Cứ mỗi lần mùa Xuân về, là chúng ta hay suy nghĩ đến vấn đề hiếu thảo và bày tỏ lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành.
Người viết thường hay nhớ đến câu nói bày tỏ lòng hiếu thảo khi Xuân về Tết đến, đó là “Mồng Một tết cha, mồng Ba tết thầy.” Có nghĩa là ngày Mồng Một Tết là dành để đi thăm viếng cha mẹ, mừng tuổi cha mẹ với những món quà quý nhất, tốt nhất mà con cái có thể có được, để bày tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành là người đã sinh ra mình và nuôi nấng, trưởng dưỡng mình thành người, rồi dựng vợ gả chồng cho mình.
Có thể nói, “hiếu” là một đức tính không thể thiếu ở nơi một con người sống trên trần gian nầy. Chính vì vậy, mà dầu bất cứ ở nền văn hóa nào, dân tộc nào trên thế giới, người ta cũng coi trọng chữ “hiếu” cả.
Người Việt Nam ta, khi nói đến chữ hiếu, thì thường nghĩ ngay đến vấn đề “thờ mẹ, kính cha”, như mấy câu ca dao đã nói:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Tại sao phải “thờ kính mẹ cha”? Lý do đã được nêu rõ, vì “công cha, nghĩa mẹ” thật to lớn đối với ta, như núi cao, như nước chảy mãi không ngừng. “Đạo con” là phải “thờ kính cha mẹ” vậy.
Trong sách “Quốc văn giáo khoa thư”, có dạy:
Cha sinh mẹ dưỡng, đức cù lao lấy lượng nào đong.
Thờ cha mẹ ở hết lòng, ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường
Nhưng “thờ cha mẹ” là thờ như thế nào?
Làm con phải biết phận con,
Mến yêu cung kính mới tròn thảo ngay.
Việc làm nặng nhẹ đỡ tay,
Khi sai khi bảo mặt mày hân hoan.
Lời thưa tiếng nói dịu dàng,
Cứng đầu cứng cổ dọc ngang thì đừng.
(ca dao)
Đó chính là cách “thờ cha mẹ”, cách hiếu thảo của người con dành cho cha mẹ theo truyền thống của người Việt Nam.
Trong Nho giáo của Khổng Tử, có hẳn một bộ sách riêng dạy về đạo hiếu của người làm con, đó là bộ “Hiếu kinh”. Trong bộ “Hiếu kinh”, có chuyện Thầy Tăng Tử, là đệ tử của Khổng Tử, nói: “Hiếu giả bách hạnh chi tiên”, có nghĩa là “Hiếu là nết đứng đầu trăm nết.”
Thầy Tăng Tử còn cho biết ba điều cần phải làm trong đạo hiếu là: "Hiếu hữu tam: đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ thứ năng dưỡng", có nghĩa là: "Hiếu đạo có ba điều: Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, thứ đến là không làm gì gây tai tiếng cho cha mẹ, sau cùng là nuôi dưỡng cha mẹ".
Chữ “Hiếu” trong tiếng Hán được viết như thế nầy: 孝.
Nó có hai phần, phần trên là bộ Lão, chỉ người bề trên, và phần dưới là bộ Tử, chỉ con cái. Chiết tự chữ “Hiếu” như thế là để chúng ta thấy rằng con cái phải tôn kính, hiếu thảo với cha mẹ, vì cha mẹ là người bề trên, còn con cái là người bề dưới.
Triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam chúng ta. Trong lịch sử triều Nguyễn có để lại tấm gương hiếu thảo rất nổi tiếng của vua Tự Đức. Vị vua này không chỉ là vị vua “văn hay chữ tốt”, nhưng còn là vị vua có hiếu thảo với mẹ nhất trong suốt 13 vị Hoàng đế của triều Nguyễn. Suốt 36 năm làm vua, Tự Đức lúc nào cũng dành ngày chẵn vào cung để vấn an sức khỏe của mẹ, đồng thời nghe lời dạy dỗ của mẹ. Còn ngày lẻ thì lo việc triều đình, việc quốc gia đại sự.
Thật hiếm có vị vua nào có một sự hiếu thảo với mẹ như vua Tự Đức!
Hình ảnh hiếu thảo với cha mẹ còn được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu thể hiện qua tác phẩm “Lục Vân Tiên” trong văn học Việt Nam, phản ánh phần nào cuộc đời của chính nhà thơ: “Cụ Đồ Chiểu, trên đường đi thi trạng nguyên, thì nghe tin mẹ mất, Lục Vân Tiên đã không ngần ngại bỏ thi để về chịu tang mẹ, và khóc đến nỗi mù cả đôi mắt.”
Lòng hiếu thảo như thế kể cũng đáng nể phải không bạn?
Khi nói về chuyện hiếu thảo, tôi nhớ đến câu chuyện hiếu thảo của Hàn Bá Du mà tôi được đọc trong “Cổ học tinh hoa” từ hồi còn nhỏ và còn nhớ mãi, không... chịu quên cho. Đại ý câu chuyện như sau:
“Thời xưa có ông Hàn Bá Du, dù đã lớn nhưng mỗi lần mắc phải lỗi lầm bị mẹ đánh, ông không bao giờ khóc. Một lần nọ ông cũng phạm lỗi và bị mẹ bắt nằm xuống đánh, nhưng lần này, ông khóc thật to. Người mẹ ngạc nhiên hỏi vì sao con lại khóc? Ông giải thích vì những lần trước mẹ đánh ông cảm thấy rất đau nên biết mẹ còn khỏe, còn lần này mẹ đánh, con không cảm thấy đau như trước nên biết mẹ đã yếu, vì thương mẹ già yếu nên con khóc.”
Một câu chuyện thật cảm động về lòng hiếu thảo phải không bạn?
Ca dao Việt Nam có khá nhiều câu nói về lòng hiếu thảo đáng để chúng ta ghi nhớ và sống một đời sống hiếu thảo với cha mẹ của mình:
- Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
- Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước sáng ngời biển Đông.
- Đói lòng ăn đọt chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
- Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.
- Nếu mình hiếu với mẹ cha,
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì.
- Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công.
...
Những câu chuyện về lòng hiếu thảo ngày xưa thì nhiều thật là nhiều...
Còn chữ hiếu ngày nay thì như thế nào?
Tôi có đọc được đâu đó một câu chuyện về một thanh niên thương mẹ hết sức cảm động:
“Cách đây không lâu, ở Trung Quốc có một anh tên là Điền Thế Quốc, chỉ mới hơn ba mươi tuổi. Mẹ anh chẳng may mắc bệnh ure huyết (Urê huyết / Urê máu là tình trạng có nồng độ urê cao trong máu, dễ dẫn đến suy thận), cần phải thay một quả thận thì mới duy trì được mạng sống. Nhưng mẹ anh chỉ lo sẽ làm liên lụy đến người thân, nên tự giam mình trong phòng mà không chịu đi chữa bệnh. Điền Thế Quốc đã tận dụng thời cơ, không cho mẹ biết và đi hiến tặng một quả thận cho mẹ. Sau đó, mẹ anh đã đồng ý cấy thận, và sức khỏe được hồi phục một cách tốt đẹp. Anh vui mừng lắm vì mẹ mình được khỏe và hết bịnh. Việc làm hiếu thảo này của anh đã làm cho nhiều người cảm động. Không ít người gặp anh đều nói, năm nay cho dù bận thế nào, cũng nhất định phải về nhà thăm cha mẹ.”
Nhưng những câu chuyện về lòng hiếu thảo ngày nay, dường như... ít hơn ngày xưa.
Ngày nay, do xã hội đã thay đổi nhiều, những gia đình hầu như không còn sống chung với nhau trong nhiều thế hệ nữa, mà chỉ có một, hai thế hệ là cùng. Những gia đình kiểu “tứ đại đồng đường” (bốn thế hệ sống chung trong một nhà), hầu như không còn. Nên sự nhẫn nhịn, chịu đựng để sống chung với nhau cũng vì đó mà... giảm đi nhiều. Hơn nữa, cuộc sống... thực dụng của giới trẻ ngày nay, trong thời đại gọi là 4. 0 hiện đại, cũng làm cho lòng hiếu thảo bị... nhạt phai đi không ít.
Những xung đột gia đình xảy ra nhiều hơn, với tầng suất cao hơn.
Ngày nay, nhiều bạn trẻ sống bất hiếu với cha mẹ. Báo chí cũng như các phương tiện truyền thông, mạng xã hội đưa rất nhiều tin tức về những đứa con bạc đãi cha mẹ, đánh đập, thậm chí giết chết cha mẹ mình cách tàn nhẫn ngày càng nhiều.
Xin đơn cử vài câu chuyện:
“Phan Minh Mẫn ở Bình Chánh, Sài Gòn đang là sinh viên, ngày 9-11-2009, khi từ trường về nhà, Mẫn nhìn thấy ông Phan Thế Tuyên, cha mình đang say rượu nằm ngủ dưới nền nhà. Mẫn cắm dây điện vào ổ điện rồi chích vào người cha mình gây co giật cho đến khi chết hẳn” (1).
Hay “Bà Võ Thị Lang (48 tuổi, mẹ ruột Lê Võ Thúy Kiều (sinh năm 2003, ngụ xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) thấy con gái về trễ nên la rầy.
Thiếu nữ 16 tuổi bước vào nhà lấy dao đâm mẹ gục tại chỗ dẫn đến tử vong.” (2)
Còn nhiều, rất nhiều những trường hợp trái luân thường đạo lý như vậy xảy ra trong xã hội chúng ta ngày hôm nay.
Thật đáng sợ cho những nghịch tử như thế phải không bạn?
...
Theo một Tiến sĩ tâm lý, Trưởng khoa Tâm lý một trường Đại học tại Sài Gòn, cho biết: “Do tâm lý sống chỉ biết mình khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay, bất hiếu đã và đang len lỏi thật sự xâm nhập vào trong thế hệ trẻ hiện giờ!”
Trên đây, là nói một ít về chữ “hiếu” trong đời sống xã hội, xưa và nay.
...
(Xem tiếp kỳ 2)
California, cuối năm 2020
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(1): dantri.com.vn/ Bi kịch đau lòng con giết cha, ngày 20/ 11/ 2009
(2): zingnews.vn/ bat-tam-giam-thieu-nu-16-tuoi-giet-me-vi-bi-la-ray, ngày 2/ 4/ 2019