Kinh thánh: Thi-thiên 7: 12; Ê-sai 40: 22; 61: 10; I Cô-rinh-tô 15: 51, 52 (*)
Kính chào quý độc giả,
Một lần nữa, “Chuyện...chữ nghĩa tiếng Việt” lại đến với quý vị. Lần nầy là “Chuyện...chữ nghĩa tiếng Việt” (7).
Kính cảm ơn sự kiên nhẫn của quý vị trong thời gian qua dành cho “Chuyện...chữ nghĩa tiếng Việt” (1-6), cũng như bây giờ là “Chuyện...chữ nghĩa tiếng Việt” (7).
Trong “Chuyện...chữ nghĩa tiếng Việt” (7) nầy, người viết xin thưa chuyện cùng quý độc giả về một số những từ có phụ âm đầu là “d” và “gi”.
+ “Dồi” và “giồi”:
-“Dồi” (phụ âm đầu “d”), có nghĩa là nhiều, phong phú, như dồi dào.
“Dồi”, có nghĩa là một món ăn được làm từ lòng heo, hay lòng chó (dồi heo, dồi chó). Các xứ như Hàn Quốc, Việt Nam, Kenya...nhiều người rất thích ăn những món ăn nầy.
Nhiều người Việt mê món dồi chó, đến nỗi đã đi vào ca dao:
Sống ở trên đời (không được) ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không?
+ “Giồi” (phụ âm đầu “gi”), có nghĩa là trau chuốt làm cho đẹp ra, sáng ra, giỏi hơn, như trau giồi sắc đẹp, trau giồi kiến thức...
Chúng ta thường nghe ngày xưa, các Nho sinh thường trau giồi kinh sử để chuẩn bị đi thi.
Kinh thánh trong sách Ê-sai có chép về việc cô dâu...làm đẹp (make up) như sau:
“Ta sẽ rất vui vẻ trong Đức Giê-hô-va, linh hồn ta mừng rỡ trong Đức Chúa Trời ta; vì Ngài đã mặc áo cứu rỗi cho ta; khoác áo choàng công bình cho ta, như chàng rể mới diện mão hoa trên đầu mình, như cô dâu mới giồi mình bằng châu báu.” (sách Ê-sai, chương 61, câu 10)
+ “Dây” và “giây”:
-“Dây” (phụ âm đầu “d”), có nghĩa là một loại sợi có thể làm bằng vải, hay ni-lông, hoặc vỏ cây, và cả bằng kim loại nữa, như dây dừa, dây su, dây thừng, dây cáp, dây nịt...
Ca dao có câu:
Tưởng giếng sâu em nối sợi gàu dài
Ai ngờ giếng cạn, em tiếc hoài sợi dây.
Ca dao xứ Quảng cũng có những câu về...dây thật hay:
Hãy nghe cách tỏ tình thật...lém lĩnh của người dân quê ở đây:
Anh về cuốc đất trồng cau
Cho em trồng ké dây trầu một bên
Chừng nào trầu nọ bén lên
Cau kia có trái lập lên cửa nhà.
Không xin trồng ké dây gì khác, chỉ xin trồng ké dây trầu bên cây cau mà thôi. Trồng dây gì khác thì không nói làm gì, nhưng trồng dây trầu là...có vấn đề rồi phải không bạn? Và rồi, tình yêu cứ thế lớn dần lên theo năm tháng cùng với cây cau và dây trầu, để rồi, việc gì đến sẽ đến. Cuối cùng là họ nên vợ nên chồng với nhau (lập nên cửa nhà).
Thật sâu sắc đáo để!
“Dây”, cũng có nghĩa là cố tình kéo dài vấn đề ra, như “không có nói dây dưa gì nữa hết.”, hoặc “đừng có dây cà ra dây muống”...
-“Giây” (phụ âm đầu “gi”), có nghĩa đơn vị tính thời gian nhỏ nhất, như “một phút có sáu mươi giây”.
Nói về sự kiện Chúa Giê-xu tái lâm để tiếp rước những người thuộc về Ngài về với Ngài một cách nhanh chóng, Kinh thánh cho biết:
“Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa, trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa.” (Sách 1 Cô-rinh-tô, chương 15, câu 51, 52)
+ “Da” và “gia”:
-“Da” (phụ âm đầu “d”), có nghĩa là lớp vỏ ngoài cùng của người hay vật, như da người, da thú, da dẻ, da vàng, da trắng, da đen, da đỏ...
Gần đây, có nổi lên phong trào xã hội kêu gọi tôn trọng người da đen gọi là Black Lives Matter (BLM) (sự sống người da đen là quan trọng). Phong trào nầy được biết bắt đầu vào năm 2013 và lan ra nhiều nơi, nhiều nước. Phong trào nầy đã tạo nên những cuộc đập phá, hôi của một cách vô pháp, gây nhiều tổn thương cho xã hội Mỹ gần đây.
Thiết nghĩ nên đổi khẩu hiệu đó thành All Lives Matter mới chuẩn xác, vì mọi sự sống đều quan trọng chứ không chỉ sự sống người da đen mới là quan trọng.
Chúng ta có thành ngữ: “da ngựa bọc thây”(mã cách khỏa thi). Nguyên thành ngữ nầy là nằm trong câu nói của tướng Mã Viện (Trung Quốc) nói với một người bạn tên là Mạnh Ký: “Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mà chôn mới là đáng trọng, chứ sao lại chịu nằm ở xó giường, chết ở trong tay bọn đàn bà con trẻ thì có hay gì?”
Trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn (Đoàn Thị Điểm dịch) cũng có câu:
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn, nhẹ tựa hồng mao.
Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời, thì họ sợ Chúa và đi trốn Ngài. Họ cũng lấy lá cây vả che thân vì sự lỏa lồ của mình. Sau đó, Chúa đã lấy da thú kết thành áo dài mặc cho họ.
Kinh thánh ghi: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho.” (Sách Sáng Thế ký, chương 3, câu 21)
“Da”, kết hợp với từ “diết” thành da diết, có nghĩa là nhớ thương ai đó thật nhiều...
-“Gia” (phụ âm đầu “gi”), có nghĩa là thêm vật gì đó vào một cái gì đó, như gia thêm muối vào canh.
“Gia”, có nghĩa là một ai đó làm một nghề nào đó thành thạo, như thần học gia, triết gia, khoa học gia, chính trị gia, kinh tế gia, thương gia, chuyên gia...
“Gia” trong gia đình, có nghĩa là một đơn vị căn bản của một xã hội.
Nữ sĩ nổi tiếng của Việt Nam là Bà Huyện Thanh Quan, có bài thơ “Qua đèo Ngang” tuyệt hay, trong đó có mấy câu cực hay bày tỏ nỗi lòng nhớ nước thương nhà của nhà thơ thật độc đáo:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Người Trung Quốc cũng có những câu thơ thật hay như:
“Đỗ vũ than đầu minh quốc quốc, Giá cô giang thượng khiếu gia gia” (Cuốc cuốc đầu gềnh kêu quốc quốc, Đa đa bờ nước gọi gia gia)
+ “Dương” và “giương”:
-“Dương” (phụ âm đầu “d”), có nghĩa là ở trên trần thế nầy, như dương gian, dương trần...
“dương”, có nghĩa là kiêu ngạo, khoe khoang, như trong dương dương tự đắc, diễu võ dương oai...
“Dương”, có nghĩa là ngược với âm, như số dương, dương lịch, âm dương ngũ hành, ngói âm dương...
“Dương”, có nghĩa là một loại cây, như cây dương liễu, cây dương xỉ, hoa hướng dương...
Có câu thơ:
Lòng anh như hoa hướng dương
Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời
-“Giương” (phụ âm đầu “gi”), có nghĩa là mở ra, đưa cao lên, như thuyền gương buồm ra khơi, giương cao ngọn cờ...
Ca dao Việt Nam có câu:
Giương cung bắn xỉu con cò
Để cho nó lớn nó mò tép tôm
Vua Đa-vít có những vần thơ mạnh mẽ như sau:
“Nếu kẻ ác không hối cải, thì Đức Chúa Trời sẽ mài gươm. Ngài đã giương cung mà chực cho sẵn.” (Sách Thi-thiên, chương 7, câu 12)
Tiên tri Ê-sai nói về quyền năng tạo dựng trời đất của Đức Chúa Trời như thế nầy:
“Chính Ngài là Đấng giương các từng trời ra như cái màn, và giương ra như trại để ở.” (Sách Ê-sai, chương 40, câu 22)
+ “Dơ” và “giơ”:
-“Dơ” (phụ âm đầu “d”), có nghĩa là không sạch, bẩn, như dơ bẩn, dơ nhớp, dơ dáy, ô dơ...
Kinh thánh có chép lại chuyện Chúa hiện ra với Phi-e-rơ và phán bảo ông rằng:
“Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ dáy.” (Sách Công vụ các sứ đồ, chương 10, câu 15)
-“Giơ” (phụ âm đầu “gi”), có nghĩa là đưa vật gì ra ngoài hay lên cao, như giơ cao đánh khẽ, giơ tay vẫy chào, ốm giơ xương...
Chúng ta còn nhớ trận chiến thắng dân A-ma-léc trong Cựu Ước là nhờ tay Môi se giơ lên:
“Vả, hễ đương khi Môi se giơ tay lên, thì dân Y-sơ-ra-ên thắng hơn; nhưng khi người xụi tay xuống, dân A-ma-léc lại thắng hơn.” (Sách Xuất Ê-díp-tô ký, chương 17, câu 11)
Trong Thi-thiên 134, nhà thơ khích lệ chúng ta trong tinh thần ca ngợi Chúa rằng:
“Hãy giơ tay lên hướng về nơi thánh, và ngợi khen Đức Giê-hô-va!” (Sách Thi-thiên, chương 134, câu 2)
+”Dữ” và “Giữ”:
-“Dữ” (phụ âm đầu “d”), có nghĩa là không lành, hung tợn, như dữ ác, dữ dằn, dữ tợn, hung dữ...
“Dữ”, có nghĩa là những số liệu, chi tiết, như dữ kiện, dữ liệu...
Ca dao Việt Nam chúng ta có câu:
Nhà em có bụi mía mưng
Có con chó dữ anh đừng tới lui.
Như đã nói ở một số những bài trước, cách tỏ tình của những đôi nam nữ trong ca dao Việt Nam thật độc đáo, không chê vào đâu được.
Cô gái rất khéo khi...mách nước cho người mình yêu, như là cách...chỉ đường để chàng đến nhà mình với đặc điểm là có bụi mía mưng (loại mía ngon, có nước ngọt lịm), và đó cũng chính là...nàng, và có...con chó dữ nữa (lẽ nào cũng chính là...nàng luôn chăng?). Như một...thông điệp dành cho người mình yêu rằng là: Em rất ngọt ngào tình cảm (bụi mía mưng) và sẵn sàng dành cho anh tất cả, nhưng nếu anh...không chung tình với em thì coi chừng, em sẽ là con chó dữ...cắn anh thì anh ráng chịu...
Thánh Phao-lô khuyên những người tin Chúa rằng:
“Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.” (Sách Ê-phê-sô, chương 4, câu 29)
-“Giữ” (phụ âm đầu “gi”), có nghĩa là không để mất đi, không để qua đi, như giữ gìn nhân phẩm, giữ gìn nhân cách, giữ gìn nề nếp gia phong...
“Giữ”, có nghĩa là ở một vị trí nào đó, như người giữ trẻ, giữ chức Chủ tịch, giữ chức Tổng Thống...
“Giữ”, có nghĩa là không tiết lộ ra, như giữ kín, giữ bí mật, giữ mồm giữ miệng...
Kinh thánh dạy chúng ta phải khéo léo trong sự ăn ở của mình:
“Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan.” (Sách Ê-phê-sô, chương 5, câu 25)
...
Đó là một số những từ có phụ âm đầu là “D” và “GI” mà thiết nghĩ nhiều người không chú ý khi viết lách, hoặc là...chưa hiểu nghĩa, nên thường hay dùng...sai.
Để ý, chú tâm khi đọc sách báo, nhất là Kinh thánh, chúng ta sẽ có thói quen tốt khi viết lách là sẽ tránh bớt đi được những sai sót không đáng có, và không cần thiết.
Hy vọng là mỗi một chúng ta là người Việt Nam, chúng ta sẽ có trách nhiệm góp phần trong sự viết đúng, viết chuẩn xác tiếng mẹ đẻ của mình, hầu góp phần làm cho tiếng Việt yêu quý của chúng ta càng ngày càng trở nên phong phú và đẹp đẽ càng hơn.
Chắc chắn đó phải là mong mỏi của mỗi một người con dân nước Việt mình vậy!
California, ngày cuối tháng 9/ 2020
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Truyền thống (BTT)