Chúa Giê-su Thật Đa Dạng
Chúa Giê-su có cách nói khác nhau với những loại người khác nhau. Ngài nói với các môn đồ một cách và với dân chúng một cách khác. Sứ điệp vẫn vậy, nhưng phong cách khác nhau. Ngài có thể nghiêm khắc và thách thức các môn đồ, bởi vì họ ở dưới sự giám sát và huấn luyện của Ngài. Ngài luôn bám sát tất cả những gì Ngài đã nói và làm cùng họ. Nhưng với những con người tìm sự giúp đỡ của Ngài, Ngài luôn động viên, không quan trọng họ là ai, và họ luôn nhận được sự giúp đỡ. Không ai phải trắng tay thất vọng trở về. Không ai cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị đẩy sang một bên. Chúa Giê-su dành những lời nghiêm khắc cho những kẻ chống đối Ngài, là những người Pha-ri-si. Ngài không bao giở nói cùng họ cách ác ý hoặc thù hận. Tuy nhiên, Ngài nói rất thẳng, và cách nói của Ngài đâm thấu lòng người (Ma-thi-ơ 23:1-36). Chúa Giê-su rất đa dạng và Ngài biết Ngài cần nói gì trong những tình huống khác nhau, để luôn giúp đỡ nhiều người nhất. Điều này cũng đúng cho các kẻ thù của Ngài, là những người được Ngài tha thứ hoàn toàn trên thập tự giá khi Ngài nói, Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì (Lu-ca 23:34).
Chúa Giê-su Thách Thức Môn Đồ
Như đã nói ở trên, Chúa Giê-su thử các môn đồ. Trong tất cả các trường học đều có bài kiểm tra, và không làm bài kiểm tra thì sẽ không nhận được bằng. Khi ngủ trong thuyền giữa cơn bão, Chúa Giê-su đang "kiểm tra bài” các môn đồ. Bài kiểm tra ấy nhằm xem họ có bước đi trong đức tin hay không. Họ đã không tiến bộ nhiều như họ tưởng. Sự sống bên trong của họ chưa tương xứng với vị trí bên ngoài, bởi vậy Chúa Giê-su phải tiếp tục làm việc cùng họ. Khi cho năm ngàn người ăn, Ngài thử họ một lần nữa. Lần này, thử thách liên quan đến việc không bị hạn chế bởi những gì thấy được, nhưng tin cậy Đức Chúa Trời có thể làm nhiều điều từ số ít và các nguồn siêu nhiên luôn sẵn sàng. Ngài đối xử cách nhân từ trong các môn đồ không muốn cản trở cũng vậy. Họ còn kết tội người khác chữa bệnh và đuổi quỷ trong Danh Giê-su nhưng không phải là một trong số các môn đồ. Họ phải thường xuyên kiểm tra lại những thái độ, thứ tự ưu tiên, cách thức làm việc và các nguyên tắc của mình. Chúa Giê-su thách thức họ hàng ngày và đưa từng nguyên tắc của Nước Đức Chúa Trời vào lòng họ. Bởi vì họ là môn đồ, Chúa Giê-su biết rằng họ cần được phát triển từng bước một. Không ai mà chuẩn bị tốt nghiệp chỉ sau một tuần học.
Chúa Giê-su Giải Quyết Vấn Đề
Chúa Giê-su luôn phải giải quyết các vấn đề khác nhau trong cuộc sống của các môn đồ : sự vô tín, sợ hãi, ích kỷ, kiêu ngạo, mánh khoé, tham vọng sai trật, suy nghĩ hạn hẹp, chán nản, ganh đua, giận dữ, tiêu cực, thờ ơ, thiếu tình yêu thương, thiếu thông cảm, sự uể oải thuộc linh, bất lực trước các vấn đề thuộc linh, chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa truyền thống, định kiến, hiểu sai, muốn làm đẹp lòng loài người, hèn nhát, khước từ, thối lui và nhiều điều khác. Trong tất cả những điều đó, Ngài đã giữ họ không mất một ai, trừ đứa con của sự hư mất là Giu-đa, để Kinh Thánh được ứng nghiệm (Giăng 17:12).
Điều Gì Khiến Các Môn Đồ Không Bỏ Chúa ?
Một điều gì đó ở Chúa Giê-su đã khiến các môn đồ ở lại với Ngài trong khi những người khác bỏ đi. Khi Ngài bắt đầu nói về việc họ sẽ ăn thịt và uống huyết Ngài, nhiều người đã bỏ Ngài vì, đối với tai họ, đó là "những lời thật khó ai nghe được.” Thay vì nhượng bộ và dỗ dành đám đông như các môn đồ muốn, Chúa Giê-su hỏi xem họ có muốn bỏ Ngài luôn không. Ngài không bao giờ giữ bất kỳ ai bằng bàn tay sắt. Luôn có sự tự do để ra đi. Phi-e-rơ, là người vẫn hay nhanh miệng, nói, Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai ? Chúa có lời của sự sống đời đời (Giăng 6:68). Sự thuyết phục của Đức Thánh Linh cùng với việc tự do lựa chọn của các môn đồ đã giữ họ ở cùng với Giê-su. Đôi khi các tổ chức tôn giáo đã cầm giữ con người đến mức người ta không được phép hoặc không dám bỏ đi. Đôi khi phải chờ tới "Chúa tái lâm” giấy giới thiệu mới đến, hoặc giả là những người ra đi bị những người trong nội bộ nói xấu. Chúa Giê-su không bao giờ cư xử kiểu vậy. Những người theo Chúa được tự do ra đi bất cứ lúc nào. Ngài không cần họ cho chính Ngài, nhưng Ngài sống vì họ. Không nên dùng tổng số thành viên và số liệu thống kê để khiến một giáo phái hoặc tổ chức trông có vẻ "bề thế”; thay vào đó, sự lãnh đạo cần đưọc dùng để gây dựng con người. Nếu vài người ra đi thì đó không phải là điều để nản lòng, nhưng cần phải kiểm tra lại xem mọi thứ có được làm tốt nhất hay chưa. Sự phồn thịnh của tín hữu, chứ không phải sức mạnh số đông của hội thánh mới là điều quan trọng nhất.
Nhiệm Vụ Và Mục Tiêu Rõ Ràng
Một phần trong sự huấn luyện là nhận được những sự phân công cụ thể và mục tiêu đề ra. Chúa Giê-su rất cụ thể và kỷ tính. Ngài giao cho họ nhiệm vụ cụ thể về chữa lành người bệnh. Ma-thi-ơ 10:8 nói, Hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỷ. Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không. Khó có thể cụ thể hơn thế !
Chúa Giê-su là một nhà lãnh đạo rất lôi cuốn. Ngài thúc đẩy các môn đồ, đặc biệt là qua sự dạy dỗ của Ngài và các ngụ ngôn về Nước thiên đàng. Mọi thứ được ưu tiên trong mối quan hệ với Nước sẽ đến; những thứ khác có tầm quan trọng thứ yếu. Ngài thúc đẩy các môn đồ trở nên những tay đánh lưới người và bỏ mọi thứ khác để theo Ngài. Ngàì khiến họ tích cực qua những nhiệm vụ Ngài giao. Hết lần này đến lần khác, Ngài sai họ đi rao giảng và chữa lành người bệnh. Trong mọi sự đó, Ngài huấn luyện và phát triển họ.
Thành Công Vượt Bậc Của Chúa Giê-su
Quá trình xây dựng có một không hai này, là điều sẽ được tiếp tục trong suốt lịch sử cho đến ngày Chúa Giê-su tái lâm, sẽ không bao giờ có được nếu Chúa Giê-su không chọn mười hai môn đồ - mười hai người mà Ngài đã phó chính mình, đã huấn luyện, phát triển và cuối cùng là sai đi. Kết quả của điều đó rộng lớn kỳ lạ và vượt quá mọi hiểu biết của con người. Nền tảng của Giê-ru-sa-lem mới, mang tên mười hai vị sứ đồ, là đài kỷ niệm cuối cùng về sự lãnh đạo thành công vượt bậc của Chúa Giê-su (Khải huyền 21:14).
Thời gian và nỗ lực Chúa Giê-su đã đặt vào sự huấn luyện và phát triển các môn đồ của Ngài đã mang lại nhiều kết quả. Tên của các sứ đồ - cuộc sống và công việc của họ - được đặt như nền móng của Giê-ru-sa-lem mới, nơi mà những kẻ được cứu chuộc sẽ sống suốt đời đời. Nên không lạ gì sự chuẩn bị và huấn luyện của họ thật vô cùng quan trọng ! Không lạ gì Chúa Giê-su đã dành rất nhiều thời gian cho họ ! Mọi sự Chúa Giê-su đã đầu tư vào họ đã mang lại kết quả dư dật và vĩnh cữu.
Trong mọi sự Chúa Giê-su là Đấng trỗi hơn hết – không chỉ trong sự chuộc tội, sự cứu rỗi, sự phục hồi và chúc phước, mà còn trong sự dạy dỗ, huấn luyện, phát triển và sai đi. Chúng ta cần tiếp nhận cả công việc cứu chuộc của Ngài trên thập tự giá và tấm gương của Ngài trong việc môn đệ hóa. Nếu chúng ta đi theo Chúa Giê-su và làm việc theo cách của Ngài, vâng lời Ngài và Thánh Linh Ngài, chúng ta sẽ thấy những kết quả lớn lao, và sự lãnh đạo của chúng ta sẽ là nguồn phước cho hàng ngàn người, tức những người sẽ biết đến Cứu Chúa phục sinh kỳ diệu là Giê-su Christ.
ULF EKMAN (Theo Lãnh Đạo Thuộc Linh)