Kinh thánh: Sáng thế ký 1: 11, 12 và 29; Ga-la-ti 5: 22. (*)
Kính chào qúy độc giả,
Vậy là theo đúng hẹn, Tết Nguyên Đán đã về với mỗi một người dân Việt Nam yêu dấu ở khắp mọi nơi.
Nói đến Tết Nguyên Đán, tôi nhớ đến chuyện người Việt mình thường hay chuẩn bị mâm ngũ quả cho ngày Tết thật đàng hoàng và cẩn thận để chưng trên bàn thờ tổ tiên trong nhà.
Làm gì thì làm, dù hoàn cảnh thế nào đi nữa, nhất định, ngày Tết là phải chuẩn bị mua sắm cho bằng được một mâm ngũ quả ưng ý nhất để trên bàn thờ mới... yên tâm ăn Tết với người ta.
Tại sao lại phải là Ngũ quả, chứ không phải là tứ quả hay lục, thất quả?
Người ta quan niệm rằng: Ngũ (五): là năm. Ngũ quả thể hiện sự tượng trưng đầy đủ các loại cây trái trong đất trời dùng để thờ cúng ông bà tổ tiên. Mâm ngũ quả trở thành biểu tượng cho sự cầu mong mùa màng được kết quả của người nông dân. Ngũ là năm, là số lẻ, tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi, nẩy nở.
Người Việt thường mong ước năm mới có được “Ngũ phúc lâm môn” (năm phúc là phú, quý, thọ, khương (mạnh khỏe), và ninh (bình an); lâm môn là vào nhà). Người ta cũng quan tâm đến Ngũ hành, gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ...
Mâm ngũ quả của người Việt Nam ở mỗi miền cũng khác nhau, tùy theo phong tục, tập quán của mỗi nơi.
Ở miền Bắc, mâm ngũ quả thường gồm các loại như: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Ý nghĩa có thể là: Chuối màu xanh như bầu trời, và cong cong như bàn tay ngửa mang ý nghĩa che chở, bảo bọc. Bưởi to, căng tròn hứa hẹn một sự ngọt ngào, may mắn, đầy trọn trong cuộc sống. Đào mang ý nghĩa về sự thăng tiến, phát triển tốt đẹp. Hồng và Quýt có màu sắc mạnh mẽ tượng trưng cho sự thành đạt.
Ở miền Trung, mâm ngũ quả thường gồm các loại quả: thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dừa, sung. Thanh long có ý nghĩa rồng mây gặp gỡ, hội ngộ, chỉ sự đoàn viên, hội tụ. Chuối cũng mang ý nghĩa là bầu trời, và như bàn tay che chở, bảo bọc. Dưa hấu căng tròn, ngọt lịm hứa hẹn một sự ngọt ngào, may mắn trong cuộc sống. Mãng cầu mang ý nghĩa như là sự cầu xin cho đạt được những điều ước muốn của mình. Dừa (đọc trệt đi là “vừa”) có nghĩa là không thiếu thốn, và Sung có nghĩa là sung túc, đủ đầy cả về tiền bạc và sức khỏe.
Còn mâm ngũ quả của người miền Nam thường có các loại quả như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, ... là những loại quả mang ý nghĩa là “cầu sung vừa đủ xài”, thể hiện ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, không thiếu thốn.
Các loại quả như Mãng cầu, Sung, Dừa thì ý nghĩa như nêu trên, còn quả Đu đủ thì có nghĩa là sự đầy đủ, thịnh vượng. Và Xoài (nói trệt ra thành “Xài”), có nghĩa là có đủ tiền bạc để tiêu xài, chứ không bị thiếu hụt.
Đó là ý nghĩa cơ bản của mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt từ Bắc chí Nam. Thiết nghĩ đó cũng là những mong ước tốt lành mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Nghe ai đó có kể chuyện vui rằng, với những tay cờ bạc thì thường chưng mâm ngũ quả là Mãng cầu, Sung, Xoài, Líp (xe đạp) và Bình ga, với ý nghĩa là “Cầu dư dật để xài líp ba ga”, không tính toán gì cả.
Còn với những tay hay chôm chỉa, trộm cắp thì mâm... tứ quả (chứ không phải ngũ quả) thường là Chôm chôm, Dừa, Đu đủ, Xoài, nghĩa là “chôm (chĩa) vừa đủ xài”, khỏi cần phải làm lụng gì cho mệt.
Tương truyền có câu ca dao của dòng họ... chôm chĩa, cha truyền nghề cho con như sau:
“Con ơi, nhớ lấy lời cha,
Một đêm chôm chĩa bằng ba năm làm.”
Nghe cũng vui vui...
Người ta chưng mâm ngũ quả là để thể hiện một mong ước là mong cho cuộc sống luôn đạt được nhiều điều tốt đẹp, hanh thông, sung mãn, dư đầy và kết quả.
Người ta chưng bày mâm ngũ quả là để dâng lên thờ cúng tổ tiên với lòng biết ơn tổ tiên đã phù hộ độ trì cho con cháu trong năm qua, và mong ước sẽ tiếp tục phù hộ độ trì cho năm mới tới nữa.
Mong ước cho cuộc sống được nhiều điều tốt đẹp, sung mãn và kết quả, đó là một mong ước tốt lành và chính đáng. Nhưng, mong ước là một chuyện, còn mong ước đó có đạt được hay không lại là một chuyện khác.
Dường như Khổng Tử có lần đã nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” (Mưu tính thì ở con người, nhưng thành hay bại là ở tại Ông Trời). Kết quả cuối cùng của mọi sự, moi việc là do Ông Trời quyết định chứ không phải do con người chúng ta đâu.
Mọi cây trái mà bạn có được để trang trí trong mâm ngũ quả ngày Tết trong nhà là do Ông Trời ban cho, dĩ nhiên là bạn phải trồng, phải chăm sóc chúng cho được tốt tươi. Nhưng bạn phải nhờ “Ơn Trời mưa nắng phải thì”, bạn phải mong cho “Trời yên bể lặng, mưa thuận gió hòa”, thì mới mong cây cối sinh bông, kết trái cho chúng ta được hưởng, và để bạn có được mâm ngũ quả ưng ý mà chưng trong nhà dịp Xuân.
Kinh thánh cho biết: “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh cây cỏ; cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất; thì có như vậy. Đất sanh cây cỏ: Cỏ kết hột tùy theo loại, cây kết quả có hột trong mình, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành... ta sẽ ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất, và các loài cây sanh quả có hột giống; ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi.” (Sách Sáng thế ký, chương 1, câu 11, 12 và câu 29)
Nếu Đức Chúa Trời không ban cho cây trái bạn trồng được ra hoa, kết quả thì làm sao có được quả trái tốt đẹp để bạn ăn cho bổ dưỡng, và để bạn làm mâm ngũ quả ngày Tết?
Còn việc dâng mâm ngũ quả trên bàn thờ để cúng ông bà, tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn, và mong ông bà, tổ tiên phù hộ, độ trì cho con cháu. Mới nghe tưởng như là... hữu lý và... hiểu thảo; nhưng nếu xét cho cùng, thì không... hữu lý, không ... hiếu thảo một cách đúng nghĩa.
Bày tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ là người đã sinh ra mình, nuôi nấng mình là điều đúng; còn cho rằng mong ông bà, tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu, thì nghe ra không... hữu lý và hiếu thảo một cách đích thực. Vì ông bà, cha mẹ khi còn sống thì có thể lo lắng, giúp đỡ cho con cháu được phần nào trong khả năng hạn hẹp của mình. Nhưng khi đã qua đời rồi, thì Kinh thánh cho biết phải đi ở một nơi gọi là Âm phủ để chờ ngày sống lại mà chịu Đức Chúa Trời phán xét (theo sách Lu-ca, chương 16, câu 22 đến câu 31; sách Khải huyền, chương 20, câu 11 đến câu 15), chứ không thể nào có thể trở về để phù hộ, độ trì gì được cho con cháu cả.
Đó là điều mà Kinh thánh đã dạy.
Trước đây, gia đình tôi cũng đã từng lo sắm sửa mâm ngũ quả để chưng trên bàn thờ trong nhà như bao người Việt Nam mình đã và đang làm, rồi cũng mong ước ông bà, tổ tiên phù hộ, độ trì.
Nhưng tôi cảm tạ Đức Chúa Trời, vì Ngài đã thương gia đình chúng tôi và cứu gia đình chúng tôi trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Cảm tạ Chúa Giê-xu Christ đã giải cứu gia đình chúng tôi ra khỏi sự thờ phượng cũ kĩ, sự thờ phượng “xưa bày nay bắt chước” của người xưa truyền lại. Và ban cho gia đình chúng tôi một cách thờ phượng mới là thờ phượng Đức Chúa Trời, và một cách hiếu thảo mới, đó là hiếu thảo với cha mẹ khi họ còn sống trên đất nầy.
Ước ao trong mùa Xuân nầy, bạn sẽ được Đức Chúa Trời cảm động để nhận biết được đâu là cách thờ phượng đẹp lòng Đức Chúa Trời, và đâu là cách hiếu thảo cha mẹ đúng nghĩa. Và rồi, bạn sẽ làm một quyết định quan trọng nhất cho cuộc đời mình là quyết định tin nhận Chúa Giê-xu, thờ phượng Đức Chúa Trời và hiếu thảo với cha mẹ theo như lời Kinh thánh dạy, thì chắc chắn cuộc đời bạn sẽ chứng nghiệm được những phước hạnh tuyệt vời mà bạn chưa từng chứng nghiệm trước đó bao giờ.
Đó là điều chắc chắn!
Một khi bạn nhận được sự cứu rỗi trong danh Đức Chúa Giê-xu, thì bạn sẽ bước đi trên một con đường mới, theo lời Kinh thánh dạy, hoàn toàn khác với con đường cũ kĩ mà bạn đã từng đi trong quá khứ.
Trên con đường mới sáng láng, phước hạnh đó, bạn sẽ ham thích một loại quả trái khác tuyệt đẹp, đó chính là TRÁI THÁNH LINH.
Kinh thánh nói về loại trái tuyệt đẹp đó như sau: “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” (Sách Ga-la-ti, chương 5, câu 22)
Nào, xin mời bạn hãy cùng tôi đến để hưởng hương vị ngọt ngào, tuyệt diệu của trái Thánh Linh ngay trong những ngày Xuân tươi đẹp hôm nay!
Hân hạnh mời bạn!
California, ngày 10 tháng 02 năm 2021!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết nầy là trích từ Kinh thánh Bản Truyền Thống (BTT).
(**): Với những độc giả là những người chưa tin Chúa Giê-xu, sau khi đọc bài viết nầy, nếu bạn được cảm động để tin nhận Chúa, xin mời bạn bấm vào phần: “LỜI CẦU NGUYỆN TIN CHÚA.” được để sẵn trong trang web nầy và lặp lại theo lời cầu nguyện ấy với lòng thành tâm, là bạn sẽ trở nên con cái của Đức Chúa Trời.
Rất hân hạnh được chào đón bạn vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời để cùng thờ phượng Chúa với chúng tôi và hưởng niềm vui của người được cứu.