Kinh thánh: Sáng Thế Ký 1: 20-23; I Ti-mô-thê 4: 4, 5 (*)
Kính chào quý độc giả,
“Siêng đi tát, nhác đi câu, muốn mau đầy bầu thì về đi nhủi”, câu nói dân gian quen thuộc đó đã được truyền tụng từ lâu trong nhân dân và có lẽ hầu hết người dân Quảng Nam quê tôi đều thuộc.
Câu nói ấy cho biết những cái thú làm cá...truyền thống của người dân quê tôi.
Đi tát, đi nhủi là hai cách làm cá đạt “hiệu quả kinh tế” khá cao, nhưng lại khá vất vả, nặng nhọc, vì phải dùng sức khá nhiều và lại dầm nước ướt đẫm nữa. Còn câu cá, tuy “hiệu quả kinh tế” có phần thấp hơn, nhưng được cái là nhẹ nhàng, không mất nhiều sức như tát và nhủi, không “tay lấm chân bùn” như tát và nhủi.
Về câu cá, người dân quê xứ Quảng Nam quê tôi có nhiều kiểu câu như câu quăng, câu vịt (câu cá tràu đẻ), câu lát (câu cá thát lát), câu rô...Mỗi kiểu câu đều có cái thú riêng của nó, nhưng có lẽ chỉ câu rô là phổ biến hơn cả, được nhiều người chọn, vì nó đơn giản, gọn nhẹ. Chỉ cần một chiếc cần câu bằng cây trúc thật thẳng, và một ve, hay một bịch mồi câu là đã có thể...lên đường làm ông Lữ được rồi.
Thời gian thì vào những ngày nắng ấm, lúc ở nhà nông, công việc đồng áng rảnh rỗi, người dân quê tôi thường vác cần đi câu rô để cải thiện cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. Thường thì vào những lúc khí trời ấm áp, nắng vàng đẹp đẽ, là “thời điểm lý tưởng” để câu rô.
Bộ đồ nghề để câu rô thật đơn giản và...rẻ tiền. Mua một cần trúc già, thẳng, độ chừng mười lăm ngàn đồng (chưa đến 1 dollar), đem về hơ lửa, uốn cho thẳng theo ý muốn mình và để cho cần câu được săn chắc. Mua một lưỡi câu rô, hai mét cước cỡ nhỏ. Đem đuôi lưỡi câu buộc vào một đầu sợi cước, còn đầu kia sợi cước buộc vào đầu cần câu, không quên gắn ở chỗ cước buộc lưỡi câu một miếng chì nhỏ để có sức nặng của lưỡi câu khi thả xuống nước và cũng để cho gió khỏi làm bay lưỡi câu, gây khó khăn khi câu.
Thế là xong! Thật đơn giản, gọn nhẹ.
Về mồi để câu thì vô cùng phong phú, dễ tìm. Khỏe nhất và phổ biến nhất là mồi trùn (giun), mồi nhện, mồi cào cào, nhưng hấp dẫn nhất, khoái khẩu nhất đối với “họ hàng nhà rô” nhà ta, chắc chắn đó phải là mồi...châu chấu.
Sau khi đã chuẩn bị xong xuôi rồi là...xuất hành lên đường làm...ông Lữ với cái giỏ đựng cá bên hông.
Ta nên chọn...xuất hành vào những buổi chiều nắng ấm, lặng gió, câu mới thích thú. Ca dao có câu:
Chiều chiều ông Lữ đi câu (**)
Cái ve, cái chén, cái bầu sau lưng. đó sao!
Hoặc:
Chiều chiều ông Lữ đi câu,
Bà Lữ đi xúc, con dâu đi mò,
Mò về bà lật bà kho,
Con dâu đứng đó bà cho cái càng
Nơi để câu rô là ở những ruộng lúa đang thì...con gái, những ao hồ, những con mương nhỏ, hay những con suối với nhiều rong rêu, có bóng cây râm mát...
Sau khi đã chọn được chỗ câu ưng ý rồi là ta bắt đầu...thả câu thôi.
Móc mồi vào lưỡi, và thả xuống nước , nhắp nhắp vài cái để...gọi cá lại. Khi chúng đã nghe “tiếng gọi mời tha thiết” và ngửi được mùi mồi đầy hấp dẫn rồi là xúm lại ngay, và tranh nhau...cắn câu, đớp mồi, giựt chạy thật mạnh, làm giây cước căng ra, cần câu oằn xuống. Đến lúc ấy, thì...ông Lữ nhanh tay giật cần câu lên liền. Và kia kìa, một chú cá rô mập ú ở đầu lưỡi câu đang tòn ten, lơ lửng giữa không trung, nhìn thích không gì bằng. Thế là giơ tay gỡ cá bỏ vào giỏ, nghe nó giẫy đành đạch mà nghe khoan khoái trong lòng.
Và rồi, ta tiếp tục móc mồi mới vào lưỡi câu và lại thả xuống câu tiếp.
Cứ thế và cứ thế, cho đến khi nào thấy giỏ...đầy cá, và thấy “chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn” (thơ Bà Huyện Thanh Quan) là vác cần câu đi về với lòng thư thái, nhẹ nhàng.
Có những lúc câu được những...chú cá rô mề, mập ú và to bự bằng bàn tay, trong những đám ruộng lúa, giựt lên tưởng chừng như muốn...gãy cần câu, mà thấy như trên đời nầy không còn thú vị nào hơn thế.
Một buổi đi câu như vậy thường được chừng vài ba chục con cá rô chứ không phải ít. Nếu gặp “ổ” cá, và gặp lúc cá đói mồi, thì có thể “ẵm” gọn cả trăm chú rô như chơi.
Cá rô câu được đem về làm sạch ruột, lấy cây trụi (một cây tre dài nhỏ như cây đũa bếp, nhưng dẹp hơn và có một đầu nhọn để dễ đâm vào mình cá) trụi (tức ghim vào giữa con cá) và nướng trên lửa than, mỡ cá chảy ra nổ đồm độp, thơm phức, hấp dẫn không gì bằng. Ta cũng có thể đem chiên cho vàng ươm, cho vào tô nước mắm đã làm sẵn có gừng, tiêu, ớt, tỏi đầy đủ, rồi ăn với cơm nóng hổi, thì thiết tưởng ngon không thua gì bất kỳ món ngon...cao lương mỹ vị nào. Và coi chừng, phải nấu thêm cơm chứ không phải chơi. Ông bà ta đã từng nhắc nhở “có cá khá cơm” mà.
Có lẽ không ai trong chúng ta, những người được sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Việt Nam mà lại không có một thời gian hăm hở, mê say với những buổi câu rô đầy thú vị nơi ruộng đồng, ao hồ, sông suối, bên những chiếc “cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi” trong thôn xóm có “ngõ trúc quanh co khách vắng teo”.
Chắc chắn là như thế!
...
Giờ đây, vì công việc bận rộn, tôi không có thể làm...ông lữ vát cần đi câu rô như một thời đã qua nữa, nhưng mỗi khi có tiết trời nắng ấm, nhìn những người vát cần, mang giỏ đi câu là tôi nhớ như in một thời câu cá thú vị đã qua làm sao.
Ngày nay, trong thời đại “công nghệ thông tin” hiện đại, người ta có cả cần câu điện hiện đại, đắt tiền và rất...hữu hiệu cho việc câu cá, đem lại...năng suất cao, nhưng sao tôi vẫn thích cái kiểu câu cá rô với cần câu bằng trúc đơn sơ, gần gũi và thân thương thuở nào.
Và ngày nay, dường như cá rô nói riêng, các loại cá đồng khác nói chung, cũng không còn nhiều như thời trước đây nữa, vì chính con người đã ra tay...tận diệt cá bằng...xung điện và nhiều cách bắt cá thiếu...lương tâm khác.
Vả lại, thịt cá đồng ngày nay cũng không còn ngon như ngày xưa nữa, vì trên đồng ruộng lúa người ta đã sử dụng quá nhiều các loại thuốc trừ sâu độc hại, góp phần làm...chết đi không ít số lượng cá các loại và làm giảm đi rất nhiều cái chất ngon của thịt cá đồng, trong đó có cá rô...gần gũi, đáng yêu của người nông dân.
Thật đáng buồn!
Tại Mỹ và những nước văn minh tiên tiến, người đi câu cá phải có lisence (giấy phép), và chỉ câu những con cá có kích cỡ đủ lớn theo quy định, chứ không phải câu tất cả mọi con cá lớn nhỏ chi cũng được. Khi anh câu được con cá còn nhỏ, anh phải thả nó xuống nước trở lại, không được bắt nó. Không được bắt cá bằng những cách...tiêu diệt cá như xung điện, hay sử dụng chất nổ...
Chính phủ ở những nước nầy có những chính sách để bảo vệ thiên nhiên và các loài vật, trong đó có loài cá rất nghiêm ngặt, với mục đích là để bảo tồn và khai thác nguồn thực phẩm rất dồi dào và phong phú mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng cho con người chúng ta được hưởng một cách lâu dài.
Kinh thánh cho biết:
“Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nước phải sanh các vật sống cho nhiều, và các loài chim phải bay trên mặt đất trong khoảng không trên trời. Đức Chúa Trời dựng nên các loài cá lớn, các vật sống hay động nhờ nước mà sanh nhiều ra, tùy theo loại, và các loài chim hay bay, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. Đức Chúa Trời ban phước cho các loài đó mà phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy dưới biển; còn các loài chim hãy sanh sản trên đất cho nhiều. Vậy, có buổi chiều và buổi mai, ấy là ngày thứ năm.” (Sách Sáng Thế Ký, chương 1, câu 20-23)
Rất rõ ràng, Tạo Hóa đã ban tặng cho chúng ta chim trời, cá nước để chúng ta sử dụng cho cuộc sống mình từ bao đời nay. Ông cha ta thường nói “Chim trời cá nước, ai làm được nấy ăn”. Cho nên, con người chúng ta rất cần phải biết có trách nhiệm bảo vệ nó để chính chúng ta được sử dụng lâu dài. Nếu chúng ta cứ mặc nhiên...tận diệt các loại chim trời, cá biển với những cách bắt...vô lương tâm, thì chẳng bao lâu, coi chừng, chúng sẽ...tuyệt chủng, rồi con cháu chúng ta, và những thế hệ tương lai sẽ không có chúng để ăn nữa, khi ấy, dù chúng ta hoặc con cháu chúng ta có ngữa mặt...kêu Trời thì cũng đã muộn rồi vậy.
“Siêng đi tát, nhác đi câu, muốn mau đầy bầu thì về đi nhủi”. Đó là những cách bắt cá tự nhiên mà ông cha ta đã dạy để chúng ta vừa có cá để ăn, vừa bảo vệ được loài cá, nguồn thực phẩm vô cùng quý báu mà Ông Trời đã ban cho con người để sử dụng lâu dài.
Hãy cùng bắt tay nhau để bảo vệ các loài chim trời, cá biển, chỉ bắt cá bằng những cách tự nhiên, đừng dùng xung điện để chích cá, bắt cá mà góp phần làm cho loài cá phải bị...tận diệt.
Hãy chỉ bắt những con chim, con cá đã đủ lớn, để lại những con còn nhỏ, hầu duy trì nòi giống của chúng, để chúng tiếp tục góp phần...nuôi dưỡng chúng ta và con cháu chúng ta trong tương lai nữa.
Không biết bạn thì sao, chứ với tôi, trước mỗi khi tôi được ăn con cá ngon, hay một món ăn ngon nào đó là tôi đều dành một thì giờ ngắn để dâng lời cảm tạ Ông Trời là Đấng đã ban cho mình những vật đó để mình hưởng, vì lời Kinh thánh có dạy:
“Vả, mọi vật Đức Chúa Trời đã dựng nên đều là tốt lành cả, không một vật chi đáng bỏ, miễn là mình cảm ơn mà ăn lấy thì được, vì nhờ lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện mà vật đó được nên thánh.” (Sách 1 Ti-mô-thê, chương 4, câu 4, 5)
Bạn có lời cảm ơn Ông Trời trước khi ăn một món ăn nào đó chưa?
Nếu chưa, thì hôm nay, xin mời bạn cùng bắt đầu làm điều đó với chúng tôi để dâng lên Ông Trời lòng biết ơn, vì đã ban cho chúng ta mọi vật để chúng ta được hưởng.
Khi bạn làm như vậy, chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ rất hài lòng về thái độ biết ơn đó của bạn.
Cầu xin Đức Chúa Trời ban phước cho bạn cũng như cho tôi!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Truyền Thống (BTT)
(**): Điển tích ông Lữ:
Khương Thượng là một công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Quốc vào thế kỉ 11. Khương Thượng tự là Tử Nha nên người ta thường gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở quê đất Lữ, ông cũng được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi cách thân thuộc là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng).
Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá ở bờ sông Vị. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.
@ LỜI CẦU NGUYỆN TIN CHÚA (GỢI Ý):
Sau khi đọc bài viết nầy, nếu bạn được cảm động để tin nhận Chúa Giê-xu, thì xin mời bạn có thể cầu nguyện với Ngài bằng cách lặp lại lời cầu nguyện gợi ý như sau:
“Kính lạy Đức Chúa Trời toàn năng, yêu thương. Com cảm tạ Ngài đã dựng nên con người chúng con cũng như muôn vật cho chúng con được hưởng. Ngài cũng đã ban Chúa Giê-xu xuống thế gian nầy chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho con người tội lỗi chúng con. Ngài đã sống lại sau khi chết và nằm trong mộ ba ngày và sống mãi mãi để ban sự sống đời đời cho người bằng lòng tin nhận Ngài.
Con nhận biết con là tội nhân trước mặt Ngài. Giờ nầy, con bằng lòng mở lòng ra tin nhận Chúa, xin Ngài tha thứ mọi tội cho con. Nhận con làm con của Ngài, ban cho con sự sống đời đời. Cho con luôn biết ơn Ngài trong đời sống . Con tạ ơn Chúa và thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. A men!” (A men, nghĩa là muốn được như lời vừa cầu xin).
Nếu bạn đã thưa với Chúa lời cầu nguyện như thế là bạn đã trở nên con cái của Ngài.
Xin mời bạn tìm đến một Hội thánh Tin Lành gần nơi bạn ở để được hướng dẫn thêm trong đức tin và được thờ phượng Chúa với các con cái Chúa khác.
Xin mời bạn lắng nghe Đài Nguồn Sống, tiếng nói của tình yêu, chân lý và hy vọng được phát thanh mỗi ngày trên mạng lưới internet toàn cầu qua địa chỉ dainguonsong.com để được hiểu biết thêm về Chúa và lời của Ngài.
Rất vui mừng được đón tiếp bạn vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời để cùng thờ phượng Chúa với chúng tôi và hưởng niềm vui của người được cứu.