Nào ta hãy nhìn vào sứ điệp của Chúa. Chúa Giê-su nói rõ với đoàn dân đông: "Nếu ai muốn theo làm môn đệ Ta phải từ bỏ bản thân mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta. Vì người nào muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, nhưng ai vì Ta và Phúc Âm mà mất mạng sẽ cứu được mạng mình.” (Mác 8:34-35)
Chúng ta phải tự bỏ mình nếu muốn đi theo Ngài. Chấm hết. Ðiều này có nghĩa gì? Nói đơn giản là bạn không thể phục vụ hai chủ, vì bạn chỉ có thể trung thanh với một người nếu mỗi chủ đều đòi hỏi hành động hay đáp ứng khác nhau. Khi xác thịt chúng ta, vẫn chưa được cứu, muốn hướng này còn Lời Chúa chỉ đạo chúng ta đi hướng khác, nếu chúng ta chưa quyết định theo Chúa Giê-su như là Ðấng Chủ Tể của chúng ta, thì chúng ta rất dễ chọn con đường độc lập, đồng thời chúng ta vẫn trông mong và xưng nhận Ngài là Cứu Chúa? Có thể nào chúng ta bị sai lạc mà vẫn còn giữ vững niềm tin như thế không? Có lẽ đây là lý do Chúa Giê-su nói, "Tại sao các con gọi Ta là: ‘Chúa, Chúa!’ mà không thực hành lời Ta dạy?” (Luca 6:46).
Nói cách khác, Chúa trở thành một danh trống rỗng, vô nghĩa. Nếu ta nói "Chúa” mà thật sự không có ý như thế, thì Chúa Giê-su thà muốn chúng ta gọi Ngài là "Giáo sư vĩ đại” hơn. Ít ra thì chúng ta nhận được ích lợi từ lời dạy dỗ của Ngài mà không bị lừa dối cho rằng chúng ta thuộc về Ngài trong khi thực tế thì không. Theo Mác 8:34-35 và nhiều câu Kinh Thánh khac trong Tân Ước, việc tự bỏ mình không phải là việc muốn hay không muốn khi chọn bước theo Ngài ra khỏi "ốc đảo thế gian” này. Nó là điều bắt buộc để được cứu khỏi cơn thịnh nộ hầu đến.
Tôi phát hiện ra đây là một khái niệm mà người Tây phương thấy khó chấp nhận. Tôi tin lý do có chuyện này là vì chúng ta là một dân tộc cố gắng hiểu các nguyên tắc Thần Chủ bằng lối tư duy dân chủ. Dân chủ đã mang lại hiệu quả ở Mỹ và các nước Phương Tây, nhưng nếu chúng ta cố gắng liên hệ với Ðức Chúa Trời bằng lối tư duy dân chủ, thì chúng ta sẽ không thể kết nối với Ngài. Ngài là Vua đích thật, không phải là vua bù nhìn như vua thời xưa. Dân chủ được định nghĩa là "dân cai trị, một hình thức chính thể trong đó quyền lực tối cao được giao cho người dân, quyền lực đó do dân trực tiếp thi hành hay thông qua các đại diện được dân chọn.”
Ðây là lối tư duy mà chúng ta được giáo dục tại Mỹ và các nước Tây Phương. Nó đã được lập trình trong suy nghĩ và lý luận của chúng ta. Hậu quả là nếu chúng ta không thích một điều gì đó, chúng ta tin là chúng ta có thể thách thức hay thay đổi nó bởi vì chúng ta có quyền cá nhân "bất khả xâm phạm” và tự do ngôn luận để bày tỏ quan điểm của mình. Ðể tôi tái nhấn mạnh lần nữa. Hình thức cai trị này đã kết quả tại Mỹ bởi vì đó là một hệ thống được dự trù cho những con người sống trong một xã hội đa nguyên nhưng những quan niệm này không thể mang vào Nước Chúa được. Ðiều này khiến cho chúng ta là những người Tây phương thấy khó chịu, nhưng Ðức Chúa Trời là Ðấng cai trị tuyệt đối – may mắn cho chúng ta, Ngài là Ðấng nhân từ, nhưng Ngài phải có tiếng nói quyết định trong mọi khía cạnh của đời sống. Nếu chúng ta đem lối tư duy dân chủ vào mối quan hệ của chúng ta với Chúa, chúng ta sẽ có một mối quan hệ giả tạo. Ðời sẽ đổi thay khi sống dưới vị Vua đích thực. Xét theo ý nghĩa thẩm quyền tối cao thì chúa và vua đều đồng nghĩa. Nếu chúng ta muốn theo Chúa thật sự, chúng ta không thể dùng lối lý luận theo kiểu dân chủ trong cách chúng ta đáp ứng với quyền lãnh đạo của Ngài. Làm thế chẳng khác gì việc A-đam và Ê-va chọn cây tri thức biết thiện và ác. Con người vẫn cầm lái và quyết định điều nào mình nghĩ là tốt nhất cho cuộc đời mình.
John Bevere (Đời Hay Đạo)