Chúng ta phải nhớ rằng nếu không có các trận đánh lớn thì không có các chiến thắng lớn. Thực tế đã trở nên khó khăn hơn cho Giê-rê-mi. Từ chỗ chịu những lời phỉ báng tới chỗ bị ném vào tù, và rồi sau đó ông bị bỏ vào ngục thật và bị bỏ cho chết. Tuy nhiên, cuối cùng Chúa đã giải cứu ông khỏi tất cả các hoạn nạn và những bắt bớ.
Những cuộc chiến mà phần lớn con cái Chúa trong hội thánh ngày nay trải qua là những sự tấn công về tâm trí, không phải sự bắt bớ bỏ tù như Phao-lô trải qua. Chúng ta sẽ làm gì nếu sự kháng cự thay đổi? Những hoạn nạn chúng ta chịu đựng hiện tại sẽ thêm sức cho chúng ta để chúng ta xử lý các trận chiến lớn hơn trong tương lai.
Đồng vắng là một trại huấn luyện cho các cuộc chiến tương lai. Người ta thường đưa các lính tới trại huấn luyện để chuẩn bị họ cho chiến tranh thế nào, thì Chúa cũng đưa những người lính được tuyển mộ vào đồng vắng để chuẩn bị họ cho điều họ được kêu gọi để thực hiện trong việc xây dựng vương quốc của Ngài thể ấy. Những trở ngại lớn nhất mà các người lính phải vượt qua trong trại huấn luyện là những nỗi sợ, những điểm yếu và những sự nản lòng của họ. Tương tự, các trận chiến lớn nhất chúng ta trải nghiệm trong đồng vắng đều nằm trong lĩnh vực hồn.
Một trong những trận chiến lớn nhất chúng ta đối diện là sự nản lòng. Ngày nọ, trong lúc tôi cầu nguyện, Chúa hỏi tôi rằng trái với sự can đảm là điều gì. Tôi trả lời, "Dạ tất nhiên là sợ hãi.” Ngài thì thầm, "Đó là sự nản lòng.” Trước đó tôi chưa bao giờ xem "sự nản lòng” theo ánh sáng này! Lời này lập tức cho tôi thấy lý do "tại sao” đằng sau những gì mà Giô-suê được truyền bảo đến tám lần và được Kinh Thánh ghi lại là "hãy mạnh mẽ và can đảm” (Dân 13:20; Phục 31:6, 7, 23; Giô-suê 1:6, 7, 9, 18). Chúa biết đây sẽ là một trong các thử thách lớn nhất. Sự nản lòng xuất hiện trong những kinh nghiệm đồng vắng hay trong những trận chiến chuyển sự tập trung vào bản thân thay vì vào Chúa và sứ mạng của chúng ta.
Mục đích của kẻ thù là khiến bạn tập trung vào bản thân, là việc hắn đã cố làm với Chúa Giê-su trong đồng vắng. Chúa Giê-su đói vì đã không ăn bốn mươi ngày, và ma quỷ đến nói, "Nếu ông là Con Đức Chúa Trời hãy truyền bảo đá này biến thành bánh đi!” (Ma-thi-ơ 4:1-11). Sự cám dỗ là dùng quyền năng của Đức Chúa Trời không theo cách của Đức Chúa Trời để cung cấp cái mà xác thịt của Ngài muốn. Chúng ta phải nhớ rằng khi Chúa ban một ân tứ, thì kèm theo đó là một trách nhiệm nghiêm túc, tức là không sử dụng sai, mà phải dùng như Ngài mong muốn. Đức Chúa Trời đảm bảo rằng các nhu cầu của Chúa Giê-su sẽ được đáp ứng, nhưng phải được thực hiện theo cách của Ngài. Khi ma quỷ rời đi, các thiên sứ tới và phụng sự Chúa Giê-su.
Lần nữa, chúng ta hãy xem điều Chúa Giê-su nói lên quan tới chức vụ của Ngài: "Vì thế, Đức Giê-su nói: Thật vậy, Ta bảo các người: Con chẳng tự mình làm gì, trừ những việc Con thấy nơi Cha, vì điều nào Cha làm thì Con mới làm!” (Giăng 5:19) Hãy để ý từ "thấy.” Chúa Giê-su không làm bất cứ điều gì ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời.
Khi ở trong những thời điểm khô hạn, thì một trong những sự cám dỗ là làm theo cách của chúng ta, thay vì chờ đợi cách của Chúa. Việc làm này có thể là sử dụng quyền năng của Chúa để đạt được điều gì đó trước thời điểm của Ngài. Bạn có tưởng tượng được một người lính trong một trận chiến không chiến đấu theo các mệnh lệnh của cấp trên không? Hậu quả của việc này là bị thiệt hại nghiêm trọng, cả cho người lính lẫn cho những người cùng chiến đấu cùng anh ta. Trong trại huấn luyện cũng như trong tất cả các khóa tập huấn, người lính đó phải học tuân lệnh để anh ta không ngu dại mà mạo hiểm gây nguy hại cho chính anh ta và những người khác trong lúc chiến đấu.
Điều quan trọng là chúng ta đừng quên những gì thiên đàng đã bày tỏ cho chúng ta. Sẽ có những lúc chúng ta nghĩ, Giờ mình đã có câu trả lời rồi! Hay, Giờ mình phải hành động thôi; nếu không làm gì cả, mọi thứ sẽ hỏng hết! Nếu Chúa không nói bất cứ điều gì với bạn, điều đó không có nghĩa là Ngài không nói với bạn! Ý tôi là Chúa tham gia với chúng ta trong nhiều cách. Trong thí dụ này, sứ điệp Ngài đang "truyền thông” với chúng ta là, "Bây giờ con không cần làm bất cứ gì cả.” Trong những tình huống này, chúng ta phải chờ đợi Chúa và đừng thúc ép điều gì cả. Hãy trông cậy nơi CHÚA, hãy vững lòng và can đảm lên. Phải, hãy trông cậy nơi CHÚA. (Thi Thiên 27:14).
Nếu chúng ta tập trung vào các nhu cầu của chúng ta mà không tập trung vào Ngài, thì sự nản lòng và sự nặng nề sẽ ập đến. Chúng ta không thể để bị phân tâm và rồi tập trung vào "sự hoạn nạn nhẹ” của chúng ta. Mà chúng ta phải chăm xem vinh quang vô hạn và đời đời đang được thực hiện cho chúng ta trong hoạn nạn đó (2 Cô-rinh-tô 4:17).
Đây là sự vui mừng đã được đặt trước mặt chúng ta và phải chi phối tầm nhìn của chúng ta.
John Bevere (Chúa Ơi ! Ngài Ở Đâu?)