Các bầu da được dùng trong thời của Chúa Giê-su là những cái bình làm từ da cừu. Khi rượu được đổ vào, thì da mềm dẻo. Nó giãn ra dễ dàng khi cho thêm rượu vào. Tuy nhiên, khi nhiều năm trôi qua, không khí ở Trung Đông sẽ làm cho bầu da bị khô giòn và cứng đi. Bây giờ nếu đổ rượu cũ ra và đổ rượu mới vào, thì bầu da đó không thể chịu được sức nặng của rượu mới hay chịu được sự lên men vì nó đã trở nên cứng giòn và rất dễ nứt ra. Để giải quyết vấn đề này, bầu da cũ sẽ được nhúng trong nước trong vài ngày và sau đó dung dầu ô-liu để chà lên. Như thế là phục hồi lại độ mềm dẻo của bầu da.
Đây là hình bóng về những gì xảy ra cho chúng ta, vì chúng ta là bầu da mới chứa rượu thuộc linh. Chúng ta được kêu gọi để trở thành những người mang sự hiện diện của Chúa. Bầu không khí mà chúng ta cư ngụ có thể làm mất đi sự dẻo dai của chúng ta đối với đường lối của Chúa. Chúng ta chưa ở thiên đàng; chúng ta đang sống trong một môi trường băng hoại là thế gian. Vì thế tâm trí chúng ta cần được đổi mới. Để giữ bầu da của chúng ta mềm dẻo - luôn sẵn sàng với rượu mới - chúng ta phải thấm nhuần trong Lời Chúa. Phao-lô viết trong Ê-phê-sô 5:26, "Để thánh hóa Hội Thánh sau khi đã thanh tẩy bằng nước và đạo.” Đối với chúng ta, việc dùng dầu ô-liu chà lên bầu da giống như để thời gian tìm kiếm Chúa. Khi chúng ta để thời gian với Chúa trong Lời Chúa và trong sự cầu nguyện, tâm trí chúng ta được đổi mới và chúng ta không còn cứng nhắc giữ chặt các đường lối và phương cách cổ hũ của mình. Nhưng để khôi phục bầu da cũ, trước tiên bạn phải đổ rượu cũ ra! Có nghĩa là không có rượu trong bình - không có sự hiện diện sờ sờ của Chúa! Có nghĩa là bạn phải kiêng khỏi sự hiện diện sờ sờ của của Chúa, hay như cách chúng ta đã nói nãy giờ, điều này có nghĩa là chúng ta rơi vào giai đoạn khô hạn thuộc linh! Trong thời kỳ như thế bạn đang chuẩn bị cho một sự thay đổi! Tại sao Chúa cất sự hiện diện sờ sờ của Ngài? Để khiến bạn thất vọng chăng? Không, cho dù sẽ có sự thất vọng! Có phải vì Ngài muốn đặt bạn lên kệ cho tới khi Ngài cần bạn không? Không! Lý do Ngài rút sự hiện diện của Ngài là để khiến bạn tìm kiếm Ngài sốt sắng hơn. Sự tìm kiếm khiến bạn linh hoạt và mềm dẻo trở lại.
Những người mà trở nên cứng nhắc và không linh hoạt là những người đã ngừng tìm kiếm Chúa. Họ bị khóa chặt vào trong những phương pháp của họ. Họ giam mình vào cái công thức mà chính họ đã nghĩ ra từ các kinh nghiệm thuộc linh ở quá khứ. Đó chính là tình trạng của những người đi theo Giăng Báp- tít. Họ bám vào ông vì họ nhìn thấy Chúa hành động đầy quyền năng qua ông. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục tấn tới để giựt giải thiên thượng đó là được biết Chúa cách thân mật, họ đã trở nên cứng nhắc trong niềm tin và phương pháp của họ.
Trong mỗi sự vận hành của Chúa luôn có một sự giảng dạy tươi mới xuất hiện. Sự giảng dạy và giáo lý chân chính là phương tiện đem chúng ta đến tấm lòng của Chúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta bị mắc kẹt khi hướng sự tập trung của mình vào sự giảng dạy hay giáo lý đó thì cuối cùng nó sẽ dẫn chúng ta vào sự trói buộc tôn giáo hay vào chủ nghĩa luật pháp hay sai lầm – hoặc là rơi vào tất cả những thứ này. Bạn không thể biết Chúa qua phương cách thờ phượng cứng nhắc, và nhiều cơ đốc nhân đã vô tình rơi vào lối sống này. Họ đề ra những khuôn khổ, những thủ tục và những thông lệ thờ phượng nhàm chán. Sau đó, một khi họ đã có kiến thức để trở thành "anh cả” trong cộng đồng cơ đốc thì họ không còn tìm kiếm Chúa mà trái lại họ cứ tuân giữ những lề thói hay những truyền thống họ đã phát triển trước đây. Thế nhưng, không biết sao những giáo hội này lại cảm thấy trống rỗng, cho dù họ vẫn nghĩ họ đang sống theo đạo tin lành. Giê-rê-mi 29:12-13 nói: "Khi các ngươi kêu cầu Ta, khi các ngươi đến với Ta và nài khẩn Ta, Ta sẽ nhậm lời các ngươi. Các ngươi sẽ tìm kiếm Ta và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng.” Cầu nguyện tự thân nó là không đủ để tìm kiếm Chúa.
Có nhiều tín đồ bị trói buộc bởi những công thức tôn giáo vẫn cầu nguyện cách trung tín. Chúa nói trong sự cầu nguyện phải có sự sốt sắng tìm kiếm Ngài. Ở đây Ngài nói rõ là sẽ có sự tìm kiếm, và việc này đòi hỏi nhiều hơn là nỗ lực bình thường. Nó cần sự khao khát nóng cháy và tìm kiếm tấm lòng của Ngài. Đó là lý do Chúa nói trong Hê-bơ-rơ 11:6, "Không có đức tin thì không thể nào đẹp lòng Đức Chúa Trời vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin Ngài hiện hữu và tưởng thưởng những ai hết lòng tìm kiếm Ngài.” Chúng ta hãy xem lại điều Chúa Giê-su nói: "Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ. Như thế, rượu mới sẽ làm nứt bầu cũ, rượu chảy hết mà bầu cũ cũng hư luôn, nhưng rượu mới phải đổ vào bầu mới. Không ai đã uống rượu cũ lại đòi rượu mới [ngay], vì người nói rằng: ‘Rượu cũ ngon hơn!’” (Lu-ca 5:37-39). Người đã quen thuộc với rượu cũ sẽ không khao khát rượu mới ngay. Từ chìa khoá ở đây là "ngay,” vì chúng ta là con người với những thói quen và thủ tục. Chúa phải phá dỡ những nơi an nhàn đó bằng cách đổ hết rượu cũ ra và cho phép chúng ta trải qua một thời điểm chuẩn bị khô hạn không có rượu để chúng ta khát rượu mới. Khi bạn khao khát và chẳng có gì để uống, bạn sẽ không than phiền, "Tôi không muốn rượu mới, tôi chỉ muốn rượu cũ.” Nếu bạn khao khát sự hiện diện và quyền năng của Chúa, bạn sẽ mở ra với sự vận hành tươi mới của Thánh Linh trong đời sống bạn. Bạn sẽ giống như Đa-vít, ông đã thốt lên trong thời kỳ đồng vắng của mình: "Lạy Đức Chúa Trời, chính Ngài là Đức Chúa Trời của tôi, tôi tha thiết tìm kiếm Ngài. Linh hồn tôi khát khao Chúa, thể xác tôi mong ước Ngài như mảnh đất khô khan, nứt nẻ không có nước. Như tôi đã thấy Ngài trong nơi thánh, để chiêm ngưỡng quyền năng và vinh quang Ngài.”(Thi Thiên 63:1-2).
Đa-vít khao khát quyền năng và sự hiện diện của Chúa. Kết quả khi ông bước vào công việc mà ông được kêu gọi, ông luôn mềm mại với những gì Chúa mong muốn - không giống vua Sau-lơ, người đã làm việc theo cách riêng của ông, chứ không theo cách của Chúa.
John Bevere (Chúa Ơi! Ngài Ở Đâu?)