Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 203

Chuyện Về... Quảng Nam Hay Cãi (1)

Kính chào quý độc giả,

Không biết tự bao giờ, trong dân gian người ta truyền tụng nhau câu ca mô tả về tính cách của người ở... bốn vùng miền Trung nước Việt như sau:

“Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay co
Bình Định hay lo
Phú Yên (Thừa Thiên) ních hết”

Đứng đầu trong bốn vùng đó là... Quảng Nam. Và đặc điểm nổi bật của người Quảng Nam được nêu lên ở trong câu ca nầy đó là... cãi.

Trong bài biết nầy, tôi không dám bàn đến tính cách của ba vùng từ Quảng Ngãi trở vô đến Phú Yên (hoặc ba vùng Quảng Ngãi, Bình Định và Thừa Thiên), vì tôi không phải là dân được sinh ra từ một trong ba vùng đất đó, nên trở thành người... ngoại đạo, không... đủ tư cách để có thể bàn đến tính cách của người dân ba vùng kia.

Tôi là một người Quảng Nam... chính hiệu con nai vàng, nên tôi xin bày tỏ vài nét chấm phá về tính cách và con người của vùng đất “Quảng Nam chưa mưa đà thấm” của quê tôi, trong sự hiểu biết rất hạn hẹp của mình để hầu chuyện bạn đọc yêu quý của tôi.

Trong bài viết ngắn ngủi nầy, chỉ xin thưa chuyện với quý độc giả một ít về tính cách... cãi của người Quảng Nam quê tôi mà thôi.

Để có thể... đúc kết được tính cách... cãi như là một tính cách nổi trội của người xứ Quảng, thì chắc có lẽ người ta ở các vùng đất khác trong đất nước Việt Nam cũng đã nhìn thấy, hoặc biết được cái sự... cãi nầy của người Quảng Nam nó... vượt trội hơn tất cả người ở các vùng đất khác.

Trong thực tế, không nhiều thì ít, không có người Việt Nam nào mà không biết... cãi cả, nhưng để cãi trở thành như một tính cách vượt trội, không thể thiếu, thì phải nói... Ông Trời đã... phú cho người Quảng Nam cái tính cách đó, đến nỗi nó trở thành như... gen (DNA) di truyền trong... máu của người Quảng Nam quê tôi rồi vậy.

Người ta nói rằng: Nếu khi thấy có một chuyện... trái tai gai mắt nào đó xảy ra giữa một số người mà không thấy có ai trong số đó... cãi lẽ để lấy lại sự công bằng, thì có thể khẳng định rằng, trong số những người đó, không có... người Quảng Nam. Vì người Quảng Nam khi thấy chuyện trái cái lỗ tai, gai cái con mắt là... ngứa miệng, muốn... cãi liền để binh vực lẽ phải, lấy lại sự công bình cho người yếu thế; chứ không thể... ngậm miệng ăn tiền được.

Theo một số nhà nghiên cứu cho biết, có ít nhất ba dạng cãi trong bàn dân thiên hạ, ấy là biết mới cãi, thứ hai là cãi vì hoài nghi, và thứ ba là cãi một cách hàm hồ hàm chứa.

Theo đó, người Quảng Nam thường... cãi theo dạng một và hai, tức là biết mới cãi, cãi có... cơ sở lý luận, có lô-gíc đàng hoàng; và cãi vì hoài nghi để tìm ra chân lý, chứ người Quảng Nam... ít khi nào cãi một cách hàm hồ, hàm chứa.

Tính cách cãi của người Quảng Nam được thể hiện ngay trong cách người Quảng Nam trả lời câu hỏi cho một ai đó.

Ví dụ: Thường thì khi ai hỏi: Anh/ chị đi làm về đó hả? Thì người các xứ khác sẽ trả lời lại bằng một câu trả lời là: Vâng, tôi đi làm về ạ! Nhưng với người Quảng Nam thì họ sẽ trả lời lại bằng một... câu hỏi như sau: Chứ không lẽ tôi đi chơi về à? Có nghĩa là tôi đi làm về chứ còn đi đâu nữa mà hỏi.

Khi bạn gặp một bà đi chợ về và hỏi:

-Bà đi chợ về đó hả?

Bạn sẽ nhận được... câu hỏi để trả lời:

- Chớ anh/ chị có thấy ai đi chơi mà bưng cái thúng như ri (thế nầy) không?

Khi bạn đến xứ Quảng Nam mà hỏi đường đi, bạn sẽ được trả lời bằng câu hỏi vặn lại chính bạn.

- Ông cho con hỏi đường này có phải đi vô Bình Tú (quê hương tôi ở) không ạ?

- Mi (mầy) không đi đường ni (nầy) thì mi (mầy) đi đường mô (nào) nữa?

Hoặc sẽ gặp một cách trả lời... móc họng khác:

-Chú mi (mầy) hỏi chi lạ rứa (vậy) hè? Đường ni (nầy) không đi vô Bình Tú thì đi vô mô (đâu)?

Câu hỏi đó cho bạn biết là bạn đang đi đúng đường vô xã Bình Tú quê tôi rồi đấy!

Người Quảng Nam còn có kiểu... nói gay như móc họng người ta.

Khi một người Quảng Nam gọi điện thoại hỏi thăm bạn mà bạn bận, chưa bắt máy được. Lần sau, họ gọi lại bạn và bạn bắt máy thì sẽ nghe họ... móc họng bạn rằng:

-Chu choa (Ối giời), bữa ni (nay) chắc làm chức chi to hung (lắm) hay sô (sao) mà dẹn (tức bận dặn) đến nỗi người ta gọi không thèm nghe máy hỉ (vậy)?

Rứa đó, tính cách của người Quảng Nam là thế, đó cũng là cách thể hiện tình cảm chân tình từ tận đáy lòng của họ, chứ không phải là giận hờn, ghét bỏ chi ai cả.

Khi đến Quảng Nam mà gặp những trường hợp như rứa, bạn đừng có hiểu lầm người Quảng Nam quê tôi mà... tội nghiệp nhé!

Người Quảng Nam hay... cãi, là do họ muốn tìm ra cái mới, cái hay, cái đúng, chứ không phải muốn... gây sự với người khác; vì người Quảng Nam thường sống trọng tình cảm, nhân nghĩa, và khá... nhạy bén trước những vấn đề trong cuộc sống, như câu ca dao mà chúng ta thường nghe:

“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say
Bạn về nằm nghĩ gác tay
Hỏi nơi mô ơn trượng, nghĩa dày bằng ta”

Theo tôi, một trong những người Quảng Nam... cãi hay nhất, giỏi nhất, cừ khôi nhất, và tôi thích nhất, nể nhất là nhà văn, nhà báo, học giả, dịch giả Phan Khôi.

Phan Khôi từng “đọ bút” với các cao thủ khắp nước như Phạm Quỳnh, Lê Dư, Trần Trọng Kim, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Hải Triều, Trịnh Đình Rư, Huỳnh Thúc Kháng... về nhiều vấn đề gai góc như Quốc học, Truyện Kiều, Nho Giáo, Duy tâm và Duy vật, Thơ cũ và Thơ mới... mà đề tài nào, ông cũng để lại những ấn tượng khó phai mờ cho độc giả. Và những cao thủ kia chắc chắn cũng phải... nhớ đời và nể trọng tài... cãi của ông chứ không phải chơi.

Tôi có đọc được một số những bài viết của Phan Khôi về những cuộc... cãi đó, và một trong những cuộc... cãi đó là cuộc... cãi với học giả Trần Trọng Kim về Nho giáo, có một đoạn khá... thâm thúy, xin được trích ra đây để quý độc giả cùng... thưởng lãm tài... cãi của người... cãi hay nhất, giỏi nhất, cừ khôi nhất của vùng Quảng Nam quê tôi:

“Còn đến cái vấn đề quân chủ, dân chủ, ở trang 212, Trần tiên sanh nói rằng: “Ngày nay người ta đổi quân chủ làm dân chủ, chẳng qua là chỉ đổi cái danh mà thôi, chớ cái thực, vẫn không sao bỏ được, vì rằng chánh thể nào cũng cần phải có cái quân quyền”. Do đó tiên sanh cắt nghĩa chữ trung quân của Khổng giáo là trung với cái quân quyền chớ không phải trung với người làm vua; và kết luận rằng bất kỳ ở vào thời đại nào, hai chữ trung quân vẫn có nghĩa chánh đáng.

Đọc cả cuốn sách Nho giáo, thấy có chỗ nầy tác giả nói hơi lúng túng một chút. Một ông vua chuyên chế đời xưa với một ông tổng thống của dân quốc đời nay, quyền hạn khác nhau thế nào, cái đó có lẽ Trần tiên sanh còn biết rõ hơn tôi, thế nào lại gọi được rằng đổi danh mà không bỏ thực? Nếu quả thiệt như lời tiên sanh đó, thì cả thế giới họ lấy cái lợi gì mà chịu chết hết lớp nọ đến lớp khác để chỉ đem có hai chữ tổng thống mà thay cho hai chữ đế vương? Tiên sanh lại nói “chánh thể nào cũng cần phải có quân quyền” - lời đó không đúng. Phải nói rằng chánh thể nào cũng cần có chủ quyền, mới đúng. Cái chủ quyền của các dân quốc đời nay ở đâu? Ở hiến pháp. Vậy thì nhân dân trung là trung với hiến pháp, trung với cái chủ quyền ấy chớ chẳng phải trung với cái quyền của vua nào hay là của ông tổng thống nào. Cho nên, ông nếu đem cái nghĩa trung quân của Khổng giáo mà thi hành trong một nước dân chủ nào, thì thiệt chẳng thấy có cái nghĩa gì là chánh đáng cả.”

(“Hồ sơ Phan Khôi”, Lại Nguyên Ân, sưu tầm, biên soạn) (1)

Xem đoạn Phan Khôi phân tích “quân quyền” với “chủ quyền” thật sắc bén và chính xác hết chỗ chê. Nhân dân trung là trung với hiến pháp, chứ không phải trung với vua hay với ông tổng thống nào. Có thể nói thêm, nhân dân cũng chẳng phải trung với một đảng phái nào cả, mà trung với đất nước của mình vậy. Và ngược lại, các đảng phái phải trung với nhân dân, với đất nước.

Phan Khôi cũng để lại mấy... câu thơ... tréo ngoe để đời mà mỗi khi nhắc đến ông, ít ai lại không nhớ đến nó, và một khi nhớ đến nó, là người ta nhớ đến tính cách của ông, một người Quảng Nam... cãi hay nhất, giỏi nhất và cừ khôi nhất:

“Làm sao cũng chẳng làm sao
Nếu có thể nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Nếu có làm gì cũng chẳng làm sao”

Có rất nhiều người đã có nhiều nhận xét, đánh giá về Phan Khôi, người... cãi hay nhất, giỏi nhất, cừ khôi nhất của Quảng Nam, nhưng có thể nói, nhận xét của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sau đây, theo tôi, là... đắc địa nhất:

“Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Phan Khôi là nhà tư tưởng đã đặt ra hàng loạt vấn đề: phê phán Khổng giáo, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền. Ông cũng là một nhà Hán học và Trung Quốc học am hiểu những vấn đề của xã hội Trung Quốc đương thời, ông là một dịch giả đã dịch Kinh Thánh của đạo Thiên chúa ra tiếng Việt, một nhà Việt ngữ học cả ở phần lý thuyết lẫn thực hành, một nhà văn xuôi với thể hài đàm và một nhà phê bình văn học.” (2)

Qua nhận xét đó, quý độc giả đã thấy tầm quan trọng của nhân vật Phan Khôi tại vùng đất Quảng Nam cũng như trên toàn đất nước Việt Nam, từ thời đại của ông sống cho đến ngày hôm nay cũng như trong tương lai mai sau xa xôi nữa.

(Còn tiếp kỳ sau)

California, đầu tháng 3/ 2021

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.

(1):http://www.viet-studies.net/Phankhoi/index.htm

(2):https://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Khôi