Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng, vì biết rằng đức tin anh chị em có bị thử nghiệm mới sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì. (Gia-cơ 1:2-4)
Vui mừng là một sức mạnh thuộc linh, mang lại cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng các hoạn nạn và thử thách. Hãy để ý Lời Chúa nói, "Hãy xem tất cả là điều vui mừng,” chứ không nói, "Hãy xem một phần là điều vui mừng và một phần là buồn rầu.” Chúng ta không được pha trộn vui mừng và buồn rầu trong lòng chúng ta. Chúng ta nói theo cách này: Bạn có thể có một dây xích có chín mươi chín mắt xích vui mừng và chỉ một mắt xích buồn rầu. Dây xích đó chỉ có sức mạnh bằng sức mạnh của một mắt xích đó. Nó phải là một trăm phần trăm vui mừng và không có phần buồn rầu thì bạn mới có thể tìm thấy sức mạnh bạn cần cho hoàn cảnh nào đó của mình.
Bạn và tôi biết rằng thật dễ để "xem tất cả là điều vui mừng” khi mỗi lần mọi việc trôi chảy. Nhưng đó không phải là điều phân đoạn này nói. Thời điểm để "xem tất cả là điều vui mừng” là trong thời điểm thử thách- trong đồng vắng, lúc chịu bắt bớ, lúc gặp khó khăn, hoạn nạn và những nghịch cảnh khác. Chúa nói điều này vì Ngài biết rằng "...sự vui mừng của Chúa là sức mạnh của chúng ta.” (Nê-hê-mi 8:10). Sự vui mừng khi ở trong mối quan hệ gần gũi với Ngài chính là sự vui mừng thêm sức cho chúng ta.
Vợ tôi và toàn bộ gia đình - các con trai, các con dâu và các cháu tôi – đều mang lại niềm vui cho tôi! Có những lúc khi tôi xa nhà và tôi lấy tấm hình của gia đình ra xem. Việc này luôn đem lại niềm vui cho lòng tôi và nó cũng thêm sức cho tôi. Đó là điều Nê-hê-mi nói với đồng bào của ông. Họ đang trải qua một thời điểm khó khăn, vì thế Nê-hê-mi đã kêu gọi, "Đừng buồn rầu vì cớ nghịch cảnh này - hãy nhướng mắt lên Đức Chúa Trời. Vì khi anh chị em đến gần Ngài, thì sự vui mừng sẽ đầy dẫy lòng anh chị em và nó sẽ là sức mạnh cho anh chị em” (Tôi diễn ý).
Sự ngợi khen sẽ khiến bạn chuyển sự tập trung của bạn về Đức Chúa Trời. Giữa những thử thách, thì rất dễ để chúng ta không còn nhìn thấy khả năng của Chúa do những áp lực nặng nề mà chúng ta đang đối diện. Đa-vít đã viết phần lớn các Thi Thiên của ông giữa những lúc thử thách. Qua sự ngợi khen Chúa, ông có thể mạnh mẽ trong những hoàn cảnh thật sự bất lợi. Trong Ê-sai 61:3, Chúa nói Ngài ban cho chúng ta, "Mão hoa thay vì tro bụi, dầu vui vẻ thay vì than khóc, áo choàng ca ngợi thay vì tinh thần sầu thảm . . .”
Tôi nhớ một thời điểm rất khô hạn khi mà câu Kinh Thánh này rất ý nghĩa đối với tôi. Tôi ở nhà một mình kèm theo sự nặng nề. Tôi lấy Kinh Thánh ra đọc nhưng không thể đọc. Vì thế, tôi bắt đầu cầu nguyện, việc đó thậm chí tệ hơn. Bên trong tôi có thể cảm nhận Thánh Linh đang nói với tôi, "Hãy mở đĩa CD ngợi khen của con ra.” Tôi đến căn phòng có hệ thống âm thanh và mở nhạc ngợi khen Chúa và hát theo. Ngoài ra, tôi còn bắt đầu thử nhảy múa trước mặt Chúa. Lòng tôi quá nặng nề đến nỗi như thể tôi đang nhảy qua nhảy lại. Không cần phải nói, tôi đã tranh chiến rất nhiều. Khi các bài thánh ca kết thúc, tôi cảm thấy được thôi thúc để làm lại y như lần đầu. Lần thứ hai xong, tôi bắt đầu nghe những lời mà tôi hát. Bất chợt, trong lòng tôi thoáng thấy Chúa Giê-su trên Ngai và tình yêu thương vĩ đại của Ngài. Sự vui mừng bắt đầu dâng trào trong tâm hồn tôi, và tôi bắt đầu nhảy múa tự do. Tôi để ý thấy mắt tôi không còn chú về bản thân tôi nữa mà vào sự vĩ đại của Chúa Giê-su. Trong ba mươi phút tiếp theo, tôi đã hát và nhảy múa và chạy quanh căn nhà nhỏ của chúng tôi giống như một thằng khùng. Gánh nặng đã cất khỏi, sự sống và sức mạnh đã tuôn ra từ nơi tôi, chỗ mà trước đó ba mươi phút chẳng hề có sự sống và sức mạnh gì cả. Khi tôi ca ngợi Ngài, sự tập trung của tôi hướng trở lại về Ngài. Tôi đã kinh nghiệm điều Ê-sai viết, "Các ngươi sẽ vui mừng múc nước từ giếng cứu rỗi” (Ê-sai 12:3). Và qua sự vui mừng của Chúa, tôi bắt đầu múc sức mạnh từ giếng cứu rỗi. Sự ngợi khen giúp chúng ta chăm xem vào sự vui mừng đặt trước mặt chúng ta, hơn là vào các hoàn cảnh xung quanh chúng ta. "Vậy nên, vì chúng ta có cả một đám mây nhân chứng rất lớn bao quanh, hãy vứt bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương, kiên trì chạy trong cuộc đua đã dành sẵn cho mình. Hãy chú tâm, hướng về Đức Giê-su là Đấng Tác Giả và hoàn thành của đức tin. Vì niềm vui mừng đặt trước mặt, Ngài chịu đựng thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, nên được ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời. Hãy suy nghiệm về Đấng đã đương đầu với sự chống đối của những kẻ tội lỗi như thế để anh chị em khỏi mệt mỏi, ngã lòng.
Trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh chị em chống cự chưa đến mức đổ máu. Anh chị em đã quên lời khích lệ mình như lời khuyên con: "Con ơi, đừng xem thường sự sửa trị của Chúa, khi Ngài khiển trách, đừng ngã lòng.” (Hê-bơ-rơ 12:1-4) Chúa Giê-su đã chịu đựng thử thách lớn nhất mà bất cứ ai từng hay sẽ phải đối diện bằng cách chăm xem vào sự vui mừng đặt trước mặt Ngài, tức là sự sống lại sau sự đóng đinh. Đó là vinh quang theo sau sự vâng lời chịu khổ của Ngài và cuối cùng là Ngài đem nhiều con trai, con gái vào vương quốc của Ngài – trong đó có bạn và tôi! Đối với chúng ta là người đi theo bước chân Ngài thì cũng như vậy. Sau sự tự bỏ mình đi và sự đóng đinh xác thịt là sự sống lại.
Sau những sự chịu khổ của xác thịt là sự trưởng thành cần thiết để sản sinh mối quan hệ gần gũi hơn với Chúa Giê-su! Sau sự khó khăn trong sa mạc là sự vui mừng lớn lao! Phao-lô viết, "Vì tôi xác nhận rằng những sự đau đớn trong hiện tại không đáng so với sự vinh quang trong tương lai sẽ được bày tỏ cho chúng ta.” (Rô-ma 8:18). Vinh quang của Chúa sẽ được bày tỏ trong hội thánh trước khi Ngài trở lại. Quy mô của nó sẽ vô cùng lớn lao đến nỗi nó sẽ kéo các thành phố và các nước đến với sự cứu rỗi. Trái đất này sẽ nhìn thấy một sự bày tỏ quyền năng vô cùng lớn lao chưa bao giờ thấy trước đây, nó sẽ được bày tỏ trong những môn đồ của Chúa, là những người đã để Chúa thánh hóa họ. Sự tuôn đổ này của Đức Thánh Linh sẽ dẫn tới mùa gặt lớn lao, không cần sự quảng bá nào của con người. Nó sẽ được quảng bá bởi quyền năng và vinh hiển của Đức Chúa Trời. "Anh chị em yêu dấu, đừng ngạc nhiên vì sự thử thách đau đớn mà anh chị em phải chịu như là việc khác thường xảy ra cho anh chị em. Nhưng hãy vui mừng vì anh chị em được dự phần vào sự đau khổ của Chúa Cứu Thế, để anh chị em được hân hoan vui mừng hơn khi vinh quang Ngài được bày tỏ.” (1 Phi-e-rơ 4:12-13). Sự vui mừng đặt trước mặt chúng ta là gì? Đó là vinh quang của Ngài được bày tỏ trong những con người giữa vòng chúng ta đã chịu khổ do vâng lời Chúa. Hãy để ý là bạn chịu khổ ở mức nào thì bạn sẽ vui mừng ở mức ấy, biết rằng sự chống đối càng lớn thì vinh hiển càng nhiều!
John Bevere ( Chúa Ơi! Ngài Ở Đâu?)