Kinh thánh: Châm ngôn 4: 23, 23: 26; Lu-ca 19: 10; I Giăng 4: 9 (*)
Kính chào quý độc giả,
Không biết với bạn thì sao, nhưng với tôi, mùa Giáng sinh là một mùa đem lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất trong năm. Bởi vì mùa Giáng sinh đến, đọc lại những lời Kinh thánh ghi lại câu chuyện Chúa vào đời, nhìn những tấm hình minh họa Chúa sinh ra nơi chuồng chiên, máng cỏ; hình các nhà thông thái đi tìm thờ Chúa là lòng tôi trào dâng bao cảm xúc không nói nên lời.
Nhiều câu hỏi về tình yêu của Đức Chúa Trời hiện lên trong tâm tôi?
Tại sao Con Trời ở trên Thiên đàng tuyệt vời không gì sánh bằng lại phải giáng sinh xuống nơi thế gian hèn mạt nầy?
Tại sao Con Trời tối cao lại sinh hạ ở một nơi thấp hèn nhất trần gian là chuông chiên, máng cỏ?
Và nhiều câu hỏi khác về các nhận vật trong Lễ Giáng sinh?
Tại sao Ma-ri và Giô-sép có thể làm được những việc mà không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm được như thế?
Tại sao các anh chăn chiên là những người tầm thường nhất trong xã hội lại được diễm phúc đón nhận Tin Mừng Giáng sinh trước tất cả mọi người?
Tại sao các nhà thông thái lại phải vượt đường xa ngàn dặm, bất chấp hiểm nguy để tìm kiếm “Vua dân Giu-đa” mới sinh mà thờ lạy?
Tại sao các nhà thông thái lại có tấm lòng sẵn sàng chuẩn bị lễ vật quý giá đem theo để dâng lên tôn thờ Chúa?
Tại sao vua Hê-rốt đang cai trị xứ Giu-đa cũng như các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo là những lãnh đạo tôn giáo lại hững hờ, không biết Con Trời hạ sinh, chỉ cách chỗ họ ở không quá năm dặm (độ tám cây số) thôi?
Tại sao vua Hê-rốt lại tàn ác như vậy với chính dân mình, khi không giết được “Vua dân Giu-đa” thì lại sai giết hết thảy các con trẻ từ hai tuổi trở xuống khắp thành Bết-lê-hem và cả địa hạt?
...
Câu trả lời có thể được tìm thấy ấy là tất cả những chuyện đã xảy ra đó đều xuất phát từ... tấm lòng mà thôi.
Sở dĩ Con Trời phải giáng sinh xuống trần gian tội lỗi nầy là vì Ngài muốn bày tỏ tấm lòng yêu thương vô điều kiện của Ngài cho chúng ta là những tội nhân.
Lời Kinh thánh cho biết: “Bởi Con người (Chúa Giê-xu) đã đến tìm và cứu kẻ bị mất” (Sách Lu-ca, chương 19, câu 10). Có nghĩa là Chúa Giê-xu đến thế gian nầy với mục đích là để tìm và cứu những tội nhân. Điều đó nói lên tình yêu lớn lao của Ngài dành cho con người chúng ta.
Sứ đồ Giăng cũng cho biết tấm lòng của Đức Chúa Trời dành cho tội nhân rất rõ ràng: “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống.” (Sách 1 Giăng, chương 4, câu 9)
Bạn có thấy được tình yêu vô cùng lớn lao của Đức Chúa Trời dành cho mình qua sự kiện Chúa giáng sinh không?
Bạn có thấy được hành động của tình yêu Chúa dành cho bạn được tỏ bày cách rõ ràng không? Ngài không nói yêu bạn và tôi bằng lời nói suông, mà Ngài bày tỏ tình yêu ấy bằng hành động thật cụ thể là giáng thế làm người để cứu bạn và tôi?
Ai đó đã nói “Yêu là hy sinh”. Điều nầy đúng một trăm phần trăm với tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho con người. Điều nầy đúng một trăm phần trăm với tấm lòng của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.
Thánh Phao-lô cho biết: “Ngài đã không tiếc chính Con mình (Chúa Giê-xu), nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Sách Rô-ma, chương 8, câu 32)
Vì yêu thương chúng ta muốn cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi mà Ngài đã không tiếc chính Con mình. Ngài đã ban Con Một của Ngài cho chúng ta một cách trọn vẹn. Ngài hy sinh điều quý nhất của Ngài cho chúng ta.
Sở dĩ Con Trời phải sinh ra nơi máng cỏ, chuồng chiên là vì nhà quán không còn chỗ cho Ma-ri sinh hạ? Dù là máng cỏ, chuông chiên hèn mạt, nhưng cũng có được một chỗ để Chúa vào đời. Chủ quán ngày xưa, dù “tấm lòng chật”, nhưng cũng vẫn cố gắng sắp xếp cho Ma-ri một chỗ, dù là một chỗ tệ mạt nhất đi nữa để hạ sinh Con Trời. Chủ quán ngày xưa, dù sao cũng còn một chút lòng... tử tế với Ma-ri và Giô-sép phải không bạn?
Nhiều người ngày hôm nay, lòng họ không còn một chỗ nào dành cho Chúa Giê-xu cả, vì lòng họ đã dành trọn cho danh lợi quyền của thế gian đầy ma lực nầy chiếm ngự.
Ma-ri, Giô-sép là một cặp vợ chồng thật tuyệt vời. Bởi họ dù là những con người bình thường, sinh sống ở một nơi vùng quê bình thường, chẳng tiếng tăm gì hết; nhưng họ đã sống với nhau thật đẹp và đặc biệt là họ đã sống cho Chúa hết lòng.
Ma-ri được xem là “người được ơn” trước mặt Đức Chúa Trời (sách Lu-ca, chương 1, câu 28, 30). Cô đã có tấm lòng tin cậy và vâng lời Đức Chúa Trời rất đáng kính nể, mà chúng ta đáng học hỏi. Cô đã mạnh dạn thưa với thiên sứ rằng: “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” (sách Lu-ca, chương 1, câu 38).
Ma-ri tin rằng cô sẽ chịu thai bởi Đức Thánh Linh mà sanh ra Chúa Giê-xu. Đây là một niềm tin vượt ngoài trí hiểu biết của con người. Ma-ri không lấy sự hiểu biết của trí óc hạn hẹp của con người để suy nghĩ, để tin vào lời thiên sứ phán; nhưng cô đã vượt qua được sự suy nghĩ... lô-gíc, khoa học của đầu óc con người, để tin bằng tấm lòng của mình nơi lời phán của Đức Chúa Trời.
Xin cho bạn và tôi có một tấm lòng tin cậy và vâng lời Chúa như Ma-ri, mẹ phần xác của Chúa Giê-xu.
Giô-sép là “người có nghĩa” (sách Ma-thi-ơ, chương 1, câu 19), hay có thể dịch là người ngay lành, người ngoan đạo, người tử tế, người có tình nghĩa...
Là một người có tấm lòng tốt, nên Giô-sép đã không sống theo kiểu: “Bởi vì tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra” khi biết Ma-ri... hoang thai. Anh ta chỉ toan định sẽ âm thầm từ hôn để giữ... thể diện cho Ma-ri. Không bêu xấu Ma-ri cho... cả nước biết khi biết nàng... hoang thai.
Là một người có tấm lòng tốt, nên khi ông được thiên sứ báo cho biết là thai Ma-ri đang mang là bởi Đức Thánh Linh, nên ông không ngần ngại mà đem vợ về ở với mình, sông không hề ăn ở với, cho đến khi Chúa được sinh ra.
Là một người có tấm lòng tốt, nên khi nghe thiên sứ bảo đem Con trẻ và Ma-ri trốn qua nước Ê-díp-tô, thì Giô-sép liền vâng lời. Rồi sau đó, tiếp tục vâng lời thiên sứ bảo mà đem Con trẻ và Ma-ri trở về xứ Y-sơ-ra-ên (Sách Ma-thi-ơ, chương 2, câu 14, 21)
Các anh chăn chiên sở dĩ được là người đầu tiên biết tin Chúa giáng sinh, và được đến tận nơi chiêm ngưỡng Chúa vào đời, là vì các anh có tấm lòng chân thành, không suy nghĩ gì cao siêu, “không có tư tưởng cao quá lẽ” (Sách Rô-ma, chương 12, câu 3), chỉ nghe thiên sứ phán và cứ thế tin và làm theo như thế, không lý giải, phân tích đúng sai gì cả.
Chính vì vậy mà các anh là những người được phước biết bao, cuộc đời các anh đã được thay đổi, sau khi được gặp Chúa giáng sinh trở về, lòng các anh tràn ngập niềm vui (Sách Lu-ca, chương 2, câu 20).
Có còn phước hạnh nào hơn thế phải không bạn?
Các nhà thông thái sở dĩ vượt đường xa ngàn dặm đem theo cả lễ vật quý để tìm kiếm Chúa mà thờ lạy và dâng hiến cho Ngài, vì lòng họ nhận biết được Chúa là Vua cao sang, đáng tìm kiếm để tôn thờ. Hài nhi Thánh chính là Chúa Cứu Thế không chỉ đáng để tôn thờ mà còn đáng để dâng cho Ngài những điều quý nhất mà mình có nữa.
Ca dao Việt Nam có câu: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua.” Có nghĩa là một khi đã yêu nhau rồi, một khi đã dành trái tim cho người mình yêu rồi, thì vấn đề “ngăn sông, cách núi” không còn là một... lực cản đáng sợ nữa. Không có trở lực nào có thể ngăn cản được một người khi họ đã có tấm lòng dành cho một đối tượng xứng đáng nào đó.
Các nhà thông thái là những con người như thế!
Tôi thán phục tinh thần vượt đường xa ngàn dặm của họ để tìm kiếm và tôn thờ Hài nhi Thánh. Tôi cũng thầm thán phục thái độ khiêm nhường của họ khi gặp Chúa là sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài. Tôi cũng không thể không thán phục tấm lòng chuẩn bị lễ vật sẵn sàng của họ để dâng hiến cho Đấng Cứu Thế.
Bạn và tôi có tấm lòng tìm kiếm Chúa như thế không? Bạn và tôi có thái độ khiêm nhường khi ra mắt Chúa Cứu Thế như các nhà thông thái không? Bạn và tôi có sẵn sàng dâng cho Ngài những lễ vật quý báu của đời sống mình không?
Trong khi các anh chăn chiên, các nhà thông thái có tấm lòng tìm kiếm Chúa để chiêm ngưỡng, để tôn thờ, thì vua Hê-rốt và các thầy tế lễ cũng như các thầy thông giáo lại hững hờ, không hề hay biết sự kiện không tiền khoáng hậu trong lịch sử đã xảy ra. Dầu cho sau khi được các nhà thông thái báo cho biết là có một vị “vua dân Giu-đa” mới sanh ra, thì họ liền đáp rất trúng rằng: “Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê”, và trích dẫn lời tiên tri thật chính xác, không chê vào đâu được. Nhưng cả vua lẫn “các quan tôn giáo” không hề mảy may đi tìm Chúa để thờ phượng, dù chỗ Chúa sinh cách nơi họ ở chỉ chừng tám cây số mà thôi. “Có xa xôi mấy mà tình xa xôi.”
Tại sao vậy? Cũng từ tấm lòng mà ra cả.
Không có tấm lòng khao khát chân lý thật sự thì sẽ không tìm kiếm chân lý vậy.
Một khi con người để tấm lòng của mình hướng đến việc ham muốn quyền lực, địa vị ngoài đời hay cả trong tôn giáo, thì tấm lòng ấy sẽ không còn chỗ dành cho Chúa nữa. Hoặc nếu có, thì chỉ là hình thức bề ngoài để che đậy sự giả hình bên trong mà thôi.
Vua Hê-rốt chỉ vì sự ham muốn quyền lực, sợ bị đe dọa ngôi vua, nên đã buông lòng mình vào sự giả dối, núp dưới vỏ bọc là cũng muốn tìm kiếm Chúa để thờ phượng; nhưng thực chất là chỉ muốn tìm Chúa để tiêu diệt, chứ ở đó mà thờ với phượng? Ông ta nói rằng: “Rồi vua sai mấy thầy đó đến thành Bết-lê-hem, và dặn rằng: Các ngươi hãy đi, hỏi thăm cho chắc về tích con trẻ đó; khi tìm được rồi, hãy cho ta biết, đặng ta cũng đến mà thờ lạy Ngài.” (Sách Ma-thi-ơ, chương 2, câu 8)
Khi các nhà thông thái không trở lại báo tin cho vua Hê-rốt về nơi Chúa sinh ra, ông ta đã tức giận và đã ra tay tàn độc, giết hại hết thảy các con trẻ trong thành Bết-lê-hem từ hai tuổi trở xuống, là những thần dân của mình.
Nguyễn Du có những câu thơ miêu tả tâm địa xấu xa của một người thật đắc địa như sau:
“Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao.”
Hê-rốt thật đúng là một con người có tấm lòng “nham hiểm giết người không dao” rất đáng sợ!
...
Mùa Giáng sinh, nói chuyện về... tấm lòng con người qua những con người trong Lễ Giáng sinh đầu tiên năm xưa, để chúng ta cùng suy ngẫm về lòng người ngày hôm nay.
Có hai hạng người và hai tấm lòng được bày tỏ thật rõ ràng cho chúng ta.
Hạng người có tấm lòng tìm kiếm, thờ phượng Chúa thật sự, như Ma-ri, Giô-sép, như các anh chăn chiên và như các nhà thông thái. Họ nghe lời Chúa phán và tìm kiếm Chúa để tôn thờ. Họ dành lòng mình cho Chúa ngự vào, và họ dâng đời sống mình để phục vụ Ngài.
Hạng người không có tấm lòng tìm kiếm Chúa, vì mải mê ham muốn quyền lực, danh vọng, địa vị của thế gian và địa vị trong tôn giáo để được hưởng thụ cho thỏa mãn ham mê của xác thịt đời nầy, như vua Hê-rốt, như các thầy tế lễ cùng các thầy thông giáo năm xưa.
Chúa Giê-xu đã giáng sinh hơn hai ngàn năm qua rồi, bạn có tấm lòng tìm kiếm Chúa để thờ phượng Ngài chưa? Bạn chắc đã từng biết đến tấm lòng tìm kiếm Chúa và tôn thờ Ngài của Ma-ri, Giô-sép và của các anh chăn chiên, các nhà thông thái hơn hai ngàn năm trước. Bạn có muốn noi gương họ để tìm kiếm Chúa và tôn thờ Ngài ngay hôm nay, trong mùa Giáng sinh nầy không?
Chúa Giê-xu đã giáng sinh hơn hai ngàn năm qua rồi, lòng bạn có chỗ nào dành cho Ngài không? Hay bạn vẫn đang để những ham muốn của thế gian như địa vị, danh vọng, quyền lực, ngay cả những địa vị tôn giáo chiếm hữu lòng mình, đến nỗi không còn một chỗ nào cho Chúa?
Lời Kinh thánh cảnh báo rằng: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.” (Sách Châm ngôn, chương 4, câu 23)
Chúa ban cho bạn có một tấm lòng, bạn cần biết giữ gìn tấm lòng quý báu mà Chúa đã ban cho đó, bởi mọi phước hạnh, mọi nguồn sự sống đều từ nơi lòng mình mà phát ra cả.
Lời Kinh thánh cũng khuyên dạy: “Hỡi con, hãy dâng lòng con cho cha, và mắt con khá ưng đẹp đường lối của cha.” (Sách Châm ngôn, chương 23, câu 26)
Dâng lòng mình cho Chúa để thờ phượng và hầu việc Ngài là một điều đẹp lòng Chúa hơn cả, vì Ngài là Đấng duy nhất xứng đáng được như vậy trong cuộc đời của chúng ta.
Mùa Giáng sinh nầy, bạn có sẵn sàng dâng lòng mình để tôn thờ Chúa Cứu Thế và phục vụ Ngài không?
Chúa Giê-xu luôn luôn sẵn sàng ngự vào đời sống bạn để cứu rỗi bạn trở nên con cái của Ngài và ban cho bạn một đời sống ý nghĩa và phước hạnh.
Ước ao mùa Giáng sinh năm nay, lòng bạn sẽ như máng cỏ đơn sơ năm xưa để Chúa ngự vào và cuộc đời bạn sẽ mãi mãi có ý nghĩa và giá trị trước mặt Đức Chúa Trời.
Xin mượn mấy vần thơ thật hay của nhà thơ Cơ-đốc Thanh Hữu trong bài thơ “Máng cỏ” của ông để làm lời kết cho bài viết đơn sơ nầy như sau:
“Con cảm nhận một tình yêu trời bể
Một khiêm nhường của Thượng Đế thành nhân
Muốn cứu con Chúa nhục nhã muôn phần
Chịu đau đớn hy sinh cho đến chết..
Mùa giáng sinh xin nguyện cầu tha thiết
Cho lòng nầy học biết tính khiêm nhu.
Máng cỏ khô mời gọi Chúa Giê-xu
Xin ngự trị cho lòng con ấm áp.
Xin trỗi khúc dòng Linh ân sóng nhạc
Xin khơi nguồn thơ vận nở ngàn hoa
Xin tim con cùng hoà nhịp hoan ca
Cùng sứ thánh mừng Con Trời giáng thế.”
(Máng cỏ - Thanh Hữu)
Khi bạn quyết định dành lòng mình cho Chúa Cứu Thế ngự vào, thì lòng bạn sẽ được tình yêu Ngài sưởi ấm và niềm vui hoan ca sẽ ngập tràn cuộc đời, dù bạn đang sống giữa cuộc đời đầy tăm tối, lạnh lẽo nầy.
Chắc chắn là như thế!
Hãy dành lòng mình để thờ phượng Chúa ngay trong mùa Giáng sinh nầy bạn nhé! (**)
Kính chúc quý độc giả một mùa Giáng sinh nhiều niềm vui và một năm mới bình an trong Chúa Cứu Thế!
California, mùa Giáng sinh 2020
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Truyền Thống (BTT)
(**): Với những độc giả là những người chưa tin nhận Chúa Giê-xu, sau khi đọc bài viết nầy mà lòng được cảm động để tin Chúa, thì xin mời bạn bấm vào phần “Lời cầu nguyện tin Chúa” chúng tôi có để sẵn trong trang web nầy, và lặp lại theo những lời ấy là bạn sẽ trở nên con cái của Đức Chúa Trời.
Nào, xin mời bạn cùng đến với Chúa Cứu Thế để cùng thờ phượng Ngài với chúng tôi!