"Nếu ông dò xét có thể biết được sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời, và thấu rõ Đấng Toàn năng sao?" (Gióp 11:7)
Đức Chúa Trời là ai? Ngài như thế nào? Làm thế nào chúng ta biết Ngài hiện hữu? Ngài có từ bao giờ? Chúng ta có thể biết Ngài không?
Mọi người đều hỏi hay tự hỏi những câu này vì chúng ta không thể nào nhìn thế giới xung quanh mà không kinh ngạc về công trình sáng tạo. Hàng ngày chúng ta đối diện với phép lạ trong sự sống và cái bí hiểm trong sự chết, vẻ rực rỡ huy hoàng của thảo mộc, cỏ hoa, vẻ vinh quang của bầu trời đêm đầy sao, cái vĩ đại của núi non, biển cả. Ai đã tạo dựng nên tất cả những thứ này? Ai đã nghĩ ra luật về dẫn lực để nối kết ràng buộc mọi vật đúng vị trí riêng? Ai đã qui định ngày đêm và điều khiển sự chuyển đổi các mùa? Còn về tính vô hạn của vũ trụ thì sao? Chúng ta có thành thật tin như điều có người đã viết, "Phải chăng tất cả vũ trụ trong quá khứ, hiện tại hay tương lai chỉ có thế này?"
Giải đáp khả dĩ duy nhất là tất cả những điều này và nhiều điều khác nữa là công việc của một Thượng Đế Tối Cao. Như chiếc đồng hồ phải có người vẽ kiểu thì vũ trụ với cơ chế chính xác như thế cũng phải có một Đấng Thiết Kế Vĩ Đại. Chúng ta gọi Ngài là Đức Chúa Trời hay là Ông Trời. Toàn thể nhân loại quen thuộc danh Ngài. Ngay từ thơ ấu, chúng ta đã nói đến danh Ngài. Kinh thánh công bố rằng Đức Chúa Trời chúng ta nói, chúng ta hát về Ngài là Đức Chúa Trời "đầy ân phúc" chính là Đấng đã sáng tạo thế giới và đặt để chúng ta trong đó. Công cuộc thám hiểm không gian của chúng ta sẽ không thể thực hiện được trong một vũ trụ không vận hành theo qui luật của Đức Chúa Trời.
Một người khôn ngoan không kém ai là Benjamin Franklin đã nói, "Tôi là người sống lâu và càng sống lâu tôi càng thấy có nhiều bằng chứng đầy thuyết phục rằng Đức Chúa Trời là Đấng điều khiển công việc của loài người". Một người khôn ngoan khác là Blaise Pascal đã viết: "Nếu một người không được tạo dựng cho Đức Chúa Trời thì tại sao người chỉ có hạnh phúc trong Ngài? Nếu một người được tạo dựng cho Đức Chúa Trời thì tại sao người chống lại Đức Chúa Trời?" Đây là tình huống bế tắc của chúng ta.
Nhưng bạn hỏi, "Ngài là Ai? Ngài ở đâu?" Chúng ta biết Ngài hiện hữu, chúng ta kêu van Ngài - kêu Trời - trong những giây phút khó khăn thử thách cam go nhất. Có người luôn luôn suy tưởng về Ngài mọi lúc, mọi nơi. Nhưng có người lại bảo rằng họ không tin Ngài hiện hữu, trong khi những người khác bảo, "Hãy giải thích Thượng Đế cho tôi may ra có thể tôi sẽ tiếp nhận Ngài."
Vào thời điểm quyết định này trong lịch sử thế giới, đối với những người tự hỏi, "Đức Chúa Trời như thế nào?" chỉ có một câu trả lời đơn giản: Đức Chúa Trời giống như Chúa Cứu Thế Giê-xu. Như Chúa Giê-xu đã đến để khiến hình ảnh Đức Chúa Trời trở nên rõ ràng cho nhân loại và trở thành Đấng Cứu Chuộc chúng ta, thì khi trở về thiên đàng, Ngài đã ban Đức Thánh Linh xuống cư trú trong tín hữu giúp họ có thể sống cuộc đời làm nổi bật hình ảnh Chúa Cứu Thế cho một trần gian vô tín.
Nếu bạn muốn biết Đức Chúa Trời như thế nào, nếu bao nhiêu năm qua trong cuộc đời bạn đã nghe về Đức Chúa Trời và nói về Ngài, nhưng vẫn còn chờ phải có người giải thích rồi mới đặt đức tin nơi Ngài thì bây giờ chúng ta xem thử Kinh Thánh có những mô tả cụ thể như thế nào về Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời Như Thế Nào?
Vào thời điểm quyết định này trong lịch sử thế giới mọi người cần phải tìm giải đáp cho câu hỏi, "Đức Chúa Trời như thế nào?" Ai cũng cần phải hỏi và cùng đều cần biết rõ câu trả lời. Mỗi người cần biết thật chính xác không chút hoài nghi Đức Chúa Trời là ai và Ngài có thể làm được những gì vì Thánh kinh khẳng định rằng "điều chi có thể biết về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi" (Rô-ma 1:19).
Chính vì thiếu kiến thức này về Đức Chúa Trời và sự kiện con người từ chối vâng lời Ngài mà con người không sao giải tỏa được bao nhiêu nan đề đeo đẳng. Chính vì con người không hiểu chương trình của Đức Chúa Trời mà thế giới rơi vào hỗn loạn. Chính vì con người không muốn biết và không muốn tuân giữ các qui luật của Đức Chúa Trời mà linh hồn chồng chất bao nhiêu gánh nặng. Vì vậy chúng ta hãy nỗ lực hết sức học biết về Ngài.
Chúng ta sẽ tìm những tri thức này ở đâu? Ai trong chúng ta sẽ chỉ dạy chúng ta chân lý? Không phải tất cả chúng ta ở đây đều là những vật thọ tạo hữu hạn sao? Đức Chúa Trời có dự liệu một người nào trên đất có đầy đủ thẩm quyền tối hậu để nói về Ngài? Câu trả lời là không, và người duy nhất Đức Chúa Trời giao phó trách nhiệm đó sống cách đây hai nghìn năm thì chúng ta đã đóng đinh trên thập tự giá! Như vậy bây giờ làm sao chúng ta có thể biết Đức Chúa Trời?
Chúng ta có thể hỏi các học giả uyên bác, họ sẽ cho biết Đức Chúa Trời là diễn đạt của mọi điều trong thiên nhiên và cuộc sống, rằng mọi hữu thể sống đều là một với Ngài, rằng chính sự sống cũng là một thể hiện của Hữu Thể Thiên Thượng. Họ sẽ cho biết bạn có thể thấy Đức Chúa Trời trong một giọt nước nhỏ nhất cũng như trong vòm trời bao la mênh mông trên cao.
Hỏi một triết gia, ông ta sẽ cho bạn biết rằng Đức Chúa Trời là một quyền lực nguyên thủy bất biến đàng sau toàn thể công trình sáng tạo, rằng Ngài là Động Lực Chính, là Đấng duy trì chuyển động của tất cả vũ trụ, rằng Ngài là Quyền Lực vô thủy vô chung. Triết gia sẽ bảo rằng mỗi mẩu sự sống và vẻ đẹp chúng ta thấy là thể hiện của quyền lực này lưu chảy không ngừng từ Động Lực Chính rồi quay lại đó.
Tiếp tục hỏi nữa, người ta sẽ cho bạn biết rằng Đức Chúa Trời là tuyệt đối và Ngài là Tất Cả trong Tất Cả, và không ai có thể biết gì thêm về Ngài. Có nhiều định nghĩa về Đức Chúa Trời. Tiến sĩ Akbar Haqq bảo rằng nguyên thủy mọi người đều theo quan điểm độc thần về Thượng Đế. Mỗi quốc gia, mỗi chủng tộc, mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều cố gắng giải thích Hữu Thể Vĩ Đại đàng sau vũ trụ bao la này. Con người ở mọi thời đại đã cố gắng khám phá Đấng Tạo Hóa, tác giả của bao công trình họ đã thấy, nhưng lại không biết Ngài. Trong những lời giải thích trên về Đức Chúa Trời, điều nào đúng nhất? Những lý thuyết nào có thể chấp nhận? Trong số những thẩm quyền tự tạo trên, cái nào có thể hướng dẫn chúng ta?
Như đã thấy trong chương trước, Đức Chúa Trời đã tự bày tỏ chính Ngài trong một cuốn sách gọi là Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh chúng ta có mạc khải về Chúa và dựa trên mạc khải đó, tâm trí chúng ta thỏa mãn và lòng chúng ta ấm áp. Chúng ta an tâm biết chắc có câu trả lời đúng, và rằng chúng ta đang trên hành trình hiểu biết bản chất thật của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong hàng trăm cách khác nhau trong Kinh Thánh và nếu chúng ta đọc Kinh Thánh cẩn trọng và đều đặn như đọc nhật báo, chúng ta sẽ quen và biết Đức Chúa Trời như chúng ta biết rõ các cầu thủ chúng ta có cảm tình!
Như viên kim cương có nhiều mặt thì mạc khải về Đức Chúa Trời cũng có vô số khía cạnh không thể nào trình bày hết được, vì vậy trong phạm vi giới hạn của chương này, chúng ta sẽ nói về bốn phương diện mạc khải có phần quan trọng nhất về Đức Chúa Trời, đó cũng là những khía cạnh chúng ta cần ghi nhớ luôn luôn.
"Đức Chúa Trời là Thần Linh"
Trước hết, Kinh Thánh công bố Đức Chúa Trời là Thần Linh. Khi nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng Si kha, Chúa Giê-xu đã xác định điều này: "Đức Chúa Trời là thần linh" (Giăng 4:24).
Bạn nghĩ gì khi nghe từ ngữ thần linh? Tâm trí bạn gợi ra hình ảnh nào? Bạn có nghĩ về thần linh giống như một làn sương khói bay nhẹ lên trời? Thần linh có phải là cái làm trẻ con sợ trong dịp hội ma quái Halloween mỗi cuối tháng mười? Hay đối với bạn, thần linh chỉ là cái trống rỗng không hình không dáng? Bạn có nghĩ rằng đó là điều Chúa Giê-xu hàm ý khi Ngài bảo "Đức Chúa Trời là Thần Linh"?
Để khám phá "thần linh" thực sự là gì và Chúa Giê-xu muốn nói đến điều gì khi Ngài dùng từ ngữ đặc biệt này, chúng ta lại phải trở về với Kinh Thánh tới chỗ mô tả sau khi phục sinh, Chúa đã nói, "Hãy rờ đến ta và hãy xem, thần thì không có thịt xương, mà các ngươi thấy ta có" (Lu-ca 24:39). Vì vậy, chúng ta biết chắc rằng thần linh không có thân xác. Thần linh đối ngược với thân xác, nhưng vẫn là một hữu thể có quyền năng. Đây là điều rất khó hiểu vì chúng ta đang cố hiểu bằng tâm trí hữu hạn của loài người.
Vì loài người đã bị truất bỏ nhãn quan vô hạn Đức Chúa Trời từ nguyên thủy định ban cho nên chúng ta không thể hiểu sự vinh quang và vĩ đại của Thần Linh hiện hữu quá xa bên ngoài chúng ta. Khi nghe nói đến từ ngữ "thần linh", chúng ta lập tức cố giảm bớt, hạ thấp từ ngữ đó xuống cho ngang bằng với kích thước nhỏ bé của chúng ta, cho vừa với phạm vi hạn hẹp của tâm trí chúng ta. Giống như nỗ lực giải thích cái hùng vĩ, bao la, mênh mông của đại dương cho một người chưa bao giờ thấy một hồ nước lớn hơn cái vũng trâu đầm. Làm sao người đó có thể hình dung được đại dương vô tận? Làm sao người đó khi nhìn vào cái ao tù nước đọng kia, có thể hiểu được những chiều sâu vô biên, sự sống bí mật, sức mạnh sôi trào, những chuyển động không ngừng với cái tàn bạo ghê gớm của cơn bão biển hay cái vẻ đẹp tráng lệ tuyệt vời khi biển lặng? Làm thế nào một người suốt đời chỉ thấy vũng bùn có thể hiểu được bạn đang nói gì? Bạn sẽ dùng những ngôn từ nào để mô tả đại dương hùng vĩ cho người đó hiểu? Làm sao bạn có thể thuyết phục người đó tin rằng những đại dương kỳ diệu đó thực sự hiện hữu?
Đối với chúng ta, để hiểu đúng điều Chúa nói "Đức Chúa Trời là Thần Linh" còn khó khăn hơn vô cùng. Chúa Giê-xu thì khác. Ngài biết hết. Tâm trí Ngài không
bị giới hạn như tâm trí chúng ta. Mắt Ngài không nhìn vào vũng bùn của đời sống, nhưng biết hết mọi biên cương vô hạn của Thần Linh, và Ngài đến để nỗ lực giúp chúng ta hiểu phần nào cái kỳ diệu, êm dịu và bình an Thần Linh đem lại.
Chúng ta biết chắc rằng thần linh không bị giới hạn trong thân xác, cũng không hao mòn, già cỗi hoặc đổi thay như thân xác. Kinh Thánh công bố rằng Đức Chúa Trời là Thần Linh, nghĩa là Ngài không bị giới hạn trong thân xác, không bị giới hạn vào vóc dáng, không bị giới hạn vào một biên cương nào; không ai có thể đo lường được Ngài, cũng không con mắt trần nào có thể thấy Ngài. Kinh Thánh cho biết vì Ngài vô hạn như thế cho nên Ngài cùng một lúc có thể ở khắp mọi nơi, Ngài nghe tất cả, thấy tất cả và biết tất cả.
Vì không có những khả năng đó cho nên chúng ta có khuynh hướng giới hạn Ngài trong cái hạn hẹp của chúng ta. Chúng ta cố phủ nhận quyền năng của Đức Chúa Trời đối với những việc chúng ta không thể làm. Vì không thể cùng một lúc có mặt khắp nơi cho nên chúng ta cho rằng Đức Chúa Trời cũng như vậy. Chúng ta giống như một người nghe nói về đại dương rồi một ngày kia tìm đến được bên bờ biển, đi xuống vốc được ít nước trong tay, kêu lên rằng, "cuối cùng đại dương đã nằm trong lòng bàn tay ta, ta đã sở hữu đại dương mênh mông!" Vâng, anh ta có được một phần biển cả, nhưng cùng lúc đó, trên hàng ngàn các bãi biển khác, nhiều người khác cũng đang cúi xuống vốc nước trong tay bảo rằng mình đang sở hữu vài ba giọt nước biển. Hàng triệu người trên thế giới có thể đi xuống bãi biển làm như thế, hoặc mỗi người có thể lấy bao nhiêu nước biển cũng được, nhưng đại dương vẫn không hề thay đổi. Năng lực và sức mạnh của biển cả vẫn y nguyên, sự sống và những chỗ sâu không dò được vẫn như cũ, dù nó đã cung cấp nhu cầu cho tất cả mọi người đang đứng đưa tay trên khắp các bờ đại dương.
Đức Chúa Trời cũng như vậy. Ngài có mặt khắp nơi trong cùng một lúc, nghe những lời cầu nguyện của tất cả mọi người dâng lên trong danh Chúa Cứu Thế Giê-xu; Ngài cũng đồng thời làm bao nhiêu phép lạ quyền năng để giữ các vì tinh tú trong vị trí, làm cho cây cối đâm chồi nẩy lộc trên mặt địa cầu, trong khi tôm cá bơi lội trong biển cả. Đức Chúa Trời không bị một giới hạn nào và sự khôn ngoan của Ngài cũng thật hoàn hảo. Quyền năng Ngài không giới hạn, tình yêu và lòng thương xót của Ngài không có biên cương.
Nếu bạn đang từng cố gắng giới hạn Đức Chúa Trời, xin hãy dừng lại. Đừng cố giam hãm Ngài hay công trình của Ngài vào bất cứ nơi nào hay lãnh vực nào. Tất nhiên bạn không cố giới hạn biển cả. Bạn không thể giới hạn vũ trụ. Bạn không đủ liều lĩnh để thử thay đổi đường đi của mặt trăng hay giữ trái đất đừng quay quanh trục! Như vậy cố giới hạn Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo tất cả những kỳ quan đó còn muôn đời ngu dại đến đâu!
Tôi vô cùng biết ơn mẹ tôi về nhiều điều nhưng một trong những ơn phước lâu bền nhất cho cuộc sống là bà đã dạy tôi trong Phúc Âm Yếu Chỉ (Giáo Lý Căn Bản) năm tôi lên mười rằng "Đức Chúa Trời là Thần Linh, vô hạn, vĩnh hằng và bất biến trong sự hiện hữu, khôn ngoan, năng quyền, thánh khiết, công chính, thiện hảo và chân lý." Định nghĩa đó về Đức Chúa Trời đã theo tôi suốt đời, và khi sâu kín trong lòng, một người biết rõ Đức Chúa Trời là Thần Linh vô hạn, vĩnh hằng và bất biến, người sẽ thắng được cám dỗ muốn giới hạn Ngài. Hiểu biết đó cũng giúp người vượt qua mọi ý tưởng nghi ngờ khả năng của Đức Chúa Trời đối với những việc chúng ta không làm nổi!
Một số nghi ngờ Kinh Thánh không phải là Lời chân thật của Đức Chúa Trời vì không muốn gán cho Ngài bất cứ điều gì chính họ không thể thành đạt. Nếu bạn có điều gì không chắc về sự linh cảm của Kinh Thánh, xin hãy lấy ra đọc lại, đọc trong tâm trạng của một người suốt đời chỉ biết chú mục vào cái ao tù mà lần đầu tiên trong đời được đứng trước đại dương mênh mông! Có lẽ bây gì bạn mới thoáng có cái nhìn đầu tiên về quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời. Có lẽ bây giờ bạn mới bắt đầu hiểu Đức Chúa Trời thực sự như thế nào, vì nếu Đức Chúa Trời là Thần Linh như Chúa Giê-xu công bố thì sẽ không có gì khó hiểu đối với sự quan phòng của Ngài, đối với quyền tối thượng của Ngài trong việc can thiệp vào cuộc sống con người, cũng không khó khăn gì đối với sự linh cảm con người viết nên Kinh Thánh. Một khi bạn hiểu Đức Chúa Trời là ai và Ngài như thế nào thì mọi suy tưởng ngổn ngang sẽ ổn định.
Đức Chúa Trời Là Một Ngôi Vị
Thứ hai: Kinh Thánh tiết lộ Đức Chúa Trời là một Ngôi Vị (nghĩa là có nhân cách, vị cách). Suốt cả Kinh Thánh chúng ta thấy "Đức Chúa Trời yêu thương," "Đức Chúa Trời phán," "Đức Chúa Trời làm." Mọi điều chúng ta qui cho một người cũng được qui cho Đức Chúa Trời. Người là một cá thể biết cảm xúc, suy nghĩ, mong mỏi, ước muốn và có mọi cách thể hiện nhân cách. Sống trên đất chúng ta có khuynh hướng qui chiếu nhân cách cho thân xác. Trí óc hữu hạn của chúng ta không thấy được nhân cách không thể hiện ra trong xương thịt. Chúng ta biết rằng những nhân cách của chúng ta không luôn luôn bị gói ghém trong các xác thân chúng đang cư trú. Chúng ta biết rằng trong lúc chết, nhân cách chúng ta sẽ lìa thân xác để tiếp tục bước vào số phận dành cho chúng. Chúng ta đều biết rõ điều này, nhưng lại thấy khó chấp nhận.
Mạc khải quan trọng chúng ta cần có đó là nhận ra rằng nhân cách không nhất thiết phải được xác định với một hữu thể có thân xác. Đức Chúa Trời không ở trong thân xác nhưng Ngài vẫn là một Ngôi Vị. Ngài cảm xúc, suy tưởng, yêu thương, tha thứ. Ngài cảm thông với những nan đề và những phiền ưu chúng ta phải đương đầu.
Đức Chúa Trời Thánh Khiết và Công Chính
Thứ ba: Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời không chỉ là Thần Linh và là một Ngôi Vị, nhưng Ngài còn là Đấng Thánh khiết và Công chính. Từ Sáng thế ký đến Khải huyền, Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài là Đức Chúa Trời Thánh khiết. Ngài là Đấng toàn hảo và tuyệt đối trong tất cả mọi khía cạnh. Ngài cũng là Đấng quá thánh khiết không thể dung chịu được con người tội lỗi, cũng như cuộc sống tội lỗi.
Chỉ cần thấy được bức tranh thật về sự công chính vô cùng uy nghi của Ngài, cuộc sống chúng ta trên bình diện cá nhân cũng như quốc gia sẽ khác xa biết bao nhiêu! Ước gì chúng ta nhận ra cái khoảng mênh mông chia cách con gười bất nghĩa với Đức Chúa Trời hoàn toàn công chính! Kinh Thánh công bố Ngài là Nguồn Sáng, trong Ngài không có một chút bóng tối nào, Ngài là Hữu Thể Tối Thượng không tì vết.
Đây cũng lại là một khái niệm rất khó đối với con người bất toàn. Chúng ta với bao nhiêu lầm lỗi và yếu đuối rất khó có thể tưởng tượng được sự thánh khiết vô cùng của Đức Chúa Trời như thế nào, tuy nhiên để có thể hiểu Kinh Thánh chúng ta cần phải nhận thức sự thánh khiết đó. Vực sâu ngăn cách giữa con người bất toàn với Đức Chúa Trời toàn hảo được nhấn mạnh qua suốt Kinh Thánh. Sự kiện này thể hiện qua việc phân cách giữa nơi thánh và nơi chí thánh trong Đền tạm Cựu Ước cũng như trong Đền thờ Tân Ước. Sự ngăn cách này được thể hiện qua qui định rằng khi một tội nhân muốn đến gần Đức Chúa Trời thì phải đem theo một của dâng. Chính hệ thống tư tế là trung gian giữa Đức Chúa Trời và con người cũng nhấn mạnh sự phân cách giữa Đức Chúa Trời thánh khiết với con người tội lỗi. Điều này cũng được nhấn mạnh trong các giới luật về sự tinh sạch trong sách Lê vi ký. Chúng ta cũng thấy sự phân cách đó trong các kỳ lễ Do Thái và sự cô lập của người Do Thái tại Palestine. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời chi phối tất cả những nguyên tắc khác của Ngài.
Kinh Thánh công bố rằng ngôi Đức Chúa Trời được thiết lập trên nền tảng thánh khiết. Chính vì Ngài thánh khiết trong khi con người bất khiết mà có khoảng cách chia giữa Đức Chúa Trời với tội nhân không chịu ăn năn. Kinh thánh cho biết chính tội lỗi ngăn cách chúng ta với Đức Chúa Trời đến nỗi Ngài che mặt khỏi chúng ta và khi chúng ta kêu cầu Ngài không thèm nghe. Tác giả Thi thiên 66:18 viết rằng "Nếu lòng tôi có chú về tội ác, ắt Chúa chẳng nghe tôi". Mặt khác, tác giả Thi-thiên cũng lại nói rằng, "Mắt Chúa Hằng hữu đoái xem người công bình, tai Ngài lắng nghe tiếng kêu cầu của họ...Chúa Hằng Hữu ở gần người mọi người cầu khẩn Ngài. Tức ở gần mọi người có lòng thành thực cầu khẩn Ngài. Ngài làm thỏa nguyện mọi người kính sợ Ngài; Cũng nghe tiếng kêu cầu của họ, và giải cứu cho" (Thi-thiên 34:15; 145:18,19).
Đức Chúa Trời quá trong sạch không thể chấp nhận điều ác, nghĩa là Ngài quá thánh khiết không thể dính dáng đến tội lỗi. Trước khi tội lỗi xâm nhập dòng giống loài người, Đức Chúa Trời và con người có mối tương giao thân thiết. Bây giờ thì mối tương giao đó đã gãy đổ từ lâu và ở ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu thì mọi giao tiếp giữa Đức Chúa Trời và con người hoàn toàn bị mất. Chỉ qua Chúa Giê-xu con người mới có thể tái thiết lập lại tương giao với Đức Chúa Trời. Có những người bảo rằng tất cả mọi con đường đều dẫn đến Đức Chúa Trời, nhưng Chúa Giê-xu tuyên bố, "Ta là con đường, chân lý và sự sống, không bởi ta thì không ai đến được cùng Cha" (Giăng 14:6). Ngài cũng phán rằng, "Ta là cái cửa: ai bởi ta mà vào sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào, ra và gặp đồng cỏ" (Giăng 10:9).
Người là tội nhân, hoàn toàn bất lực không thể thay đổi tình trạng của mình, không thể làm gì để tiếng kêu thấu đến tai thánh khiết của Đức Chúa Trời, trừ phi kêu cầu với lòng chân thành xin ơn thương xót. Loài người sẽ tiếp tục đời đời hư vong nếu Đức Chúa Trời không do lòng thương xót vô biên sai Con Ngài xuống trần gian lấp đầy hố ngăn cách đó.
Chính trong sự thánh khiết của Đức Chúa Trời mà chúng ta tìm ra lý do cái chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúa Giê-xu là con người duy nhất có đủ sự trọn lành, trong sạch, sức mạnh để mang lấy tội lỗi của toàn nhân loại. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đòi hỏi án phạt chính xác dành cho tội lỗi còn tình thương của Ngài đã ban Chúa Giê-xu để trả cho án phạt này, đem sự cứu chuộc cho nhân loại. Vì Đức Chúa Trời chúng ta tôn thờ là Đức Chúa Trời trong sạch, thánh khiết, công bình và công chính nên Ngài đã ban cho chúng ta Con độc sanh của Ngài để mở ra cho loài người con đường đến với Ngài. Nhưng nếu chúng ta làm ngơ đối với sự trợ giúp này, không vâng theo những luật lệ Ngài thiết định, chúng ta không thể kêu xin Ngài thương xót khi sự trừng phạt của Ngài giáng xuống.
"Đức Chúa Trời Là Tình Thương"
Thứ tư: Đức Chúa Trời là Tình Yêu. Cũng như với tất cả những thuộc tính khác của Đức Chúa Trời, nhiều người không đọc Kinh Thánh sẽ không hiểu được điều Kinh Thánh nói: "Đức Chúa Trời là tình yêu" (1 Giăng 4:8).
Chúng ta không luôn luôn hiểu rõ mình muốn nói gì khi dùng từ ngữ yêu. Đây là một trong những từ ngữ bị dùng sai nhiều hơn hết trong tiếng Anh. Chúng ta dùng chữ yêu để mô tả những cái thấp thỏi nhất cũng như những điều tôn quí nhất trong các mối tương giao (Người Mỹ thường thay động từ "thích" bằng "yêu" bảo rằng họ "yêu" du lịch, "yêu bánh xô cô la", "yêu chiếc xe mới", "yêu màu giấy dán tường"...Tất nhiên họ cũng nói họ "yêu nhà hàng xóm", nhưng chỉ nói thế thôi chứ hầu như không làm gì để minh chứng "tình yêu" đó). Chính vì thế không ai ngạc nhiên khi thấy chúng ta không hiểu rõ khái niệm của Kinh Thánh bảo rằng: "Đức Chúa Trời là Tình Yêu."
Bạn không nên phạm sai lầm nghĩ rằng vì Đức Chúa Trời là tình yêu nên mọi sự sẽ dễ thương, đẹp đẽ, vui vẻ và không ai sẽ bị trừng phạt. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đòi mọi tội lỗi phải bị trừng trị, nhưng tình thương của Đức Chúa Trời cung ứng kế hoạch cứu chuộc tội nhân. Tình yêu của Đức Chúa Trời đã dự liệu thập tự giá cho Chúa Giê-xu, qua đó con người có thể được tha tội, được thanh tẩy. Chính tình yêu của Đức Chúa Trời đã để cho Chúa Giê-xu lên thập tự giá!
Bạn đừng bao giờ đặt vấn đề đối với tình yêu vĩ đại của Đức Chúa Trời, vì tình yêu đó không hề thay đổi, là thành phần trong Đức Chúa Trời y như đức thánh khiết của Ngài. Dù tội lỗi bạn có kinh khủng đến đâu, Đức Chúa Trời vẫn yêu thương bạn. Nếu Đức Chúa Trời không có tình thương như thế thì không một người nào trong chúng ta có hy vọng gì trong cuộc sống tương lai. Nhưng Đức Chúa Trời là tình yêu và tình yêu của Ngài là tình yêu muôn đời. Thánh Phao-lô viết trong Rô-ma 5:8 như sau: "Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Chúa Cứu Thế vì chúng ta chịu chết."
Những lời hứa về tình yêu và sự tha thứ của Đức Chúa Trời là thật, là chắc chắn, là khẳng định hết mức diễn đạt của ngôn từ con người. Nhưng cũng giống như cách diễn tả đại dương, chúng ta sẽ không thể biết hết được vẻ đẹp của biển cả cho đến khi thấy tận mắt. Tình thương của Đức Chúa Trời cũng vậy. Cho đến khi bạn thực sự tiếp nhận, thực sự kinh nghiệm tình yêu của Ngài, cho đến khi bạn thực sự sở hữu sự bình an thật với Chúa thì không ai có thể mô tả cho bạn hiểu được những điều kỳ diệu trong tình yêu của Đức Chúa Trời.
Tình yêu không phải là cái bạn có thể hiểu bằng tâm trí. Tâm trí hữu hạn của bạn không thể hiểu nổi điều vĩ đại như tình yêu của Đức Chúa Trời. Trí óc bạn sẽ thấy thật khó giải thích sự kiện làm thế nào một con bò đen, ăn cỏ xanh mà lại cho sữa trằng- nhưng bạn vẫn thường uống sữa và nhận được sức lực từ sữa. Trí óc bạn không thể lý giải tất cả tiến trình phức tạp xảy ra khi hạt dưa hấu nhỏ bé bạn gieo mọc lên, trở thành một giây leo, sinh ra những quả dưa thật to, thật đỏ. Bạn không hiểu nhưng bạn vẫn ăn, vẫn thưởng thức quả dưa ngon ngọt đó! Bạn không hiểu hết về máy radio nhưng bạn vẫn nghe hàng ngày. Trí óc bạn không thể giải thích tại sao điện sinh ra ánh sáng dù bạn đang ngồi đọc sách dưới ánh đèn, nhưng bạn biết điện đang có đó và điện đang cho bạn phương tiện để đọc!
Bạn phải tiếp nhận Đức Chúa Trời bằng đức tin - đức tin nơi Con Đức Chúa Trời là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Khi có đức tin như thế bạn sẽ thấy nghi ngờ không còn chỗ đứng. Lúc đó bạn không cần hỏi Đức Chúa Trời có trong lòng bạn hay không vì bạn tự biết.
Mỗi khi có ai hỏi làm sao tôi biết chắc Đức Chúa Trời là ai và Ngài như thế nào, tôi lại nhớ đến câu chuyện về một cậu bé thả diều. Hôm đó là một ngày đẹp trời, thật lý tưởng để chơi diều. Gió đều và khá mạnh, bên trên nhiều lớp mây chồng chất đang đuổi nhau bay ngang bầu trời. Con diều bọc gió bay lên nhanh và mạnh, không bao lâu đã lên tít trên cao, khuất sau những cụm mây thấp. Một người đi qua hỏi cậu bé:
"Cháu đang làm gì đó?"
"Dạ, cháu thả diều."
"Thế diều đâu sao không thấy? Cháu có chắc con diều trên đó không?"
"Dạ chắc chứ! Nó đang kéo căng sợi chỉ cháu cầm đây!"
Bạn không cần phải dựa vào lời ai khác nói về Đức Chúa Trời vì chính bạn có thể tìm gặp Ngài, lúc đó chính bạn cũng sẽ biết Ngài hiện hữu qua sức kéo êm dịu, lạ lùng tác động trên những sợi tơ trong tâm hồn. Bạn biết chắc Ngài đang ở đó!