Sứ đồ Phao-lô viết hai phần ba các thư tín trong Tân Ước và tiên phong mở nhiều Hội Thánh dân ngoại. Chức vụ của ông mở rộng ra toàn thế giới, dầu vậy đến cuối đời mình, ông nói, "Tôi không nghĩ rằng tôi đã chiếm được rồi.” Ông vẫn chưa thỏa lòng – và ông sẽ không thỏa lòng cho đến khi đạt đến cuối cuộc đua và giựt được giải thưởng trên trời. Để chúng ta hoàn thành cuộc đua và giành được giải thưởng, điều đầu tiên chúng ta cần phải xác định rõ trong lòng mình đó là chúng ta vẫn chưa tới đích hay giựt được giải. Chúng ta không hoàn hảo, chúng ta phải tiếp tục thay đổi và tăng trưởng. Môi-se cũng vậy, có một sự kêu gọi lớn lao, đã dẫn dắt cả một quốc gia với ba triệu người và là người làm nhiều dấu kỳ và phép lạ mà chưa từng có ai thực hiện trong Cựu Ước. Dầu vậy, Chúa nói rằng Môi-se là người khiêm nhường hơn hết (người chịu học) trên khắp thế gian. Ông không kể như mình đã đến đích nhưng cứ tiếp tục bước tới để hoàn thành cuộc đua của mình và giựt được giải thưởng trên trời. Để tăng trưởng và thay đổi, chúng ta cần phải tiếp nhận sự dạy dỗ. Điều thứ hai chúng ta cần làm để hoàn thành cuộc đua của chúng ta cho Chúa là phải quên đi những điều (những chiến thắng và những thất bại) phía sau chúng ta! Một lần nữa, đây là điều Chúa phán trong Ê-sai 43: 18-19: "Đừng nhớ đến những việc trước kia, cũng không nên suy nghĩ đến những điều xưa cũ. Này, Ta đang làm một điều mới. Bây giờ nó đang xuất hiện, các ngươi không nhận thấy sao? Phải, Ta sẽ làm một con đường trong sa mạc, tạo các sông nơi đồng hoang.”
Những thất bại quá khứ, những sự khướt từ, hay những tội lỗi, nếu cứ nghĩ về nó, sẽ ngăn trở chúng ta không tiến tới trong Chúa. Tuy nhiên, những thành tựu của chúng ta trong quá khứ cũng có thể giữ chân chúng ta. Nếu chúng ta cảm thấy tự tin thái quá về chính mình và bắt đầu dựa vào những thành công trong quá khứ để duy trì và chứng tỏ bản thân, thì chúng ta sẽ lỡ mất những điều Chúa dành cho chúng ta ngay thời điểm hiện tại. Đây chính xác là điều mà Chúa muốn nói đến trong Ê-sai 43. Những điều xưa cũ đó thuộc về Ngài, nhưng để tiếp tục tấn tới và hoàn thành những điều Ngài đã định cho chúng ta, thì chúng ta phải sẵn sàng dủ bỏ những lề thói mà Chúa đã hành động qua chúng ta trong quá khứ. Nếu không làm như vậy, chúng ta có nguy cơ trở thành một bầu da cũ. Phao-lô cũng nhấn mạnh lẽ thật này:
"Khi tôi còn bé thơ, tôi nói như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con, lý luận như trẻ con, nhưng khi đã thành nhân tôi từ bỏ những hành vi trẻ con. Vì hiện nay chúng ta chỉ thấy mập mờ qua gương, đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy tận mặt. Bây giờ chúng ta chỉ hiểu biết một phần, đến bấy giờ chúng ta sẽ biết hoàn toàn như Chúa biết chúng ta vậy.” (1 Cô-rinh-tô 13:11-12)
Con trẻ không có gì sai, chỉ là nó chưa trưởng thành. Khi tôi năm tuổi, cả thế giới của tôi dường như chỉ xoay quanh những
chiếc xe đồ chơi Tonka và Lego. Thành tựu lớn nhất của tôi đó là đọc được bảng chữ cái. Tôi nhìn cuộc đời qua lăng kính lờ mờ, bởi vì tôi vẫn chưa đủ trưởng thành để có thể xử lý những vấn đề lớn hơn và phức tạp hơn. Khi tôi mười tám tuổi, những chiếc xe Tonka và đồ chơi Lego chỉ còn là những điều trong quá khứ. Giờ đây, sau vài năm trưởng thành, tôi không nhìn cuộc đời qua lăng kính mờ như trước nữa. Trình độ và năng lực tiếp nhận những hiểu biết của tôi đã tăng lên. Thật không bình thường nếu một người mười tám tuổi hành động giống như một đứa trẻ năm tuổi. Khi phát triển, chúng ta bỏ lại những sự thuộc quá khứ, những lối cư xử và hiểu biết của trẻ con, là những điều không còn hữu dụng hay ích lợi cho những nhu cầu hay niềm vui của chúng ta. Tương tự, khi chúng ta tăng trưởng trong Chúa, khi chúng ta đi qua những tiến trình của đời sống, chúng ta cũng nên loại bỏ những điều xưa cũ, những hành vi trẻ con. Phao-lô nói rằng, bây giờ chúng ta thấy Chúa và vinh quang Ngài chỉ mập mờ, nhưng chúng ta càng đeo đuổi phần thưởng trên trời, thì chúng ta sẽ càng nhìn thấy rõ ràng hơn cho đến khi chúng ta gặp Chúa mặt đối mặt. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ biết Ngài cũng giống như Ngài biết chúng ta!
Phần thưởng trên trời mà Phao-lô đề cập đến là gì? Câu trả lời của ông nằm trong những câu Kinh Thánh trước đó. Phi-lip 3:10 chép rằng, "để biết Ngài, biết quyền năng phục sinh của Ngài, chia sẻ sự thương khó của Ngài, biết thông công với Ngài trong sự chết của Ngài.” Phần thưởng của Chúa trên trời đó là được biến hóa theo ảnh tượng của Con Ngài, là Chúa Giê-su – để biết Ngài giống như Ngài biết chúng ta! Cho đến khi chúng ta đạt được mục tiêu đó, chúng ta không nên thỏa lòng, không ngừng tìm kiếm tấm lòng của Chúa. Điều thứ ba chúng ta phải làm đó là phải đeo đuổi phần thưởng trên trời để "nhắm tới mục tiêu!” Nhắm tới cũng đồng nghĩa với việc sẽ có những áp lực hay những sự chống đối. Luôn có sự chống đối khi chúng ta muốn biết Chúa. Mối đe dọa lớn nhất đối với ma quỷ là một người được biến đổi theo hình ảnh của Chúa Cứu Thế, và những thế lực của sự tối tăm sẽ tranh chiến quyết liệt với điều đó hơn bất kỳ điều nào khác. Khi những tín hữu được biến hóa theo hình ảnh của Chúa, họ sống nhưng không phải họ sống nữa mà là Đấng Cứu Thế sống trong họ. Họ bước vào sự biểu lộ vinh diệu và đầy trọn về sự sống của họ trong Chúa. Đó là lý do Phao-lô nói rằng để biết Ngài thì chúng ta phải biết thông công với Ngài trong sự thương khó của Ngài. Sự thương khó về phần thân thể mà ông nói đến cũng chính là việc chết đi cái tôi, chính điều này sẽ dẫn đến đời sống phục sinh! Phi-e-rơ viết:
Vậy, vì Chúa Cứu Thế chịu khổ trong thân thể, hãy trang bị chính mình anh chị em bằng thái độ như thế, người nào đã chịu khổ trong thân thể được dứt khỏi tội lỗi. Vì kết quả đó, người ấy còn sống bao lâu sẽ không sống theo dục vọng con người, nhưng cho ý muốn của Đức Chúa Trời. (1 Phi-e-rơ 4:1-2)
87Chương 6: Giải Thưởng Trên Trời
Nếu chúng ta đã chịu khổ trong thân thể, chúng ta không còn bị cai trị hay tập chú vào đường lối riêng của chúng ta, tức chỉ đeo đuổi theo tất cả những ham muốn tội lỗi của thế gian. Chúng ta có bản tính của Chúa đang hành động trong chúng ta! Đây chính là mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới.
John Bevere (Chúa Ơi! Ngài Ở Đâu?)