“Ta để sự bình an lại cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Sự bình an Ta cho các con không giống như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi. ” (Giăng 14:27)
Kinh Thánh cho biết chúng ta không biết rõ tương lai mình, con đường phía trước của mình đi nhưng chúng ta biết rõ Ðấng nắm giữ tương lai mình. Trong hoàn cảnh bị phong tỏa, cách ly vì đại dịch bệnh COVID-19 đang lây lan toàn cầu, mọi người đều mong ước đại dịch bệnh nầy sớm chấm dứt. Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su giáng trần để đáp ứng nhu cầu toàn diện (5 nhu cầu căn bản) của con người. 5 nhu cầu đó chịu ảnh hưởng rất nhiều từ chữ bình an. Hay nói cách khác, con người bị bất an vì bị chi phối bởi nhu cầu vật chất, thể chất, xã hội, tình cảm và tâm linh. Những thách thức nghiêm trọng liên hệ đến 5 nhu cầu nầy như là (1) Thể chất - bệnh tật; (2) Vật chất - thất nghiệp; (3) Tình cảm - cô đơn - yêu người nhưng người không yêu ta; (4) Xã hội - chiến tranh, tội phạm, giết người; (5) Tâm linh - sự chết, chết đời đời.
Kinh Thánh cho biết người tin Chúa có sự bình an vì có Chúa ngự trị trong lòng. Thường thì chúng ta chỉ nhấn mạnh đến Chúa Giê-su ở trong lòng mà không để tâm đến sự hiện hữu của Chúa Thánh Linh. Người có sự bình an thật là người có Chúa Giê-su và Thánh Linh Ngài ngự trị trong lòng mình. Qua lời dạy trong Kinh Thánh có chân lý về sự bình an của người tin theo Chúa.
1. Lẽ Cần Của Sự Bình An
a. Sự Bình An Xoa Dịu Nỗi Ðau Khổ. Phúc Âm Mathiơ 2:18 chép: “Người ta nghe tại Ra-ma. Tiếng than vãn, khóc lóc thảm thiết; Ấy là Ra-chên khóc các con mình, Mà không chịu an ủi, Vì chúng không còn nữa. ” Ðoạn kinh thánh nầy cho biết Ra-chên, đại diện cho con người xưa và nay bị bất an, đau khổ vì mất người thân yêu của mình. Một trong năm nhu cầu căn bản của con người là nhu cầu tình cảm. Tâm trạng bất an vì mất người thân yêu, lo sợ đơn độc, và lo lắng về tương lai là những nguyên nhân đưa đến sự bất an trong nhu cầu tình cảm con người. Sự giáng thế của Cứu Chúa Giê-su đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân loại, đã xoa dịu những nổi đau khổ của con người lúc bấy giờ và ngày nay.
Có hai thứ khổ trong đời sống con người: (1) Người làm cho mình khổ; (2) Mình làm cho mình khổ. Một tín hữu sau 7 năm đi nhà thờ, quyết định tin nhận Chúa, nhận lễ báp-tem, đã viết lời làm chứng như sau: “Sống tại xứ Mỹ nầy có 3 cái khổ: (1) Khổ vì tiền. Có tiền cũng khổ. Mà không có tiền cũng khổ; (2) Khổ vì tình. Tình cảnh éo le ngang trái. Yêu người nhưng người phản bội mình; (3) Khổ vì con. Nhất là con cái trong tuổi thiếu niên, không nghe lời cha mẹ dạy bảo!
Có thể trong bạn cũng đang có nỗi khổ vì gia đình và vì những người mình yêu thương nhất. Một nữ tín hữu người Mỹ làm chứng rằng: “Con gái tôi bị bệnh tâm thần. Chồng tôi từ bỏ tôi để đi lấy vợ trẻ hơn.” Đáng lẽ con gái bà phải phụng dưỡng bà nhưng bà lại là người tiếp tục chăm sóc con gái mình. Bà nói rằng: “Nếu không có Chúa Giê-su, tôi không biết phải làm sao?” Nếu không biết Chúa và làm theo lời dạy của Ngài trong Kinh Thánh thì con người tiếp tục gây đau khổ cho chính mình. Căm hờn người phản bội mình. Cay đắng với người xung quanh mình. Mặc cảm tự ti với bạn hữu mình. Lời Chúa dạy ta phải tha thứ, tha thứ, và tha thứ đến 70 lần 7. 490 lần. Có nghĩa là nhiều lần, càng nhiều càng tốt! Tha thứ là giải thoát chính mình! Sự báo thù thuộc về Chúa (Rô-ma 12:19)
Bạn có bị bất an và đau khổ không? Bạn có bị bất an vì những ngoại cảnh khác đưa đến không? Hãy đến với Cứu Chúa Giê-su. Ngài phán rằng: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ... ” (Mathiơ 11:28).
b. Sự Bình An Giải Cứu Khỏi Sự Chết. Đức Chúa Trời biết rõ trong tâm tư sâu kín của con người là sợ chết. Con người ai cũng có nhiều nỗi sợ. Sợ vì bệnh tật. Sợ vì cô đơn. Sợ mất việc làm. Nhưng khi có việc làm thì lại sợ không làm được việc. Nhưng không có nỗi sợ nào so sánh được với nỗi sợ đối diện sự vinh quanh của Chúa. Khi nhìn thấy sự vinh quang của Chúa, con người tội lỗi chúng ta phải sợ. Như có câu rằng: “Có tịch rục rịch.” A- đam và Ê-va sau khi phạm tội cùng Chúa thì họ lẫn trốn (Sáng-thế ký 3:10)
Sự bình an tâm linh là điều quan trọng và cần thiết trong đời sống con người. Ðây chỉ về sự thuận hòa giữa Trời và người qua Ðức Chúa Giê-su Christ. Rô-ma 5:1 chép: “Vậy, chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Ðức Chúa Trời, bởi Ðức Chúa Giê-su Christ chúng ta.” Kinh Thánh cho biết con người chúng ta đều phải trải qua 2 lần sanh và 2 lần tử. Lần đầu tiên sanh ra là từ lòng mẹ mình. Lần thứ hai sanh ra là từ quyền năng Thánh Linh Chúa biến đổi qua sự tiếp nhận Chúa Giê-su làm Chúa và Chủ đời sống mình. Nếu chỉ kinh nghiệm sanh ra lần thứ nhất thì phải đối diện cái chết thuộc thể và cái chết tâm linh. Nếu được sanh ra 2 lần thì chỉ đối diện cái chết thuộc thể vì thể xác nầy sẽ trở về cát bụi, nhưng linh hồn còn lại đời đời ở trong cõi vĩnh hằng với Cứu Chúa Giê-su của chúng ta.
Có người nói rằng: “Khi có Chúa rồi, ta không còn sợ gì nữa!” Thật vậy, con dân Chúa sống mỗi ngày mới với một thái độ mới. Trạng thái mới đó là sự bình an thật vì có Chúa Giê-su ngự trị trong lòng mình. Con người sẽ không bao giờ kinh nghiệm sự bình an cho đến khi con người kinh nghiệm Chúa Cứu Thế Giê-su. Kinh Thánh cho biết sứ mạng của Chúa Giê-su giáng trần là đem sự cứu rỗi và bình an cho tất cả nhân loại. Tiên tri Ê-sai báo trước Ngài là Vương Tử Hòa Bình cho nhân loại (Ê-sai 9:6). Khi Cứu Chúa Giê-su giáng sinh, các thiên thần ngợi ca Đức Chúa Trời rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới đất, ân ban cho người! ” (Lu-ca 2:14).
Nhân loại lúc bấy giờ và con người ngày nay đều cần có sự bình an tâm linh. Niềm khát vọng sự bình an là điều ai cũng muốn có. Con người đi đâu cũng mong ước được mọi sự bình an. Khi chúc nhau, người ta cũng muốn chúc câu: “Mọi sự bình an. ” Ðối với người Do Thái, câu chúc “Shalom” - “Bình an” là câu chúc thông thường với nhau hằng ngày từ xưa cho đến nay. Hầu như nếu không có câu nói “Bình an” đó thì người Do Thái cảm thấy thiếu vắng đi điều gì trong đời sống của họ. Thật ra, nếu có ai chúc mình câu bình an là sẽ được bình an thì mọi sự đều hài hòa, êm đẹp, và hạnh phúc biết bao, nhưng thực tế không phải vậy. Sự bình an không phải đến từ bên ngoài mà là đến từ bên trong lòng của mỗi người. Sự bình an thật không phải chỉ là một cảm giác (feeling) mà là một sự hiện hữu (presence) của một người đang ở trong mình.
Đời người là những chuỗi ngày ra đi từ nơi nầy đến nơi khác và rồi một ngày sẽ lặng lẽ ra đi từ giã cõi đời nầy. Nhìn người thân yêu ra đi. Rồi đến phiên mình ra đi. Với lý do “ra đi” đó, chúng ta phải bình tâm mà đối diện với bất cứ sự kiện gì xảy ra. Hãy nắm chắc lời hứa của Chúa Giê-su. Hãy nhờ cậy quyền năng Chúa Thánh Linh để kinh nghiệm sự bình an giữa cảnh chia ly hay trong cơn bão tố của cuộc đời.
Bạn có bình an hôm nay không? Nếu có, cảm tạ Chúa. Nếu không, tại sao vậy? Ðiều gì làm cho bạn bị bất an? Tiền bạc có thể mua được nhiều thứ, nhưng trong những thứ tiền bạc không thể mua được đó là sự bình an tâm linh ngay ở hiện tại và ở trong cõi đời đời. Hãy đến với Chúa Giê-su để có được sự bình an tâm linh hôm nay. A-men.
Mục sư Lê Hồng Phúc
Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc