"Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng , sẽ không có sự chết cũng không có than khóc, kêu ca hay là đau đớn nữa..." Khải Huyền 21:4
Trong quyển sách này chúng ta đã xem xét ý nghĩa của sự bình an với Chúa. Chúng ta đã biết là Cơ-đốc nhân có nghĩa gì. Chúng ta đã biết giá phải trả để được cái gọi là bình an và hạnh phúc. Tôi biết có người đã sẵn sàng ký ngân phiếu một triệu đô la nếu có được bình an. Hàng triệu người ngày nay đang tìm kiếm bình an. Mỗi lần họ đến gần chỗ có thể tìm được bình an nơi Chúa Giê-xu thì Sa-tan lại tìm cách xô họ ra xa, làm mù mắt họ, phun ra một màn khói mờ. Sa-tan dọa dẫm họ, khiến họ lạc đường! Nhưng là Cơ Đốc Nhân, chúng ta đã tìm thấy sự bình an đó. Sự bình an thuộc về chúng ta cho đến đời đời. Chúng ta đã tìm được bí quyết của sự sống.
Từ ngữ "bình an" thường được dùng trong vòng bốn mươi, năm mươi năm qua. Chúng ta nói về bình an, các lãnh tụ tham dự nhiều hội nghị hòa bình; tuy nhiên ngày nay chúng ta thấy thế giới đang tiến nhanh về bất cứ chỗ nào trừ đến chỗ hòa bình.
Thánh Phao-lô đã nói về nhân loại rằng, "Chúng không biết con đường bình an" (Rô-ma 3:17). Thử nhìn quanh, chúng ta sẽ thấy có rất ít bình an trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội, kinh tế hay chính trị ở bất cứ đâu. Tại sao? Bởi vì trong tất cả chúng ta đều có những mầm mống của sự nghi ngờ, bạo động, hận thù, hủy diệt.
Chúa Giê-xu dạy rằng, "Phước cho kẻ làm cho người hoà thuận" (Ma-thi-ơ 5:9). Chúng ta cần phải nỗ lực kiến tạo hoà bình, nhưng không theo đường lối của chủ nghĩa hoà bình, nghĩa là hòa bình bằng mọi giá. Chúng ta phải hoạt động cho hoà bình, nhưng Chúa Giê-xu cũng báo trước rằng, "Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc , hãy giữ mình, đừng bối rối, vì những sự ấy phải đến; song chưa là cuối cùng đâu. Dân này sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia..." (Ma-thi-ơ 24:6,7).
Chúng ta chỉ có thể kinh nghiệm sự bình an khi chúng ta đã nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời được giải hoà với Chúa, có sự hoà hợp bên trong, hoà hợp với anh em chúng ta và nhất là với Đức Chúa Trời. Sách tiên tri Ê-sai 57: 21 ghi như sau, "Đức Chúa Trời ta đã phán, Những kẻ gian ác chẳng hưởng sự bình an." Nhưng qua huyết đổ ra trên cây thập tự, Chúa Cứu Thế đã giải hoà chúng ta với Đức Chúa Trời, và chính Ngài là sự bình an của chúng ta. Nếu tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu bằng đức tin, chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời coi là công chính, chúng ta sẽ nhận được sự bình an sâu kín bên trong mà con người không thể có bằng phương cách nào khác. Khi Chúa Cứu Thế ngự vào tâm hồn, chúng ta sẽ được giải phóng khỏi mặc cảm tội lỗi. Được tẩy sạch mọi vết tích của xúc cảm bất xứng chúng ta có thể ngước đầu cao lên, nhìn thẳng vào anh em mình biết rằng, "khi tánh hạnh người nào đẹp lòng Chúa, thì Ngài cũng khiến các thù nghịch người ở hoà bình với người" (Châm ngôn 16:7). Quan trọng hơn, chúng ta biết mình có thể đứng trước mặt Chúa trong giờ lâm tử với cùng một cảm nhận về sự yên ổn và bình an đó.
Trong Kinh Thánh Chúa Giê-xu cho biết cuộc chiến tranh sẽ sẽ kéo dài cho đến chung cuộc. Ngài biết rằng bản chất con người sẽ không thay đổi nếu không có sự tái sinh tâm linh. Ngài biết đại đa số nhân loại sẽ không cải đổi để đến với Ngài vì đa số con người trên thế giới hôm nay chưa được "tái sinh." Chính vì thế mà cái tiềm ẩn trong chúng ta là khuynh hướng bạo động có thể bùng nổ ở gia đình, trong cộng đồng, trên thế giới.
Kinh Thánh mô tả ba loại bình an.
Bình An Với Chúa
Trước hết là bình an hay hòa bình với Đức Chúa Trời. Thánh Phao-lô viết như sau, "Chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hoà thuận với Đức Chúa Trời bởi Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta" (Rô-ma 5:1); "bởi huyết Ngài trên thập tự giá thì đã làm nên hoà bình..." (Cô-lô-se 1:20). Đây là bình an bạn có thể có tức khắc - bình an với Đức Chúa Trời.
Cuộc chiến rộng lớn nhất đang diễn ra trên thế giới hôm nay là giữa con người với Đức Chúa Trời. Có lẽ người ta không ý thức mình đang gây chiến với Đức Chúa Trời, nhưng nếu họ không biết Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế, và không nhận Ngài là Chúa thì Đức Chúa Trời coi họ là những người đang gây chiến với Ngài. Khoảng cách biệt này do tội lỗi gây ra. Kinh Thánh tuyên bố rằng "mọi người đều đã phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế" (Rô-ma 3:23). Có người bảo rằng "Tôi đã gia nhập hội thánh, đã nhận thánh lễ báp tem". Những người này cần nhớ rằng Chúa Giê-xu đến để ngự trị lòng họ, không phải chỉ là Đấng Cứu rỗi nhưng còn là Chủ, là Chúa cuộc đời họ nữa!
Sẽ là một thảm họa lớn lao nhất nếu tôi không nói với bạn rằng, không ăn năn tội, không nhận Chúa Giê-xu làm Đấng Cứu Chuộc, bạn sẽ bị hư vong. Phúc âm Giăng 3:16 khẳng định như sau, "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư vong mà được sự sống đời đời." Đây không chỉ là niềm tin trong lý trí, nhưng cũng phải là niềm tin trong tấm lòng, trong tình cảm, trong tâm hồn của bạn nữa. Nó đòi bạn hoàn toàn tin cậy, hoàn toàn ký thác và cam kết với Chúa. Chúng ta đem tất cả mọi sự đặt nơi chân thập tự giá là nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu chịu chết cho tội lỗi chúng ta. Ngài đã giải hoà với Đức Chúa Trời bằng cái chết trên thập tự giá. Nếu chúng ta quay lưng lại với Ngài, không phó thác cuộc đời chúng ta cho Ngài, chúng ta không có hy vọng gì trong tương lai.
Đối với người đã có bình an với Chúa, bình an đó đã được trả giá bằng huyết của Con Đức Chúa Trời. Thánh Phi-e-rơ bảo rằng đó là nhờ "huyết báu Đấng Christ, như huyết của chiên con không tì vết" (I Phi-e-rơ 1: 19). Nếu tôi là một con người duy nhất trên trần gian thì Chúa Giê-xu cũng sẽ chịu chết thay cho tôi vì Ngài yêu thương tôi. Ngài cũng yêu thương bạn và tình yêu của Ngài đã tuôn đổ chan hoà trên thập giá.
"Xin Gặp Lại Tôi Trên Thiên Đàng"
Đọc tiểu sử nữ hoàng Victoria của nước Anh, tôi được biết bà thỉnh thoảng đến thăm các khu nghèo tại Luân Đôn. Một ngày kia, nữ hoàng vào uống trà với một bà cụ già, lúc đứng dậy ra về bà nói, "Bà cụ có cần tôi giúp gì không?" Bà cụ trả lời, "Muôn tâu, thưa có. Mong nữ hoàng sẽ gặp lại tôi trên thiên đàng." Nữ hoàng Anh quay lại với bà, nhỏ nhẹ, "Phải, tôi sẽ có trên đó, nhưng tất cả là nhờ huyết đã đổ trên cây thập tự cho bà và cho cả tôi." Nữ hoàng Victoria trong thời của bà, là một phụ nữ quyền lực nhất thế giới mà vẫn phải nhờ cậy vào huyết Chúa Cứu Thế để được cứu rỗi thì chúng ta cũng vậy. Kinh Thánh khẳng định rằng Đức Chúa Trời là Chúa của sự bình an (I Cô-rinh-tô 14:33). Đức Chúa Trời ban sự cứu rỗi thông qua thập tự giá. Nhờ huyết Con Ngài đổ ra đã đem lại hoà bình và cuộc chiến giữa bạn với Đức Chúa Trời kết thúc mau chóng. Hòa ước được ký kết bằng huyết của Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Bạn hiện đang có bình an với Đức Chúa Trời, hay tội lỗi vẫn tiếp tục ngăn cách bạn với Ngài?
Bình An Của Đức Chúa Trời
Sự bình an thứ hai nói trong Kinh Thánh là bình an của Đức Chúa Trời. Những người biết Chúa Cứu Thế Giê-xu dù phải sống trong bất cứ nan đề nào, ngay cả việc đối diện với cái chết, vẫn có sự bình an của Đức Chúa Trời trong lòng. Vợ chồng trong cảnh tử biệt sinh ly, con cái đau ốm, mất công ăn việc làm...bạn vẫn có thể có sự bình an mà chính mình không hiểu. Sự bình an vẫn có thể âm thầm ngự trị tâm hồn bạn ngay vào những lúc bạn đầm đìa nước mắt bên phần mộ.
Một tờ báo trích dẫn lời một nhà phân tâm học bảo rằng ông không thể thêm gì vào lời khuyên của Thánh Phao-lô trong thư Phi-líp 4:6-7, "Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Chúa Cứu Thế Giê-xu." Xin đừng lo lắng vô ích. Đã bao nhiêu lần bạn và tôi lo lắng quay quắt, đi tìm một chút bình an cho tâm hồn? Sự bình an của Đức Chúa Trời có thể có ngay trong lòng chúng ta - chính giờ này.
Thánh Phao-lô trong thư Cô-lô-se 3:15 viết, "xin sự bình an của Chúa cứu Thế cai trị trong lòng anh em." Một số người trong các bạn đã tin Chúa Giê-xu làm Đấng Cứu Chuộc, nhưng chưa thực sự tôn Ngài làm Chúa, cho nên bạn đang đánh mất sự bình an của Đức Chúa Trời trong những rối ren, vật lộn, trong những thử thách và mọi áp lực của đời sống. Sự bình an của Đức Chúa Trời có đang ở trong lòng bạn không?
Chúng ta đều quen với sự biến cải xảy ra bên trong Sau-lơ trên đường đến thành Đa-mách khi Chúa Cứu Thế ngự vào lòng ông, biến ông từ một trong những kẻ thù tàn hại nhất trở thành một trong những người bênh vực Ngài mạnh mẽ nhất. Nhiều thay đổi lạ lùng như thế trong tâm tính con người đang xảy ra hôm nay, cũng do cùng một phương cách như đã biến đổi Sau-lơ thành Phao-lô - đó là sự tái sinh qua Chúa Cứu Thế Giê-xu!
Không một triết lý trần gian nào có thể thành đạt được những thay đổi như thế hay đem lại sức mạnh như vậy. Trong khi đó, chính năng lực mạnh mẽ này lại sẵn dành cho bạn bất cứ lúc nào. Đức Chúa Trời phán rằng, "Đừng sợ vì Ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải Ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi" (Ê-sai 41:10).
Dù hoàn cảnh nào, thôi thúc nào, bổn phận nào, dù giá phải trả là gì và dù phải hy sinh đến đâu, sức mạnh của Ngài sẽ là sức mạnh của bạn trong lúc bạn cần.
Có những lợi ích thuộc thể phát sinh từ nếp sống Cơ-đốc, trong khi đó tội lỗi và ý thức về sự bất xứng sâu xa bên trong làm tổn hại cả thể xác lẫn tinh thần. Ý thức về tình trạng nhơ bẩn, vô luân, về những cay đắng hận thù với người khác, ý thức về những trục trặc, chán nản và tình trạng bất năng trong việc thành đạt những mục tiêu mong muốn - tất cả những điều này là những nguyên nhân chính gây nên bệnh tật cho cả thể xác lẫn tinh thần. Ý thức và mặc cảm tội lỗi con người thiên nhiên mang trong mình khiến anh ta không hoàn tất được những bổn phận phải làm, khiến anh ta lâm bệnh cả thể xác lẫn tinh thần. Việc Chúa Giê-xu kết hợp sự giảng dạy và chữa bệnh trong những năm tại thế không phải là việc ngẫu nhiên. Giữa sự sống tâm linh với sức khỏe thể xác và tinh thần có một mối liên hệ rất thật.
Bình an với Chúa và bình an của Chúa trong lòng con người và niềm vui tương giao với Chúa Cứu Thế tự nó đã có hiệu quả hữu hiệu trên thân xác và tinh thần, đưa đến chỗ phát triển và bảo tồn năng lực thể xác và tinh thần. Vì vậy, Chúa Cứu Thế đã khích lệ quan tâm đến thân xác, tinh thần cũng như tâm linh, thêm vào với sự bình an sâu kín bên trong, là sự phát triển đời sống thuộc linh, niềm vui và mối tương giao với Chúa Cứu Thế, cũng như sức mạnh mới đến từ sự tái sinh.
Có một số đặc ân mà chỉ Cơ Đốc Nhân chân chính mới biết vui hưởng, thí dụ như đặc quyền được Chúa ban sự khôn ngoan và thường xuyên hướng dẫn. Kinh Thánh dạy, "Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai thì kẻ ấy sẽ được ban cho" (Gia-cơ 1: 5).
Cơ Đốc Nhân cũng được ban cho một thái độ lạc quan chân chính, được bảo đảm rằng theo mạc khải thiên thượng, mọi sự đến cuối cùng rồi sẽ tốt đẹp.
Cơ Đốc Nhân cũng có một quan niệm xác định về thế giới. Thế giới quan này cho thấy mục tiêu của Đức Chúa Trời và chung cuộc của mọi sự. Nó bảo đảm với chúng ta rằng cho dù trong cảnh chiến tranh giặc giã, hay khi chúng ta ở giữa những sức mạnh tàn phá của thiên nhiên, Đức Chúa Trời vẫn đang ngự trên ngôi, cầm quyền tể trị mọi sự. Chính Sa-tan cũng bị quyền lực của Đức Chúa Trời giới hạn. Nó chỉ được ban cơ hội hành sử ảnh hưởng gian ác của nó khi Đức Chúa Trời cho phép trong thời gian và trong hạn định của Ngài. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời có một chương trình nhất định cho mỗi một thời kỳ lịch sử, cho từng quốc gia và cho từng cá nhân. Kinh Thánh tiết lộ chương trình của Đức Chúa Trời về sự tái lâm của Chúa Cứu Thế khi nước Ngài được thiết lập như đã trình bày. Vì vậy, đối với Cơ Đốc Nhân đời sống có một kế hoạch và một sự bảo đảm rằng chung cuộc Đức Chúa Trời sẽ toàn thắng tất cả những gì không công chính.
Để tóm tắt tính ưu việt của cuộc sống Cơ-đốc trên tất cả những lối sống khác, chúng ta không thể bỏ qua lợi điểm Cơ Đốc Nhân có trong cả cõi vĩnh hằng. Gióp bảo rằng, "Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?" (Gióp 14:14). Ông trả lời chính câu hỏi của mình rằng, "Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi vẫn sống, đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất" (Gióp 19:25). Còn có viễn ảnh nào, tương lai nào, hy vọng nào, cuộc sống nào tươi đẹp hơn! Tôi sẽ không đánh đổi địa vị này với con người giàu có nhất, ảnh hưởng nhất trần gian. Tôi thà làm con Vua Trời, làm người đồng kế thừa với Chúa Cứu Thế, làm thành viên Hoàng Gia thiên quốc!
Tôi biết tôi đến từ đâu, tại sao tôi ở đây và sẽ đi đâu. Tôi có sự bình an đầy ắp tâm hồn. Sự bình an của Ngài tuôn tràn, phủ ngập linh hồn tôi!
Cuồng phong gào thét. Những lượn sóng cao ngất của biển cả ầm ầm đánh vào bờ đá. Chớp nhoáng lòe ra, sấm động vang trời, gió ào ào thổi, nhưng con chim nhỏ cứ bình yên đứng trong hốc đá, dấu đầu dưới cánh trong giấc ngủ say. Đó là sự bình an - hoàn toàn an nghỉ trong bão tố!
Trong Chúa Cứu Thế chúng ta được nghỉ ngơi, được bình an giữa những rối ren, biến loạn, bối rối của cuộc đời. Cơn bão dù cuồng nộ, nhưng lòng chúng ta an nghỉ. Đến cuối cùng, chúng ta đã tìm được sự an bình!
Bình An Trong Tương Lai
Loại bình an thứ ba trong Kinh Thánh là bình an trong tương lai. Kinh Thánh hứa rằng sẽ có một thời kỳ cả thế giới sẽ hưởng bình an. Trong hiện tại thì thế giới dường như đang tiến dần đến cuộc chiến cuối cùng là trận Hạt-ma-ghê-đôn. Trong sách Khải Huyền 6:4, sừ đồ Giăng yêu dấu viết về một con ngựa sắc hồng, "kẻ ngồi trên ngựa được quyền cất lấy cuộc hòa bình khỏi thế gian, hầu cho người ta giết lẫn nhau." Chúng ta sẽ không thể có hòa bình trường cửu cho đến khi Chúa Hòa Bình đến.
Thật vậy, Ngài sẽ đến. Sẽ có một ngày trời sẽ mở ra và Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ trở lại. Ngài sẽ thiết lập vương quyền trên đất, và lúc đó chúng ta sẽ có bình an, sẽ có công bình xã hội. Đó sẽ thực sự là thời đại huy hoàng!
Tiên tri Ê-sai tiên báo rằng, "Quyền cai trị sẽ đặt trên vai Ngài: Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận, Đức Chúa Trời quyền năng, Cha Đời Đời và Chúa Bình An. Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi..." (Ê-sai 9:6,7). Xin bạn nghĩ đến điều này: không còn chiến tranh, giặc giã, không còn hận thù, không còn bạo động. Tất cả đều bình an, yên ổn.
vỞ Với Chúa Cứu Thế
Bạn có biết Chúa Cứu Thế không? Bạn có chắc Ngài đang ở trong lòng bạn không? Có lẽ từ lâu bạn vẫn từng nghĩ, "Tôi muốn chắc mình có sự bình an với Chúa. Tôi muốn được chuẩn bị sẵn sàng đối diện với cái chết. Tôi muốn tất cả mọi tội lỗi được tha. Tôi muốn tình trạng mắc tội được gỡ bỏ. Tôi muốn được ở với Chúa Cứu Thế khi Ngài trở lại thiết lập Nước Trời."
Tất cả những điều trên đều thuộc về bạn như một quà tặng. Bạn không cần phải trả một giá nào, "Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin anh em được cứu; điều đó không phải do anh em nhưng là tặng phẩm của Đức Chúa Trời" (Ê-phê-sô 2:7,8).
Xin bạn hãy trao cả tấm lòng và cuộc sống bạn cho Chúa Cứu Thế. Xin đừng trì hoãn.