Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 157

Chuyện... Bẫy Chim Sẻ

Kinh thánh: II Sử ký 6: 18; Thánh Thi 84: 3; Ma-thi-ơ 6: 25-26; Lu-ca 12: 4-7 (*)

Kính chào quý độc giả, thính giả thân mến,

Chim sẻ là loài chim rất quen thuộc của vùng thôn quê Việt Nam cũng như ở nhiều vùng thôn quê của các nước khác, nhất là những nước có nghề nông được xem như là một nghề chính.

Chim sẻ thường “cư ngụ” trên những cành tre, ngọn dừa, ngọn cau, nóc nhà... Chim sẻ tuy nhỏ nhưng thịt ăn rất ngon và bổ. Ăn được nhiều thịt chim sẻ, sức khỏe sẽ cường tráng, tinh thần sảng khoái, minh mẫn. Chính vì thế mà ở các nhà hàng sang trọng, thịt chim sẻ là một trong những món ăn được nhiều thực khách sành điệu thường hay chọn. Nguồn thịt chim sẻ cung ứng cho các nhà hàng đến từ đâu? Xin thưa, hầu hết đều đến từ những người bẫy chim sẻ.

Ở nhiều vùng thôn quê thuộc Tỉnh Quảng Nam, như Huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc...nhiều người sau những ngày mùa gặt hái bận rộn, vất vả, công việc tương đối thảnh thơi là họ bắt đầu vào mùa...bẫy chim sẻ. Thường thì vào khoảng cuối tháng Năm và cuối tháng Tám Âm Lịch, người ta bẫy được nhiều chim sẻ nhất. Vào những thời điểm đó, việc gặt hái mùa màng đã xong, rơm rạ được phơi khô, và chất đống lại gọn gàng, nên trên những bờ kênh, những gò đất rộng, còn rất nhiều hạt lúa rơi rụng lại, là những...miếng mồi béo bở của chim sẻ, và đó cũng là “nơi lý tưởng” để người ta...bẫy chim sẻ.

Cái bẫy chim sẻ gồm hai mảng lưới cỡ “một”, hình chữ nhật, dài chừng 8 mét (không kể 2 mét lưới dùn để khi bẫy, chim sẻ dễ mắc), rộng độ 2 mét, có hai miếng tre tròn để căng lưới ra. Ở hai đầu mỗi miếng, có một dây dù để đặt bẫy và giật bẫy. Khi đặt bẫy, ta để hai mảng lưới hình chữ nhật nằm sát nhau, đóng cọc vào bốn góc bên ngoài của hai mảng lưới. Xong, lật ngửa hai mảng lưới ra, cách nhau chừng 4 mét. Dùng hai đầu dây dù bên đặt bẫy kéo ra sao cho thành hình bình hành (để khi giật, nó trở lại thành hai hình chữ nhật nằm khít nhau như vị trí ban đầu), rồi đóng cọc vào hai đầu dây giữ lại. Thế là bẫy đã đặt xong.

Tiếp theo, đem hai con chim sẻ mồi cột dây để vào trong “vùng cấm địa” cho nhảy để ...dụ dỗ chim sẻ đang bay trên trời xuống. Cách cột dây sao cho chim mồi nhảy nhiều, đó là một “thủ thuật nhà nghề”. Những tay bẫy chim sẻ “chuyên nghiệp” bao giờ cũng xỏ dây qua lỗ mũi chim để cột chứ ít khi cột vào chân. Công đoạn cuối cùng là vãi thêm nắm lúa hay gạo vào trong “vùng cấm địa” cách chim mồi một đoạn để chim mồi khỏi ăn hết và tạo được...kích thích cho chim mồi nhảy, để làm cho chim sẻ đậu bên ngoài, hoặc bay trên trời thấy...hấp dẫn mà bay đến...làm bạn. Sau hết, cầm dây dù ở đầu giật bẫy kéo ra xa vài chục mét, và ngồi...mai phục, chờ...hốt chim sẻ thôi.

Khi chim sẻ bên ngoài thấy chim mồi nhảy nhót và kêu như...mời gọi tha thiết là chúng...nhào vô ngay. Chỉ cần thấy bầy chim vừa đậu xuống đúng trong...khu cấm địa là ta giật bẫy sập úp lại liền. Chim sẻ nghe thấy thế vội bay lên để...thoát thân, nhưng không kịp nữa rồi, tất cả đều đã muộn, chúng đã bị...mắc bẫy lưới mất rồi. Thế là ta ung dung đi đến để gỡ chim sẻ bỏ vào lồng sắt đã mang theo sẵn và tiếp tục gài bẫy lại để bắt cho đến khi...đầy lồng thì về.

Mỗi lần sập bẫy như vậy, chí ít cũng được cả chục con, nếu sập được cả bầy, thì được đến cả vài ba chục con như chơi. Ôi, còn thú vị nào hơn!

Vào mùa bẫy chim sẻ, mỗi ngày đi bẫy như vậy cũng được cả trên dưới trăm con chứ không phải ít. Không gì vui thích bằng sau mỗi lần đi bẫy chim sẻ trở về, ta mang trên vai cả một lồng đầy chim sẻ đem về khoe với vợ con. Muốn có tiền chi tiêu trong gia đình, thì đem chim sẻ đến những tiệm ăn, nhà hàng để bán. Những nhà hàng sang trọng hiện nay, không thể thiếu món thịt chim sẻ với nhiều cách chế biến khác nhau, và món nào món nấy cũng hấp dẫn thực khách cả.

Chim sẻ có thể được chế biến thành nhiều món khác nhau như chim sẻ xào tỏi, ớt; chim sẻ hầm; canh chim sẻ; chim sẻ rô ti... Trong các món nầy, có lẽ chim sẻ rô ti là món ăn khoái khẩu thực khách hơn cả.

Đi dọc Quốc lộ 1A, đến địa phận Xã Tam An, Huyện Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam, gần bên tháp Chăm Chiên Đàn, có một quán ăn rất...chân quê, không cầu kỳ, sặc sỡ, có tên là Chân Quê thu hút được nhiều thực khách gần xa. Những buổi trưa, buổi chiều, đi qua lại nơi nầy, bạn sẽ dễ dàng thấy thực khách ngồi đầy quán vừa ăn vừa nói chuyện thật rôm rả. Món ăn gì ở quán Chân Quê nầy mà thu hút thực khách nhiều đến vậy? Xin thưa, đó là món...chim sẻ rô ti đó ạ! Phần lớn lượng thịt chim sẻ ở quán nầy đều được đặt mua từ những người bẫy chim sẻ.

Muốn làm món chim sẻ rô ti, ta nhổ sạch lông chim, rồi đem thui lửa cho sạch hết lông con; xong, ta làm thịt, rửa sạch sẽ, để ráo nước. Sau đó, ướp thịt chim sẻ với ít đường, hành tỏi, dầu, nước mắm... Xong xuôi, cho chảo dầu sôi đều, lần lượt bỏ chim sẻ vào, rán cho vàng đều, thì gắp ra bỏ vào đĩa, không quên rắc lên trên vài cọng rau thơm. Chim sẻ rô ti ăn với bánh tráng nướng dòn tan thì ngon tuyệt cú mèo.

Mỗi đĩa chim sẻ rô ti ở đây giá chừng 45. 000 đồng ( chừng $2 dollars). Giá có mắc một chút so với những người dân thôn quê, nhưng ăn đáng đồng tiền bát gạo. Vào quán Chân Quê, không những bạn được thưởng thức món chim sẻ rô ti cực ngon mà còn được nghe tiếng chim hót trong “trại” chim của chủ quán với nhiều loại chim khác nhau được chủ nuôi trong một góc sân nhà của mình nghe thật thích thú và đáng yêu đến lạ. Ngoài quán Chân Quê nầy , còn có một vài quán khác tại đây cũng chuyên bán các món ăn từ chim sẻ, như quán Hương Đồng Quê chẳng hạn. Mời bạn có dịp nào đó, đi qua vùng “đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm” nầy, hãy dừng chân lại quán Chân Quê hay những quán chim sẻ tại đây để thưởng thức các món ngon từ chim sẻ, mà đặc biệt là món chim sẻ rô ti bạn nhé. Tin rằng bạn sẽ không thất vọng khi thưởng thức món chim sẻ rô ti tại quê tôi...

Chim sẻ dù là loài chim nhỏ, nhưng lại được Kinh thánh nhắc đến khá nhiều lần trong nhiều chỗ khác nhau.

Sách Thánh Thi, chương 84, câu 3 có nêu đích danh tên chim sẻ như sau:

Lạy CHÚA Vạn Quân, là Vua của tôi, là Đức Chúa Trời tôi; Ngay cả con chim sẻ cũng tìm được một nơi ở, Và con én cũng tìm được một tổ cho bầy con ở gần bàn thờ Chúa

Một số chỗ khác cũng nói đến chim sẻ như Thánh Thi, chương 102, câu 7; sách Châm Ngôn, chương 26, câu 2; sách Ma-thi-ơ, chương 10, câu 29-31 và sách Lu-ca, chương 12, câu 6-7.

Hai phân đoạn Kinh thánh nói về chim sẻ khiến tôi chú ý đặc biệt, thứ nhất là trong sách Ma-thi-ơ, chương 10 câu 29-31, chép như sau:

Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn. Thà sợ Đấng có thể hủy diệt cả linh hồn lẫn thân thể nơi hỏa ngục. Có phải hai con chim sẻ chỉ bán được một đồng? Thế nhưng không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha các con. Ngay cả tóc trên đầu các con cũng đã đếm rồi. Thế thì đừng sợ. Các con quý hơn nhiều con chim sẻ.

Và thứ hai là trong Lu-ca, chương 12, câu 4-7:

Ta bảo các con, những bạn thân của Ta: "Đừng sợ những kẻ giết thân xác rồi sau đó không làm gì được nữa. 5 Nhưng Ta sẽ bảo cho các con phải sợ ai: Hãy sợ Đấng sau khi giết rồi còn có quyền ném vào hỏa ngục. Phải, Ta bảo các con, hãy sợ Đấng ấy! 6 Có phải năm con chim sẻ chỉ bán được hai đồng tiền sao? Thế mà, không một con nào bị Đức Chúa Trời bỏ quên! Hơn nữa, ngay tóc trên đầu các con cũng đã được đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ, vì các con còn quý hơn nhiều chim sẻ!

Hai phân đoạn Kinh thánh trên là lời của Đức Chúa Giê-xu phán, và mỗi khi đọc đến, tôi thực sự kinh ngạc về Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên bạn và tôi, cũng chính là Đấng đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật, trong đó có các loài chim bay trên trời, mà chim sẻ là một trong những loài ấy. Điều khiến tôi kinh ngạc ấy là Đức Chúa Trời là Đấng vô cùng vĩ đại. Ngài vĩ đại đến nổi vua Sa-lô-môn ngày xưa khi làm lễ Khánh thành đền thờ để thờ phượng Ngài, đã khẳng định rằng: “Nhưng, Đức Chúa Trời có thật sự cư ngụ với phàm nhân ở dưới đất chăng? Kìa, trời của các tầng trời còn chưa chứa nổi Ngài huống chi đền thờ này mà con đã xây.” (Sách 2 Sử ký, chương 6, câu 18).

Mỗi khi nói đến cái gì to lớn, vĩ đại, ta thường nói mênh mông, bao la vô tận như bầu trời, như biển cả; nhưng Đức Chúa Trời vĩ đại đến nổi trời của các tầng trời còn không chứa nổi Ngài nữa. Ngài vĩ đại quá đỗi, và ta cứ tưởng, vì Ngài quá vĩ đại như thế, nên có lẽ Ngài sẽ không quan tâm đến những gì nhỏ bé như sợi tóc, như con chim sẻ...Nhưng không phải như thế. Hoàn toàn không phải như thế! Hai phân đoạn Kinh thánh trên đã bày tỏ rất rõ điều đó. Chim sẻ chẳng có giá trị về kinh tế bao nhiêu. Hai con chim sẻ chỉ bán được với giá là một đồng tiền thôi (trong một số bản dịch Kinh thánh khác thì dịch từ “một đồng tiền” là “một xu”)

Đồng tiền nầy là đồng tiền của người La Mã, có giá trị bằng 1/ 16 của tiền công một ngày làm việc thời bấy giờ. Có nghĩa là chim sẻ chẳng có giá trị bao nhiêu cả.

Nếu mua năm con thì chỉ mất có 2 đồng tiền (hai xu), có nghĩa là mua gấp đôi thì được cho thêm (bonus) một con, tức được...khuyến mại thêm một con.

Chim sẻ dù rất nhỏ bé và...rẻ rúng như vậy, nhỏ bé đến nổi nhiều khi chúng ta không quan tâm, để ý đến; nhưng Đức Chúa Trời thì khác, Ngài vẫn không quên nó bao giờ! Không phải Ngài quan tâm đến loài chim sẻ cách tổng thể, chung chung đâu, mà Ngài quan tâm, để ý đến từng con một, cho đến nổi nó sống hay chết cũng ở trong ý chỉ tốt lành đời đời của Ngài cả.

Từ chim sẻ là loài vật nhỏ bé, Kinh thánh nói đến một vật nhỏ hơn chim sẻ nhiều lần, ấy là...sợi tóc trên đầu chúng ta. Chúa không chỉ quan tâm đến con chim sẻ nhỏ, mà Ngài còn quan tâm đến từng sợi tóc bé xíu trên đầu mỗi chúng ta nữa. Đức Chúa Trời thật tuyệt vời phải không bạn?

Đức Chúa Trời không chỉ quan tâm đến những điều lớn lao trong cõi vũ trụ vô tận nầy, và Ngài điều khiển tất cả mọi sự vận hành của nó theo đúng quỹ đạo mà chính Ngài đã...set up, mà Ngài còn quan tâm đến những vật nhỏ nhất trong vũ trụ nầy như con chim sẻ, nhừ từng sợi tóc trên đầu chúng ta. Không có điều gì là ở ngoài tầm kiểm soát, ngoài bàn tay điều khiển của Đức Chúa Trời cả, vì Ngài là Đấng vĩ đại và cũng là Đấng toàn tri, toàn năng. Kinh thánh cho biết, con người chúng ta quan trọng hơn tất cả mọi sự, mọi vật, quan trọng hơn nhiều con chim sẻ thì làm sao Ngài có thể quên chúng ta được. Ngài dựng nên muôn loài vạn vật là để phục vụ cho con người chúng ta, thì không bao giờ Ngài quên chúng ta đâu. Nếu Đức Chúa Trời đã không bao giờ và cũng sẽ không bao giờ quên chúng ta thì tại sao chúng ta phải lo lắng, tại sao chúng ta phải sợ hãi điều nầy điều kia???

Chúa Giê-xu dạy rằng chúng ta quý trọng hơn nhiều chim sẻ, cho nên chúng ta đừng sợ chi cả, và cũng đừng sợ ai cả, mà chỉ sợ một mình Đức Chúa Trời mà thôi, vì Ngài là Đấng duy nhất giết được cả linh hồn và thân thể chúng ta, là Đấng duy nhất có quyền bỏ cả linh hồn và thân thể chúng ta trong địa ngục. Hãy sợ Đấng đáng sợ là Đức Chúa Trời và hãy tin cậy Đấng đó, vì Đấng đó đã dựng nên chúng ta và đã, đang quan tâm, chăm sóc mỗi một chúng ta từng ngày từng giờ, và trong cả mỗi phút giây trong cuộc đời của mỗi một chúng ta nữa.

Đức Chúa Trời đã không quên bất cứ một con chim sẻ nào, thì chắc chắn Ngài cũng không bao giờ quên tôi và bạn đâu.

Mời bạn hãy tin thờ Chúa Giê-xu, hãy kính sợ Ngài ngay hôm nay để được ở trong sự chăm sóc kỳ diệu của Ngài, không còn phải bối rối, lo sợ điều gì cả.

Chúa Giê-xu luôn luôn chờ đợi và sẵn sàng dang rộng vòng tay yêu thương của Ngài để đón bạn vào trong nhà của Ngài! Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cũng rất vui mừng được đón bạn bước vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời để cùng chúng tôi hưởng mọi ơn phước tốt đẹp trong Ngài!

California, Những ngày đầu tháng 4/ 2020

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.

@ LỜI CẦU NGUYỆN TIN CHÚA (GỢI Ý):

Nếu bạn đọc hoặc nghe được bài viết nầy, và nhận biết Chúa Giê-xu là Đấng yêu thương, chăm sóc mỗi một con người chúng ta. Chính Ngài đã xuống thế gian để chịu chết thay cho tội lỗi của mình, bạn muốn tin nhận Ngài làm Chúa, làm Chủ đời sống, thì hãy thưa với Chúa những lời cầu nguyện chân thành như sau:

“Lạy Đức Chúa Trời là Cha thiêng liêng của con, là Đấng yêu thương, chăm sóc con người chúng con từng chút một, vì con người quý trọng hơn nhiều chim sẻ. Con cảm tạ Chúa đã ban Đức Chúa Giê-xu Christ xuống thế gian làm người, rồi chịu chết thay cho con trên thập tự giá. Sau khi được chôn trong mộ ba ngày, Ngài đã sống lại từ kẻ chết và sống mãi mãi, để ban cho con sự sống đời đời. Nay, con xin Ngài tha thứ mọi tội lỗi của con, cho con được làm con cái của Ngài, ban cho con sự sống đời đời. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. A men!” (A men, nghĩa là con muốn được như lời con vừa thưa với Ngài)

Nếu bạn đã thưa với Chúa những lời như trên là bạn đã trở nên con cái Ngài.

Xin mời bạn tìm đến một nhà thờ Tin Lành gần nơi bạn ở để thờ phượng Chúa vào mỗi Chúa nhật với các con cái Chúa khác. Bạn sẽ được tặng Kinh thánh để đọc hầu lớn lên trong đức tin.

Bạn cũng có thể liên lạc với trang mạng Vietchristian.com để được hướng dẫn thêm trên hành trình theo Chúa.

Cũng xin mời bạn dành thì giờ nghe Đài Nguồn Sống, tiếng nói của tình yêu, chân lý và hy vọng theo địa chỉ Dainguonsong.com để được hiểu biết thêm về Chúa và trưởng thành trong đức tin.

Rất hân hạnh được đón tiếp bạn vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời!

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)