Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 183

Chuyện... Đánh Cò

Kinh thánh: Lu-ca 23: 34; Giăng 18: 38; Phi-líp 2: 15; I Ti-mô-thê 4: 4, 5 (*)

Kính chào quý độc giả thân mến,

Ở quê tôi, vào mùa Đông, sau khi thu hoạch mùa màng xong là thời điểm lý tưởng nhất để người dân đi đánh cò, vì cò thường ăn trên những cánh đồng không mông quạnh với nước thiêm thiếp.

Với một môi trường như vậy, những... chú cò nhà ta rất thích thú, vì sẽ có rất nhiều cá, nhái, cào cào, tép, chem chép, con trai, và trùn để ăn. Người dân sau khi thu hoạch mùa màng xong, là bắt đầu đi... thu hoạch cò vậy.

Có ca dao về cò rằng:

Cái cò mà mổ cái trai
Cái trai quặp lại lại nhai cái cò,
Ngư ông bước tới lò dò,
Giơ tay chộp lấy cả cò lẫn trai

Cò thường bay đi từng đàn để kiếm ăn. Khi kiếm được miếng ăn no bụng rồi, thường... tắm sạch và tìm chỗ đậu mà nghỉ:

Một đàn cò trắng phau phau
Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm

Cũng có câu ca dao thế nầy:

Cái cò, cái vạc, cái nông
Ba con đều béo vặt lông con nào?
Vặt lông con vạc cho tao
Hành, răm, mắm muối bỏ vào mà thun.

Có câu đố về... cò trong dân gian như sau:

Một đàn cò trắng ăn tận núi cao
Ban đêm lao xao, ban ngày trốn mất?
Đố là gì?
Xin thưa đó là... sao trên trời ạ!

Cũng có một câu đố vui nữa:

“Đàn cò mà không phải là đàn cò”, là gì?

Đó là... cây đàn cò (hay còn gọi là đàn nhị, vì có hai dây) nổi tiếng của người Việt Nam ta đấy ạ!

Cách... chơi chữ ở đây thật độc đáo. Người ta dùng từ đồng âm, nhưng dị nghĩa để đố. Dù đều là “đàn cò” cả, nhưng “đàn cò” đầu là cây đàn cò dùng trong âm nhạc, còn “đàn cò” sau là một loài chim có lông màu trắng với chân rất dài và mỏ cũng dài.

Tiếng Việt chúng ta thật tuyệt vời làm sao!

Cò thường bay đi ăn từng đàn vào mùa Đông lạnh lẽo. Mỗi khi bầy cò bay đậu xuống trên một đám ruộng nào là đám ruộng đó y như có ai đó thả một dãi lụa trắng toát lên trên bề mặt vậy.

Người ta thường dùng bộ giò để đánh cò.

Một bộ giò để đánh cò thường có độ vài ba chục cây, dài nhất thì chừng tám chục đến cả trăm cây.

Cây giò được vót từ tre gốc dẽo, chắc. Nửa phần trên vót mỏng để có thể uốn cong lại được và có gu ở đầu để buộc dây dù cho khỏi tuột; nửa phần dưới vót to hơn, và ở phần chân thì vót nhọn để dễ cặm xuống đất. Gần phần chân, thì khứa một khứa vào để khi buột dây dù nối các cây giò lại với nhau thì dây dù không bị tuột đi chỗ khác. Các cây giò được nối lại với nhau bằng sợi dây dù làm thành một bộ giò chắc chắn. Ông cha ta đã từng nói “đoàn kết là sức mạnh” mà. Ở phần cuối cùng của hai đầu bộ giò, ta để mỗi đầu dư ra một đoạn dây dù dài, mục đích là để cột vào những bờ cỏ hay bụi cây bên bờ ruộng, hoặc cột vào gốc rạ để giữ bộ giò lại cho chắc chắn, khỏi bị đàn cò mắc bẫy giò kéo bay đi mất.

Nếu chịu khó ngồi vót độ hai hay ba ngày là được một bộ giò. Còn nếu không muốn ngồi cho... đau lưng, thì bỏ ra độ chừng bảy, tám chục ngàn đến một trăm ngàn đồng (chừng gần 4 – 5 dollars) là có được một bộ giò đánh cò ngon lành, đẹp mắt. Mỗi một bộ giò cò như vậy, ta có thể dùng để đánh được hai hay ba mùa Đông, và như thế là dư sức lấy lại vốn, mà còn có thịt cò để ăn dài dài nữa.

Người đánh cò thường để ý những đám ruộng thiêm thiếp nước mà đàn cò hay đậu xuống ăn để cặm bẫy giò. Có nhiều cách cặm giò. Có thể cặm theo hình chữ V, hay chữ U, nhưng thường thì người ta hay cặm vòng tròn. Khi cặm bẫy giò xong, ta chuẩn bị sẵn vào ba con cá nhỏ còn sống, đào một vài hục nhỏ có nước thiêm thiếp và bỏ cá xuống đó để làm mồi... nhử cò. Hay một vài con nhái cho nhảy nhảy để thu hút tính... háu ăn của cò. Tốt hơn nữa, nếu có... cò mồi thì cột dây vào chân con cò mồi rồi thả vào giữa vòng vây bẫy giò mình đã cặm để dụ đàn cò đang bay trên trời đậu xuống... làm quen,... kết bạn bốn phương.

Cắm bẫy giò xong xuôi, ta đi tìm một bụi cây nào gần đó ngồi... mai phục, chờ... hốt cò. Hay là ta vừa đánh cò vừa đi chăn trâu, chăn bò lẩn quẩn quanh gần đó, để chờ cò mắc bẫy giò là đến bắt mà thôi. Một công đôi việc thật tiện lợi và thú vị không gì bằng. Dĩ nhiên là khi đi đánh cò, ai cũng đã chuẩn bị sẵn cho mình một cái lồng để nhốt cò đánh được.

Đàn cò hàng chục con, vài chục con, có khi đến gần cả trăm con đang bay trên bầu trời xanh làm trắng cả một bầu trời, khi nghe bên dưới đất cá quẫy “rột rột” trong nước, hay khi thấy có một... đồng minh của mình đang say sưa ăn dưới ruộng (thực ra đó chỉ là chú cò mồi mà thôi) là đàn cò nhà ta... đổ bộ xuống ngay. Khi đã đổ bộ xuống nơi hấp dẫn rồi, cò nhà ta chỉ chăm chú lo tìm cá, tìm nhái, tìm cào cào, tìm chem chép, tìm trùn... để xơi thôi, không còn quan tâm đến trời trăng mây gió gì nữa, phớt tỉnh... Ăng lê mọi chuyện trên đời. Chúng nào có biết rằng người ta đã chuẩn bị... măng tươi để xào với mình sẵn ở đâu đó rồi. Chỉ sau một thời gian ngắn thích thú thưởng thức những... món ngon vật lạ mà con người... thương yêu mình đã cung cấp sẵn, bỗng dưng dưới chân cò như có sợi dây gì vướng vào chân thật khó chịu và... mất tự do. Một con, hai con, rồi ba con... đều cảm thấy như thế. Sợi dây càng ngày càng siết chặt vào chân khi cò vẫy vẫy cái chân, và rồi những con bị mắc giò hốt hoảng bay lên làm cho cả bầy cò cũng hoảng theo và bay loạn xạ lên trời xanh. Nhưng những con cò đã mắc giò thì không thể nào bay lên được, cứ cố bay lên là lại bị cây giò kéo xuống. Khi có chừng năm, bảy con cò mắc giò, chúng làm như tung cả bộ giò lên, nhưng nhờ đã có dây ở hai đầu cột kỹ vào bụi cây hay gốc rạ rồi, nên chúng đành... bó cánh.

Và thế là ta chạy lại tóm cổ cò mở giò ra bỏ vào lồng “đã ơi là đã”. Xong xuôi, ta sắp bộ giò lại và tung tăng vác lồng cò đi về giữa cảnh chiều đông giá lạnh mà lòng thỏa vui làm sao, vì đã có một buổi đánh cò thú vị không gì bằng.

Đem cò đánh được về muốn nuôi cho đẹp thì nuôi, hay muốn ăn thịt thì ăn thịt. Cò cũng có nhiều loại cò, như cò ruồi thì nhỏ con, thường khi bắt được loại cò nầy thì đem về chặt cánh rồi thả trong chuồng trâu, chuồng bò để nó ăn ruồi, ăn muỗi bảo vệ sức khỏe cho trâu bò nhà mình. Vì thế, nên người ta gọi đó là loại cò ruồi. Cò cá, cò ra, cò ngàn thì... to con lớn xác hơn. Cho nên cũng nhiều thịt và thịt ngon hơn. Cũng còn có loại cò ma nữa . Cò ma thường có một chỏm lông đen trên lưng...

Còn nhớ nhà thơ Trần Tế Xương có bài thơ “Thương vợ” rất nổi tiếng mà hầu như không ai không biết đến, nhất là hình ảnh “thân cò” trong bài thơ. Bài thơ bày tỏ được tấm lòng thương vợ của nhà thơ thật cảm động. Xin được trích lại đây bài thơ đó để chúng ta cùng thưởng thức:

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên, hai nợ, âu đành phận
Năm nắng, mười mưa, dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không!

Không biết với bạn thì sao, chứ với tôi, “Thương vợ” là bài thơ nói về vợ hay nhất trong thi ca Việt Nam từ xưa cho đến nay, mà chưa có bài thơ nào vượt qua được. Bạn có đồng ý không?

Thịt cò đánh được đem về nấu món gì thì ngon nhất? Câu trả lời đã có... sẵn, và do chính cò nha ta... tự thú trước bình minh một cách thật đáng thương, như nhiều người trong chúng ta đã từng nghe trong bài ca dao quen thuộc, đáng yêu sau đây:

Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Theo đó, chúng ta biết được rằng thịt cò mà xào với măng thì ngon không thể tả.

Hai mùi thơm của thịt cò và của măng non quyện vào nhau tạo nên một mùi thơm hấp dẫn đến... hết cơm hết gạo luôn.

Qua bài ca dao trên, ông cha ta không chỉ nói đến món ăn ngon mà còn muốn gởi gắm trong đó một quan niệm sống đẹp của người Việt Nam chúng ta. Đó là quan niệm sống “Chết trong hơn sống đục”.

Con cò dù ở vào trong hoàn cảnh bi đát là... sắp chết, sắp bị con người làm thịt, nhưng vẫn xin là cho chết một cách đẹp đẽ, trong sáng. Con cò lúc sống thì chăm chỉ, cần mẫn làm ăn. Sống một đời sống thanh bạch, trong trắng như chính màu lông trắng đẹp của nó. Và khi chết, cũng muốn được chết một cách đàng hoàng, trong sạch.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương ngày xưa cũng đã bày tỏ một cách sống đáng yêu như thế qua bài thơ “Bánh trôi nước” nổi tiếng như sau:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Dù cuộc đời có như thế nào đi nữa, “bảy nổi, ba chìm, chín lênh đênh” đi nữa, thì cũng hãy giữ một tấm lòng trong trắng, trinh bạch, không để đời làm hoen ố tâm hồn...

Điều quan trọng trong cuộc sống của con người chúng ta không phải là sống bao lâu, mà là sống như thế nào? Không phải là độ dài của đời sống mà là ý nghĩa của nó. Có những người có một đời sống ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho hậu thế một tấm gương sáng ngời về cách sống yêu thương và ban cho. Đời sống của họ thật ý nghĩa. Ngược lại, có những người sống rất lâu, nhưng đời sống của họ chẳng có một chút ý nghĩa nào, chẳng hề giúp ích gì được ai, vì họ chỉ biết sống cho mình và sống vì mình.

Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta đời sống nầy, và Chúa muốn chúng ta sống một đời sống có ý nghĩa cho Ngài và cho tha nhân. Chúng ta cần phải sống một đời sống công bình, đạo đức trước mặt Chúa và trước mặt mọi người, để đạo của Đức Chúa Trời không bị một lời chê bai nào.

Chúa Giê-xu đã sống một đời sống mẫu mực toàn hảo đáng để chúng ta noi theo. Cả cuộc đời của Ngài là một cuộc đời bác ái, ban cho vô điều kiện, là cuộc đời yêu thương, tha thứ một cách dồi dào. Ngài sống một đời sống toàn vẹn, không một chút khiếm khuyết, sai trật nào. Chính kẻ thù cũng phải thú nhận “Ta chẳng thấy người (Chúa Giê-xu) có tội lỗi chi cả.” (Sách Giăng, chương 18, câu 38).

Ngài chết trên thập tự giá không phải vì tội của Ngài, vì Ngài không có tội lỗi chi cả, mà là vì tội của con người chúng ta. Ngay cả khi chết, Ngài cũng đã cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Ngài rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” (Sách Lu-ca, chương 23, câu 34).

Quả thật, cuộc đời của Chúa Giê-xu là một cuộc đời cao đẹp có một không hai trên thế gian nầy!

Phao-lô khuyên con cái Chúa rằng: “Hầu cho anh em ở giữa dòng dõi hung ác, ngang nghịch, được nên con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian.” (Sách Phi-líp, chương 2, câu 15)

Một khi bạn nhận biết được Chúa Giê-xu là Đấng đáng tôn thờ duy nhất trên cuộc đời nầy (bởi chỉ một mình Ngài vừa là Đức Chúa Trời chân thật và cũng là một Con người toàn hảo, không hề phạm tội. Chính vì vậy mà Ngài được gọi là Đấng Thần Nhân), và mở lòng ra tin nhận Ngài, mời Ngài làm Chúa, làm Chủ cuộc đời mình, thì Ngài sẽ ban cho bạn một đời sống có ý nghĩa và phước hạnh, mà trước đó bạn chưa từng cảm nhận được bao giờ.

Đó là điều chắc chắn!

Xin mời bạn đến với Ngài ngay khi Chúa cho còn có hơi thở trong lỗ mũi bạn nhé! (**)

Giữa mùa đông gió lạnh mà trên mâm cơm gia đình có một đĩa thịt cò xào măng, một tô cá rô nướng vàng ươm dầm nước mắm gừng, vợ chồng, con cái quây quần bên nhau, cầu nguyện tạ ơn Chúa về thức ăn Ngài ban cho như lời Kinh thánh dạy: “Vả, mọi vật Đức Chúa Trời đã dựng nên đều là tốt lành cả, không một vật chi đáng bỏ, miễn là mình cảm ơn mà ăn lấy thì được; vì nhờ lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện mà vật đó được nên thánh.” (Sách 1 Ti-mô-thê, chương 4, câu 4, 5), rồi vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả thì thiết tưởng không có món cao lương mỹ vị nào trên đời nầy sánh bằng.

Mùa Đông gió lạnh đã về, và có nghĩa là mùa đánh cò đã tới và cũng là mùa của những mụt măng non mọc lên mơn mởn để cho người dân quê tôi có được những bữa thịt cò ngon không thể nào quên được trong đời.

Kính chúc quý độc giả một mùa Đông đẹp với nhiều ký ức đáng nhớ trong cuộc đời để chuẩn bị đón mùa Lễ Tạ Ơn và Lễ Giáng Sinh với nhiều phước hạnh tràn đầy từ nơi Thiên Chúa ban cho.

California, đầu tháng 11/ 2020

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Truyền Thống (BTT)

(**): Nếu sau khi đọc hoặc nghe bài viết nầy, bạn được cảm động để tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời, thì xin mời bạn có thể bấm vào phần “LỜI CẦU NGUYỆN TIN CHÚA (GỢI Ý)” được để sẵn trong trang web nầy, và lặp lại theo lời cầu nguyện đó là bạn sẽ trở nên con cái của Đức Chúa Trời.

Nào, xin mời bạn!

Chúng tôi hân hạnh được chào đón bạn vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời để cùng thờ phượng Chúa với chúng tôi và hưởng niềm vui của người được cứu.

Kính chúc bình an.