Kinh thánh: Ma-thi-ơ 4: 4; Lu-ca 12: 16-21; II Cô-rinh-tô 5: 17 (*)
Kính chào quý độc giả thân mến,
Có một nhà thơ nào đó đã nói “Không ăn cũng uổng, không chơi cũng thừa”.
Vâng, mùa xuân đến là một dịp tiện tốt để người ta...ăn chơi cho thỏa thích. “Có đói cũng ngày Tết, có hết cũng ngày mùa” mà. Ngày Tết là phải...ăn, mùa xuân là phải...chơi mới đúng điệu chứ. Tết mà không ăn, xuân mà không chơi thì đâu còn là Tết là xuân nữa.
Khi nói về ăn thì người ta thường nói là...ăn Tết, còn khi nói về chơi, thì người ta hay nói là...chơi xuân. Ăn...Tết và chơi...xuân thì người Việt Nam mình không thua kém bất cứ người nước nào trên thế giới.
Người Việt Nam mình có tâm lý cả năm còng lưng ra làm chỉ để đến Tết là ăn chơi cho đã để rồi sau Tết lại tiếp tục...còng lưng làm tiếp, hầu...đầu tư cho cái Tết năm sau. Ăn Tết cả chục ngày, chơi xuân đến...cả tháng là chuyện rất thường tình của người Việt Nam ta. Chẳng thế mà ông bà mình đã nói:
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai cờ bạc tháng Ba rượu chè.
Ăn chơi đến cả...tháng Giêng luôn, nhưng chưa dừng lại, tiếp tháng Hai cờ bạc thì cũng là...chơi. Chưa hết, tháng Ba còn...rượu chè nữa, cũng lại...ăn chơi nốt.
Thiệt, người Việt Nam mình xứng đáng là vô địch...chơi!.
Nói về chuyện...chơi, thì không thể không nói đến chàng thi sĩ Tản Đà nổi tiếng của Việt Nam. Chàng chơi từ đất chơi lên đến...cung trăng luôn.
Hãy nghe chàng nói:
Tớ muốn chơi cho thật mãn đời
Đời chưa thật mãn tớ chưa thôi
Chẳng hay đời tớ lâu hay chóng
Dầu chóng hay lâu tớ cũng chơi.
Không phải chơi một ngày, một tháng, một năm rồi...thôi; nhưng chơi đến...mãn cuộc đời nầy luôn.
Bạn có thấy ai...chơi xả láng như thế chưa? Tôi cam đoan rằng chưa có ai...chịu chơi như chàng thi sĩ nầy đâu?
Không dừng lại ở việc chơi dưới trần gian, chàng thi sĩ nhìn đời bằng...nửa con mắt nầy còn...dám lên...cung trăng chơi nữa mới ghê chứ.
Chàng bày tỏ nỗi lòng với...chị Hằng:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán lắm rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chữa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Chơi chán chê dưới trần gian, chàng xin chị Hằng cho lên trên đó chơi tiếp cho...đã đời...
Dù biết chắc ăn chơi, say sưa, nhậu nhẹt là...hư đời, nhưng đã...đâm lao thì phải theo lao, vẫn tiếp tục...say:
Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thời hư vậy, say thời cứ say.
Thật, không có ai có thể...chơi cho bằng anh chàng thi sĩ nầy.
Chàng chơi đến nổi nhà cửa cũng tiêu tan, không còn, vợ chồng cũng...chia tay nhau luôn.
Chính chàng đã...tự khai:
Trời sinh ra bác Tản Đà
Quê hương thời có, cửa nhà thời không
Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông,
Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly...
Nếu có giải vô địch về...chơi thì “treo giải nhất chi nhường cho ai” ngoài Tản Đà thi sĩ phải không bạn?
Tôi biết ngày xưa người ta chơi...dữ lắm. Chơi ban ngày không đủ, tranh thủ chơi luôn cả ban đêm. Cao Bá Quát thi sĩ đã từng có bài thơ:
Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ
Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày
Như thoi đưa, như bóng sổ, như gang tay
Sực nhớ chữ ''Cổ nhân bỉnh chúc'' (**)...
“Cổ nhân bỉnh chúc” có nghĩa là “người xưa cầm đuốc đi chơi đêm”.
Chuyện...chơi vậy mà cũng có một...ma lực cuốn hút con người ta đến ghê sợ ???
Kinh thánh có nói đến một người nhà giàu, giàu lắm, và vì giàu có, nên ông ta cũng muốn trở thành một tay ăn chơi nổi tiếng cho người ta biết tên biết tuổi:
Đức Chúa Giê-xu đã từng phán: "Ruộng của một người kia rất trúng mùa. Ông này ngẫm nghĩ: "Ta phải làm gì đây? Vì ta không còn chỗ để chứa hoa lợi nữa! Rồi tự nhủ: "Ta sẽ làm thế này: ta sẽ phá dỡ các kho lẫm, xây lại cho lớn hơn. Ta sẽ thu trữ tất cả mùa màng của cải ta vào đó. Ta sẽ bảo linh hồn ta: "Linh hồn ơi, ngươi đã có lắm của cải tích trữ cho nhiều năm. Vậy hãy nghỉ ngơi, ăn uống và hưởng lạc đi! Nhưng Đức Chúa Trời bảo ông ta: "Hỡi kẻ khờ dại kia! Đêm nay, linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại, vậy của cải ngươi sắm sửa đó sẽ thuộc về ai? Những kẻ tích lũy tiền của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời cũng sẽ như thế." (Sách Lu-ca, chương 12, câu 16-21)
“Nghỉ ngơi, ăn uống và hưởng lạc đi!” Đó chính là...triết lý sống của ông ta. Và đó cũng là triết lý sống của biết bao người trong cuộc đời nầy. Triết lý sống của bao người có nhiều tiền của. Triết lý sống của những người sống theo chủ nghĩa vật chất, chỉ biết sống cho hôm nay, không cần biết ngày mai sẽ đi về đâu; triết lý sống của những người vô thần, cho rằng chết là hết, không có đời sau, không có sự thưởng thiện phạt ác, không có Thiên đàng, địa ngục, cũng chẳng có Ông Trời nào cả. Triết lý sống xem con người là trung tâm, xem chính mình là nhất, giống như Xuân Diệu thi sĩ có lần đã nói:
Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất
Không có chi bè bạn nổi cùng ta
Thưa bạn,
Có một điều mà chúng ta cần phải biết, là có một Đấng đang nắm quyền điều khiển cả thế giới nầy, có một Đấng đang nắm giữ sự sống, sự chết của mỗi một con người chúng ta, Đấng đó chính là Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo nên vũ trụ, muôn loài và con người chúng ta. Con người chúng ta không thể sống độc lập với Ngài, càng không thể sống mà không có Ngài. Người giàu có kia có vẻ dương dương tự đắc với quan niệm sống “Nghỉ ngơi, ăn uống và hưởng lạc” đầy hấp dẫn của mình; nhưng ông ta đâu biết rằng, nếu ngay đêm đó, Đức Chúa Trời “đòi linh hồn” ông lại (Sách Giáo Huấn, chương 12, câu 7), thì mọi của cải mà ông có được đều phải để lại đó cho người khác...hưởng mà thôi. Và Chúa Giê-xu kết luận, ông ta là một người dại, vì chỉ lo nghĩ đến thể xác, mà không quan tâm đến linh hồn; chỉ lo chú tâm đến lạc thú của trần gian mà không lo chú tâm đến phước hạnh của Thiên đàng; chỉ lo nghĩ đến sự vui sướng ở đời tạm nầy mà không lo nghĩ đến sự sống đời đời mai sau.
Kinh thánh dạy rất rõ ràng: "Con người sống không phải chỉ nhờ bánh, nhưng cũng nhờ mọi lời phán của Đức Chúa Trời!" (Sách Ma-thi-ơ, chương 4, câu 4).
Bánh chỉ về thực phẩm để nuôi phần thể xác của chúng ta, còn “lời phán của Đức Chúa Trời”, tức là Kinh thánh là...thực phẩm để nuôi phần tâm linh của con người vậy.
Nếu ai đó chỉ chú tâm chăm lo cho phần thể xác thôi (như người giàu trong câu chuyện mà Kinh thánh vừa kể) thì thật là một...thiếu sót không thể chấp nhận được, nếu không muốn nói là “khờ dại” như chính Chúa Giê-xu đã kết luận.
Đừng chỉ quan tâm đến phần thể xác mà quên đi phần linh hồn rất quan trọng trong con người của chúng ta. Hãy làm cho linh hồn mình được no nê lời của Đức Chúa Trời, hầu cho chúng ta có được một đời sống quân bình và phước hạnh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Cha thiêng liêng của con người.
Con người chúng ta rất dễ bị ma quỷ dẫn dụ vào con đường...ăn uống và hưởng lạc, để rồi quên đi việc chăm lo phần linh hồn quý giá của mình. Con người chúng ta rất dễ bị dẫn dụ vào việc tôn thờ ma quỷ, tôn thờ chủ nghĩa khoái lạc, duy vật chất, mà quên đi việc nhìn biết Đức Chúa Trời, là Đấng đáng tin cậy và đáng tôn thờ duy nhất trong cuộc đời.
Nhà thơ Cơ-đốc Tương Lưu cũng đã từng một thời đi theo con đường ăn chơi, hưởng lạc đó, dù ông được sinh ra trong một gia đình tin kính Chúa. Ông...công khai:
Tôi cũng như ông cũng thế thôi
Nhưng mà nghĩ lại, ông thua tôi
Lăng nhăng ông chỉ ba là hết
Còn tôi không dám kể ông cười...
So sánh với Tú Xương ngày xưa chỉ mới mê có...ba thứ là “trà, rượu và đàn bà” (***), còn ông thì...hơn thế rất nhiều, đến nỗi không dám kể sợ người ta...cười.
Nhưng cảm tạ Chúa, Tường Lưu đã biết...dừng bước giang hồ, đã biết tỉnh ngộ và...dừng cuộc chơi để quay trở về với Đấng Tạo Hóa, biết ham các sự ở trên trời là các sự còn lại đời đời:
Chúa đã thương tôi đã cứu tôi
Vực tôi thoát khỏi bến mê rồi
Lòng dục tôi không chìu theo nó
Nhưng ham các sự ở trên trời.
Bạn có đang trượt dài trên con đường ăn chơi như bao người đang trượt dài trên đó không?
Bạn có đang là người đang mải mê trên con đường “sáng xỉn với chiều say mặt đỏ gay” mà không dứt ra được không? Bạn có đang là người sống...bất cần đời không? Bạn có đang là người sống theo triết lý ăn chơi, hưởng thụ bất cần Đức Chúa Trời không?
Hãy biết dừng lại cuộc chơi trước khi quá muộn. Phải biết...tỉnh ngộ và trở về cùng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của bạn để được Ngài thương xót và ban phước, giống như người con trai hoang đàng trong câu chuyện được Chúa Giê-xu kể trong sách Lu-ca, chương 15.
Nếu bạn đang giống như thi sĩ Thế Lữ:
Tôi là người bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi.
Thì cũng cần biết đến lúc phải tỉnh ngộ, phải biết “dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai” mà trở về cùng Đức Chúa Trời bạn nhé. Đừng để đến khi...chiều nắng đã tàn phai rồi, thì “có tiền đi trễ cũng về không”. Và cuộc đời sẽ đi vào chốn hư mất đời đời, khi không có Đức Chúa Trời trong cuộc đời của mình, thì không còn gì đau buồn hơn thế!
Xuân về, Tết đến, tôi chúc bạn có một mùa xuân, một cái Tết thật đầm ấm bên gia đình và người thân.
Và tôi cũng chúc bạn sớm nhận biết Đức Chúa Trời để chúng ta không chỉ vui xuân đón Tết mỗi năm một lần mà cả đời mình sẽ là mùa xuân, vì lời Kinh thánh đã hứa:
“Vì vậy nếu ai ở trong Chúa Cứu Thế, người ấy là một sinh vật mới; những điều cũ đã qua đi, kìa mọi sự đều trở nên mới.” (Sách 2 Cô-rinh-tô, chương 5, câu 17)
Có Chúa Cứu Thế trong cuộc đời là có mùa xuân miên viễn cho mình đó bạn.
Cầu xin Đức Chúa Trời ban phước cho bạn cũng như cho tôi. A men!
Những ngày đầu xuân mới 2020
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
@ Lời cầu nguyện:
Sau khi đọc hoặc nghe bài viết nầy mà bạn cảm thấy lòng mình cần có Chúa làm Chủ, thì bạn chỉ cần thưa với Chúa mấy lời đơn sơ chân thành như sau:
"Lạy Đức Chúa Trời, con nhận biết con có tội với Ngài. Chúa Giê-xu đã chết thay cho tội của con trên thập tự giá, và sống lại để ban sự sống đời đời cho con.
Giờ đây, con xin Ngài tha thứ mọi tội của con, và nhận con làm con của Ngài. Xin Chúa Thánh Linh cho con trung tín theo Chúa suốt cuộc đời còn lại của con.
Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. A men!" (A men có nghĩa là con muốn được như những lời con vừa thưa).
Sau khi bạn thưa với Chúa những lời đó, bạn chắc chắn trở thành con cái của Ngài.
Mời bạn tìm đến một nhà thờ Tin Lành gần nơi bạn ở để được thờ phượng Chúa vào mỗi Chúa nhật, và có được Kinh thánh để đọc và hiểu biết thêm về Chúa.
Hoặc bạn có thể liên lạc với trang mạng Vietchristian.com này để được hướng dẫn thêm trong đức tin theo Chúa.
Mong được đón tiếp bạn vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời.
Thân chào bạn!
(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM).
(**): Thơ của Lý Bạch, một thi sĩ đời Đường bên Trung Quốc.
(***): Thơ Tú Xương:
“Một trà một rượu một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái gì hay cái nấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà!”