Kinh thánh: Xuất Hành 24: 12-18; Ma-thi-ơ 4: 1-2; Công Vụ 1: 3; Khải Huyền 1: 5-6 (*)
Hằng năm, cứ sau dịp mừng năm mới một thời gian là những người tin Chúa khắp nơi trên thế giới bắt đầu bước vào Mùa Chay để suy niệm về cuộc đời độc đáo và tình yêu cao đẹp của Chúa Giê-xu, để rồi sau Mùa Chay, người ta hân hoan mừng kỷ niệm sự Phục sinh vinh quang của Ngài.
Mùa Chay năm nay (2020) bắt đầu từ thứ Tư ngày 26. 02, được gọi là thứ Tư Lễ Tro kéo dài đến ngày thứ Bảy trước Chúa Nhựt của lễ Phục Sinh (12. 4). Mùa Chay thường kéo dài 40 ngày, không kể các ngày Chúa nhật kể từ Lễ Tro trở đi. Truyền thống này được Hội thánh thời xưa khởi động với mục tiêu xét mình chuẩn bị cho Tuần Thánh và kỷ niệm lễ Phục Sinh, là thời kỳ cao điểm trong năm của tín đồ. Vào Mùa Chay, những người tin Chúa thường hướng lòng mình đến sự ăn năn, sám hối, kiêng ăn, đặc biệt là hết lòng cầu nguyện và tận hiến cho Đấng yêu thương mình, đã phó chính thân vàng mạng báu của Ngài vì chúng ta.
Sở dĩ Mùa Chay được gọi là LENT, vì đó là tiếng Anh cổ để chỉ mùa Xuân, một mùa mà trong năm vào thời gian đó, người ta được có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Đó là một nét độc đáo trong tiếng Anh. Trong nhiều ngôn ngữ khác, tên của nó là từ phát sinh của tiếng La-tinh, nghĩa là “bốn mươi”
Bốn mươi ngày là một con số được nhắc đến rất nhiều lần trong Kinh Thánh. Đó là một con số người ta cho rằng nó mang tính trọn vẹn. Hãy xem Kinh thánh nhắc đến con số 40 đó như thế nào nhé. Trước hết, ta thấy Kinh thánh nói đến ông Môi se đã ở trên núi Si-na-i trong vòng 40 ngày: “CHÚA phán dạy Môi se: "Con đến với Ta trên núi và chờ đợi Ta ban cho con mấy bảng đá với luật pháp và điều răn Ta đã ghi chép để dạy dỗ dân Y-sơ-ra-ên." Môi se với phụ tá là Giô-suê lên núi của Đức Chúa Trời. Ông căn dặn các bô lão: "Các ông chờ đợi tại đây cho đến khi chúng tôi trở lại. A-rôn và Hu-rơ ở lại với các ông, ai có tranh chấp gì có thể đến với ai ông ấy." Khi Môi se lên núi, mây che phủ núi, và vinh quang của CHÚA bao trùm núi Si-nai. Trong sáu ngày, mây che phủ núi và qua ngày thứ bảy CHÚA từ trong đám mây gọi Môi se. Đối với dân Y-sơ-ra-ên, vinh quang của CHÚA trông giống đám lửa cháy hực trên núi. Khi lên núi, Môi se vào trong đám mây. Ông ở trên núi bốn mươi ngày và bốn mươi đêm. (Sách Xuất Hành, chương 24: 12-18). Khi Môi se sai mười hai thám tử đi do thám xứ Ca-na-an, thì họ cũng đi trinh sát xứ đó hết 40 ngày. Kinh thánh chép lại sự kiện đó như sau: “Đến trũng Ếch-côn, họ cắt một nhánh cây nho có một cành nho, phải hai người lấy sào khiêng mới nổi; ngoài ra còn một số thạch lựu và trái vả. Địa điểm này được gọi là trũng Ếch-côn, vì dân Y-sơ-ra-ên đã cắt chùm nho ở đó. Sau khi trinh sát xứ ấy bốn mươi ngày, họ quay về.” (Sách Dân Số, chương 13, câu 23-25). Tiên tri Ê-li đã đi 40 ngày mới tới được núi Hô-rếp là núi của Đức Chúa Trời. Kinh thánh ghi: "Lạy CHÚA, con thấy đã đủ rồi. Bây giờ xin Ngài hãy cất lấy mạng sống con đi. Vì con không hơn gì các tổ phụ con." Xong ông nằm dưới bóng cây kim tước đó và ngủ thiếp đi. Thình lình, một thiên sứ chạm vào người ông và bảo: "Hãy thức dậy và ăn." Ông nhìn quanh và thấy kề nơi đầu ông nằm có một cái bánh nướng trên than đá và một bình nước. Ông ăn bánh và uống nước, rồi nằm xuống ngủ tiếp. Thiên sứ của CHÚA đến lần thứ nhì, chạm vào người ông và nói: "Hãy thức dậy và ăn, vì đường còn xa lắm cho ngươi." Ông thức dậy ăn và uống, rồi nhờ sức lực của thực phẩm đó, ông đi bộ bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, đến Hô-rếp, là núi của Đức Chúa Trời.” (Sách 1 Các Vua, chương 19, câu 4-8). Thành Ninive đã được cho 40 ngày để sám hối. Lời Chúa chép: “CHÚA phán với Giô-na lần thứ nhì: "Con hãy đi ngay đến thành phố Ni-ni-ve to lớn kia, và rao truyền cho dân trong thành sứ điệp mà Ta đã phán dạy con." Giô-na vâng lời CHÚA đi ngay đến Ni-ni-ve. Ni-ni-ve là một thành phố vô cùng to lớn, phải mất ba ngày mới đi xuyên qua hết thành phố. Giô-na khởi sự vào thành, đi được một ngày, rồi rao giảng: "Còn bốn mươi ngày nữa, thành Ni-ni-ve sẽ sụp đổ." (Sách Giô-na, chương 3, câu 1-4). Và quan trọng nhất, trước khi bước vào chức vụ rao giảng sứ điệp Nước Trời, Chúa Giê-xu đã qua 40 ngày kiêng ăn trong nơi hoang mạc để cầu nguyện. Thánh Ma-thi-ơ tường thuật: “Sau đó, Đức Thánh Linh đưa Đức Giê-xu vào trong đồng hoang để chịu quỷ vương cám dỗ. Sau khi kiêng ăn suốt bốn mươi ngày bốn mươi đêm, Ngài đói lả.” (Sách Ma-thi-ơ, chương 4, câu 1-2)
Chúa Giê-xu sau khi sống lại từ kẻ chết, Ngài ở lại với các môn đồ trong vòng 40 ngày để dạy dỗ họ nhiều điều quan trọng về nước Đức Chúa Trời; sau đó, Ngài được đem lên trời trong vinh quang: “Sau cái chết thống khổ, Ngài tỏ mình đang sống bằng nhiều chứng cớ rõ ràng cho họ thấy. Ngài hiện đến với các sứ đồ suốt bốn mươi ngày và dạy bảo họ những điều về Nước Đức Chúa Trời.” (Sách Công Vụ, chương 1, câu 3)...
Qua đó, chúng ta thấy bốn mươi là một con số được dùng khá nhiều trong Kinh thánh và là một con số mang nhiều ý nghĩa sâu sắc cho niềm tin của chúng ta.
Mùa Chay là một thời kỳ để nhắc nhở chúng ta là những con dân Chúa về sự cầu nguyện và kiêng ăn, nó phù hợp cho chúng ta để bắt chước Chúa Giê-xu với thời gian 40 ngày. Chúa Giê-xu đã dùng một thời gian kéo dài 40 ngày để kiêng ăn và cầu nguyện, để chuẩn bị cho sứ mệnh của Ngài, mà cao điểm là cái chết và sự sống lại của Ngài.
Nhân Mùa Chay, xin mời bạn cùng tôi dành thì giờ để tâm suy niệm về tình yêu cao sâu mầu nhiệm của Chúa Giê-xu dành cho con người tội lỗi chúng ta.
Kinh thánh được mệnh danh là quyển sách của tình yêu, vì nó nói đến, nó bày tỏ tình yêu cao vời của Đức Chúa Trời dành cho con người tội lỗi. Câu Kinh thánh được xem như là trái tim của Kinh thánh là câu: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nhận Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh phúc.” (Sách Giăng, chương 3, câu 16).
Tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho con người tội lỗi là một tình yêu đặc biệt, một tình yêu mầu nhiệm, vượt quá sự hiểu biết của con người hữu hạn chúng ta.
Thánh Giăng cho biết: “Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, và lập chúng ta thành một vương quốc và thành các thầy tế lễ để phục vụ Đức Chúa Trời là Cha Ngài. Nguyện Chúa Cứu Thế Giê-xu được vinh quang và năng lực đời đời. A-men!” (Sách Khải Huyền, chương 1, câu 5-6)
Chúa yêu chúng ta không phải vì chúng ta đẹp đẽ, xứng đáng để được Ngài yêu; nhưng Chúa yêu chúng ta khi chúng ta là những tội nhân đáng chết, thì Chúa Giê-xu đã lấy huyết mình giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi.
“Nhưng Đức Chúa Trời giàu lòng thương xót, lấy tình yêu dạt dào yêu quí chúng ta, nên ngay lúc chúng ta đang chết trong các vi phạm mình Ngài làm cho chúng ta lại được sống với Chúa Cứu Thế. Ấy chính nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời mà anh chị em được cứu” (Sách Ê-phê-sô, chương 2, câu 4-5)
Chịu chết cho một người nghĩa, một người lành đã là chuyện “xưa nay hiếm”, nhưng không phải không có trong lịch sử nhân loại, thậm chí có khá nhiều nữa là đằng khác. Nhưng chịu chết cho kẻ có tội thì là chuyện chỉ có một mình Chúa Giê-xu bằng lòng làm, và Ngài đã làm điều đó cho chúng ta đã hai ngàn năm qua rồi. Ngài đã làm điều đó trên thập tự giá tại đồi Gô-gô-tha, một ngọn đồi hoang vắng thuộc xứ Do-thái, giữa hai tên trộm cướp (Sách Ma-thi-ơ, chương 27, câu 33-37)
Trước khi Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá, dân chúng thời bấy giờ đã nhạo báng Ngài một cách không thương tiếc: “Chúng đan một mão bằng gai, đội lên đầu Ngài và đặt vào tay phải Ngài một cây sậy rồi quỳ xuống trước mặt Ngài chế nhạo: "Hoan hô, Vua dân Do Thái!" Chúng khạc nhổ trên Ngài và lấy cây sậy đánh vào đầu Ngài. Chế nhạo Ngài xong, chúng lột áo đỏ tía ra và mặc áo lại cho Ngài, rồi dẫn đi đóng đinh.” (Sách Ma-thi-ơ, chương 27, câu 29-31)
Có khi nào bạn bị người ta khạc nhổ trên mặt, trên người mình chưa? Và bạn sẽ phản ứng như thế nào khi có ai làm như thế với mình? Có thể nào bạn chấp nhận được hành động dơ bẩn như thế không? Bạn có thể tha thứ cách dễ dàng cho người làm điều đó cho mình không? Rất khó để chúng ta có thể bình tâm trước hành động như thế của một ai đó dành cho mình. Rất khó để chúng ta có thể tha thứ và bỏ qua cho người đã có hành động như thế với mình phải không bạn? Đó là một việc làm thiên nan vạn nan.
Nhưng thưa bạn, bạn có biết không, vì quá yêu bạn và yêu tôi, mà Chúa Giê-xu là con người toàn hảo duy nhất trong suốt cả cõi lịch sử của con người, Con người vô tội duy nhất trong mọi con người có mặt trên trần gian nầy, đã chấp nhận tất cả mọi rẻ khinh của người đời từ mắng nhiếc, đánh đập, khạc nhổ trên người, và nhục nhã hơn hết là chịu đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết để cứu bạn và tôi đó thôi.
Không có ai làm điều đó cho bạn và tôi, ngoài một mình Chúa Cứu Thế Giê-xu!
Động có duy nhất để Ngài chấp nhận mọi sự khinh chê, chán bỏ, sỉ nhục của con người, đó chính là tình yêu của Ngài dành cho bạn và cho tôi là những tội nhân đó thôi! Không một quyền lực nào có thể giữ Ngài lại trên thập tự giá được, chỉ tình yêu và duy chỉ tình yêu mới buộc Ngài tình nguyện chết đớn đau trên thập tự giá đầy ghê tởm.
Không ai yêu bạn và tôi bằng Chúa Cứu Thế Giê-xu! Không ai chấp nhận chết cho bạn và tôi là những tội nhân, ngoài một mình Chúa Cứu Thế Giê-xu! Không ai có quyền tha thứ mọi tội lỗi cho bạn và tôi, ngoài một mình Chúa Cứu Thế Giê-xu, bởi chỉ một mình Ngài mới có đủ thẩm quyền và tư cách để làm những điều đó cho bạn và cho tôi mà thôi!
Mùa Chay đã đến, là những người tin thờ Chúa, không nhiều thì ít, chúng ta cũng dành thì giờ để tâm trí mình suy nghĩ đến những chặng đường Thương Khó của Chúa Giê-xu, Đấng đã yêu thương chúng ta, lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài và nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời (Sách Khải Huyền, chương 1, câu 6)
Nghĩ đến tình yêu và sự hy sinh cao cả, nhiệm mầu của Chúa Giê-xu, bạn và tôi không thể nào không cảm kích được trước một trái tim vĩ đại như thế, trước một tình yêu nhiệm mầu như thế!
Cảm kích trước tình yêu lớn lao, kỳ diệu ấy, Thi sĩ, Mục sư Thanh Hữu-Nguyễn Hữu Trang đã viết những vần thơ đầy cảm xúc như sau:
Nhớ xưa đồi Sọ đau buồn,
Giê-xu thống hối kêu thương lời nầy.
Lòng Cha tan nát buồn thay,
Để Chúa Con chết. Chờ ngày phục sinh.
Bạn, tôi đi một lộ trình
Hạt giống vùi lấp, để thành hình cây.
Muốn cho xanh lá trái đầy,
Phải chịu hứng nắng mưa bay ngập đầu.
(Sao Ngài lìa bỏ con? – Thanh Hữu)
Nhân mùa Chay, chúng ta cùng hướng lòng mình về vùng đồi Gô-gô-tha xứ Do-thái năm xưa, nơi Chúa Giê-xu đã treo thân trên thập tự giá, chịu chết vì tội chúng ta, để suy niệm về tình Trời cao cả, tình Chúa tuyệt vời và mầu nhiệm đã dành cho bạn và cho tôi mà rung động, mà biết ơn mà cảm tạ tự sâu xa trong trái tim mình.
Nguyện xin tình yêu thương vô bờ bến của Chúa phủ lút trên mỗi một chúng ta trong thế gian đầy tội lỗi nầy. Amen!
-Bình Tú Ngọc-
@ LỜI CẦU NGUYỆN TIN CHÚA:
Sau khi đọc hoặc nghe bài viết nầy, nếu bạn chưa tin Chúa Giê-xu, muốn tin nhận Ngài, xin hãy thưa với Chúa vài lời đơn sơ như sau:
“Lạy Đức Chúa Trời là Cha thiêng liêng của con, con nhận biết Ngài là Đấng yêu thương con nên đã ban Chúa Giê-xu xuống trần gian nầy để chết thay cho tội của con trên thập tự giá. Ngài đã được chôn, và sau ba ngày, đã sống lại, sống mãi mãi để ban cho con sự sống đời đời. Con xin Ngài tha thứ mọi tội lỗi của con, cho con được làm con cái của Ngài, được hưởng sự sống đời đời, được đến gần Ngài để thờ phượng Ngài. Xin biến đổi cuộc đời con theo như thánh ý của Ngài. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. A men!” (A men nghĩa là muốn được như lời vừa cầu nguyện).
Sau khi bạn thưa với Chúa những lời đơn thành đó, bạn chắc chắn trở thành con cái của Ngài.
Việc tiếp theo, xin mời bạn tìm đến một nhà thờ Tin Lành gần nơi bạn ở để được thờ phượng Chúa vào mỗi Chúa nhật, và có được Kinh thánh để đọc và hiểu biết thêm về Chúa.
Bạn cũng có thể liên lạc với trang mạng Vietchristian.com này để được hướng dẫn thêm trong đức tin theo Chúa.
Bạn cũng sẽ được khích lệ trong đức tin theo Chúa, nếu bạn mở và nghe Đài Nguồn Sống, tiếng nói của tình yêu, chân lý và hy vọng mỗi ngày để được lớn lên trong đức tin và trong sự phục vụ Chúa theo địa chỉ dainguonsong.com
Mong được đón tiếp bạn vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời để được hưởng tình yêu đời đời của Ngài.
(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)