Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 136

Chuyện Giáng Sinh Trong... Thơ

Kinh thánh: Lu-ca 2: 14; Ê-phê-sô 2: 4, 5 (*)

Kính chào quý độc giả thân mến,

Mặc dù Kinh thánh không ghi lại ngày tháng năm Chúa Giê-xu giáng sinh cách rõ ràng, nhưng từ rất lâu, có thể nói là từ cả ngàn năm qua, theo truyền thống, người Cơ-đốc đã tổ chức Lễ Kỷ niệm sự Giáng sinh của Chúa Giê-xu vào ngày 25 tháng 12 hằng năm, với mục đích để ca ngợi tình yêu thương lớn lao của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.

Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ cũng theo đó mà cho ra đời những...đứa con tinh thần để bày tỏ cảm xúc sâu xa của mình trước sự kiện không tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại.

Nhân mùa Giáng sinh, xin mời bạn cùng tôi cùng suy niệm về Giáng sinh được thể hiện trong...thơ của một số các nhà thơ, cây bút Cơ-đốc.

Khi tháng Mười Hai về, là người ta nhớ đến sự vào đời của Chúa Cứu Thế, người ta nhớ đến Tình Trời cho nhân thế mới đẹp làm sao. Bình Tú Ngọc viết về Tháng Mười Hai với những vần thơ năm chữ chân tình, dễ thương:

Tháng Mười Hai lại về
Trong cái lạnh tái tê
Lòng lâng lâng nhớ lại
Câu chuyện tình say mê...

Tình Trời cho nhân thế
Chúa giáng sinh làm người
Giữa đêm khuya tĩnh lặng
Thiên thần ca muôn nơi...
(Tình Trời muôn thuở - Bình Tú Ngọc)

Khi nhớ về Giáng sinh, người ta thường nhớ về hình ảnh chuồng chiên, máng cỏ có Hài Nhi Giê-xu nằm trong đó, vì hình ảnh ấy nói đến tình Chúa dành cho con người thật tuyệt vời:

Giáng sinh về nhớ lắm
Nơi máng cỏ năm xưa
Yêu biết mấy cho vừa
Tình Chúa tôi tuyệt diệu...
(Nhớ về máng cỏ - Bình Tú Ngọc)

Mùa Giáng sinh về, cũng có nghĩa là mùa yêu thương cũng đã về. Vì nói đến Giáng sinh là nói đến tình yêu, tình Chúa yêu người được biểu lộ một cách rõ ràng:

Giáng sinh, mùa của yêu thương
Giáng sinh, mùa của vấn vương tình Trời
Giê-xu, Cứu Chúa tuyệt vời
Trời cao giáng thế làm người cứu ta
(Mùa yêu thương – Bình Tú Ngọc)

Mùa Giáng sinh đến, người ta thường có những ước vọng khác nhau; còn bạn, bạn có ước vọng gì cho mình không? Thi sĩ Thanh Hữu thì có một ước vọng khá lý thú như thế này:

Giáng sinh hồn bỗng giao mùa,
Tai nghe thánh nhạc đã khua động lòng.
Với niềm ao ước cầu mong,
Được như máng cỏ ở trong chuồng bò.

Nâng niu tình Chúa khôn dò,
Rơm khô làm nệm để cho ấm lòng.
Ước làm sao sáng phương đông,
Dẫn đường người đến cảm thông Con Trời.
(Ước vọng giáng sinh –Thanh Hữu)

Thi sĩ ước được làm một cái máng cỏ đơn sơ thôi để được Chúa ngự vào, và ước được làm một ngôi sao sáng trên bầu trời để dắt đưa người khác đến với Hài Nhi Thánh Giê-xu là một sự thỏa lòng trong đời sống. Không còn mong gì hơn thế!

Khi nói đến Giáng sinh, người ta cũng không thể nào quên được câu chuyện các nhà bác học theo ánh sao dẫn đường mà tìm kiếm Chúa để thờ phượng, được ghi lại trong sách Ma-thi-ơ, chương 2.

Nương theo câu chuyện đó, chúng ta hãy nghe Thanh Hữu bày tỏ những cảm xúc thật sâu sắc của mình:

Nhìn lên tinh tú trên trời,
Nghĩ về Bác sĩ một thời tìm Vua.
Đường dài khúc khuỷu nắng mưa,
Theo ánh sao sáng dẫn đưa hành trình?

Khi vào đến chốn thần kinh,
Choáng ngợp giàu có quên nhìn ánh sao.
Họ nhìn đến những "siêu sao",
Nhìn vua Hê-rốt tối cao triều đình.

Nhìn những học giả Thánh Kinh,
Mong tìm cứu Chúa anh minh cứu người.
Mịt mùng, lạc lỏng, chơi vơi,
Tìm đâu phương hướng đến nơi tôn thờ!
(Theo ánh sao – Thanh Hữu)

Ngày hôm nay, không ít người cũng giống như những nhà thông thái năm xưa, nhiều khi chạy đi tìm kiếm Chúa qua những con người...thông minh, xuất chúng của đời hơn là tìm kiếm Chúa qua lời Kinh thánh đã dạy, để rồi phải sống trong “thất vọng, lạc lối, hồ nghi” thật là tội nghiệp:

Như nhà thông thái một thời,
Ta nhìn vào những con người trần gian.
Tổng thống, tài tử, giàu sang,
Kẻ phát minh mới chỉ đàng mình đi.

Thất vọng, lạc lối, hồ nghi,
Tìm đâu phương hướng để đi về Nguồn.
Ánh sáng Cứu Chúa tràn tuôn,
Chiếu rọi chân lý vào hồn linh con
(Theo ánh sao – Thanh Hữu)

Thanh Hữu đã có những câu thơ kết thúc rất độc đáo, dứt khoát trong niềm tin và cho niềm tin của mình:

Tình yêu, Lời Chúa hằng còn,
Lòng con nhất quyết sắc son theo Ngài.
Dù ai phê phán mặc ai,
Con bước theo ánh sao Ngài mà thôi.
(Theo ánh sao – Thanh Hữu)

Mỗi khi chúng ta kỷ niệm sự vào đời của Chúa Cứu Thế, mỗi một người trong chúng ta không thể nào không suy niệm đến sự khiêm nhường lạ lùng của Ngài. Thanh Hữu thi sĩ cũng vậy. Hãy nghe thi sĩ thắc mắc về sự hạ mình kỳ lạ của Chúa Cứu Thế qua một loạt các câu hỏi:

Có biết bao cung vua đầy vàng ngọc,
Thật huy hoàng, tráng lệ và giàu sang.
Sao Giê-xu chọn máng cỏ cơ hàn,
Để an nghỉ, khi vào thăm nhân thế ?

Sao không chọn vào hoàng gia thừa kế,
Vào vương triều để thụ hưởng quyền uy.
Sao Chúa vào gia đình trẻ nhu mì,
Sống lao động đơn sơ nghề thợ mộc?
(Bên máng cỏ cùng thiên binh ca ngợi – Thanh Hữu)

Những câu hỏi của các thi sĩ trong thơ thường là những câu hỏi dưới dạng tu từ, có nghĩa là hỏi là đã trả lời rồi vậy. Sở dĩ Chúa Giê-xu chọn giáng sinh nơi máng cỏ đơn sơ, và sống trong gia đình một người thợ mộc nghèo nàn là vì yêu thương nhân loại và muốn cứu con người ra khỏi tội lỗi đó thôi. Đó là một điều nhiệm mầu mà trí óc hữu hạn của con người không thể nào hiểu được:

Đường lối Chúa, cao siêu không hiểu nổi,
Thật nhiệm mầu, thật vinh diệu khôn ngoan.
Ngài cứu ta bởi thương xót vạn ngàn,
Không tùy thuộc ta thông minh tài giỏi.
(Bên máng cỏ cùng thiên binh ca ngợi – Thanh Hữu)

Khi Chúa Giê-xu giáng sinh, một đoàn đông các thiên sứ đã cùng nhau ca tụng Đức Chúa Trời rằng:

Vinh danh Thượng Đế trên trời
Bình an dưới đất cho người Ngài thương.

(Sách Lu-ca, chương 2, câu 14)

Chúa Giê-xu giáng sinh là để làm vinh hiển danh Thượng Đế trên trời và để đem lại hòa bình dưới thế cho những người được Ngài đoái thương.

Mùa Giáng sinh về, ai ai cũng cầu mong cho sự bình an của Đức Chúa Trời được thể hiện dưới trần gian nầy, cũng như niềm vui Thiên thượng được đến với thế nhân. Đó cũng chính là sự cầu mong của Mục sư-Thi sĩ Nguyễn Jonathan:

Dự lễ giáng sinh nhớ một lời
Cầu cho thế giới được thảnh thơi
Hồng ân Thiên Chúa tràn muôn lối
Bình an nhân thế vạn niềm vui
(Chúa giáng sinh! – Mục sư Nguyễn Jonathan)

Mùa Giáng sinh là mùa của sự vui mừng. Chúa đến để đem an vui cho nhân loại, nhưng sao thế giới cứ đầy tràn sự đau thương và buồn chán? Lý do của mọi lý do đó chính là vì con người đã không mời Chúa ngự vào lòng mình để Ngài làm Chúa làm Chủ cuộc đời. Lý do của mọi lý do ấy là con người đã để cái TÔI của mình lên ngôi thay vì mời Chúa Giê-xu lên ngôi trong tâm hồn.

Nữ thi sĩ Tiểu Minh Ngọc đã kinh nghiệm được một cuộc đời vui mừng phước hạnh là một cuộc đời có Chúa ngự trị, có Chúa cai trị cõi lòng:

Ta hãy sống như Ngài hằng mong muốn,
Luôn vui mừng, rao báo tới muôn dân,
Một Tin Lành - Sự Cứu Rỗi đã gần,
Vui mừng lớn, chỉ duy Ngài ban xuống!

Cảm tạ Chúa, ban Đường Đi, Sự Sống,
Lòng vui mừng, ngợi khen trước mặt Ngài,
Mùa Giáng Sinh, mùa hy vọng phước thay,
Đời có Chúa, thật vui mừng khôn xiết!
(Giáng sinh vui mừng – Tiểu Minh Ngọc)

Lý do Chúa Giê-xu phải giáng sinh làm người hơn hai ngàn năm đã qua, đó là vì con người đắm chìm trong tội lỗi và vô phương tự cứu. Cho nên, Chúa Giê-xu đến để tìm và cứu kẻ bị hư mất như chúng ta. Chúa đến để ban ơn tha thứ và ban sự sống đời đời cho những ai tin nhận Ngài:

Con người tội lỗi khắp nơi,
Tấm lòng gian ác, nói lời xấu xa,
Nhưng tình yêu Chúa bao la,
Nhân từ, thương xót, thứ tha bao người!
Ngài ban Con Một vào đời,
Ai tin sẽ được sống đời dài lâu!
Tình Ngài hằng hữu ban đầu,
Muốn cho tất cả quay đầu ăn năn!
(Quà Chúa ban – Tiểu Minh Ngọc)

Có thể nói một cách mạnh mẽ và chắc chắn rằng không có một tình yêu nào đã từng được ban cho con người chúng ta lớn lao và vĩ đại như tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Không có trái tim nào lớn hơn trái tim của Đức Chúa Trời đã dành cho nhân loại. Kinh thánh cho biết về tình yêu cao sâu mầu nhiệm của Đức Chúa Trời như sau: “Nhưng Đức Chúa Trời giàu lòng thương xót, lấy tình yêu dạt dào yêu quí chúng ta, nên ngay lúc chúng ta đang chết trong các vi phạm mình Ngài làm cho chúng ta lại được sống với Chúa Cứu Thế. Ấy chính nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời mà anh chị em được cứu.” (Sách Ê-phê-sô, chương 2, câu 4, 5).

Mục sư-Thi sĩ Nguyễn Văn Soi đã trải bày lòng mình trước tình yêu lớn đó của Đức Chúa Trời bằng những vần thơ lục bát thật thân thương, gần gũi và chân tình:

Yêu ta Ngài đã rời xa
Ngôi cao vinh hiển sáng loà vinh quang
Đến nơi trần thế cơ hàn
Chuồng chiên máng cỏ để mang kiếp người
Nào ai có biết ai ơi
Vì yêu ta Chúa xuống đời vì ta
Mau tin để tội được tha
Linh hồn được cứu phục hoà ơn thiêng
Nô-Ên đã đến mọi miền
Tình yêu giáng thế thật huyền diệu thay
(Tình yêu giáng sinh – Mục sư Nguyễn Văn Soi)

Câu chuyện Giáng sinh dù đã được xảy ra hơn hai ngàn qua rồi, nhưng luôn luôn để lại trong tâm khảm của con người những cảm xúc sâu lắng, khó tả về tình Trời muôn thuở, về tình Chúa yêu người. Một tình yêu cảo cả, vĩ đại không thể nào diễn tả hết được bằng ngôn ngữ hữu hạn của loài người; không thể nào hiểu hết được bằng trí óc nhỏ bé của chúng ta. Chúa đã giáng sinh xuống thế gian nầy với mục đích là “Để cho đời khổ rộn tiếng ca”. Mời bạn cùng lắng nghe tâm sự một chiều Giáng sinh của Mục sư-Thi sĩ Nguyễn Văn Soi qua bài thơ thất ngôn bát cú đầy... hoài niệm:

Chiều về mây tím kín trời xa
Bước khẻ trên đê bóng nhạt nhoà
Nghĩ suy chuyện của ngàn năm cũ
Giê - xu đã đến cảnh xót xa . . .
Nhân gian ai biết câu chuyện ấy
Thế hạ nào hay Chúa vì ta
Chuồng chiên,máng cỏ đành giáng thế
Để cho đời khổ rộn tiếng ca
(Chiều Giáng Sinh – Mục sư Nguyễn Văn Soi)

Mùa Giáng sinh đến, ngày nay người ta chưng diện nhiều cây thông Nô-ên trong nhà, trong giáo đường để...mừng Chúa vào đời.

Tôi nhớ ngày xưa, nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã từng ước mong:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông

Ngày nay, thi sĩ T-N-P cũng ước mơ làm một cây thông như thế, nhưng không phải là cây thông đứng giữa trời, nơi vách đá cheo leo của Nguyễn Công Trứ để...thưởng thức cái rét mướt của mùa đông giá băng, để...thách thức cùng sương gió; nhưng là để được đón mừng sự vào đời của Chúa Cứu Thế:

Con muốn làm cành thông
Chốn trời Đông xa tít
Noi gương ba bác sĩ
Tìm thờ Đấng Chí Tôn.
Con muốn làm cành thông
Cô đơn rét lạnh lùng
Vẫn thấy đời ấm cúng
Tình yêu Chúa mặn nồng.
Con muốn làm cành thông
Tươi xanh không vướng bận
Để lòng được trắng trong
Sống trong Ngài bất tận.
Con muốn làm cành thông
Đêm Nô-ên huyền diệu
Dâng lời ca, tiếng hát...
Đón mừng Chúa Giáng Sinh.
(Cành thông Giáng sinh – T-N-P)

Thơ lục bát là thể thơ quen thuộc của ông cha ta để lại và là thể thơ dễ đi vào lòng người. Các thi sĩ có thể làm nhiều thể loại thơ khác nhau, nhưng lục bát vẫn luôn là thể thơ được ưa thích của nhiều thi sĩ Việt Nam. Lục bát là thể thơ...dễ làm, nhưng không...dễ hay. Hồ Xuân Được, một cây bút hay làm thơ lục bát, và tôi thấy đọc...được. Hồ Xuân Được có bài thơ lục bát về Giáng sinh mà tôi đọc thấy...dễ nhớ và...đáng yêu:

Nô-ên vui thỏa lòng ta
Giê-xu Thánh Chúa sinh ra cứu đời
Chia dòng lịch sử hai nơi
Kỷ nguyên ân điển sáng ngời niềm tin.
Bạn... Tôi, ta hãy kiếm tìm
Chiên Ta tan tác trên triền núi cao
Sanh linh muôn triệu đồng bào
Đưa về chuồng Chúa là bao linh hồn.
Niềm vui khi được lên ngôi
Là khi ta đã nhân đôi yêu người
Lời thơ gieo hạt mười mươi
Nô-ên vui thỏa muôn người Chúa thương.
(Nô-ên vui thỏa – Hồ Xuân Được)

Tôi thích bốn câu kết của bài thơ:

Niềm vui khi được lên ngôi
Là khi ta đã nhân đôi yêu người
Lời thơ gieo hạt mười mươi
Nô-ên vui thỏa muôn người Chúa thương.
(Nô-ên vui thỏa – Hồ Xuân Được)

Vâng, tôi viết bài nầy cũng không ngoài mục đích là nhân lên niềm vui của mùa Giáng sinh với mọi người để chúng ta cùng...thưởng thức những vần thơ Giáng sinh và cùng suy niệm về tình yêu giáng thế tuyệt đẹp.

Chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ được vui thỏa khi gặp Chúa Giê-xu như các anh chăn chiên ngày xưa sau khi gặp được Hài Nhi Thánh, đời sống các anh thỏa vui ca ngợi Đức Chúa Trời.

Kính chúc quý độc giả của Vietchristian.com hưởng một mùa Giáng sinh đầm ấm, thân thương bên gia đình và người thân.

Ước ao nếu bạn là những người chưa đón nhận Hài Nhi Giê-xu vào lòng thì mùa Giáng sinh này bạn sẽ quyết định đón nhận Chúa Giê-xu vào lòng như máng cỏ xưa đã được Chúa ngự, để cuộc đời của bạn sẽ được phước mãi mãi và miên viễn.

Mùa Giáng sinh 2019

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)