Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 181

Chuyện... Khóc

Kinh thánh: Truyền Đạo 3: 1, 4; Giê-rê-mi 9: 1; Ma-thi-ơ 25: 20, 30; Giăng 11: 33 – 35; Khải huyền 20: 10, 15 (*)

Kính chào quý độc giả,

Khóc là một hành động không xa lạ gì đối với mỗi một con người chúng ta.

Không ai trong chúng ta mà không một lần... khóc trong đời.

Thực ra, ngay từ khi mới vừa lọt ra khỏi lòng mẹ, là con người đã... khóc rồi. Hay nói cách khác, con người cất tiếng khóc để... chào đời, chứ không phải cất tiếng... cười. Chẳng thế mà tác giả “Cung oán ngâm khúc” Nguyễn Gia Thiều đã có câu:

Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.

Tại sao con người cất tiếng khóc để chào đời, chứ không phải tiếng cười? Có người cho là do “đời là bể khổ”, nên con người phải... khóc để chào đời? Như Nhà thơ Nguyễn Gia Thiều đã mô tả:

Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.

Tôi chưa tìm ra được câu trả lời chính xác cho điều đó, chỉ có thể... phỏng đoán là, có lẽ từ trong “thế giới bụng mẹ” nhỏ xíu, chật chội, mất... tự do, chuyển sang một thế giới mới khác rộng lớn hơn rất nhiều lần thế giới cũ, nên người đã... choáng ngợp trước thế giới mới ấy, và quá đỗi vui mừng, mà... khóc chăng?

Giống như một người từ trong một chế độ độc tài, mất tự do, được thoát ra khỏi và đến được một thế giới tự do, dân chủ. Và một khi đến được xứ tự do, dân chủ rồi, thì vui mừng quá mà cất tiếng... khóc vậy.

Chắc còn có nhiều câu trả lời khác nữa, nhưng có một điều chắc chắn là không ai chào đời bằng... tiếng cười cả. Tất cả, bạn cũng như tôi đều... khóc để chào đời vậy. (Ngoại trừ hai con người đầu tiên trên thế giới nầy là A-đam và Ê-va là do chính Đức Chúa Trời tạo nên, họ không được sinh ra từ trong lòng mẹ, nên chắc chắn họ không phải khóc để chào đời như chúng ta.)

Đó như một... định luật đã được an bài cho con người trải qua mọi thời đại.

Bạn có nhớ là bạn đã... khóc bao nhiêu lần từ khi chào đời đến nay không? Chắc chắn là khó nhớ được phải không bạn? Tôi cũng thế, nhiều lần khóc lắm, nên không nhớ được.

Mời bạn cùng tôi cùng xem ông cha ta đã nói như thế nào về tiếng khóc qua ca dao nhé.

Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

Đại thi hào Nguyễn Du đã từng... lo xa, không biết ba trăm năm sau khi ông qua đời, có ai còn khóc thương cho ông không?

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Nhân vật chính trong Truyện Kiều là nàng Kiều là một tuyệt sắc giai nhân, nhưng là một cô gái... nhiều nước mắt đến... đáng sợ.

Nàng Kiều đa sầu đa cảm đã phải khóc trước mộ nàng Đạm Tiên một cách thật đau đớn:

Lòng đâu sẵn món thương tâm
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.

Khiến cho cô em là Thúy Vân phải thốt lên:

Vân rằng: Chị cũng nực cười
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.

Và có khi nàng Kiều phải... khóc thầm:

Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.

Hoặc, khi Kiều phải chia tay gia đình, mọi người đều khóc như mưa:

Đau lòng kẻ ở, người đi
Lệ rơi thấm áo, tơ chia rủ tằm.

Chàng Kim Trọng cũng khóc than cho số phận nàng Kiều một cách đau xót:

Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi
Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê.

Có những tiếng khóc làm cho ta lo sợ, cảm thương, nhưng cũng có những tiếng khóc lại làm cho ta... mừng, chớ không có chút lo sợ nào cả.

Chẳng hạn như tiếng khóc của cô gái trong ngày đi lấy chồng:

Cười như cậu bé hỏng thi
Khóc như cô gái ngày đi lấy chồng.

Đây là tiếng khóc của niềm vui, khi cô gái được lên xe hoa về nhà chồng. Có thể nói có chồng, có con là niềm hạnh phúc lớn nhất của người con gái vậy.

Câu ca dao diễn tả thật hay cái cười nói lên nỗi buồn tột cùng của cậu học trò hỏng thi và tiếng khóc thể hiện niềm vui mừng tột đỉnh của cô gái ngày đi lấy chồng.

Thế thường thì khi vui, ta cười; khi buồn, ta khóc.

Nhưng, khi buồn tột độ, người ta không khóc mà laị... cười; còn khi vui tột đỉnh thì người ta không cười, mà lại... khóc.

Bạn thấy có đúng không?

Kinh thánh cũng có nhiều lần đề cập đến tiếng khóc.

Trước hết, xin nói đến tiếng khóc của Đa-vít, khi ông cầu nguyện xin Chúa giải cứu mình trước kẻ thù:

“Chúa đếm các biết đi qua đi lại của tôi; xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa. Nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?” (Sách Thi-thiên, chương 56, câu 8)

Câu Kinh thánh nầy cho thấy sự hiểu biết Chúa của Đa-vít thật tuyệt vời. Ông biết và tin rằng Chúa rất quan tâm đến đời sống ông, và Chúa quý trọng người nào có tấm lòng ăn năn kêu cầu cùng Chúa, nhờ cậy nơi Ngài. Chúa đếm từng bước đi của Đa-vít, Chúa để nước mắt của Đa-vít trong ve của Ngài. Đức Chúa Trời quả là tuyệt vời, không có ai như Ngài!

Bạn có tin cậy Đức Chúa Trời như Đa-vít đã tin chăng?

Kinh thánh cho biết khóc hay cười cũng đều có kỳ đã định cho nó:

Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định... có kỳ khóc và có kỳ cười; có kỳ than vãn và có kỳ nhảy múa.” (Sách Truyền đạo, chương 3, câu 1, 4)

Không ai khóc mãi, cũng chẳng có ai cười hoài. Ai rồi cũng có kỳ khóc, rồi cũng có kỳ cười. Ai rồi cũng có kỳ than vãn, và rồi cũng có kỳ nhảy múa.

Đó là luật Đức Chúa Trời đã định cho cõi nhân sinh nầy.

Tiên tri Giê-rê-mi của Chúa ngày xưa thi hành chức vụ tiên tri trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn của dân sự Ngài. Một dân sự cứng đầu cứng cổ, đầy sự chống nghịch, nhưng Giê-rê-mi vẫn không nãn lòng mà cứ tiếp tục vâng lời Chúa rao ra lời của Ngài cho dân sự. Ông sẵn sàng chịu khổ chỉ miễn sao cho dân sự quay về cùng Đức Chúa Trời. Ông đã nói:

Ôi! Ước gì đầu tôi là suối nước, mắt tôi là nguồn lụy! Hầu cho tôi vì những kẻ bị giết của con gái dân ta mà khóc suốt ngày đêm.” (Sách Giê-rê-mi, chương 9, câu 1)

Giê-rê-mi kêu gọi dân sự Ngài ăn năn trở lại với Ngài một cách tha thiết:

“Hãy chỗi dậy kêu van lúc ban đêm, vừa đầu các phiên canh. Đổ lòng ra như nước ở trước mặt Chúa.” (Sách, Ca-thương 2, câu 19)

...

Trong Tân Ước, Kinh thánh có đề cập đến nhiều lần Chúa Giê-xu khóc, như sau:

Khi Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem, Ngài thấy thì khóc về nó, vì biết rồi đây, thành sẽ không còn nữa, bởi quân thù sẽ phá hủy nó:

Khi Đức Chúa Giê-xu gần đến thành, thấy thì khóc về thành,” (Lu-ca, chương 19, câu 41)

Đặc biệt, khi Ngài đến thăm gia đình Ma-ri và Ma-thê, khi người anh ruột của họ đã qua đời, Ngài cảm động và khóc:

Đức Chúa Giê-xu thấy người khóc, và những người Giu-đa đi với người cũng khóc, bèn đau lòng cảm động mà phán rằng: Các ngươi đã chôn người ở đâu? Chúng thưa rằng: Lạy Chúa, xin hãy lại coi. Đức Chúa Giê-xu khóc.” (Sách Giăng, chương 11, câu 33 – 35)

Sứ đồ Phao-lô cũng thường hay khóc trong suốt cuộc đời chức vụ của ông. Chính ông đã nói: “tôi hầu việc Chúa cách khiêm nhường, phải nhiều nước mắt,” (Sách Công vụ các sứ đồ, chương 20, câu 19)

Có một tiếng khóc mà Kinh thánh nói đến, ai trong chúng ta đọc đều phải để ý, vì đó là tiếng khóc của những số phận con người chối bỏ Chúa Giê-xu khi con sống trên trần gian nầy.

Hãy nghe Kinh thánh nói đến tiếng khóc đáng sợ đó:

Còn tên đầy tớ vô ích đó, hãy quăng nó ra ngoài là chỗ tối tăm, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.” (Sách Ma-thi-ơ, chương 25, câu 30)

Còn ma quỷ là đứa đã dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời.” (Sách Khải huyền, chương 20, câu 10)

Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa.” (Sách Khải huyền, chương 20, câu 15)

Thật đáng sợ cho tiếng khóc kinh khiếp ấy.

Mọi đau khổ mà một người nào đó phải chịu trên trần gian nầy, dầu có lớn bao nhiêu đi chăng nữa, nó cũng có thời gian nhất định, và rồi cũng sẽ qua đi được. Sau cơn mưa, trời lại sáng mà thôi. Và thời gian có thể giúp xóa nhòa đi những đau khổ đó. Nhưng sự đau khổ mà một người không tin Chúa Giê-xu phải chịu khi bị quăng vào trong hồ lửa địa ngục, thì vô thời gian, người đó phải chịu nỗi đau khổ đó không phải một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng, một năm, hai năm, mà là đời đời cho đến đời đời, không bao giờ chấm dứt.

Đó là sự khổ hình dành cho bất cứ ai chối bỏ Chúa Giê-xu khi còn sống trên trần gian nầy.

Một cách duy nhất để con người có thể thoát khỏi hình phạt kinh khiếp đó, không có cách nào khác hơn là đặt đức tin nơi Chúa Giê-xu Christ, Đấng đã chết để cứu chuộc con người ra khỏi tội lỗi, và đã sống lại để ban sự sống đời đời cho những ai bằng lòng tin nhận Ngài làm Chúa, làm Chủ cuộc đời.

Xin mời bạn hãy đến với Chúa Giê-xu ngay khi còn có cơ hội, dịp tiện, tức ngay khi Ông Trời còn cho có hơi thở trong lỗ mũi bạn nhé. (**)

Chúa Giê-xu đang mong chờ bạn đến với Ngài, và tôi, tôi cũng mong chờ bạn nữa!

Thà chịu khổ tạm thời trên trần gian nầy một thời gian ngắn, thà khóc một lúc trên trần gian nầy, để rồi sau đó, sẽ được hưởng sự vui mừng đời đời nơi Thiên đàng với Chúa Giê-xu; còn hơn là lo vui hưởng sự vui sướng tạm bợ của trần gian nầy, để rồi sau đó phải chịu khóc mãi mãi, chịu khổ hình nơi hồ lửa có diêm cháy bừng bừng cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời, không bao giờ chấm dứt.

Xin Chúa cho bạn bình tâm để suy nghĩ và lựa chọn một cách đúng đắn khi còn có cơ hội, dịp tiện.

Không biết có ai đó đã nói: “Đừng để lại ngày mai những gì có thể làm ngày hôm nay”

Kinh thánh cũng khích lệ bạn như sau:

Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!” (Sách 2 Cô-rinh-tô, chương 6, câu 2)

Cơ hội tốt nhất, dịp tiện tốt nhất, không phải là ngày mai, mà bèn là ngày hôm nay, ngay thời điểm hiện tại!

Bạn có đồng ý không?

Có một thánh nhân đã nói “ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay.” (Sách Gia cơ, chương 4, câu 14)

California, tháng 10/ 2020

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết nầy là trích từ Kinh thánh Bản Truyền Thống (BTT)

(**): Nếu bạn muốn tin nhận Chúa Giê-xu, thì xin mời bấm vào phần:

“Lời cầu nguyện tin Chúa (gợi ý)” để được hướng dẫn cầu nguyện tin Chúa bạn nhé!

Hân hạnh được đón bạn vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời để cùng thờ phượng Chúa với chúng tôi và hưởng niềm vui của người được cứu.