háp quay sang vua Giê-hô-sa-phát và nói: "Tôi đã chẳng nói với ngài sao, ông ta không bao giờ nói tiên tri lành về tôi, chỉ toàn điều dữ” (câu 17). Rồi Mi-chê nói tiếp với A-háp những gì thật sự đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra: "Vậy, hãy nghe lời Chúa, tôi thấy Chúa ngồi trên ngai và toàn thể đạo thiên binh đứng chầu bên phải và bên trái. Chúa hỏi: Ai sẽ dụ A-háp, vua Y-sơ-ra-ên đi lên và ngã gục tại Ra-mốt Ga-la-át? Người nói thế này, kẻ nói thế nọ. Bấy giờ một thần tiến lên, đứng trước mặt Chúa và thưa: Tôi sẽ dụ người. Chúa hỏi: Bằng cách nào? Thần đáp: Tôi sẽ đi và làm thần nói láo trong miệng của tất cả các tiên tri của người. Chúa bảo: Ngươi sẽ dụ được người và thành công, hãy đi và làm như vậy. Như vậy Chúa đặt thần nói láo vào miệng các tiên tri của vua; Chúa đã định tai họa cho vua” (câu 18-22
A-háp nhận được sứ điệp mà ông muốn nghe, nhưng ông khước từ những lời chân thật của Chúa, là những lời đem đến sự bảo vệ và sự giải cứu. A-háp đi ra xung trận. Dù ông được bảo vệ khi cải trang để người Sy-ri không nhận ra ông, nhưng ông đã bị một mũi tên đi lạc bắn trúng và chết trước khi hết ngày hôm đó.
Bạn có thể giấu được với con người nhưng không bao giờ có thể giấu được với Chúa! Còn ngày nay thì sao? Chúng ta có muốn sự bảo vệ, sự cung ứng và sự giải cứu mà Chúa hứa không? Hay chúng ta muốn được nịnh hót? Chúng ta muốn nghe "bình an” trong khi thực tế nan đề phát sinh do sự lừa dối mà chúng ta đã mang vào đời sống mình? Chúng ta có suy nghĩ thấu đáo theo ánh sáng của Kinh Thánh không? Điều nào là tốt hơn - sự bảo vệ lâu dài khi đầu phục toàn bộ ý định của Lời Chúa, hay chỉ là phước hạnh bề ngoài tạm thời đang khi sự kỷ luật và sự phán xét đang đến rất gần?
Nhiều Cơ Đốc nhân hữu danh vô thực chỉ muốn nghe những bài giảng làm cho họ cảm thấy thoải mái, và vì cớ sự ham muốn và sợ con người, nhiều mục sư sẵn sàng rao giảng những lời nào khích lệ tín đồ mà thôi. Trong những trường hợp như thế, những bài giảng nghe có vẻ thật tuyệt vời, nhưng nó thiếu rất nhiều và sẽ dẫn cả mục sư lẫn tín đồ tới chỗ rắc rối. Chúng ta cần nghe lẽ thật, cho dù lúc đầu nó đau thật. Dù khi nghe lẽ thật có đau thế nào đi nữa, thì nỗi đau đó vẫn thua xa nỗi khó khăn mà chúng ta sẽ gặp phải khi chúng ta sống trong sự lừa dối. Bạn có thể trở thành một người đeo đuổi lẽ thật. Hãy bắt đầu xin Chúa phán lẽ thật của Ngài về đời sống của bạn, mời Ngài bày tỏ bất cứ chỗ nào bạn bị lừa dối. Hãy viết ra những lẽ thật Ngài nói với bạn để bạn có thể suy gẫm vào những ngày tới và tuần tới. Sau đó hãy xin Chúa thêm sức cho bạn để nói ra lẽ thật, dẫu làm thế sẽ không được tiếng tăm hoặc không được hoan nghênh lắm. Bạn không cần phải tranh luận, nhưng bạn có thể nói, như Mi-chê, "Chúa là Đấng hằng sống, ta chỉ có thể nói với vua điều gì Đức Chúa Trời của ta phán.
John Bevere (Theo Giải Độc Siêu Nhân)