“Hãy thường thường, nhân danh Đức Chúa Giê-su chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta.” (Ê phê sô 5:19-20)
Hằng năm vào thứ Năm thứ 4 của tháng 11, dân chúng Hoa Kỳ mừng Lễ Tạ Ơn. Lễ Tạ Ơn được những di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ tổ chức cách đây hơn 400 năm. Những di dân đó là những tín hữu Tin Lành, họ quyết định mỗi năm biệt riêng ra một ngày để tạ ơn Chúa vì Chúa đã bao dung che chở họ giữa những khó khăn trong cuộc sống và đã ban cho họ cơ hội tự do thờ phượng Ngài. Truyền thống tốt đẹp đó theo thời gian đã được cả nước Mỹ công nhận và trở thành một ngày quốc lễ quan trọng tại Hoa Kỳ.
Chữ ‘Yaddah’ trong tiếng Hybálai được dịch là Tạ ơn – Thanks. Chữ nầy chỉ về một hành động tuyên bố trước công chúng về sự tạ ơn. Chữ nầy cũng được dùng như một lời xưng tội trước công chúng và một lời chúc tụng về mỹ đức và việc làm của Chúa. Trong thời Tân ước tinh thần tạ ơn được dạy dỗ như sau: (1) Tạ ơn Chúa về thân thể và huyết của Chúa Giê-su lúc nhận lễ Tiệc Thánh (2) Tạ ơn Chúa về những phước lành đến với chúng ta qua Chúa Giê-su, và (3) Tạ ơn Chúa về những người mới biết Chúa.
Trong bức thư gởi cho các tín hữu tại Êphêsô, Sứ đồ Phao Lô nhắc nhở con dân Chúa như sau: “Hãy thường thường, nhân danh Đức Chúa Giê-su chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta. ” (Êphêsô 5:19-20). Đối tượng của con dân Chúa cảm tạ mỗi ngày phải là Đức Chúa Trời. Lý do chúng ta cảm tạ Chúa là: (a) Ngài là Đấng Tạo hóa. Chúng ta là tạo vật của Ngài; (b) Ngài là Đấng Cứu chuộc chúng ta; (3) Chúa là Cứu Chúa và Vua của đời sống con dân Ngài. Kinh Thánh cho biết chúng ta là con dân của Ngài, là đầy tớ của Ngài, là bầy chiên của Ngài. Vì Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa nên chúng ta phải biết ơn Ngài và phải luôn tôn thờ, ca ngợi, và phụng sự Ngài. Là con dân Chúa, chúng ta phải biết cảm tạ Chúa trước rồi sau đó, mới cảm ơn nhau. Tuần trước chúng ta đã suy gẫm điều (1) Thường Xuyên Tạ Ơn Chúa Trong Mọi Sự. Hôm nay, mời bạn cùng tôi suy gẫm điều (2) Tạ Ơn Chúa Trong Lời Cầu Nguyện.
2. Tạ Ơn Chúa Trong Lời Cầu Nguyện. Tại sao con dân Chúa phải luôn luôn cầu nguyện? Bởi vì chúng ta cần Chúa, cần tương giao với Ngài, cần biết ý chỉ của Ngài. Tại sao con dân Chúa phải nhân danh Đức Chúa Giê-su trong lời càu nguyện. Theo phong tục cổ xưa của thời Thánh Kinh Tân Cựu Ước, nhắc tên của một người là nhắc đến cả cuộc đời của người đó. Cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su là nhớ đến cả đời sống và chức vụ của Chúa Giê-su yêu dấu của chúng ta ở trên đất. Kinh Thánh cho biết ít nhất có hai lý do: (1) Được sáng danh Đức Chúa Cha. Trong thuận cảnh chúng ta đừng quên cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su để cảm tạ Ngài ban phước, phù hộ đời sống mình. Có làm như vậy chúng ta mới thừa nhận rằng sức mình không làm được gì cả nhưng bởi do sức Chúa. Có làm như vậy, chúng ta mới làm sáng danh Đức Chúa Cha được. (2) Được Chúa Giê-su nhậm lời. Trong bối cảnh ở đây, Chúa Giê-su nhậm lời con dân Ngài cầu xin trước tiên là sự bình an qua sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong đời sống con dân Ngài. Trong nghịch cảnh chúng ta cũng đừng quên cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su để cầu xin Ngài ban cho mình sự bình an và sức mới hầu vượt qua sự khó khăn thử thách trong đời sống.
Kinh Thánh cho biết ơn Chúa ban cho chúng ta đều mới luôn mỗi ngày, vì thế chúng ta nên cảm tạ Chúa luôn mỗi ngày. Trong bản Kinh Thánh tiếng Anh NIV, chữ “thường thường” là “always”, có nghĩa là “luôn luôn”, và cũng có nghĩa là không có giới hạn. Tùy vào mỗi cá nhân chúng ta thực hành mà thôi. Nếu chỉ cảm tạ một lần trong một tuần hay một tháng thì có nên gọi là luôn luôn không? Con dân Chúa có thể cảm tạ Chúa ít nhất là 4 lần: buổi sáng, ăn trưa, ăn tối, và trước khi đi ngủ. Kinh Thánh cho biết vua Đa-vít tìm cách đáp ơn Chúa vì ông đã nhận quá nhiều ơn phước từ Chúa và chịu ơn giúp đỡ từ Giô-na-than (2 Samuên 9:1). Người biết ơn thật là người biết ơn Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên mình, đã cứu chuộc và biến đổi đời sống mình. Người biết ơn Chúa luôn cảm tạ Ngài trong mọi sự, lúc thuận thời hay lúc nghịch cảnh, và thường xuyên cảm tạ Ngài. Bạn có là người biết ơn Chúa hôm nay không?
Một tín nhân nhận định về lòng biết ơn như sau: “Con người bị mang tiếng là ít khi cảm tạ mà than trách rất nhiều. Nghĩa là biết ơn thì ít mà oán hận vẫn nhiều. Nếu một người sinh ra đời, không biết ơn cha mẹ mà còn than trách và nhiều khi muốn phủ nhận, thì ta gọi là bất hiếu. Nếu người ấy lại phủ nhận cả công ơn của ông bà nội ngoại, thì chúng ta gọi là vong ơn bạc nghĩa, vì không có ông bà làm sao có cha mẹ? Nhưng cứ lần mãi lên trên ông bà và các bậc tổ phụ tiếp nối, cho đến tận hai con người đầu tiên trên mặt đất, mà người ấy không công nhận, thì gọi là mất nguồn cội. ” Bạn đang cảm tạ ai? Đức Chúa Trời hay con người? Hãy nói chữ: “Cảm tạ Chúa” mỗi ngày trong đời sống mình kể từ hôm nay.
Tạ ơn Chúa trong mọi sự là một tinh thần của một đời sống kinh nghiệm sự trưởng thành trong Chúa. Người Cơ Đốc trưởng thành vì có sự tương giao với Đức Chúa Cha trong danh Đức Chúa Giê-su Christ. Đôi khi, rất khó cho con dân Chúa tạ ơn Ngài trong mọi sự được, nhưng hãy nhớ rằng dù gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh ta cũng phải biết tạ ơn Chúa bởi vì ta thuộc về Ngài và Ngài luôn có chương trình tốt đẹp cho đời sống chúng ta. Cầu xin Chúa giúp bạn luôn biết tạ ơn Chúa trong mọi sự và nhân danh Chúa Giê-su trong lời cầu nguyện mỗi ngày. A-men.
Mục sư Lê Hồng Phúc
Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc