"Chỉ còn một bước cách tôi và sự chết mà thôi" I Sa-mu-ên 20:3
Người ta đã bảo rằng cả cuộc đời chỉ là để chuẩn bị cho cái chết. Tác giả Thi thiên viết, "Ai là người sống mà sẽ chẳng thấy sự chết ?" (Thi-thiên 89:48).
Đây là thời đại tự do tư tưởng cho những cuộc thử nghiệm có tính cách mạng. Chúng ta đã tìm cách thay đổi thế giới và những qui luật cai trị thế giới bằng kiến thức, khoa học, phát minh, khám phá, triết học và những tư duy về vật thể. Chúng ta đã nỗ lực đem tiền bạc, danh vọng, trí thông minh tôn lên làm thần thánh, nhưng dù chúng ta có cố gắng đến đâu, kết cuộc vẫn y như cũ: "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét" (Hê-bơ-rơ 9: 27).
Ở chính giữa cuộc đời, chúng ta thấy sự chết khắp nơi. Tiếng còi hụ của xe cứu thương, những bảng hiệu nhà quàn, các nghĩa trang chúng ta thường đi qua và hình ảnh các đoàn xe tang trên đường phố, tất cả nhắc cho chúng ta nhớ rằng tử thần có thể gọi chúng ta bất cứ lúc nào. Không ai trong chúng ta biết đích xác ngày giờ, nhưng tất cả đều ý thức rằng nó có thể đến bất cứ lúc nào.
Có người bảo rằng, "Điều chắc chắn duy nhất về đời sống là cái chết." Oscar Wilde từng nói, "Ngày nay người ta có thể tránh được mọi sự trừ cái chết!" Gần đây sách vở về sự chết và hấp hối phát hành đầy dẫy, trong đó có cả những sách của những người kể rằng họ đã kinh nghiệm cái chết nhưng được hồi sinh. Thay vì tìm cách giải hoà với Đức Chúa Trời, con người hôm nay lại đi học về tình trạng hấp hối và phương cách đối diện với cái chết, chấp nhận đó như là một phần của cuộc sống. Thực ra toàn thể nhân loại đều ở trong danh sách các tử tội. Chết khi nào và chết như thế nào không phải là vấn đề chính. Vấn đề là chúng ta đi về đâu sau khi chết.
Mỗi năm hơn nửa triệu người Mỹ vào ngồi trong xe hơi, không biết rằng đó là chuyến đi cuối cùng trong đời. Năm 1980 có 532,000 người Mỹ chết vì tai nạn xe hơi. Dù ngày càng có nhiều phương tiện và biện pháp bảo vệ an toàn, hàng năm vẫn có đến 469,000 người chết trong các tai nạn ở nhà là lúc họ không hề nghĩ đến cái chết. Vì sự chết không ngừng rình rập loài người và dù y học và các kỹ sư nghiên cứu về các biện pháp an toàn liên tục tuyên chiến với sự chết, nhưng đến cuối cùng, sự chết vẫn luôn luôn là kẻ chiến thắng.
Do cuộc chiến trường kỳ của khoa học với sự chết mà ngày nay chúng ta được lợi thêm một vài năm, nhưng cái chết vẫn đứng chờ ở cuối đường và đời người vẫn không hơn bao nhiêu so với con số bảy, tám mươi năm qui định trong Kinh Thánh.
Những bệnh về tim mạch cũng cướp đi quá nhiều công dân của đất nước chúng ta giữa những đỉnh cao của cuộc đời. Bệnh ung thư đem đau đớn cho thân xác hàng trăm nghìn người khác. Những bệnh nhiễm trùng máu cũng để lại hậu quả nghiêm trọng dù các công trình nghiên cứu y khoa đã giúp giảm bớt số lượng những loại bệnh đó rất nhiều. Những bệnh ngoài da và bệnh liệt kháng (aids) là bệnh của thập niên 80 đang lan tràn khắp thế giới và hiện đã có mặt trên khắp các lục địa. Tuy nhiên cho dù có những thống kê rất lạc quan về tình trạng bệnh tật, dù tuổi thọ con người có tăng lên từ đầu thế kỷ 20, và dù có những số liệu nào đi nữa về các vụ giết người, tự tử và những trường hợp chết thê thảm khác thì điều không thể tránh được là sự chết vẫn không thay đổi - nó vẫn là kinh nghiệm tối hậu của chúng ta trên trần gian!
Một Trận Chiến Suốt Đời
Từ giây phút đứa trẻ ra đời, tiến trình của sự chết lẫn cuộc chiến đấu chống tử thần khởi sự. Người mẹ bỏ ra bao nhiêu năm tháng chăm sóc, bảo vệ sự sống của con. Bà lo cho con từ thức ăn, quần áo, nơi ở, chỗ chơi, lo cho con đi khám bệnh định kỳ, đi chích ngừa... Nhưng dù bà có chăm sóc kỹ lưỡng đến đâu, con bà vẫn đã bước vào tiến trình của sự chết.
Thời gian trôi qua và rồi không lâu những dấu hiệu rất thật về bản chất yếu đuối của con người trở nên rõ ràng: Đi nha sĩ chữa răng sâu, mắt phải đeo kính mới thấy đường. Da bắt đầu nhăn, vai so và bước đi chậm chạp dần. Xương cốt không còn cứng chắc nữa và sức lực suy giảm. Hiển nhiên, dù có thể không nhận ra, nhưng chúng ta đã tiến gần hơn với cái chết.
Bảo hiểm sức khỏe và bệnh viện sẽ được dùng để giúp chúng ta chống đỡ sức tấn công của sự chết. Người ta mua bảo hiểm nhân thọ để chuẩn bị cho các chi phí hậu sự và rồi bỗng nhiên chúng ta thấy cả cuộc đời chỉ là một cuộc chiến đấu trường kỳ chống lại sự chết. Chúng ta sẽ thấy mọi người tham gia vào một cuộc đua để chỉ dám có một hy vọng lớn nhất là "qua mặt" sự chết, kéo dài cuộc đời thêm một chút thời gian nữa, nhưng rồi đến cuối cùng sự chết vẫn luôn luôn thắng!
Điều bí mật trong kẻ thù này của chúng ta là gì? - Dường như nó cũng bí mật như chính sự sống. Vì chúng ta thấy sự sống đầy dẫy khắp xung quanh, trong cỏ cây, trong thú vật, trong cả con người. Chúng ta không thể tạo ra mà cũng không thể giải thích. Sự chết cũng vậy, không thể giải thích, dù chúng ta ý thức sự hiện diện của nó y như của sự sống, dù chúng ta ít nói hay ít suy nghĩ về tính chất nghiêm trọng của nó đến đâu đi nữa! Khi sự sống đến - như khi một em bé ra đời, chúng ta vui mừng. Nhưng khi sự sống ra đi, khi một người chết, chúng ta cố gắng càng quên nỗi buồn nhanh bao nhiêu, tốt bấy nhiêu.
Ngày nay có khoảng hơn ba tỉ người sống trong hành tinh của chúng ta. Hầu hết số người này sẽ chết trong vòng một trăm năm nữa. Thân xác họ sẽ không còn một cảm xúc nào, nhưng còn linh hồn là phần thiết yếu, vĩnh hằng của sự sống thì sao? Đây chính là điều bí mật. Cái gì bị mất khi con người chết? Cái bị mất đó sẽ đi đâu?
Tại Sao Con Người Từ Khước Đức Chúa Trời?
Vài năm trước đây có một nhà báo đã chết ở Denver, tiểu bang Colorado. Những người dự đám tang được nghe cuốn băng ghi âm lời chính người chết nói, "Đây là đám tang của tôi. Từ lâu tôi là một người vô thần và tôi khinh bỉ thần học. Tu sĩ là những kẻ hèn nhát về phương diện luân lý. Phép lạ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Bất cứ bốn phóng viên nào được cử đến một vụ hành quyết mà lại thâu thập dữ kiện lệch lạc méo mó như các sứ đồ trong bản ký thuật của Kinh Thánh, chắc chắn sẽ bị mất việc tức khắc. Tôi không muốn có một bài hát tôn giáo nào trong tang lễ. Đây sẽ là một đám tang hoàn toàn hợp lý."
Tương phản hẳn với những lời trên là một lời thật đẹp của Alfred Lord Tennyson mô tả cái chết trong bài thơ In Memorian của ông, "Ngón tay Chúa chạm vào, rồi anh ta ngủ."
Thời đại nào cũng sản sinh ra những con người vì lòng thù ghét Đức Chúa Trời nên đã dồn đổ mọi chế diễu, ức hiếp lên hội thánh, Kinh Thánh và Chúa Cứu Thế Giê-xu. Họ chẳng cần đưa ra bằng chứng gì cả mà cứ gào lên chống lại tiếng nói của Đức Chúa Trời. Lịch sử đã làm chứng về những Bernard Shaws, những Robert Ingersolls, những B.F. Skinners và nhiều triết gia khác, là những người đã dùng mọi lập luận đả phá nỗi sợ hãi sự chết.
Chúng ta hãy nghe nhà nhân chủng học nói về cái chết trong rừng núi, là nơi không có những "thắc mắc thần học", cũng không ai nghe nói gì về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Sự chết ở những nơi này như thế nào? Trong một số các bộ lạc, những người già bị đem ra bỏ trong các bụi rậm mặc cho thú dữ cắn xé để những người trẻ trong bản khỏi phải chứng kiến cái chết. Có bộ lạc lại có thói tục lột hết áo quần của những người than khóc rồi đem sơn trắng. Giờ này qua giờ khác những tiếng khóc than của các phụ nữ cho cả thế giới biết rằng một linh hồn sắp lìa khỏi xác. Sự chết ngoài vòng ảnh hưởng của Cơ-đốc giáo đầy nỗi kinh hoàng và thất vọng, mà khá nhất cũng là thái độ buông xuôi hay lãnh đạm. Thí dụ như giữa vòng những người Hồi giáo, người ta chờ mong, trông đợi sự chết vì họ tin rằng những niềm vui thú lớn đang chờ những người trung tín - nếu họ chết đang khi giết những kẻ vô đạo hoặc đang chiến đấu cho đức tin.
Bây giờ đối chiếu những điều trên với cái chết của Cơ Đốc Nhân. Khi Chúa Cứu Thế đến, Ngài đã cho chúng ta cái nhìn mới đối với sự chết. Từ xưa, con người vẫn coi sự chết là kẻ thù, nhưng Chúa Giê-xu bảo rằng Ngài đã đắc thắng sự chết và đã lấy đi nọc độc của sự chết. Chúa Giê-xu đáng bậc thầy của những người theo chủ nghĩa hiện thực khi Ngài thôi thúc con người chuẩn bị cho cái chết là điều chắc chắn sẽ đến với mọi người. Chúa bảo họ đừng lo lắng đến sự chết thân xác, nhưng phải quan tâm đến sự chết vĩnh cửu của linh hồn.
Tôi nghĩ về Helen Morken khi nằm hấp hối, hàng ngày những người thân yêu như chồng và các con đều tụ tập quanh giường hát thánh ca hàng giờ. Nói theo nghĩa đen thì bà đã được đưa vào trong sự hiện diện của Chúa bằng tiếng hát. Tôi nghĩ đến các thánh của Đức Chúa Trời được Alexander Smellie mô tả trong tác phẩm Men Of The Covenant (Những Con Người Của Giao Ước), trong đó ông viết về những vĩ nhân đức tin là những người trong những cuộc "chém giết" tại Tô-cách-lan, coi những cuộc hành quyết và cái chết nhẹ như lông hồng. Lúc đó chưa có ghế điện, chưa có đội hành quyết, chưa có cách chích thuốc độc để khiến cho cái chết càng ít đau đớn càng tốt mà chỉ toàn là tra tấn, khảo đả dã man cho đến chết. Vì vậy, mỗi người Smellie mô tả đều có cái chết thật kinh hoàng. Tuy nhiên, mỗi người đó, khi thực sự bước vào cái chết đều chết trong niềm vui ngây ngất!
Kinh Thánh cho biết thực sự có hai cái chết, cái chết thân xác và cái chết vĩnh hằng. Chúa Giê-xu cảnh cáo rằng chúng ta cần sợ cái chết thứ hai hơn là cái chết thứ nhất. Ngài mô tả cái chết thứ hai là chết trong hỏa ngục, đời đời bị phân cách với Đức Chúa Trời. Chúa cũng dạy rằng cái chết thân xác không có gì đáng kể so với tình trạng linh hồn bị vĩnh viễn lưu đầy xa cách Đức Chúa Trời.
Cái Chết Của Một Thánh Nhân
Những câu nói cuối cùng của những người hấp hối cung cấp phương tiện tối ưu cho những người đi truy tầm thực tại về cái chết.
Matthew Henry - "Tội lỗi cay đắng. Tôi chúc tụng Chúa đã ban cho tôi những sự hỗ trợ hướng nội."
Martin Luther - "Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng ban sự cứu rỗi: Đức Chúa Trời là Chúa, nhờ Ngài chúng ta thoát khỏi sự chết"
John Knox - "Sống trong Chúa Cứu Thế, sống trong Chúa Cứu Thế thì thân xác không còn sợ chết nữa."
John Wesley - "Điều tốt nhất là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Xin tạm biệt! Xin tạm biệt!"
Richard Baxter - "Tôi đau đớn nhưng có sự bình an. Tôi có sự bình an."
William Carey, nhà truyền giáo - "Khi tôi qua đời, xin hãy nói thật ít về Tiến sĩ Carey, nhưng nói thật nhiều về Chúa của Tiến sĩ Carey."
Adoniram Judson - "Tôi không mệt mỏi vì công việc, cũng không chán trần gian; tuy nhiên khi Chúa Cứu Thế gọi tôi về, tôi sẽ đi với niềm vui của cậu bé tan học về nhà.
Như vậy, câu chuyện của một Cơ Đốc Nhân đã ăn năn tội, và vận dụng đức tin tiếp nhận Chúa Cứu Thế làm Đấng Cứu Chuộc khác với những câu chuyện khác biết bao nhiêu!
Trong nhiều năm, Tiến sĩ Effie Jane Wheeler dạy Anh văn và văn chương tại trường đại học nơi tôi theo học. Tiến sĩ Wheeler nổi tiếng về lòng nhân ái và kiến văn rộng rãi về những môn bà dạy. Trong ngày kỷ niệm chiến sĩ trận vong vào tháng 5, 1949, tiến sĩ Wheeler viết bức thư sau đây cho Tiến sĩ Edman, lúc đó là khoa trưởng đại học, là bạn đồng lao nhưng cũng là học trò cũ của bà như sau:
"Tôi tri ân ông cho phép đọc những dòng này trong nhà nguyện, vì trước khi ông đi nghỉ hè, tôi muốn ông được biết sự thật về tôi, điều chính tôi cũng chỉ mới biết hôm thứ sáu. Cuối cùng, bác sĩ đã cho biết sự thật kết quả chẩn đoán căn bệnh trong mấy tuần qua - ung thư di căn. Nếu vị bác sĩ này là tín đồ chắc ông đã không ngại ngần tìm cách trì hoãn báo tin như vậy, vì ông ta hẳn đã biết, như ông và tôi biết, rằng sống hay chết đều được chúng ta tiếp đón như nhau khi chúng ta sống trong sự hiện diện của Chúa. Nếu Chúa muốn tôi về với Ngài sớm, tôi rất vui lòng. Xin đừng vì tôi mà phải đau buồn một giây phút nào. Tôi không nói lời vĩnh biệt lạnh lẽo, nhưng là một câu chào ấm áp hẹn tái ngộ trong đất hạnh phúc, nơi tôi có thể được phép vén màn cho ông bước vào. Xin gửi đến từng người trái tim đầy thương mến. (Ký tên) Effie Jane Wheeler."
Chỉ hai tuần sau khi viết bức thư này Tiến sĩ Wheeler đã buớc vào sự hiện diện của Chúa Cứu Thế, là Đấng đã giữ lời hứa, lấy đi nọc độc của sự chết.
Trong khi soạn chương này, chúng tôi nhận được bốn bức thư. Một bức từ một thánh đồ 94 tuổi tỏ ý mong mau được về với Chúa. Một bức từ một phụ nữ trong danh sách chờ xử tử hình, bà tin Chúa sáu năm trước và bây giờ hướng về ngày xử tử để được bước vào vinh quang trước mặt; hai bức thư còn lại là của hai bà goá sau rất nhiều năm sống trong hạnh phúc gia đình (một bà chồng qua đời có ít ngày trước hôm kỷ niệm 49 năm thành hôn). Cả hai bà đều nhìn thấy ngày vinh quang bên kia cõi chết.
Nhà truyền đạo trứ danh Dwight L. Moody nói trong giờ lâm chung: "Đây là chiến thắng của tôi; đây là ngày đăng quang! Ngày vinh hiển!"
Kinh Thánh dạy rằng bạn là linh hồn bất tử. Linh hồn bạn vĩnh cửu và bạn sẽ sống đời đời. Nói cách khác, con người thật của bạn - cái phần bên trong bạn suy nghĩ, cảm xúc, mơ ước, trông đợi; cái con người thật, vô hình của bạn - không bao giờ chết. Kinh thánh dạy rằng linh hồn sẽ sống mãi mãi ở một trong hai nơi - thiên đàng hay hỏa ngục. Nếu bạn không phải là một Cơ Đốc Nhân và bạn chưa bao giờ được tái sinh, thì Kinh Thánh dạy rằng linh hồn bạn sẽ đi thẳng đến một nơi Chúa Giê-xu gọi là địa ngục, là nơi bạn sẽ phải chờ sự phán xét của Đức Chúa Trời.
Một Đề Tài Không Hấp Dẫn
Tôi biết nói về địa ngục không phải là chuyện thích thú, vì nó rất không hấp dẫn, dễ gây tranh luận và hiểu lầm. Tuy nhiên trong các chiến dịch truyền giảng tin lành của tôi trong cả nước, tôi thường dùng một buổi để thảo luận về đề tài này. Sau phần thảo luận của tôi, nhiều người viết thư cho các nhật báo nhiều ngày sau đó tiếp tục tranh luận, bàn bạc về nhiều khía cạnh của vấn đề, vì Kinh Thánh cũng nói khá nhiều về đề tài này cũng như bất cứ đề tài nào khác. Trong các buổi thảo luận với sinh viên nhiều đại học khắp nước Mỹ, tôi thường hay hỏi câu này và những câu tương tự, "Còn địa ngục thì sao? Có lửa trong địa ngục không?" Là mục sư tôi phải đối diện với vấn đề này, tôi không thể bỏ qua, dù có thể nó làm cho nhiều người khó chịu bực dọc. Tôi cho rằng vấn đề địa ngục là giáo lý khó chấp nhận nhất của Cơ Đốc Giáo.
Có những người dạy rằng mọi người rồi ra sẽ được cứu cả, vì Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của tình thương nên Ngài sẽ không bỏ ai vào địa ngục. Họ tin rằng từ ngữ vĩnh cửu hay vĩnh viễn không thực sự có nghĩa là đời đời. Tuy nhiên, chính từ ngữ nói về tình trạng vĩnh viễn bị đuổi ra khỏi mặt Đức Chúa Trời cũng được dùng để chỉ sự sống vĩnh hằng trên thiên đàng. Có người đã nói rằng "lẽ công bằng đòi hỏi chúng ta phải làm cho niềm vui của người công chính và sự trừng phạt kẻ ác có hiệu quả, vì cả hai cùng là một từ Hi-lạp và chỉ thị cùng chiều dài thời gian."
Có những người khác lại dạy rằng sau khi chết, những người từ chối chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời sẽ bị tịch diệt, nghĩa là không còn hiện hữu nữa. Khi tra tìm trong toàn thể Kinh Thánh, tôi không thấy một mảy may bằng chứng nào hỗ trợ cho quan điểm này. Kinh thánh dạy rằng dù chúng ta được cứu hay hư vong, linh hồn và cá tính chúng ta vẫn tiếp tục ở trong sự hiện hữu vĩnh hằng và đầy đủ ý thức.
Có người lại dạy rằng sau khi chết sẽ vẫn còn có thể được cứu rỗi và Đức Chúa Trời sẽ cho một cơ hội thứ hai. Cho rằng điều này đúng đi nữa thì xin nhớ rằng Kinh Thánh không hề có một chỗ nào ám chỉ điều đó mà không ngừng cảnh cáo rằng "hiện nay là thì thuận tiện, hiện nay là ngày cứu rỗi" (2 Cô-rinh-tô 6:2).
Điều Kinh Thánh Dạy
Người ta có thể trích dẫn hàng chục phân đoạn trong Kinh Thánh hỗ trợ cho sự kiện Kinh thánh dạy rằng địa ngục dành cho những người cố ý phủ nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu là Chúa và Đấng Cứu Chuộc:
"Tôi bị khổ trong lửa này quá đỗi" (Lu-ca 16:24)
"Ai mắng anh em mình là đồ điên thì đáng bị lửa địa ngục hình phạt" (Ma-thi-ơ 5:22)
"Con Người sẽ sai các thiên sứ Ngài thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài, và quăng những người đó vào lò lửa, là nơi có khóc lóc và nghiến răng" (Ma-thi-ơ 13:41,42).
"Đến ngày tận thế cũng như vầy: các thiên sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công bình ra, ném những kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng" (Ma-thi-ơ 13:49,50)
"Kế đó Ngài sẽ phán cùng những người ở bên tả rằng: Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó" (Ma-thi-ơ 25:41).
"Ngài sẽ đốt rơm rạ trong lửa chẳng hề tắt" (Ma-thi-ơ 3: 12).
"...Đức Chúa Giê-xu từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời và không vâng phục Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu chúng ta. Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài..." (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:8,9).
"Nếu ai thờ phượng con thú cùng tượng nó, và chịu dấu nó ghi trên trán hay trên tay, thì người ấy cũng vậy, sẽ uống rượu thịnh nộ không pha của Đức Chúa Trời rót trong chén thịnh nộ Ngài, và sẽ chịu đau đớn trong lửa và diêm ở trước mặt các thiên sứ thánh và trước mặt Chiên Con. Khói của sự đau đớn chúng nó bay lên đời đời. Những kẻ thờ lạy con thú và tượng nó, cùng những kẻ chịu dấu của tên nó ghi, thì cả ngày lẫn đêm không lúc nào được yên nghỉ" (Khải Huyền 14: 10-11).
"Đoạn sự chết và âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa" (Khải Huyền 20: 14,15)
"Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai" (Khải Huyền 21:8).
Nhưng tôi lại nghe có người nói, "Tôi không tin có hỏa ngục. Tôn giáo của tôi là Bài Giảng Trên Núi."
Chúng ta hãy nghe một phân đoạn trong Bài Giảng Trên Núi:
"Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục. Lại nếu tay hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy chặt mà liệng nó cho xa ngươi đi, vì thà một phần thân thể ngươi phải hư còn hơn là cả thân thể vào địa ngục" (Ma-thi-ơ 5:29,30).
Tại đây chúng ta thấy Chúa Giê-xu dạy thật rõ rằng có địa ngục. Thật ra Chúa kể chuyện và đưa ra những hình ảnh minh hoạ về đề tài này và nhiều lần cảnh cáo con người về cái ngu dại của cuộc sống giả hình và tội lỗi trên đất.
Địa Ngục Trên Trần Gian
Hiển nhiên nhiều kẻ ác phải sống đau khổ như trong địa ngục trên trần gian. Kinh Thánh dạy, "phải biết rằng tội chắc sẽ đổ lại trên ngươi" (hay tội của ngươi sẽ tìm ra ngươi) (Dân số ký 32:23). Trong thư Ga-la-ti 6:7 cũng chép, "ai gieo giống chi lại gặt giống ấy." Tuy nhiên cũng có những bằng chứng quanh ta cho thấy một số kẻ ác dường như vẫn thịnh vượng trong khi những người công chính chịu khổ vì sự công chính của họ. Kinh thánh dạy rằng sẽ có lúc mọi sự phải được phân xử công bình khi công lý được thực hiện. Có người lại bảo rằng "những kẻ gian ác kia chính là biện pháp trừng phạt tội lỗi chúng ta." Cả hai ý tưởng trên đều đúng.
Liệu một Đức Chúa Trời yêu thương có bỏ con người vào địa ngục không? Câu trả lời là có, vì Ngài công chính, nhưng Ngài không vui lòng khi phải làm như vậy. Con người tự lên án cho mình khi từ khước con đường cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Với tình yêu và lòng thương xót, Đức Chúa Trời đã ban cho con người một lối thoát, một con đường cứu rỗi, một hy vọng về những điều tốt lành hơn. Nhưng con người trong tình trạng mù loà, ngu dại, cứng cổ, vị kỷ, yêu thích những thú vui tội lỗi, từ khước phương cách đơn sơ của Đức Chúa Trời giúp thoát khỏi nỗi đau đớn của tình trạng bị lưu đầy vĩnh viễn, xa cách Ngài.
Giả sử tôi bị đau, mời bác sĩ đến khám bệnh, cho thuốc, nhưng sau đó suy nghĩ lại, tôi dẹp bỏ thuốc men sang một bên, không uống. Mấy hôm sau bác sĩ trở lại, thấy tình trạng sức khoẻ của tôi tồi tệ hơn. Lúc đó tôi có thể đổ thừa bác sĩ, bắt ông ta phải chịu trách nhiệm không? Ông đã cho tôi toa thuốc, ông đã định phương thức chữa trị, nhưng tôi đã khước từ!
Cũng vậy, Đức Chúa Trời đã định sẵn phương thuốc cho căn bịnh của nhân loại. Phương thuốc đó là tin và ký thác cuộc đời cho Chúa Cứu Thế Giê-xu. Phương thuốc đó là tái sinh hay sinh lại mà chúng ta sẽ đề cập đến trong một chương khác. Nếu cố ý từ khước chúng ta sẽ phải lãnh hậu quả và không thể đổ thừa Đức Chúa Trời. Làm sao có thể bảo đó là lỗi của Đức Chúa Trời khi chúng ta từ chối phương thuốc của Ngài?
Người không chịu tin có đời sống đàng sau cõi chết, không tin có thiên đàng hay hoả ngục, không tin Lời Chúa nói về những thực tại này, khi bước sang thế giới bên kia mới bừng tỉnh biết mình sai lầm thì anh ta đã mất tất cả. Trong tạp chí "Người Dân" (People), Lem Banker là một trong những tay cờ bạc hàng đầu được trích dẫn nói rằng, "Đừng bao giờ đánh cá nhắm vào số tiền anh muốn thắng mà chỉ đánh cá dựa vào số tiền cao nhất anh có thể chịu nổi khi thua." Bạn có thể chịu nổi khi mất linh hồn vĩnh cửu không?
Có người lại hỏi, "Bản chất địa ngục là gì?" Có bốn từ ngữ trong Kinh Thánh được dùng để dịch "địa ngục".
Chữ thứ nhất là Sheol dùng trong Cựu Ước được dịch đến 31 lần là "địa ngục" (trong bản tiếng Anh là "hell"). Từ này có nghĩa là "tình trạng chưa thấy". Những từ ngữ như lo buồn, đau đớn và huỷ hoại được dùng liên hệ với từ địa ngục này.
Chữ thứ hai là Hades, dịch từ nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là âm phủ được nhắc đến mười lần trong Tân Ước, và cùng có nghĩa như từ "Sheol" trong Cựu Ước, có liên quan đến đau đớn và phán xét.
Chữ thứ ba là Tartarus chỉ được dùng một lần trong 2 Phi-e-rơ 2:4, được dịch là "vực sâu", là nơi giam giữ các thiên sứ phạm tội, không vâng phục. Từ ngữ này chỉ thị một nơi phán xét như nhà giam, hầm tối, nơi chỉ có bóng tối dầy đặc.
Chữ thứ tư là Ghehena được dùng 11 lần và được dịch là địa ngục trong Tân Ước. Đây là hình ảnh minh họa được Chúa dùng chỉ Thung Lũng Hinnom, một địa điểm đốt rác thường xuyên ở ngoại thành Giê-ru-sa-lem.
Những người khác lại hỏi, "Kinh Thánh có dạy rằng trong địa ngục thực sự có lửa không?" Nếu không phải là lửa theo nghĩa đen thì chắc phải là thứ gì khác kinh khủng hơn lửa, vì Chúa Giê-xu không nói quá. Tất nhiên trong Kinh thánh nhiều lần lửa được dùng theo nghĩa biểu tượng, tuy nhiên Đức Chúa Trời cũng có thứ lửa cháy nhưng không thiêu rụi.
Khi Môi-se thấy bụi gai cháy, ông ngạc nhiên vì bụi gai không tàn. Ba thanh niên Hê-bơ-rơ bị quăng vào lò lửa, bị đốt nhưng không cháy, cả đến tóc trên đầu họ cũng không một sợi nào bị xém.
Mặt khác, Kinh Thánh nói về những cái lưỡi "bị lửa địa ngục đốt cháy" (Gia-cơ 3:6), mỗi khi chúng ta nói xấu người khác, nhưng tất nhiên không có nghĩa là mỗi lần như vậy là có lửa cháy theo nghĩa đen. Dù lửa được nói theo nghĩa đen hay nghĩa bóng nó không hề thay đổi tính hiện thực của địa ngục. Nếu không có lửa theo nghĩa đen, chắc chắn Chúa cũng đã dùng từ ngữ này để chỉ một điều kinh khủng hơn cả lửa.
Phân Cách Với Đức Chúa Trời
Yếu tính của địa ngục là sự phân cách với Đức Chúa Trời. Đây là sự chết thứ hai, được mô tả là tình trạng bị lưu đầy có ý thức, vĩnh viễn xa cách với tất cả những gì liên quan đến sự sáng, niềm vui, sự thiện, sự công chính và hạnh phúc. Nhiều chỗ trong Kinh thánh mô tả tình trạng kinh khủng này, nơi linh hồn con người sẽ rơi vào chỉ một phút sau khi chết. Điều kỳ lạ là con người thường lo xa, chuẩn bị cho mọi chuyện trừ cái chết. Chúng ta chuẩn bị cho sự học hành, cho công việc làm ăn, cho nghề nghiệp. Chúng ta chuẩn bị cho việc hôn nhân, cho tuổi già. Chúng ta chuẩn bị cho mọi sự trừ ra việc chuẩn bị cho giây phút chúng ta phải đi vào cõi chết, trong khi Kinh Thánh long trọng cảnh cáo rằng đã định cho chúng ta phải chết một lần rồi chịu phán xét.
Sự chết dường như là chuyện không tự nhiên khi xảy ra cho mình nhưng lại hoàn toàn tự nhiên khi xảy ra cho người khác. Sự chết kéo mọi người xuống cùng một hạng. Nó tước đoạt của người giàu bạc triệu, nhưng lại cất hết những cái rách rưới của người nghèo. Nó làm nguội lòng tham và dập tắt dục vọng. Mọi người đều muốn làm ngơ với cái chết nhưng rồi tất cả đều phải đối diện với nó, dù là vua chúa hay nông dân, hạng thất học hay hàng triết gia, kẻ sát nhân cũng như thánh nhân. Sự chết không biết đến giới hạn tuổi tác cũng không biết thiên vị là gì nhưng nó là cái mọi người đều sợ.
Vào cuối đời Daniel Webster có lần thuật lại chuyện ông tham dự một buổi lễ nhà thờ tại một làng quê nhỏ. Mục sư là một cụ già đơn sơ, tin kính. Sau những nghi lễ mở đầu giờ thờ phượng, ông đứng lên giảng lời Chúa, rồi với một giọng vô cùng tha thiết nhưng đơn sơ ông nói, "Thưa các bạn, tất cả chúng ta đều chỉ có thể chết một lần."
Ít lâu sau, nhận định về bài giảng này, Daniel Webster nói, "Những lời trên dù có vẻ yếu ớt, lạnh lùng, nhưng đối với tôi, nó tức khắc đem lại một thức tỉnh sâu xa chưa từng có."
Hẹn Gặp Tử Thần
Nghĩ đến việc người khác phải giữ ngày hẹn với thần chết thì dễ, nhưng rất khó nhớ chính mình cũng không tránh được cái hẹn này. Khi tiễn những người lính ra trận, đọc báo viết về một tử tội chờ ngày hành quyết hay đi thăm một người bạn hấp hối, chúng ta đều ý thức về tính cách nghiêm trọng đang vây quanh những con người đó. Cái chết được định cho mọi người và việc nó xảy ra khi nào chỉ là vấn đề thời gian. Đối với tất cả những cái hẹn khác trong cuộc đời như hẹn gặp các thú vui chẳng hạn, chúng ta có thể bỏ qua, thất hứa và chấp nhận hậu quả, nhưng đối với cái chết, không ai có thể tránh né hay lỗi hẹn! Đối với tử thần, mỗi người chỉ có một lần hẹn- một lần bắt buộc!
Nếu hậu quả của cuộc đời xa cách Đức Chúa Trời chỉ là cái chết thân xác, chúng ta không sợ lắm, nhưng Kinh Thánh cảnh cáo rằng còn có cái chết thứ hai, là cuộc lưu đầy đời đời xa cách Đức Chúa Trời. Dù Kinh Thánh có nói đến hoả ngục cho tội nhân, nhưng cũng còn khía cạnh tươi sáng hơn khi Kinh Thánh công bố thiên đàng cho thánh nhân. Thánh nhân được định nghĩa là một tội nhân đã được tha thứ. Đề tài thiên đàng so với hỏa ngục tất nhiên dễ được chấp nhận hơn rất nhiều, và Kinh Thánh dạy về cả hai đề tài đó.
Khi dọn đến một căn nhà mới, bạn muốn biết hết về khu phố mình sẽ sống. Nếu dời sang một thành phố khác, bạn cũng muốn biết hết về thành phố đó - về hệ thống xe điện, các công viên, sông, hồ, trường học... Vì chúng ta rồi sẽ đi đến một nơi nào đó trong cõi vĩnh hằng, chúng ta cũng cần biết đôi điều về nơi ấy. Kiến thức về thiên đàng được trình bày trong Kinh Thánh cho nên suy nghĩ, bàn luận về thiên đàng là việc cần làm. Khi nói về thiên đàng, đem so sánh, chúng ta sẽ thấy trần gian bỗng trở nên xập xệ, tầm thường. Những buồn đau và nan đề của chúng ta tại đây dường như vơi bớt rất nhiều khi chúng ta có lòng thực sự trông đợi tương lai. Chính vì thế, trong một nghĩa đặc biệt nào đó, Cơ Đốc Nhân đã có thể có thiên đàng trên đất - sự bình an trong linh hồn, bình an trong lương tâm và bình an với Đức Chúa Trời. Giữa bao nhiêu khó khăn, bối rối, Cơ Đốc Nhân có sự bình an và niềm vui sâu xa hoàn toàn không tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Thiên Đàng Có Thật
Kinh Thánh hứa cho Cơ Đốc Nhân thiên đàng trong đời sau. Vào năm ông John Quincy Adams 94 tuổi, một buổi sáng kia có người hỏi ông thấy thế nào, ông trả lời, "Tốt, tốt lắm, nhưng căn nhà tôi đang ở thì không được tốt mấy." Cho dù "căn nhà" chúng ta ở có thể đang đau ốm, bệnh hoạn, chúng ta vẫn có thể thấy tinh thần phấn chấn, mạnh mẽ nếu chúng ta là Cơ Đốc Nhân. Chúa Giê-xu dạy rằng thật có thiên đàng dành sẵn cho chúng ta.
Chúng ta có thể trưng dẫn nhiều chỗ trong Kinh Thánh nói về thiên đàng, nhưng câu mô tả linh động nhất vẫn là Giăng 14:2, "Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở, bằng chẳng vậy ta đã nói cho các ngươi rồi, ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ, khi ta đã đi và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó." Phao lô rất chắc chắn về thiên đàng đến nỗi ông đã viết, "Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy, muốn lìa bỏ thân thể này để ở cùng Chúa thì hơn (II Cor. 5:8).
Viễn ảnh về đời sau của Cơ Đốc Nhân và của một nhà bất khả tri như Bob Ingersoll thật là khác biệt. Bên mộ anh ông ta nói rằng, "Sự sống là cái màn thật mỏng giữa hai đỉnh núi lạnh lẽo hoang vu của cõi vĩnh hằng. Chúng ta nỗ lực uổng công khi cố nhìn ra xa hơn hai đỉnh núi này. Cất tiếng khóc, chúng ta chỉ nghe lời đáp duy nhất là những tiếng vang vọng thê thảm tiếng khóc của chính mình"
Nhiều lần sứ đồ Phao-lô bảo, "Chúng ta biết", "Chúng ta tin chắc," "Chúng ta luôn chắc rằng." Kinh Thánh bảo rằng Áp-ra-ham "tìm kiếm một thành có nền vững chắc Đức Chúa Trời đã xây cất và sáng lập."
Nhiều người hỏi, "Ông có tin rằng thiên đàng thực sự là một nơi theo nghĩa đen không? Vâng, đó là điều chúng ta tin, vì Chúa Giê-xu bảo rằng, "Ta đi chuẩn bị cho các con một chỗ." Kinh thánh dạy rằng Ê-nóc và Ê-li với thân xác thật đã được cất lên một nơi có thật y như những nơi có thật trên trần gian như Hawaii, Thụy sĩ, Virgin Islands.
Nhiều người từng hỏi, "Thiên đàng ở đâu?" Kinh Thánh không cho biết mà đó cũng không phải là vấn đề quan trọng miễn là có thiên đàng và Chúa Cứu Thế Giê-xu ở đó để đón chúng ta về.
Một Nơi Tuyệt Mỹ
Kinh thánh dạy rằng thiên đàng sẽ là nơi tuyệt đẹp, được mô tả trong Kinh Thánh là "nhà của Đức Chúa Trời", là "thành phố" - một "quê hương tốt hơn" - "một cơ nghiệp" - "một nơi đầy vinh quang."
Có thể bạn sẽ hỏi, "Liệu trên thiên đàng chúng ta có còn nhận ra nhau không?" Một số chỗ trong Kinh Thánh cho biết sẽ có một cuộc hội ngộ vĩ đại của tất cả những người đi trước.
Người khác hỏi, "Trẻ con có được cứu rỗi không?" Có, vì Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời không gán trách nhiệm đối với tội lỗi cho trẻ con trước khi chúng đến tuổi hiểu biết. Có nhiều chỗ trong Kinh Thánh hàm ý sự chuộc tội phủ bao mọi tội lỗi cho đến khi chúng đến tuổi phải chịu trách nhiệm cá nhân về những hành vi đúng cũng như sai.
Kinh Thánh cũng cho biết thiên đàng sẽ là nơi chúng ta có những hiểu biết sâu rộng với kiến thức về những sự vật chúng ta chưa bao giờ học được trên trần gian.
Sir Isaac Newton khi về già, nói với một người khen ngợi sự khôn ngoan của ông rằng, "Tôi chỉ như là một đứa trẻ đi trên bờ biển lượm lặt đây đó viên cuội, vỏ sò, còn cả đại dương chân lý vẫn trải rộng mênh mông trước mặt."
Rồi Thomas Edition cũng từng nói, "Tôi không biết được đến một phần triệu của một phần trăm về bất cứ điều gì."
Nhiều điều bí ẩn về Đức Chúa Trời, những nỗi đau lòng, những thử thách, những nỗi thất vọng, những thảm kịch và sự im lặng của Đức Chúa Trời ở giữa bao nhiêu thống khổ sẽ được phơi bày. Eli Wiesel bảo rằng cõi vĩnh hằng là "...nơi những vấn nạn và câu trả lời là một." Trong Giăng 16:23 Chúa Giê-xu phán, "Ngày đó các ngươi sẽ không còn hỏi ta điều gì nữa." Tất cả những câu hỏi của chúng ta sẽ được trả lời!
Nhiều người hỏi "Như vậy chúng ta sẽ làm gì trên thiên đàng? Không lẽ chỉ ngồi và vui hưởng mọi lạc thú cao sang của sự sống?" Không. Kinh Thánh cho biết chúng ta sẽ phục vụ Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ có vô số việc làm cho Đức Chúa Trời. Chính con người chúng ta sẽ ca ngợi Chúa. Kinh Thánh dạy rằng, "Chẳng còn có sự nguyền rủa nữa; ngôi của Đức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ỏ trong thành; các tôi tớ Ngài sẽ hầu hạ Ngài" (Khải Huyền 22:3).
Đó sẽ là thời gian chúng ta được trọn vẹn trong niềm vui, trong sự phục vụ, được ca hát vui cười và ca ngợi Đức Chúa Trời. Chúng ta thử tưởng tượng nghĩ đến tình trạng đời đời được phục vụ Chúa không hề mỏi mệt!
Vào Trong Sự Hiện Diện Của Chúa Cứu Thế
Kinh Thánh dạy rằng chúng ta cần ra khỏi thân thể để có thể ở với Chúa. Chính giây phút qua đời Cơ Đốc Nhân đi thẳng ngay vào trong sự hiện diện của Chúa Cứu Thế rồi ở đó chờ ngày phục sinh là lúc linh hồn và thân thể sẽ lại được kết hợp trở lại.
Nhiều người từng hỏi, "Làm thế nào những thân thể đã tan rữa hay đã hỏa thiêu có thể làm cho sống lại?" Chỉ một mình Đức Chúa Trời biết điều đó, tuy nhiên thân thể mới chúng ta sẽ có là một thân thể vinh hiển giống như thân thể phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu và đó là thân thể vĩnh hằng. Với thân thể vinh hiển đó, chúng ta sẽ không còn than khóc, đau buồn, bệnh tật, đau khổ, mệt nhọc hay chết chóc nữa. Chúng ta sẽ có thân thể mới, nhưng vẫn còn nhận ra người đó là ai.
Đó là bức tranh về hai thế giới vĩnh hằng nổi lên trong không gian. Mỗi hậu tự của A-đam sẽ ở một trong hai thế giới đó. Xung quanh cả hai bao trùm một màn bí mật mênh mông, nhưng qua Kinh Thánh chúng ta có thể tìm thấy một ít tia sáng chỉ thị rằng một nơi sẽ đầy bi thương đau khổ còn nơi kia đầy ánh sáng và vinh quang.
Như vậy chúng ta đã thấy nan đề của nhân loại. Bề ngoài chúng có vẻ phức tạp, nhưng trong căn bản chúng đơn giản hơn nhiều và có thể tóm gọn vào trong một chữ - tội lỗi. Chúng ta cũng đã thấy tương lai con người hoàn toàn vô vọng nếu không có Đức Chúa Trời. Tuy nhiên nếu chỉ dùng lý trí để phân tích vấn đề và tìm hiểu chương trình của Đức Chúa Trời thì không đủ. Nếu muốn được Đức Chúa Trời cứu giúp, con người phải hội đủ một số điều kiện của Ngài. Trong những chương sau chúng ta sẽ tìm hiểu những điều kiện đó.