Kinh thánh: Thánh Thi 137: 1 (*)
Kính chào quý độc giả, thính giả thân mến,
Quý vị có kinh nghiệm như tôi sau đây không?
Những gì ta nhìn thấy chung quanh mình hằng ngày sao mà... thường quá, quen quá, chẳng có gì hấp dẫn, thích thú cả.
Hằng ngày mở mắt ra đi làm là thấy cũng những con người đó, cũng những cảnh vật đó, cũng những ngôi nhà đó. Ngày nào đi, về cũng nhìn thấy những con đường làng, những “ngõ trúc quanh co khách vắng teo,” (thơ Nguyễn Khuyến), những vườn rau muống, những dàn bí, dàn bầu, dàn mướp; những ông bà, cô bác, anh chị với những gương mặt quen thuộc đến độ chỉ cần nhìn thấy dáng đi từ đằng xa đã có thể nhận biết được đó là người nào rồi; những chú bé chăn trâu, chăn bò vô tư, hồn nhiên nô đùa, chơi giỡn với những trò chơi dân gian như bắn bi, u tù, đánh trổng... Tất cả đều hiện ra trước mắt ngày ngày quen ơi là quen, quen đến nhàm chán luôn trong ánh mắt, trong tâm trí của mình.
Tôi nhớ Nhạc sĩ Tú Nhi có bài hát “Trong Tầm Mắt Đời” có những câu như thế nầy: “Nhiều khi tôi muốn bỏ đi thật xa. Bạn thân ngoảnh ngơ như người xa lạ... ” Phải chăng đó là tâm trạng của một người do ở mãi một nơi quen quá đi mất cảnh và người ở nơi đó, nên muốn đi đến một nơi nào thật xa để... thay đổi không khí sống cho khác lạ, cho tươi mới tâm hồn, cho... bay đi bớt cái “hương đồng cỏ nội” của quê mình.
Tôi đã từng có vài lần vì công việc mà... bỏ đi thật xa quê nhà, xa những người thân yêu của quê hương, làng xóm, xa những cảnh vật quen thuộc mà mình nhìn thấy hằng ngày. Và khi đã đi thật xa như vậy rồi, tự nhiên, như một... luật định của Tạo Hóa đã đặt để trong mình, tôi lại thấy nhớ đến chảy bỏng, nhớ đến quay quắc những cảnh vật, những con người ở quê nhà mà mình đã quen đến nhàm chán trước đây.
Và khi ấy, tôi chỉ ước làm sao có được đôi cánh như chim để bay về liền nơi quê nhà yêu dấu để được nhìn lại những cảnh vật, gặp lại những con người quen ấy cho... ”đã” nhớ mong. Tôi tin rằng nhiều người cũng có cùng tâm trạng như tôi mỗi khi sống xa quê nhà yêu dấu của mình.
Thi sĩ tài hoa Đỗ Trung Quân có những câu thơ thật hay về quê hương:
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.
Vâng, đúng vậy! “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người.” Không ai trong chúng ta khi đi xa quê hương mà lòng không nhớ về chốn thân thương ấy cả.
Tôi đã từng có một chuyến đi xa quê hương khá lâu, gần năm năm cách đây hơn bốn chục năm trước; ấy là khi tôi đi lính, chiến đấu bên chiến trường Kam-pu-chia đầy ác liệt vào những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, mà thời đó người ta gán cho một cái tên thật kêu, thật... oai là “quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế”.
Những năm tháng làm lính chiến đấu ở chiến trường Kam-pu-chia, đóng quân ở các vùng rừng núi của đất nước chùa tháp, mỗi chiều về khi nghe tiếng chim kêu, tiếng gà gáy... mà nhớ nhà, nhớ quê, nhớ những người hàng xóm thân thương đến não nuột, đến nao lòng...
Và hiện nay, tôi cũng đang có một chuyến đi thật xa hơn năm năm rồi, ở cách xa quê nhà đến nửa vòng trái đất. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ những con người thân thương ở quê nhà cũng lại trỗi lên trong lòng một cách thật cháy bỏng. Mong ước Chúa ban cho có một ngày trong tương lai, khi mọi việc thuận lợi, sẽ được trở về thăm con cháu, thăm Hội thánh, thăm quê hương, anh em, bạn bè cho thỏa nhớ mong. Mong lắm một ngày như thế!
Chắc chắn bạn cũng như tôi đều có kinh nghiệm một nỗi nhớ mong da diết về quê hương mỗi khi đi xa quê nhà yêu dấu.
Và những điều mà chúng ta thường hay nhớ về không phải là những gì cao xa, mà bèn là những hình ảnh rất thân quen, gần gũi trong cuộc sống đời thường.
Hãy nghe cha ông ta đã thể hiện tâm trạng nhớ quê một cách thật cụ thể qua bài ca dao sau:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng, dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
“Anh đi anh nhớ quê nhà”.
Anh nhớ gì đây? Tưởng anh sẽ nhớ đến những gì đó... cao cấp lắm, cao siêu lắm, những món ngon vật lạ nào đó mà anh đã thưởng thức, hoặc là những con người nổi tiếng nào đó mà anh từng ngưỡng mộ... nhưng không phải thế, hoàn toàn không phải thế! Những cái anh nhớ là: canh rau muống, cà dầm tương và hình bóng của một cô thôn nữ hay lam hay làm (tát nước bên đường hôm nao) thật đáng yêu mà anh đã... chấm điểm cho mình, để trong tâm trí mình. Những cái anh nhớ không hề cao cấp, không hề cao siêu chút nào. Những gì anh nhớ thật gần gũi, dung dị, thật đơn sơ, mộc mạc; gần gũi, dung dị, đơn sơ, mộc mạc đến độ quá quen thuộc và dường như trở nên tầm thường với chúng ta vậy.
Canh rau muống, cà dầm tương, và hình ảnh một cô thôn nữ là những gì rất dỗi quen thuộc ở quê nhà, có gì đáng yêu, đáng nhớ đâu. Vậy mà, khi đi xa thì người ta lại nhớ đến cháy bỏng, nhớ đến quay quắc, nhớ đến cồn cào cả ruột gan. Tại sao vậy?
Người ta nói rằng vì đó chính là... hồn quê.
Tôi đã từng gặp một số người từ quê nhà đi Mỹ, đi Tây sinh sống ở đó lâu ngày, và mỗi khi có dịp về thêm quê thì đều nói rằng ở bên Mỹ, bên Tây, cuộc sống vật chất thì sung túc, đầy đủ lắm, nhưng có một cái thiếu là cái nhớ quê nhà quá đỗi. Tôi hỏi nhớ những thứ gì? Thì họ đều nêu ra những hình ảnh quen thuộc, bình thường của quê nhà, nào là: đường làng, ngõ xóm, hàng cau, khóm trúc, những ụ rơm vàng, những hàng râm bụt, những vườn rau, ao cá và cả tiếng chuông nhà thờ nữa... Những hình ảnh quen thuộc đó là những điều mà người ta không thể nào quên được khi đi xa, vì đó chính là... hồn quê. Tôi hỏi nhớ nhất là vào những lúc nào? Thì được trả lời là vào những buổi chiều tà, khi hoàng hôn buông xuống. Hèn gì mà ca dao cũng đã cho biết như thế:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Cô gái đi lấy chồng ở xa, mỗi khi chiều đến ra ngõ sau nhà chồng đứng hướng lòng về quê nhà mà thấy nhớ quê, nhớ mẹ đến não nuột.
Thời khắc buổi chiều quả là một thời khắc dễ gợi lên trong lòng con người, nhất là những con người xa quê những nỗi buồn nhớ miên man, khôn tả về những cái bình thường nhất trong cuộc sống, ngay cả một “nồi cơm nguội, một niêu nước chè” cũng làm cho người ta không thể nào quên được:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè.
Có những khi cái nhớ làm ngẩn ngơ cả người:
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai?
Có đi xa quê, mới trải nghiệm được nỗi nhớ quê nhà trào dâng lên trong tâm hồn một cách mãnh liệt là dường nào? Có đi xa quê, mới thấy được rằng những hình ảnh quen thuộc, bình thường, dung dị của quê hương mới đáng yêu, đáng quý biết bao trong tâm hồn chúng ta? Bởi những hình ảnh ấy chính là hồn quê.
Bởi vậy, mà nhà thơ Chế Lan Viên đã từng có câu thơ cực hay nói về nỗi nhớ kỳ diệu ấy:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.
Những hình ảnh quen thuộc của quê nhà mà chúng ta nhìn thấy mỗi ngày sẽ hóa tâm hồn khi ta đi xa và làm cho chúng ta yêu thương, nhung nhớ đến vô ngần.
Còn nhớ dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa sau khi bị lưu đày qua xứ Ba-bi-lôn, họ nhớ về quê hương xứ sở Do-thái của họ, họ đã khóc. Kinh thánh ghi lại như sau:
“Chúng tôi ngồi bên các bờ sông tại Ba-by-lôn và khóc Khi nhớ đến Si-ôn.” (Sách Thánh Thi, chương 137, câu 1)
Thì ra, nỗi nhớ quê hương là một nỗi nhớ thiêng liêng mà chính Đức Chúa Trời đã... set up (thiết lập) sẵn trong tâm hồn con người, dù là dân tộc nào và ở bất cứ nơi đâu.
Thật lạ lùng thay vì Tạo Hóa đã đặt để trong lòng mỗi một con người chúng ta một nỗi nhớ quê thiêng liêng, sâu lắng, một hồn quê để chúng ta nhớ về, chứ nếu không thì chúng ta đâu còn biết mình là ai và ở đâu phải không bạn?
Cảm ơ Tạo Hóa đã tạo nên ta, đã ban cho ta một quê hương để mà yêu thương, mà nhung nhớ. Hãy cảm ơn Tạo Hóa và hãy yêu lấy quê mình. Vì dù có đi đến cùng trời cuối đất đi chăng nữa thì cũng không có một nơi nào đẹp hơn, đáng yêu hơn là quê mình. Quê nhà – nơi mình sinh ra và lớn lên là đẹp nhất mà thôi!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)
@ LỜI CẦU NGUYỆN TIN CHÚA (GỢI Ý):
Nếu quý độc giả, thính giả đọc hoặc nghe được bài viết nầy, và được Thánh Linh của Đức Chúa Trời cảm động để tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời, thì xin mời bạn có thể thưa với Chúa lời cầu nguyện như sau:
“Lạy Đức Chúa Trời là Cha thiêng liêng của con, con cảm tạ Chúa đã ban Chúa Giê-xu xuống thế gian nầy để chịu chết trên thập tự giá đền tội cho con. Ngài đã sống lại và sống mãi mãi để ban sự sống đời đời cho những ai bằng lòng tin nhận Ngài. Con nhận biết con là tội nhân trước mặt Ngài. Giờ nầy, con bằng lòng mở lòng ra, tin nhận Ngài, xin Ngài tha thứ tội lỗi cho con; nhận con làm con của Ngài, ban cho con sự sống đời đời. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. A men!” (A men có nghĩa là muốn được như lời vừa cầu xin)
Nếu bạn đã thưa với Chúa lời cầu nguyện như vậy là bạn đã trở thành con cái của Ngài.
Xin mời bạn tìm đến một nhà thờ Tin Lành gần nơi bạn ở để được hướng dẫn thêm trong đức tin và được thờ phượng Chúa với các con cái Chúa khác hầu được lớn lên trong Ngài.
Mời bạn cũng có thể lắng nghe Đài Nguồn Sống, tiếng nói của tình yêu, chân lý và hy vọng được phát thanh mỗi ngày trên mạng lưới internet toàn cầu qua địa chỉ dainguonsong.com để được hiểu biết thêm về Chúa và lời của Ngài.
Rất hân hạnh được đón bạn vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời để cùng thờ phượng Chúa với chúng tôi và hưởng niềm vui của người được cứu trong danh của Chúa Giê-xu.