Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 186

Mùa Tạ Ơn, Nói Chuyện... Vô Ơn

Kinh thánh: Sáng-thế-ký 40: 12–14, 21, 23; Thi-thiên 107: 8; Lu-ca 17: 11–19 (*)

Kính chào quý độc giả,

Tháng Mười Một hằng năm, tại Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây khác có một mùa Lễ rất quan trọng, đó là mùa Lễ Tạ Ơn.

Mùa Lễ Tạ Ơn là vào tháng Mười Một, nhưng ngày Lễ Tạ Ơn chính thức tại Hoa Kỳ là vào ngày thứ Năm của tuần thứ tư trong tháng.

Lễ Tạ Ơn là một ngày lễ rất trọng thể tại Hoa Kỳ. Đây là dịp để các gia đình người Mỹ đoàn tụ bên nhau để bày tỏ lòng biết ơn cha mẹ, những người mình mang ơn, cũng như đất nước, và quan trọng nhất là để bày tỏ lòng tạ ơn Đức Chúa Trời.

Gà Tây (Turkey) là một món ăn dường như không thể thiếu trong bữa ăn sum họp của các gia đình người Mỹ trong Lễ Tạ Ơn. Vì thế, nên ngay từ đầu tháng Mười Một, người ta đã thấy ở hầu hết các cửa hàng, siêu thị bán thực phẩm như Smart and Final, Food For Less, Vons, Walmart, Safeways, Costco... đã bày bán rất nhiều gà Tây nguyên con đã làm sẵn, nhìn đến... no con mắt.

Người Tây... khác với người Ta thể nào thì gà Tây cũng khác với... gà Ta thể ấy bạn ạ.

Bạn có biết khác gì không?

Xin thưa, người Tây hầu hết là cao to, nặng ký, còn... người Ta hầu hết là thấp bé, nhẹ cân. Cũng vậy, gà Tây hầu hết đều to con (từ 5 – 7 kg, nhiều con đến cả chục kg luôn), còn... gà Ta thì hầu hết... nhỏ con, chỉ từ 1, 5 kg đến 2 kg hoặc 3 kg là nhiều.

Có người đố vui như thế nầy: Ở Việt Nam, gà ở đâu to nhất? Câu trả lời: Gà ở... Quảng Nam... to nhất. Cụ thể, gà ở Tam Kỳ là to nhất? Bạn sẽ hỏi, to cỡ nào? Dạ, xin thưa... 8 kg! Bạn sẽ cãi làm gì có gà to đến... 8 kg? Người ta sẽ dắt bạn đến trước cổng ga xe lửa Tam Kỳ và chỉ vào tấm biển ở trên cổng nhà ga, và bạn sẽ thấy tấm biển ghi là GA TAM KY (không có dấu). Và nói, đó... gà tám ký đó, tin chưa?

Sau đây, là một số câu tục ngữ của ông cha ta lên án sự vô ơn:

- Ăn cây táo rào cây sung
+ Ăn cháo đá bát
+ Ăn mật trả gừng
+ Qua cầu rút ván
+ Vắt chanh bỏ vỏ
+ Có mới nới cũ
+ Có trăng, phụ đèn.
+ Được chim bẻ ná, được cá quên nơm
+ Dưỡng vật, vật đền ơn, dưỡng nhơn, nhơn báo oán.

Còn đây là những câu ca dao nói về thói... vô ơn:

- Vàng mười vô lửa nào phai,
Anh nằm nghĩ lại coi ai bạc tình

- Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa xong lại bẻ cành bán rao

- Trách lòng tham đó bỏ đăng
Thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn

- Ai mà phụ nghĩa quên ơn
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.

...

Thật là những câu nói nghe... đau thấu tận tim gan phải không bạn?

Hãy nhớ những câu nói nầy để mà tránh thói vô ơn trong đời sống của mỗi một chúng ta.

Dễ lắm để chúng ta có thể vô ơn với người nầy, người kia, nhất là vô ơn với Đấng Tạo Hóa, Đấng đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật và con người chúng ta, và ban mọi điều cho chúng ta được hưởng.

Con người thường mau quên, nhất là dễ quên những lần mình mang ơn người khác. Người ta nói “Thọ ân mạc vong” (Nghĩa là nhận ơn thì đừng quên) mà.

Chuyện kể rằng, vào mùa đông năm 1916, một chiếc tàu bị chìm ở biển hồ Michigan (Mỹ), anh Edward Spencer dầm mình dưới nước hồ rất lạnh để cứu người, và anh đã cứu được tất cả 17 người. Vì quá cố gắng để cứu người giữa thời tiết lạnh, nên sau đó, anh bị cảm lạnh, sưng phổi, rồi một năm sau anh qua đời. Dù được báo chí loan báo về tang lễ của anh, nhưng lạ thay, không một ai trong 17 người được anh cứu sống, đến dự đám tang hết.

Chẳng lẽ không ai hay biết anh qua đời sao? Hay là người ta nghĩ anh đã qua đời rồi, nên đâu cần đến dự lễ làm gì? Mình có đến hay không đến, anh ấy cũng không còn biết được nữa? Nên không cần phải thể hiện lòng biết ơn cũng chẳng sao?

Phải chăng, để bày tỏ lòng biết ơn một ai đó cũng không phải là... chuyện dễ???

Một câu chuyện... vô ơn khác với tựa đề “Con heo ba chân”:

Một hôm, thầy giáo dẫn học trò thăm viếng một nông trại. Họ được chủ nông trại dẫn ra tham quan nông trại. Thầy giáo thấy một con heo chỉ có ba chân liền hỏi:

- Con heo kia sao chỉ có ba chân vậy?

- Ồ đó là con heo rất đặc biệt của tôi! Chủ nông trại trả lời.

- Tại sao là đặc biệt? Có phải vì nó chỉ có ba chân không?

- Không phải đâu! Năm ngoái, khi cả nhà đang ngủ, không ai biết căn nhà đang bị cháy. Con heo này thấy lửa nên nó kêu lớn tiếng khiến tôi thức dậy dập tắt được lửa, nên mọi người sống sót, và căn nhà cũng không bị cháy.

- Ồ đặc biệt thật!

- Nhưng chưa hết, cách nay độ 6 tháng, đứa con út của tôi không may bị rơi xuống cái ao cá sau nhà. Trong nhà chẳng ai thấy, chỉ con heo thấy mà thôi. Nó chạy vào nhà kêu lớn tiếng làm mọi người chú ý rồi nó chạy vụt ra sau nhà đến gần ao cá. Chúng tôi chạy theo và thấy con tôi đang chìm xuống ao nước sâu, chúng tôi liền nhảy xuống cứu được cháu.

- Ồ thật là con heo đặc biệt; nhưng hai câu chuyện này có liên quan gì đến việc con heo mất hết một chân không ?

- Ồ thầy nghĩ coi. Nó cứu giúp chúng tôi như vậy nên chúng tôi đâu có lòng dạ nào mà ăn thịt nó một lần cho được. Do đó lần đầu, chúng tôi mới chỉ ăn thịt một chân của nó thôi...

Quý vị thấy đó. Con heo đã giúp gia đình người chủ nông trại qua hai tai nạn chết người; nhưng thật khó để ông ta... đền ơn đáp nghĩa cho nó.

Con heo ân nhân đáng quý như thế, nhưng vẫn không được... tha mạng!

Ai đó đã nói “dưỡng vật, vật đền ơn, dưỡng nhơn, nhơn báo án.” là không sai!

Ôi, sao mà lòng con người... tệ bạc và vô ơn đến thế???

Một câu chuyện đọc mà nghe như có ai đang xát muối trong trái tim vậy!

Câu nói “Thi ân mạc niệm, thọ ân mạc vong” (nghĩa là “làm ơn thì đừng nhớ còn nhận ơn thì chớ quên) không phải dễ để thực hành phải không bạn?

Kinh thánh có ghi lại nhiều câu chuyện về sự vô ơn nhằm mục đích cho chúng ta thấy rằng lòng con người thật xấu xa, đáng sợ, và nhắc nhở con người đừng sống vô ơn với người đã giúp đỡ mình, nhất là đừng vô ơn với Đấng Tạo Hóa.

Trong sách Sáng-thế-ký, có ghi lại câu chuyện Giô-sép giải mộng cho hai quan tửu chánh và thượng thiện của vua Pha-ra-ôn, khi hai ông nầy mắc tội với vua và bị giam trong ngục tại dinh của quan thị vệ. Giô-sép nói với quan tửu chánh: “Ý nghĩa chiêm bao đó là thể nầy: Ba nhành nho tức là ba ngày. Trong ba ngày nữa, Pha-ra-ôn sẽ tha quan ra khỏi ngục, phục chức lại, quan sẽ dâng cái chén của Pha-ra-ôn vào tay người như cũ, như khi còn làm chức tửu chánh. Song khi quan được hưởng lộc lại rồi, xin nhớ đến tôi, làm ơn tâu cùng Pha-ra-ôn về nỗi tôi, và đem tôi ra khỏi chốn nầy.” (Sách Sáng-thế-ký, chương 40, câu 12 – 14)

Nhưng sau khi viên quan tửu chánh được phục chức lại đúng y như lời giải chiêm bao của Giô-sép, thì ông ta cũng... quên luôn người đã giải nghĩa điềm chiêm bao cho mình.

Kinh thánh ghi lại sự vô ơn đó thế nầy: “Pha-ra-ôn phục chức quan tửu chánh lại như xưa, đặng quan nầy dâng tửu bôi vào tay mình... Đoạn, quan tửu chánh chẳng còn nhớ đến Giô-sép nữa, quên người đi.” (Sách Sáng-thế-ký, chương 40, câu 21, 23)

Đọc đến đây, chúng ta lấy làm ngạc nhiên sao viên quan tửu chánh nầy lại mau quên ơn đến thế phải không bạn?

Đúng là... thói đời là vậy!

Một câu chuyện... vô ơn khác cũng được Kinh thánh ghi lại:

Đức Chúa Giê-xu đang lên thành Giê-ru-sa-lem, trải qua bờ cõi xứ Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Nhằm khi vào làng kia, có mười người phung đến đón rước Ngài, đứng đằng xa, lên tiếng rằng: Lạy Giê-xu, lạy Thầy, xin thương xót chúng tôi cùng! Khi Ngài thấy họ liền phán rằng: Hãy đi, tỏ mình cùng thầy tế lễ. Họ đang đi thì phung lành hết thảy. Có một người trong bọn họ thấy mình đã được sạch, bèn trở lại, lớn tiếng khen ngợi Đức Chúa Trời; lại đến sấp mặt xuống đất, nơi chân Đức Chúa Giê-xu, mà tạ ơn Ngài. Vả, người đó là người Sa-ma-ri. Đức Chúa Giê-xu bèn cất tiếng phán rằng: Không phải mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu? Chỉ có người ngoại quốc nầy trở lại ngợi khen Đức Chúa Trời ư! Ngài lại phán rằng: Đứng dậy đi; đức tin ngươi đã cứu ngươi.” (Sách Lu-ca, chương 17, câu 11 – 19)

Khi đọc xong câu chuyện nầy, ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy... ấm ức, bực tức trong lòng vì sự... vô ơn của không phải chỉ một người mà đến... chín người.

Nếu một hay hai người vô ơn, thậm chí có thể đến 5 người vô ơn đi nữa, thì cũng còn có thể... chấp nhận được, vì năm mươi phần trăm số người biết ơn thì chúng ta cũng còn thấy... ấm lòng, mát ruột một chút. Đằng nầy, đến chín người vô ơn, chín người vong ân bội nghĩa, làm sao mà không thấy ấm ức trong lòng được cơ chứ?

Câu chuyện càng phủ phàng hơn, một người biết ơn duy nhất đó lại là người Sa-ma-ri, là một sắc dân mà lúc bấy giờ bị người Do-thái ghét bỏ, khinh thường là... thấp kém. Người Do-thái là một dân tộc hưởng được nhiều đặc quyền đặc lợi nhất từ Đức Chúa Trời lại là người vô ơn nhất, còn người Sa-ma-ri kia, là người ngoại quốc, không hưởng được những đặc ân như người Do-thái, lại là người biết trở lại tạ ơn Chúa Giê-xu, và biết ngợi khen Đức Chúa Trời.

Qua câu chuyện “Chúa chữa lành mười người phung” nầy, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng trong cuộc sống, người vô ơn sẽ nhiều hơn là người biết ơn.

Nhưng xin Chúa giúp cho chúng ta giữ được một tâm ý trong lòng rằng, đừng sống vô ơn, dù cho có nhiều người đang sống vô ơn chung quanh chúng ta.

Bạn thân mến của tôi,

Nhân mùa Tạ Ơn, lại đi nói chuyện... vô ơn thì nghe có cái gì đó cũng... không ổn. Nhưng đó là một thực tế mà chúng ta cần được nhắc nhở để tránh đi thói vô ơn trong đời sống của bạn và tôi.

Warren W. Wiersbe, một Giáo sư Kinh thánh đã từng nói rằng: “Lòng vô ơn chính là “vùng đất” màu mỡ cho mọi điều ác.” là đúng lắm vậy.

Hãy nhìn lại trong đời sống của bạn và tôi, chúng ta đã hưởng biết bao ơn của Ông Trời ban cho như Trời làm mưa, cho nắng, để chúng ta có được cơm ăn, nước uống hằng ngày. Ông Trời ban cho không khí chúng ta thở từ khi chào đời cho đến bây giờ và cho đến khi lìa đời mới hết thở.

Và ơn lớn hơn tất cả mọi ơn là Đức Chúa Trời đã ban cho Chúa Giê-xu xuống thế gian nầy hơn hai ngàn năm qua để chịu chết trên thập tự giá, đền tội thay cho bạn và tôi. Ngài đã sống lại từ trong kẻ chết để ban sự sống đời đời cho những ai tin nhận Ngài.

Vậy mà, rất nhiều người còn vô ơn với Ngài, chưa nói lời Tạ Ơn Ngài. Rất nhiều người còn chưa chịu tin nhận Ngài làm Chúa, làm Chủ cuộc đời.

Tôi cảm tạ Chúa vì Ngài đã thương xót, cho tôi nhận biết được ơn Ngài ban cho trong cuộc sống; nhất là nhận biết được Chúa Giê-xu đã chịu chết thay cho tội của tôi và sống lại vì tôi, nên tôi đã tin nhận Ngài cách đây nhiều năm rồi.

Chúa cho tôi biết nói lời tạ ơn Ngài và biết thờ phượng Ngài trong đời sống của mình. Đó là điều tôi cảm tạ Chúa vô cùng!

Nếu bạn đã cảm nhận được rằng bao nhiêu năm qua bạn đã thọ ơn Ngài rất nhiều, và bạn nhận biết được Chúa Giê-xu đã chịu chết cho bạn trên thập tự giá, và sống lại để ban cho bạn sự sống đời đời; nhưng bạn chưa bày tỏ lòng biết ơn Ngài như đáng phải bày tỏ, chưa tin nhận Ngài làm Cứu Chúa cho cuộc đời mình, thì thiết nghĩ hôm nay, mùa Tạ Ơn nầy là cơ hội tốt nhất để bạn làm điều đó vậy.

Rất mong chờ bạn hãy đến với Chúa Giê-xu và nói lời tạ ơn Ngài khi còn có cơ hội và dịp tiện như hiện nay!

Chắc chắn, Đức Chúa Trời sẽ rất vui lòng khi bạn bày tỏ lòng biết ơn Ngài!

Mời bạn hãy cùng tôi “ngợi khen Đức Giê-hô-va vì sự nhân từ Ngài; và vì các công việc lạ lùng Ngài làm cho con loài người!” (Sách Thi-thiên, chương 107, câu 8) trong mùa Tạ Ơn năm nay nhé! (**)

California, Mùa Tạ Ơn 2023

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Truyền Thống (BTT)

(**): Sau khi đọc hoặc nghe bài viết nầy, nếu bạn được cảm động để tin nhận Chúa Giê-xu thì xin mời bạn bấm vào phần “LỜI CẦU NGUYỆN TIN CHÚA” được để sẵn ở trong trang mạng nầy, và lặp lại lời cầu nguyện ấy là bạn trở nên con cái của Ngài.

Rất hânh hạnh được đón bạn vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời để cùng thờ phượng Chúa với chúng tôi và hưởng niềm vui của người được cứu.