Kinh thánh: Ê-phê-sô 5: 22-32; Hê-bơ-rơ 12: 18-25; I Giăng 1: 9 (*)
Kính chào quý độc giả thân mến,
Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã từng có bài thơ “Xa cách” rất hay như thế nầy, xin được trích lại một đoạn để chúng ta cùng thưởng thức:
“Có một bận em ngồi xa anh quá,
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn.
Em xích gần thêm một chút: anh hờn.
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa.
Anh sắp giận. Em mỉm cười, vội vã
Đến kề anh, và mơn trớn: "em đây!".
Anh vui liền, nhưng bỗng lại buồn ngay.
Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm...”
(Xa cách)
Vâng, khi yêu nhau, những đôi nam nữ luôn luôn muốn được ở gần bên nhau để tâm sự chuyện trò và thổ lộ tình cảm với nhau phải không bạn?
Vợ chồng cũng vậy, luôn luôn muốn ở gần bên nhau để được hạnh phúc.
Kinh thánh có ví sánh Hội thánh của Ngài với Ngài như là vợ chồng.
Lời Kinh thánh chép về điều đó như sau:
“Hỡi các người vợ, hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, như Chúa Cứu Thế là Đầu của hội thánh, hội thánh là thân thể Ngài, chính Ngài là Đấng Cứu Thế của Thân Thể. Như hội thánh tùng phục Chúa Cứu Thế, người vợ cũng tùng phục chồng trong mọi việc. Hỡi các người chồng, hãy yêu vợ như Chúa Cứu Thế yêu hội thánh và hiến thân Ngài vì hội thánh, để thánh hóa hội thánh, dùng nước và đạo mà rửa sạch, nhằm trình ra cho chính Ngài một hội thánh quang vinh, không tì ố, không vết nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh khiết và toàn bích. Cũng thế, các người chồng phải yêu vợ như yêu chính bản thân; chồng yêu vợ là yêu chính bản thân. Chẳng có ai ghét bản thân, trái lại nuôi dưỡng, chăm sóc nó, đó chính là cách Chúa Cứu Thế đối xử với hội thánh, vì chúng ta là các phần của Thân Thể Ngài. Vì lý do này, "đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, cả hai sẽ thành một thân. "Huyền nhiệm này thật vĩ đại tôi nói đến Chúa Cứu Thế và hội thánh.” (Sách Ê-phê-sô, chương 5, câu 22 – 32)
Phân đoạn Kinh thánh nầy nói đến bổn phận vợ chồng đối với nhau.
Với người vợ, lời Chúa dạy người vợ phải vâng phục chồng như là vâng phục Chúa. Lý do vì chồng là đầu vợ cũng giống như Chúa là đầu của Hội thánh vậy.
Với người chồng, lời Chúa dạy phải yêu vợ như yêu chính bản thân mình. Lý do vì Chúa Cứu Thế đã yêu Hội thánh và đã hiến chính bản thân mình cho Hội thánh.
Đến câu thứ 32 của phân đoạn Kinh thánh nầy thì tác giả dùng hình ảnh vợ chồng để nói đến một huyền nhiệm trong thế giới nầy, đó chính là Chúa Cứu Thế và Hội thánh của Ngài.
Chúa Cứu Thế được ví như là chồng, là Tân Lang, còn Hội thánh được ví như là vợ, là Tân Nương, Tân Giai Nhân.
Là vợ chồng thì gần gũi nhau như hình với bóng là điều không có gì phải bàn cãi cả. Đó như là một lẽ dĩ nhiên và mầu nhiệm mà chính Đức Chúa Trời đã ban cho con loài người vậy.
Chúa Cứu Thế là Tân Lang của Hội thánh, còn Hội thánh là Tân Nương của Ngài. Cho nên, Hội thánh phải gần gũi với Chúa Cứu Thế, cần phải gắn chặt vào Chúa Cứu Thế để có được một đời sống phong phú và sung mãn đầy trọn.
Xin Chúa ban cho bạn và tôi là những chi thể trong thân thể Ngài là Hội thánh luôn luôn gắn chặt, gần gũi với Ngài hầu cho đời sống mỗi một chúng ta được thỏa thích ở trong Chúa Giê-xu.
Một phân đoạn Kinh thánh khác cũng khích lệ chúng ta đến gần với Chúa để được hưởng phước hạnh từ Ngài và qua Ngài tuôn chảy đến chúng ta. Đó chính là phân đoạn Kinh thánh sau:
“Anh chị em không đến gần một ngọn núi có thể đụng đến được và có lửa bốc cháy phừng phừng, cũng không đến gần bóng tối, cảnh u ám hoặc gió lốc, hoặc tiếng kèn thổi vang, hoặc tiếng nói mà những người nghe phải nài xin đừng nói thêm lời nào nữa. Họ không chịu đựng nổi mệnh lệnh: "Dù thú vật đụng đến núi này cũng bị ném đá!" Cảnh tượng ấy kinh khủng đến nỗi Môi se nói: "Chính tôi khiếp sợ đến run rẩy!" Nhưng anh chị em đến gần núi Si-ôn, gần thành phố của Đức Chúa Trời hằng sống, gần Giê-xu-sa-lem trên trời, gần muôn vàn thiên sứ hội họp và hội thánh của các con đầu lòng được ghi tên trên trời, gần Đức Chúa Trời là thẩm phán của mọi người, gần tâm linh của những người công chính đã được toàn hảo, gần Đức Giê-xu là Đấng trung gian của giao ước mới, gần huyết rưới ra, huyết ấy nói lên còn hùng hồn hơn huyết của A-bên. Anh chị em hãy cẩn thận, đừng từ khước Đấng đang phán dạy vì nếu những kẻ từ khước người cảnh cáo dưới đất còn không thoát được thì chúng ta càng khó thoát được nếu chúng ta xây lưng lại với Đấng cảnh cáo từ trời.” (Sách Hê-bơ-rơ, chương 12, câu 18-25)
Có ít nhất 10 từ “gần” được tác giả nhắc đi nhắc lại trong phân đoạn Kinh thánh nầy , hẳn nhiên, tác giả muốn nhấn mạnh đến ý tưởng chủ đạo của nó là khích lệ con dân Chúa mạnh dạn đến gần với Chúa để được hưởng phước hạnh từ Ngài ban cho.
Bốn câu đầu trong phân đoạn đó mô tả lại cảnh tượng kinh khiếp khi Đức Chúa Trời hiện ra với dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa trên núi Si-nai được ghi lại trong sách Xuất Hành, chương 19, câu 16 đến 25. Khi Đức Chúa Trời giáng lâm trên chót núi Si-nai, thì có khói bao phủ cả núi, vì CHÚA giáng lâm trong lửa. Và khói từ núi bay lên như khói từ lò lửa hực và cả núi rung chuyển dữ dội. Tiếng kèn vang động khắp nơi, làm cho dân sự ai nấy đều kinh hãi.
Sách Xuất Hành, chương 20, câu 18 đến 21 cho chúng ta thấy một cảnh trạng thật đáng sợ rằng: “Khi nghe thấy sấm chớp, tiếng kèn và núi bốc khói, dân chúng run rẩy sợ sệt. Họ đứng tận đằng xa và nói với Môi se rằng: "Xin chính ông nói với-chúng tôi và chúng tôi sẽ nghe lời. Xin đừng để Đức Chúa Trời phán với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất!" Môi se nói với dân chúng: "Anh chị em đừng sợ. Đức Chúa Trời đến để thử anh chị em, để anh chị em có lòng kính sợ Đức Chúa Trời và không phạm tội với Ngài." Trong khi Môi se đến gần đám mây dầy đặc là nơi Đức Chúa Trời ngự thì dân chúng cứ đứng ở đằng xa.”
Những điều đó cho thấy dân sự của Chúa trong thời Cựu Ước không được tự do đến gần Ngài để thờ phượng được, vì Ngài là Đấng cực thánh, không ai có thể đến gần Ngài mà còn sống. Cho nên, dân sự phải đứng tận đằng xa.
Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, từ khi Chúa Giê-xu xuống thế gian để chịu chết trên thập tự giá đền tội cho chúng ta. Rồi Ngài được chôn trong mộ ba ngày, sau đó, Ngài đã từ kẻ chết sống lại và sống mãi mãi để ban cho những ai bằng lòng tin nhận Ngài sự sống đời đời.
Ngay sau khi Chúa Giê-xu tắt thở trên thập tự giá, có một sự kiện đặc biệt xảy ra, ấy là bức màn trong đền thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới (Sách Mác, chương 15, câu 38). Trong đền thờ Giê-ru-sa-lem ngày xưa, có một bức màn ngăn làm hai giữa nơi thánh và nơi chí thánh. Trong nơi chí thánh, có hòm giao ước chỉ sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Không một ai được vào đó cả, chỉ một mình thầy tế lễ thượng phẩm mới được vào đó mỗi năm một lần, trong ngày Đại Lễ chuộc tội và luôn bưng bát huyết theo trong tay để chuộc tội cho chính mình và cho cả dân sự nữa (Sách Hê-bơ-rơ, chương 9, câu 1- câu 7)
Sự chết của Chúa Giê-xu đã xóa đi sự ngăn cách giữa nơi thánh và nơi chí thánh để cho những người tin Ngài được tự do đến trực tiếp với Đức Chúa Trời mà thờ phượng Ngài. Chúa Giê-xu đã trở thành Đấng trung bảo của giao ước mới. Con dân Chúa thời Tân Ước nhờ huyết Đức Chúa Giê-xu được dạn dĩ vào nơi rất thánh, được đến gần Đức Chúa Trời, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, tức là ngang qua xác Ngài.
Nếu trong thời Cựu Ước, dân sự phải đứng đằng xa, không ai được đến gần Chúa cả, thì thời Tân Ước, bởi sự chết của Chúa Giê-xu, những người tin nhận Ngài được tự do đến gần Đức Chúa Trời để thờ phượng. Đó chính thật là một phước hạnh vô cùng lớn cho mỗi một chúng ta!
Lời Kinh thánh cho chúng ta biết rằng: “Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngai ân sủng, để được thương xót và tìm được ân sủng khả dĩ giúp đỡ chúng ta kịp thời.” (Sách Hê-bơ-rơ, chương 4, câu 16)
Ngày hôm nay, những người tin Chúa Giê-xu không còn cần phải qua trung gian một người nào khác để đến với Đức Chúa Trời. Chỉ một mình Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng Trung bảo giữa Đức Chúa Trời và con người mà thôi (Sách 1 Ti-mô-thê, chương 2, câu 5).
Có không ít người cho rằng, người tin Chúa ngày hôm nay cần phải qua trung gian là Mẹ Ma-ri, hoặc một thánh nào đó, hoặc có thể là một Linh mục để nhờ xưng tội thay cho mình với Đức Chúa Trời. Đó chỉ là ý tưởng đến từ loài người, chứ không phải là ý tưởng của Kinh thánh. Ý tưởng của Kinh thánh thì cho chúng ta biết rằng: “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi mình thì Ngài vốn là Đấng trung tín và công chính sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.” (Sách 1 Giăng, chương 1, câu 9). Từ “chúng ta” ở trong câu Kinh thánh nầy là nói đến tất cả những người tin Chúa, chứ không phải dành riêng cho một đối tượng nào. Mỗi người tin Chúa đều được trực tiếp đến với Đức Chúa Trời để xưng tội mình trong danh Chúa Cứu Thế Giê-xu, qua trung gian Chúa Giê-xu mà thôi.
Hỡi những người tin Chúa Giê-xu, hãy nhận biết điều nầy để chúng ta không đi vào con đường không đúng là xưng tội qua Ma-ri, hay qua một thánh nào đó, hoặc một Linh mục...Qua sự chết của Chúa Giê-xu, Ngài đã mở một đường mới và sống để chúng ta là những người tin được trực tiếp đến thờ phượng Đức Chúa Trời, xưng tội trực tiếp với Ngài qua Đấng Trung bảo duy nhất là Đức Chúa Giê-xu Christ.
Đó là một phước hạnh lớn cho chúng ta là những người tin Chúa sống trong thời đại Tân Ước! Tạ ơn Chúa!
Hỡi những độc giả thân mến của tôi, là những người chưa tin Chúa, Chúa Giê-xu đã chết vì tội chúng ta là những tội nhân, để đem những ai tin Chúa đến thờ phượng Đức Chúa Trời một cách trực tiếp, không qua trung gian một con người nào, chỉ qua Chúa Giê-xu Christ là Đấng Trung bảo của giao ước mới mà thôi.
Nếu bạn tin Chúa Giê-xu thì xin mời hãy cùng chúng tôi đến trực tiếp với Đức Chúa Trời để cùng thờ phượng Ngài, và đến trực tiếp với Đức Chúa Trời để xưng tội với Ngài, một khi chúng ta làm điều gì đó sai trật với lời Kinh thánh, như lời Chúa đã chép trong Sách 1 Giăng, chương 1, câu 9 đã dẫn ở trên.
Nếu bạn đã là tín đồ của Chúa Giê-xu như tôi, thì chúng ta cùng nhau đến gần Chúa để thờ phượng và hầu việc hầu tìm được sự thương xót để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng.
Cầu xin Chúa ban phước cho hết thảy mỗi một chúng ta trong danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng Trung bảo duy nhất của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời để chúng ta càng ngày càng đến gần Chúa hơn bạn nhé! Chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ rất vui lòng khi thấy chúng ta càng ngày càng đến gần Ngài hơn để thờ phượng Ngài!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
@ LỜI CẦU NGUYỆN GỢI Ý:
Sau khi đọc hoặc nghe bài viết nầy, nếu bạn muốn tin nhận Chúa Giê-xu, xin hãy thưa với Chúa vài lời đơn sơ, chân thành như sau:
“Lạy Đức Chúa Trời là Cha thiêng liêng của con, con nhận biết Ngài là Đấng yêu thương, và vì yêu thương con mà Ngài đã ban Chúa Giê-xu xuống trần gian nầy để chết thay cho tội của con trên thập tự giá. Ngài đã được chôn, và sau ba ngày, đã sống lại, sống mãi mãi để ban cho con sự sống đời đời, và trở thành Đấng Trung bảo cho con trước mặt Đức Chúa Trời. Con xin Ngài tha thứ mọi tội lỗi của con, cho con được làm con cái của Ngài, được hưởng sự sống đời đời, được đến gần Ngài để thờ phượng Ngài. Xin biến đổi cuộc đời con theo như thánh ý của Ngài. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. A men!” (A men nghĩa là muốn được như lời vừa cầu nguyện).
Sau khi bạn thưa với Chúa những lời đơn thành đó, bạn chắc chắn trở thành con cái của Ngài.
Việc tiếp theo, xin mời bạn tìm đến một nhà thờ Tin Lành gần nơi bạn ở để được thờ phượng Chúa vào mỗi Chúa nhật, và có được Kinh thánh để đọc và hiểu biết thêm về Chúa.
Bạn cũng có thể liên lạc với trang mạng Vietchristian.com này để được hướng dẫn thêm trong đức tin theo Chúa.
Bạn cũng sẽ được khích lệ trong đức tin theo Chúa, nếu bạn mở và nghe Đài Nguồn Sống, tiếng nói của tình yêu, chân lý và hy vọng mỗi ngày để được lớn lên trong đức tin và trong sự phục vụ Chúa theo địa chỉ dainguonsong.com
Mong được đón tiếp bạn vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời để được hưởng tình yêu đời đời của Ngài.
(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)