Trang Chủ :: Chia Sẻ
Bài 321
Lương Tâm
"Còn như cái điều làm vẻ vang cho chúng tôi, ấy là lương tâm chúng tôi làm chứng rằng mình lấy sự thánh sạch và thật thà đến bởi Đức Chúa Trời mà ăn ở trong thế gian nầy, nhứt là đối với anh em, không cậy sự khôn ngoan theo tánh xác thịt, nhưng cậy ơn của Đức Chúa Trời." - 2 Cô-rinh-tô 1:12
Theo định nghĩa tiếng Việt thì, "Lương tâm là năng lực mang tính tự giác của con người tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình trách nhiệm đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình." Giống như người ta nói, "Con người có lương tâm", "Lương tâm nhà nghề", để chỉ những người có đạo đức chân chính. Khi làm điều gì sai trật thì người ta bị "lương tâm cắn rứt"; còn ai làm ác không gớm tay, bất chấp tai hại đến người khác thế nào, thì chúng ta gọi người đó là, "táng tận lương tâm." Chỉ có 1 lần trong Cựu Ước nhắc đến "lương tâm", khi vua Đa-vít "bị lương tâm cắn rứt" vì ông phạm tội với Chúa, như được viết trong
2 Sa-mu-ên 24:10, "Sau khi tu bộ dân sự rồi, Đa-vít bị lương tâm cắn rứt, bèn cầu Đức Giê-hô-va rằng: Tôi làm như vậy, thật là đã phạm tội rất nặng. Vậy, bây giờ Đức Giê-hô-va ôi! xin hãy cất tội lỗi của kẻ tôi tớ Ngài đã phạm; vì tôi có làm cách ngu dại quá."
Còn theo ý nghĩa của Tân Ước thì, "Lương tâm là một phần của tâm hồn con người mà nó tạo ra cảm giác ray rứt, khó chịu khi phạm tội và cảm giác vui thỏa và hạnh phúc khi hành động đúng với những tiêu chuẩn Kinh Thánh." Trong tiếng Hy-lạp thì "lương tâm" có nghĩa là "nhận thức về đạo đức" hoặc "ý thức đạo đức." Khái niệm về lương tâm của Tân Ước có tính cách cá nhân, và là một khả năng mà Đức Chúa Trời ban cho con người để thực hành việc tự đánh giá đạo đức của chính mình, và chính lương tâm đó đóng vai trò như một chứng nhân cho điều gì đó trong chúng ta, như sứ đồ Phao-lô nói trong
2 Cô-rinh-tô 1:12, "… ấy là lương tâm chúng tôi làm chứng rằng mình lấy sự thánh sạch và thật thà đến bởi Đức Chúa Trời mà ăn ở trong thế gian nầy…"; " Tôi nói thật trong Đấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi bởi Đức Thánh Linh" (Rô-ma 9:1). Chính lương tâm của ông đã chứng mình rằng ông sống "thánh sạch và thật thà" đối với Chúa và đối với thế gian.
Sứ-đồ Phao-lô đã vài lần nói về lương tâm của mình là "tốt", như là "trọn lương tâm tử tế" khi ông đã bênh vực mình ở tòa công luận,
"Phao-lô mắt chăm chỉ trên tòa công luận, nói rằng: Hỡi các anh em, trước mặt Đức Chúa Trời, tôi đã ăn ở trọn lương tâm tử tế cho đến ngày nay" (Công-vụ các Sứ-đồ 23:1); và "lương tâm không trách móc", trong
Công-vụ các Sứ-đồ 24:16, "Cũng vì cớ ấy, nên tôi vẫn gắng sức cho có lương tâm không trách móc trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt loài người." Ông đã chứng minh cho những tín hữu ở Cô-rinh-tô biết rằng, những lời nói và việc làm của chính ông là có "lương tâm làm chứng", đúng theo đạo đức và hệ thống giá trị của mình; và dĩ nhiên, nó được dựa trên những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Lương tâm của ông đã kiểm chứng sự toàn vẹn của tấm lòng ông. Ông cũng nói rằng lương tâm của ông cho ông biết về những việc làm của mình là trong sạch trước Đức Chúa Trời và với cả mọi người,
"nhưng chúng tôi từ bỏ mọi điều hổ thẹn giấu kín. Chúng tôi chẳng theo sự dối gạt, và chẳng giả mạo lời Đức Chúa Trời, nhưng trước mặt Đức Chúa Trời chúng tôi tỏ bày lẽ thật, khiến lương tâm mọi người cho chúng tôi là đáng chuộng" (2 Cô-rinh-tô 4:2); "Vậy chúng tôi biết Chúa đáng kính sợ, nên tìm cách làm cho người ta đều tin; Đức Chúa Trời biết chúng tôi, và tôi mong anh em cũng biết chúng tôi trong lương tâm mình" (2 Cô-rinh-tô 5:11).
Trong những bức thư của sứ-đồ Phao-lô, ông có nhắc đến hai loại lương tâm mà con cái Chúa cần tránh, đó là, "lương tâm đã lì" vì lầm lạc theo các giáo sư giả, trong
1 Ti-mô-thê 4:2, "bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì"; và "lương tâm dơ dáy và chẳng tin", chẳng thánh hóa đời sống, mà còn ở trong sự dơ dáy của tội lỗi, như được bày tỏ trong
Tít 1:15, "Mọi sự là tinh sạch cho những người tinh sạch, nhưng, cho những kẻ dơ dáy và chẳng tin, thì không sự gì là tinh sạch cả; trái lại, tâm thần và lương tâm họ là dơ dáy nữa." Ông khuyên Ti-mô-thê cũng như chúng ta cần phải,
"cầm giữ đức tin và lương tâm tốt. Mấy kẻ đã chối bỏ lương tâm đó, thì đức tin họ bị chìm đắm" (1 Ti-mô-thê 1:19). Nếu chúng ta không cảm thấy lương tâm cắn rứt khi làm sai Lời Chúa, thì chắc rằng, đức tin của chúng ta cũng đang suy đồi!
Sứ-đồ Phao-lô có được một lương tâm tốt vì ông
"không cậy sự khôn ngoan theo tánh xác thịt, nhưng cậy ơn của Đức Chúa Trời" (2 Cô-rinh-tô 1:12b). Học theo gương sứ-đồ Phao-lô,
"nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa" (Hê-bơ-rơ 10:22). Chúng ta
"phải có lương tâm tốt, hầu cho những kẻ gièm chê cách ăn ở lành của anh em trong Đấng Christ biết mình xấu hổ trong sự mà anh em đã bị nói hành" (1 Phi-e-rơ 3:16). Nguyện xin Chúa Thánh Linh giúp chúng con sống với lương tâm tốt theo Lời Chúa dạy; xin giúp chúng con tránh xa tội lỗi và đạo giả; xin cho đức tin chúng con càng vững mạnh mỗi ngày; hầu cho chúng con có thể sống với lương tâm tốt mà chịu khổ, "Vì nhân cớ lương tâm đối với Đức Chúa Trời, mà chịu khốn nạn trong khi bị oan ức, ấy là một ơn phước" (1 Phi-e-rơ 2:19)! Amen!
Lương tâm do Chúa, Ngài ban xuống,
Đặt để trong tâm, kiểm soát lòng,
Cáo trách mỗi khi, ta phạm tội,
Vui mừng những lúc, sống sạch trong!
Khôn ngoan hãy sống, theo Lời Chúa,
Luật Pháp, Điều Răn, ghi nhớ lòng,
Từ bỏ đường ta, tánh xác thịt,
Hết lòng kính Chúa, mãi cậy trông!
Ngọc Huỳnh Bích