Chúa Giê-su bắt đầu tuyển dụng môn đồ: Trong Ma-thi-ơ 4:8-22, Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ. Ngài bảo họ hãy theo Ngài – và Ngài sẽ làm họ trở nên tay đánh lưới người. Đó là điều họ đã đáp ứng. Họ không đáp ứng với một người giảng đạo hứa hẹn những phước lành. Họ không chỉ ngồi đó mà chờ cho hết buổi nhóm. Không, họ được thách thức bỏ thuyền và lưới để đi theo Ngài. Đối với họ, đây là một điều gì đó tích cực, có tính cách mạng và hy sinh. Họ cần phải bỏ mọi sự để theo Ngài. Đây là điểm phân biệt giữa môn đệ hóa và việc trở nên tín đồ hội thánh. Chúa Giê-su không bao giờ nói về thành viên, Ngài chỉ nói về môn đồ. Môn đồ là người theo và chịu học nơi thầy của mình.
Một lưu ý thú vị là khi Chúa Giê-su chữa bệnh, Ngài thường cầu nguyện một lời cầu nguyện ngắn, hoặc đơn giản ra lệnh cho bệnh tật phải lui đi. Nhưng khi phải chọn những người Ngài sẽ huấn luyện, Ngài đã cầu nguyện thâu đêm (Lu-ca 6:12-13). Mười hai người đàn ông mà Cha đã chỉ cho Ngài là những người mà với họ Ngài sẽ chia sẻ cuộc sống của mình trong một cách đặc biệt. Họ là những người mà Ngài tốn nhiều thời gian nhất, và Ngài dạy họ rất đầy đủ. Đây không phải là việc phát triển một tầng lớp ưu tú. Họ không phải là những người tốt hoặc có khả năng hơn người khác. Có lẽ họ đói khát Đức Chúa Trời nhiều hơn người khác, nhưng tất cả họ đều có những điềm yếu và bất toàn. Qua mười một người Ngài để lại khi Ngài về cùng Cha – vì như chúng ta đã biết, một người đã sa ngã – Ngài đã đạt được cả thế giới. Cả hàng trăm triệu người đã đến với đức tin bởi vì Chúa Giê-su đã huấn luyện các môn đồ của mình, là những người đến lượt họ đã huấn luyện các môn đồ khác, là những người đến lượt họ lại huấn luyện các môn đồ khác, và cứ như vậy tiếp diễn. Có sức mạnh vĩ đại trong điều này. Nó có tác dụng hơn nhiều so với việc chỉ đơn thuần giảng một bài giảng trước những thính giả thụ động rồi sau đó ra về. Dù chúng ta nhấn mạnh sự giảng dạy, thờ phượng, cầu thay hoặc thông công, những điều đó vẫn chưa đủ. Sự nhấn mạnh của Chúa Giê-su là về huấn luyện, phát triển và sai phái các môn đồ.
Cách Chúa Giê-su Huấn Luyện Môn Đồ: Chúa Giê-su dùng ba phương pháp giảng dạy chính :
A. Chúa Giê-su Giảng Và Dạy Cho Các Môn Đồ
Giảng nghĩa là công bố. Dạy nghĩa là giải thích. Và Chúa Giê-su đã làm cả hai. Ngài trở về Ga-li-lê trong quyền năng của Đức Thánh Linh : Sau khi Giăng bị tù, Đức Chúa Giê-su đến xứ Ga-li-lê, giảng Tin lành của Đức Chúa Trời, mà rằng : "Kỳ đã trọn, Nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin lành” (Mác 1:14-15). Khi Ngài giảng, những lời của Ngài đụng chạm vào lòng người. Ngài không dùng ngôn ngữ "dao to búa lớn”, các học thuyết hoặc định nghĩa. Ngài giảng thẳng thắn và rõ ràng, đụng chạm đến đời sống hàng ngày của con người. Tuy vậy, Ngài nói với quyền phép (Mác 1:27). Các môn đồ ngạc nhiên vì họ chưa từng bao giờ nghe cách giảng dạy như vậy. Lúc đầu, có lẽ họ không biết rằng một trong những mục đích của Chúa Giê-su là dạy họ cách để họ tự mình giảng Phúc âm.
Sự huấn luyện còn bao gồm sự dạy dỗ. Trong các sách Phúc âm, chúng ta thấy một số bài giảng của Chúa Giê-su chủ yếu là dành cho các môn đồ của Ngài. Trong số đó được biết đến nhiều nhất có lẽ là bài giảng trên núi : Đức Chúa Giê-su xem thấy đoàn dân đông, bèn lên núi kia; khi Ngài đã ngồi, thì các môn đồ đến gần. Ngài bèn mở miệng mà truyền dạy rằng... (Ma-thi-ơ 5:1-2). Khi Chúa Giê-su dạy, Ngài chọn những ví dụ đơn giản từ cuộc sống. Ngài nói về gió, nước, đất, gieo và gặt, cây nho và nhiều điều khác mà ai cũng có thể hiểu. Thật kỳ lạ khi thấy Ngài sử dụng rất ít những khái niệm thần học và ngôn ngữ phân tích mang tính hàn lâm.
B. Chúa Giê-su Là Gương Mẫu Mực.
Chúa Giê-su nói trong Giăng 13:15, Vì Ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như Ta đã làm cho các ngươi. Một điều mà Chúa Giê-su luôn muốn truyền cho các môn đồ của Ngài là sống bởi đức tin. Đức tin là tin cậy. Hê-bơ-rơ 11:1 nói đức tin là thực thể của những điều ta hy vọng. Hết lần này đến lần khác, Chúa Giê-su đặt các môn đồ vào trong những tình huống khác nhau để thử thách và phát triển đức tin của họ. Bản thân Ngài cũng bước đi trong sự cam kết, tin cậy và vâng phục mỗi ngày.
Điều quan trọng cần phải nói rõ là Chúa Giê-su là một tấm gương, không chỉ trong những phương pháp bên ngoài, mà trên hết là ở sự sống bên trong của Ngài và mối quan hệ với Cha. Chỉ có người vâng phục Đức Chúa Trời mới có thể có mối quan hệ gần gũi với Ngài và kinh nghiệm sự hiện diện cùng sự bình an của Ngài. Điều đó luôn rõ ràng trong cuộc sống của Chúa Giê-su. Đó là nguồn sức mạnh và mặc khải của Ngài. Không có gì lạ là người ta nói về Ngài, Ấy là đạo gì đó ? Người lấy phép và quyền đuổi tà ma, và chúng nó liền ra ! (Lu-ca 4:36). Một trường hợp khác, khi Chúa Giê-su muốn phát triển đức tin của các môn đồ qua tấm gương của Ngài là lần Ngài nói với họ đi thuyền qua bờ bên kia của biển Ga-li-lê. Khi bão nổi lên, Chúa Giê-su nằm ngủ trong khi các môn đồ vô cùng hoảng hốt. Họ đánh thức Ngài dậy, và Ngài làm bão yên lặng – nhưng sau đó, Ngài hỏi họ, Sao các ngươi sợ, Chưa có đức tin sao ? (Mác 4:40).
C. Chúa Giê-su Sai Các Môn Đồ Đi Thực Tế
Khi Chúa Giê-su sai các môn đồ, Ngài ủy thác thẩm quyền cho họ. Ngài gọi họ đến cùng mình và ban cho họ uy quyền trên mọi ma quỷ và chữa các bệnh tật. Khi ấy, Ngài sai họ đi giảng Nước Đức Chúa Trời và chữa lành người bệnh (Lu-ca 9:1-2). Thường thì Ngài sai họ đến những nơi mà chính Ngài sau đó sẽ đến (Lu-ca 10:1). Khi các môn đồ đi như vậy, họ đầy kinh ngạc vì những gì đã xảy ra khi họ giảng và cầu nguyện cho người bệnh trong Danh Giê-su. Khi họ trở lại với Ngài, họ rất đổi ngạc nhiên. Chúng ta thấy trong Lu-ca 10:17 bảy mươi môn đồ trở về trong sự vui mừng, nói rằng, Lạy Chúa, vì Danh Chúa, các quỷ cũng phục chúng tôi.
Trao uy quyền nghĩa là trao trách nhiệm. Các môn đồ không chỉ là những người nghe thụ động hoặc những kẻ ngưỡng mộ bị mê hoặc. Họ đi theo chúa Giê-su để được huấn luyện vào chức vụ. Được sai đi không có nghĩa là họ đã kết thúc sự huấn luyện của mình. Được sai đi là một phần của sự huấn luyện để họ có thể phát triển và trau dồi, và trên hết, để họ không chỉ có đức tin lý thuyết mà là kinh nghiệm sống.
Khi Chúa Giê-su nói trong Ma-thi-ơ 9:37-38, Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình, Ngài đã thay đổi trật tự ưu tiên. Chúng ta thích cầu nguyện cho sự phấn hưng, nhưng Chúa Giê-su biết rằng sự phấn hưng hay mùa gặt đã ở đây. Mùa gặt không phải là vấn đề lớn nhất, dù chúng ta thường xuyên nghĩ đến nó. Vấn đề là ở chỗ thiếu những con gặt, tức những người lãnh đạo. Do đó, thiếu phấn hưng là vấn đề về lãnh đạo. Nếu chúng ta có những người lãnh đạo và những người chăn, khi ấy những con gặt có thể được huấn luyện để thu hoạch mùa màng. Chúa Giê-su khích lệ các môn đồ trong Giăng 4:35, Các ngươi há chẳng nói rằng còn bốn tháng nữa thì tới mùa gặt sao ? Song Ta nói với các ngươi: hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng đã vàng sẵn cho mùa gặt. Chúng ta thường phân vân mùa gặt ở đâu. Chúa Giê-su nói mùa gặt đang ở đây; chỉ cần chúng ta ngước mắt lên nhìn. Do đó, không phải mùa gặt – mà con gặt mới là vấn đề. Không có con gặt, chúng ta có thể cầu nguyện cho phấn hưng bao nhiêu tùy ý, nhưng khi phấn hưng đến, chúng ta lại không sẵn sàng gì cả. Chúa sẽ không cho phép mùa gặt bị thất thu chỉ vì chúng ta không sẵn sàng và không được huấn luyện. Do đó, Chúa Giê-su nói các môn đồ cầu nguyện cho những con gặt. Sau đó, Ngài ban cho họ uy quyền để đi ra gặt hái (Ma-thi-ơ 10:1).
ULF EKMAN (Theo Lãnh Đạo Thuộc Linh)