-Thứ nhứt là cầu nguyện, bày tỏ, nổi khổ với Chúa. Kêu van nài xin Ngài giúp đỡ; nhưng chúng ta phải chờ đợi sự trả lời của Ngài, dù chúng ta không biết khi nào! Ông Giô-na cũng đã đến với Chúa khi ông sắp chết, nằm trong bụng cá, ông nói, “Khi linh hồn tôi mòn mỏi trong tôi, thì tôi nhớ đến Đức Giê-hô-va, Và lời cầu nguyện của tôi đạt đến Ngài, vào đền thánh Ngài” (Giô-na 2:8); vua Đa-vít cũng nói rằng, “Đức Giê-hô-va sẽ làm nơi náu ẩn cao cho kẻ bị hà hiếp, Một nơi náu ẩn cao trong thì gian truân” (Thi-thiên 9:9). Chúa biết chúng ta là những con người yếu đuối, và cần Ngài giúp đỡ, Chúa sẽ không trách móc chúng ta khi chúng ta bày tỏ nổi khổ “nặng như cát biển” của chúng ta với Ngài, “Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất. ... Song sự nhân từ Đức Giê-hô-va hằng có đời đời. Cho những người kính sợ Ngài, và sự công bình Ngài dành cho chắt chít của họ” (Thi-thiên 103:14-17).Mặc khác, nếu chúng ta là ông Ê-li-pha thì chúng ta nên làm gì? Đối với người bạn của Gióp, chúng ta thấy ông Ê-li-pha là không ngại ngùng mà tuôn ra những lời trách móc Gióp. Ê-li-pha nghĩ rằng ông Gióp đã phạm tội và đã bị Chúa phạt; ông Ê-li-pha nói với ông Gióp, “Ông hãy suy xét lại, nào bao giờ có kẻ vô tội bị hư mất? Đâu có người ngay thẳng lại bị trừ diệt? Theo điều tôi đã thấy, ai cày sự gian ác, Và gieo điều khuấy rối, thì lại gặt lấy nó” (Gióp 4:7-8). Ông Ê-li-pha thật sự không biết Gióp phạm tội gì, mà đã kêu Gióp ăn năn, và có vẻ xét đoán ông Gióp hơn là yên ủi khích lệ. Chúa Giê-xu dạy chúng ta không nên đoán xét người khác, “Đừng đoán xét ai, thì các ngươi khỏi bị đoán xét; đừng lên án ai, thì các ngươi khỏi bị lên án; hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình” (Lu-ca 6:37); và chúng ta nên để Chúa làm việc này, “Vậy, chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến; chính Chúa sẽ tỏ những sự giấu trong nơi tối ra nơi sáng, và bày ra những sự toan định trong lòng người; bấy giờ, ai nấy sẽ bởi Đức Chúa Trời mà lãnh sự khen ngợi mình đáng lãnh” (1 Cô-rinh-tô 4:5). Thêm vào đó chúng ta “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3); chúng ta phải có lòng thương xót, như Chúa Giê-xu dạy, “Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót” (Lu-ca 6:36); “Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót” (Ma-thi-ơ 5:7). Chúng ta nên nói lời yên ủi, cầu nguyện xin Chúa thêm sức cho anh em chúng ta để họ có thể vượt qua những hoạn nạn; cũng cầu xin Chúa cho họ thấy được điều gì Chúa muốn dạy họ thử thách, khó khăn; hầu cho đức tin họ được lớn thêm! Đồng thời, nếu chúng ta có thể giúp được việc gì cụ thể, thì chúng ta nên giúp, như lời Chúa dạy, “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 4:10). Chúa ban cho chúng ta có những tài vật, ân tứ thì chúng ta nên dùng mà giúp đỡ người khác trong lúc khốn khó, lúc họ có nhu cầu!
-Thứ hai, cầu xin sự giúp đỡ của Chúa. Xin Chúa chữa lành, xin Chúa thêm sức để vượt qua, vì Chúa hứa Ngài không thử thách quá mức, “Xin Chúa ban ơn lành cho tôi tớ Chúa, để tôi được sống; thì tôi sẽ giữ lời của Chúa” (Thi-thiên 119:17); “Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng” (Hê-bơ-rơ 4:16); “Dẫu tôi đi giữa gian truân, Chúa sẽ làm cho tôi được sống, Giơ tay Chúa ra chống trả cơn giận của kẻ thù nghịch tôi, Và tay hữu Chúa sẽ cứu tôi” (Thi-thiên 138:7). Chúng ta có thể cầu xin Chúa bày tỏ ý của Ngài, một “dấu hiệu”, “bằng cớ” trong hoàn cảnh đau khổ này, “Xin Chúa ra một dấu hiệu chỉ về ơn Chúa đối cùng tôi, Hầu cho kẻ ghét tôi được thấy dấu ấy, và bị hổ thẹn; vì, Đức Giê-hô-va ơi, chính Ngài đã giúp đỡ và an ủi tôi” (Thi-thiên 86:17); “Xin Chúa ban cho tôi một bằng cớ; hãy bảo lãnh tôi bên Chúa; Vì ngoài Chúa ai sẽ bảo lãnh cho tôi” (Gióp 17:3).
-Thứ ba là cầm giữ đức tin nơi Chúa - chúng ta cần vững tin tuyệt đối vào sự quan phòng của Chúa, vì Chúa biết hết mọi sự. Trong trường hợp ông Gióp thì Chúa đã biết tại sao ông bị những tai họa khủng khiếp này, nhưng Chúa vẫn im lặng! Sự im lặng của Chúa không có nghĩa là Ngài bỏ quên chúng ta, nhưng vì chưa tới thời điểm tốt nhất để Chúa trả lời! Chúng ta phải hoàn toàn tin cậy Ngài – Đấng chủ tể muôn loài! "Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va; hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 27:14); “hãy giữ mình trong sự yêu mến Đức Chúa Trời, và trông đợi sự thương xót của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta cho được sự sống đời đời” (Giu-đe 1:21).