Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 180

Chuyện... Chữ Nghĩa Tiếng Việt (9)

Kinh thánh: Sáng Thế ký 1: 16; Ma-thi-ơ 16: 22, 23; Mác 11: 17; Giăng 11: 9, 10 (*)

Kính chào quý độc giả,

“Chuyện... chữ nghĩa tiếng Việt” (9), xin được gởi đến quý độc giả để tiếp tục câu chuyện... chữ nghĩa về tiếng mẹ đẻ yêu quý của chúng ta.

Trong “Chuyện... chữ nghĩa tiếng Việt” (9) lần nầy, xin thưa chuyện với quý độc giả về những từ không có và có chữ “g” ở cuối.

+ “Ban” và “bang”:

-“Ban” (không “g”), có nghĩa là một thời điểm nào đó trong ngày, như ban sáng, ban trưa, ban chiều, ban ngày, ban đêm...

Khi tường thuật lại công việc sáng tạo trời đất, vũ trụ của Đức Chúa Trời, thì Kinh thánh chép:

Đức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn, vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm; Ngài cũng làm các ngôi sao.” (Sách Sáng-thế ký, chương 1, câu 16)

Chúa Giê-xu cũng phán rằng: “trong ban ngày há chẳng phải có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày, thì không vấp, vì thấy sự sáng của thế gian nầy. Nhưng nếu ai đi ban đêm, thì vấp, vì không có sự sáng.” (Sách Giăng, chương 11, câu 9, 10)

“Ban”, có nghĩa là một nhóm người làm một công việc nào đó, như ban hát, ban văn phòng, ban thư ký, ban giám đốc, ban quản trị...

“Ban”, có nghĩa là lệnh hay một điều gì đó từ trên truyền xuống dưới, như Chúa ban phước, lệnh trên ban xuống, ban phát, ban tặng...

Nhà thơ Cơ-đốc Tường Lưu có câu thơ nhắc nhở chúng ta dùng từ “ban phước” cho đúng:

Chúa ban phước, Chúa không hề chúc phước.

“Ban”, có nghĩa là là phần phía ngoài nhà dùng để hóng mát, như ban công...

“Ban”, có nghĩa là một loại bệnh, như bệnh sốt phát ban...

-“Bang” (có “g”), có nghĩa là một phần của đất nước, như nước Mỹ có 50 tiểu bang. Bang California là bang có dân số đông nhất Hoa Kỳ.

“Bang”, có nghĩa là không thuộc trong nước, như ngoại bang, bang giao...

“Bang”, có nghĩa là không ổn định một chỗ, như lông bông lang bang...

+ “Can” và “cang”:

-“Can” (không “g”), có nghĩa là hệ thống đánh số chu kỳ theo năm Âm Lịch của người Trung Quốc và một số nước Á-đông, như mười can (Giáp, Ất, Bính, Đinh... )

“Can”, có nghĩa là không cho đánh nhau, hay cãi nhau, hoặc làm một việc gì đó, như can gián, can ngăn, can thiệp, khuyên can...

Còn nhớ khi Chúa Giê-xu phán trước về việc Ngài sẽ chịu khổ, phải bị giết và sau đó thì sống lại, nhưng Phi-e-rơ đã không tin điều đó, nên đã ngăn Ngài như sau:

Phi-e-rơ bèn đem Ngài riêng ra, mà can rằng: Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu! Nhưng Ngài xây mặt lại mà phán cùng Phi-e-rơ rằng: Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, sông nghĩ đến việc người ta.” (Sách Ma-thi-ơ, chương 16, câu 22, 23)

“Can”, có nghĩa là có liên hệ đến một việc gì đó, như liên can, can hệ, can phạm...

“Can”, có nghĩa là vật dùng để đựng chất lỏng, như can dầu, can nước, can sữa...

“Can”, có nghĩa là gan dạ, không sợ hãi, như can đảm, can trường...

-“Cang” (có “g”), có nghĩa là mạnh mẽ, như cang cường...

+ “Dan” và “dang”:

-“Dan” (không “g”), có nghĩa là dính líu tới, như dan díu...

-“Dang” (có “g”), có nghĩa là sè ra, giơ rộng ra, như chim dang cánh bay, dang tay ra...

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã có một ứng xử rất tuyệt vời khi lỡ bị trượt chân té:

Dang tay với thử trời cao thấp/ Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.

“Dang”, có nghĩa là ở ngoài trời, như dang nắng, dang gió...

“Dang”, có nghĩa là không trọn vẹn, như dang dở...

Thi sĩ Hồ Dzếnh có những câu thơ nổi tiếng về tình yêu:

Tình mất vui khi đã hẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.

+ “Gan” và “gang”:

-“Gan” (không “g”), có nghĩa là một bộ phận trong cơ thể con người, như gan...

“Gan”, có nghĩa là can đảm, như gan dạ, bền gan, cả gan...

Có câu nói “có gan ăn cắp, có gan chịu đòn”

Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” có những câu thơ... hoài cổ xuất sắc:

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn cau mặt với tang thương.

“Gan”, có nghĩa là giận, như giận căm gan, giận tím gan...

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ có câu thơ rất hay nói về cách ở đời như sau:

Nghe như chọc ruột tai làm điếc/ Giận đã căm gan, miệng mỉm cười.

-“Gang” (có “g”), có nghĩa là một kiểu đo chiều dài, như dài một gang tay, gang tấc...

Ca dao Việt Nam có nhiều câu rất ý nghĩa nói về gang tay như sau:

Đời người sống mấy gang tay/ Hơi đâu cặm cụi cả ngày lẫn đêm.

Hoặc ước mơ được gặp người yêu của cô thôn nữ thật... dễ thương làm sao:

Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.

“Gang”, có nghĩa là một loại kim loại, như chảo gang, nồi gang, gang thép...

Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài thơ “Thói đời” (II) với những câu thơ nói lên nhân tình thế thái thật... chuẩn:

Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến/ Gang không mật mỡ kiến bò chi.

“Gang”, có nghĩa là một loại dưa ăn rất ngon, như dưa gang...

+ “Han” và “hang”:

-“Han” (không “g”), có nghĩa là quan tâm, chú ý đến, như hỏi han...

“Han”, có nghĩa là bị rỉ, tức bị oxy hóa, như han gỉ...

-“Hang” (có “g”), có nghĩa là một cái lỗ, như hang đá, hang chuột, hang ếch, hang ổ...

Còn nhớ khi xưa, Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem, Ngài thấy người ta buôn bán trong đền thờ là nơi dùng để thờ phượng Chúa, nên Ngài đã tức giận đuổi hết bọn chúng đi, lật đổ bàn của những người đổi bạc, và ghế của những kẻ bán bồ câu. Ngài phán: “Há chẳng có lời chép: Nhà ta sẽ là nhà cầu nguyện của muôn dân hay sao? Nhưng các ngươi đã làm thành cái hang trộm cướp.” (Sách Mác, chương 11, câu 17)

“Hang”, có nghĩa là lục lọi khắp nơi, như hang cùng ngõ hẻm...

“Hang”, có nghĩa là không được kín đáo, như trong hở hang...

+ “Khan” và “khang”:

-“Khan” (không “g”), có nghĩa là hiếm hoi, như trong khan hiếm.

“Khan”, có nghĩa là thiếu ướt át, hấp dẫn, sôi nổi, như khô khan.

-“Khang” (có “g”), có nghĩa là khỏe mạnh, như an khang, khang kiện...

“Khang”, có nghĩa là đẹp đẽ, mới mẻ, như khang trang.

+ “Lan” và “lang”:

-“Lan” (không “g”), có nghĩa là một trong nhiều loài hoa đẹp, như hoa phong lan.

“Lan”, có nghĩa là tràn ra nhiều nơi khác, truyền ra xa, như nước chảy tràn lan, lan truyền...

“Lan”, trong lan can của căn nhà.

-“Lang” (có “g”), có nghĩa là một loại rau củ là rau lang, khoai lang.

Ca dao có nhiều câu nói về khoai lang, qua đó bày tỏ về tình yêu hay đáo để:

Năm ngoái em trồng khoai lang có dây không củ/ Năm nay em trồng khoai lũ có củ quên đào/ Em gặp anh đây quên hỏi, quên chào/ Anh có thương đừng trách, trách thời đừng thương.

Hay một câu khác cũng... độc đáo vô cùng:

May thay chút nữa em lầm/ Khoai lang khô xắt lát em tưởng cao ly sâm bên Tàu.

Tôi tuyệt yêu thích cách tỏ tình trong ca dao của cha ông ta. Bình dị mà sâu sắc không chê vào đâu được.

“Lang”, có nghĩa là chơi bời phóng túng, như lang bạt...

“Lang”, có nghĩa là người làm nghề thầy thuốc, như thầy lang...

“Lang”, có nghĩa là không ổn định ở một chỗ, như sống lang thang rày đây mai đó...

“Lang”, có nghĩa là người chồng, như lang quân, tân lang...

Thi sĩ họ Hàn nổi tiếng của Việt Nam ta trong bài “Bẽn lẽn”, có mấy câu thơ rất hay như sau:

Vô tình để gió hôn lên má/ Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm/ Em sợ lang quân em biết được / Nghi ngờ đến cái tiết trinh em.

“Lang”, có nghĩa là một loài vật nguy hiểm, ác độc như loài lang sói, lòng lang dạ sói...

+ “Lan man” hay “lang mang”?

-“Lan man” (không “g”), có nghĩa là nói chuyện không có một chủ đề chính thức, nói đủ thứ chuyện mà mình thích nói, chứ không theo một chủ đề cụ thể nào.

-Còn “lang mang” (có “g”), thì hầu như không có nghĩa gì cả.

+ “Lãn mạn” hay “lãng mạn”?

-“Lãn mạn” (không “g”), thì hầu như không có nghĩa.

“Lãng mạn” (có “g” chữ đầu, và không “g” ở chữ sau), có nghĩa là dễ thương, đáng yêu, nên thơ.

Cùng có nghĩa dễ thương, đáng yêu như thế, ta còn có “lãng du”, “lãng đãng”...

Vào thời kỳ những năm 30, 40 của thế kỷ trước, ở nước ta có một dòng văn học gọi là văn học lãng mạn, với những tác giả nổi tiếng mà nhiều người biết đến như Khái Hưng, Nhất Linh qua nhiều cuốn tiểu thuyết làm nhiều đôi nam nữ đến tuổi cập kê thời bấy giờ say mê đọc đến... quên ăn, quên ngủ, như “Hồn Bướm Mơ Tiên”, “Đời Mưa Gió”, “Gánh Hàng Hoa”...

Có nhiều người viết “lãn mạng”, hoặc “lãng mạng”, hay “lảng mạn” đều... sai hết. Cần phải viết cho đúng là “lãng mạn” (có “g” chữ đầu và “dấu ngã”, chữ sau không có “g”)

+ “Man” và “mang”:

-“Man” (không “g”), có nghĩa là không đúng sự thật, như man khai, man trá...

“Man”, có nghĩa là không văn minh, như man di mọi rợ...

“Man”, có nghĩa là một chút gì đó vương vấn, như nỗi buồn man mác, trời mây man mác...

“Man”, có nghĩa là tàn độc, như dã man, man rợ...

“Man”, có nghĩa là lung tung, không chủ đề, như nói lan man.”Man”, có nghĩa là không còn biết gì nữa, như mê man...

“Man”, có nghĩa là thiêm thiếp đi trong giấc ngủ, như giấc ngủ miên man...

-“Mang” (có “g”), có nghĩa là một con vật ở rừng, còn gọi là con hoẵng.

“Mang”, có nghĩa là một bộ phận của cá để thở, như cá thở bằng mang...

“Mang”, có nghĩa là đem đi theo, như hành lý mang theo, hay những thành ngữ “mang con bỏ chợ”, “tay xách nách mang”, “mang tiếng mang tai”...

Ca dao Việt Nam có câu rất... chí lý nói lên nhân tình thế thái như sau:

Vai mang túi bạc kè kè/ Nói quấy nói quá, họ nghe rần rần/ Trong lưng chẳng có một đồng/ Lời nói như rồng cũng chẳng ai nghe.

“Mang”, có nghĩa là mặc cái gì đó, như mang tất vào, mang kính, mang áo vào...

“Mang”, có nghĩa là có bầu, như phụ nữ mang thai, hoặc thành ngữ “Mang nặng đẻ đau”...

“Mang”, có nghĩa là chịu trách nhiệm, như câu tục ngữ “con dại cái mang”.

“Mang”, có nghĩa là bị lừa mất tiền mà không có kết quả gì, như thành ngữ “tiền mất tật mang”...

“Mang”, có nghĩa là nuôi nấng, như cưu mang...

Lời Kinh thánh trong sách Gia-cơ chép:

“Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sang ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết.” (Kinh thánh, sách Gia-cơ, chương 1, câu 14, 15)

“Mang”, có nghĩa là mở rộng sự hiểu biết, như mở mang...

“Mang”, có nghĩa là rộng lớn, như buồn mênh mang...

“Mang”, có nghĩa là không nhớ rõ, như nhớ mang máng...

+ “Nan” và “nang”:

-“Nan” (không “g”), có nghĩa là một vật bằng tre dùng để đan ra đồ để dùng trong nhà, như quạt nan, mũ nan, rổ tre...

“Nan”, có nghĩa là khó khăn, không dễ giải quyết, như nan đề, nan giải, gian nan, bệnh nan y...

Chúng ta có những thành ngữ như “tiến thoái lưỡng nan”, “vạn sự khởi đầu nan”...

-“Nang” (có “g”), có nghĩa là một đồ dùng bằng tre để đựng đồ.

Chúng ta có thành ngữ “một kho vàng không bằng một nang chữ”, nói đến sự hiểu biết có giá trị hơn là bạc vàng.

“Nang”, có nghĩa là một bí quyết để giải quyết một vấn đề nào đó, như cẩm nang.

“Nang”, có nghĩa là đáng tôn trọng, như trong nể nang...

“Nang”, có nghĩa là to ra, phình ra, như nở nang.

“Nang”, có nghĩa là là một loại vỏ của cây tre non, như mo nang.

“Nang”, có nghĩa là một chứng bịnh ở nữ giới, như u nang buồng trứng...

+ “Quan” và “quang”:

-“Quan” (không “g”), có nghĩa là một chức vụ trong triều đình vua, như quan văn, quan võ...

Trong Truyện Kiều có câu:

Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên nhắm xuống người ta trông vào.

“Quan”, có nghĩa là một đơn vị tiền tệ, như quan tiền.

Trong bài ca dao “Tát nước đầu đình” có câu:

Giúp em đôi chiếu em nằm/ Đôi chăn em đắp đôi tằm em đeo/ Giúp em quan tám tiền cheo/ Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

“Quan”, có nghĩa là đóng cửa, không giao dịch với ai cả, như thành ngữ “bế quan tỏa cảng”...

“Quan”, có nghĩa là những người khách quý, như quan khách...

“Quan”, có nghĩa là hách dịch, xa lánh mọi người, như quan liêu...

“Quan”, có nghĩa là một vật dụng để chôn người chết, như quan tài.

“Quan”, có nghĩa là đáng chú ý, như quan trọng, quan yếu...

“Quan”, có nghĩa là khung cảnh đẹp đẽ, như mỹ quan, cảnh quan...

“Quan”, có nghĩa là một cách suy nghĩ về thế giới, về con người như thế giới quan, vũ trụ quan, nhân sinh quan...

“Quan”, có nghĩa là so sánh với ai đó, như tương quan lực lượng...

-“Quang” (có “g”), có nghĩa là đôi gánh, như đôi quang mây...

“Quang”, có nghĩa là trời sáng, không u ám, như trời quang mây tạnh, đường đi quang đãng, bầu trời quang đãng...

“Quang”, có nghĩa là rõ ràng, không mị dân, như quang minh chính đại...

“Quang”, có nghĩa là một bộ phận trong cơ thể con người, như bàng quang.

“Quang”, có nghĩa là nói về điện, như điện quang, huỳnh quang...

“Quang”, có nghĩa là sáng rỡ, vinh hiển, như vinh quang...

Lời Kinh thánh chép:

ta đã dựng nên họ vì vinh quang ta; ta đã tạo thành và đã làm nên họ.” (Sách Ê-sai, chương 43, câu 7)

“Quang”, có nghĩa là một tiết trời, như thiều quang là tiết trời đẹp vào mùa Xuân.

Đại thi hào Nguyễn Du có câu thơ:

Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

+ “Ran” và “rang”:

-“Ran” (không “g”), có nghĩa là vang ra xa, như cười ran, sấm ran trời...

“Ran”, có nghĩa là đau nhức nhẹ trong người, như đau râm ran.

“Ran”, có nghĩa là rát, như ran rát...

-“Rang” (có “g”), có nghĩa là một cách nấu nướng, như rang đậu.

Chúng ta có thành ngữ “nổ như bắp rang” để chỉ ai đó nói chuyện huyên thuyên, không dứt.

“Rang”, có nghĩa là rảnh rỗi, như rảnh rang.

“Rang”, có nghĩa là làm ầm lên ai cũng biết, như rình rang...

+ “San” và “sang”:

-“San” (không “g”), có nghĩa là chia sớt cho người khác, như san sẻ, san sớt...

“San”, có nghĩa là làm cho bằng phẳng, như san bằng.

“San”, có nghĩa là một loại động vật ở biển, như san hô.

“San”, có nghĩa là gần với nhau, như san sát.

“San”, có nghĩa là một tờ báo đặc biệt, như chuyên san, đặc san, nguyệt san...

Trong giới Cơ-đốc chúng ta ngày nay có một số tờ đặc san như Hướng Đi, Tin và Sống, Suối Thiêng, Thông Công... mà nhiều người thường hay đọc. Trước năm 1975, chúng ta có những đặc san như Hừng Đông, Rạng Đông, Thánh Kinh Báo...

“San”, có nghĩa là quê hương đất nước, như giang san.

-“Sang” (có ‘g”), có nghĩa là di chuyển, như sang trang, hay sang ngang là cô gái đi lấy chồng.

Tôi nhớ có bài hát “Giã từ”, có đoạn lời thể hiện một nỗi buồn da diết trong tình yêu:

“Em sang ngang rồi chôn kỷ niệm vào thương nhớ. Hôn lên tóc mềm cho lệ sầu thêm ướt đôi môi. Xin em một lần cho ước nguyện tình yêu cuối. Thương yêu không trọn, thôi giã từ đi em ơi.”

“Sang”, có nghĩa là tốt, như sang trọng, người sang kẻ hèn...

Kinh thánh chép: “Trong bọn họ có một vài người được khuyên dỗ nối theo Phao-lô và Si-la, lại cũng có rất nhiều người Gờ-réc vẫn kính sợ Đức Chúa Trời, và mấy người đàn bà sang trọng trong thành nữa.” (Sách Công vụ các sứ đồ, chương 17, câu 4)

“Sang”, có nghĩa là nói nhiều, đủ thứ chuyện, như nói sang sảng.

“Sang”, có nghĩa là chuyển đổi, như sang tên đổi họ.

“Sang”, có nghĩa là làm cho đẹp ra, mới ra, như sửa sang...

+”Tan” và “tang”:

-“Tan” (không “g”), có nghĩa là không còn giữ nguyên trạng, không còn gì nữa, như đường có tính chất hòa tan, như tuyết tan, tan vỡ, tan hoang, tan rã, tiêu tan...

Người Việt chúng ta có thành ngữ “tan cửa nát nhà”, hay “tan xương nát thịt”...

Nguyễn Du có những vần thơ cực hay miêu tả về cuộc đời đầy đau thương của nàng Kiều như sau:

Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?

“Tan”, có nghĩa là dễ vỡ, như giòn tan...

-“Tang” (có “g”), có nghĩa là một loại cây, như cây màng tang, là loại cây có chứa tinh dầu.

“Tang”, có nghĩa là sự đau buồn khi có người chết, như tang quyến, tang gia...

“Tang”, có nghĩa là chậm chạp, như thành ngữ “cà rịch cà tang”.

“Tang”, có nghĩa là những chuyện nho nhỏ, như thành ngữ “linh tinh lang tang”.

“Tang”, có nghĩa là điều gì đó để làm chứng cứ, như tang vật, tang chứng.

“Tang”, có nghĩa là trời mới sáng, như trời tang tảng sáng.

“Tang”, có nghĩa là một điều đau đớn lớn, như tang thương, tang tóc...

“Tang”, có nghĩa là mỏng dính, như mỏng tang.

“Tang”, có nghĩa là một bộ phận trong con người, như màng tang.

+ “Van” và “vang”:

-“Van” (không “g”), có nghĩa là tiếng kêu xin đau khổ, như than van, van xin, van nài, van lạy, van lơn...

“Van”, có nghĩa là một bộ phận của tim, như van tim.

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có bài hát “Tuổi mười ba”, có đoạn lời rất dễ thương mà hầu như ai cũng... thuộc:

“Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám. Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba. Tôi phải van lơn ngoan nhé! Đừng ngờ. Tôi phải van lơn ngoan nhé! Đừng ngờ.”

Trong Kinh thánh, sách Ca-thương, có câu rất khích lệ chúng ta trong tinh thần cầu nguyện với Chúa:

Hãy chỗi dậy kêu van lúc ban đêm, vừa đầu các phiên canh. Đổ lòng ra như nước ở trước mặt Chúa.” (Sách Ca-thương, chương 2, câu 19)

-“Vang” (có “g”), có nghĩa là một loại gỗ tốt, như gỗ vang là loại gỗ màu đỏ. Chính vì thế mà ông cha ta đã có thành ngữ “đỏ như vang, vàng như nghệ”

“Vang”, có nghĩa là lan rộng ra xa, như sấm nổ vang trời, hay vang dậy, vang dội, vang động, vang lừng, vang vọng...

Kinh thánh lại sự hiện ra của Đức Chúa Trời trên núi Si-na-i thật oai nghi vô cùng:

Qua sáng ngày thứ ba, có sấm vang chớp nhoáng, một áng mây mịt mịt ở trên núi, và tiếng kèn thổi rất vang động; cả dân sự ở trong trại quân đều run hãi... ” (Sách Xuất Ê-díp-tô ký, chương 19, câu 16)

“Vang”, có nghĩa là nổi tiếng, như vẻ vang.

“Vang”, có nghĩa là kênh kiệu, kiêu ngạo, như vênh vang, vênh vênh vang vang...

“Vang”, có nghĩa là một loại rượu ngon của Pháp, như rượu vang.

...

Trên đây là một số những từ có hay không có chữ “g” ở cuối mà rất nhiều người rất dễ bị nhầm lẫn khi viết, do chưa phân biệt được nghĩa, hoặc do chưa sử dụng, nên chưa hiểu nghĩa.

Hy vọng, qua “Chuyện... chữ nghĩa tiếng Viêt” (9) nầy, sẽ giúp ích được một chút xíu nào đó cho quý độc giả trong khi sử dụng những từ loại nầy, để có thể tránh được càng nhiều những sai trật càng tốt.

Nguyện xin Chúa ban phước lành cho hết thảy mỗi một chúng ta.

Ước mong sẽ được tiếp tục thưa chuyện với quý độc giả “Chuyện... chữ nghĩa tiếng Việt” (10) cho... đủ bộ... mười của nó trong những ngày tới.

California, tháng 10/ 2020

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Truyền Thống (BTT)