Như tôi đã đề cập trước đây, một phần trong sự rèn luyện sức mạnh trong đồng vắng bao gồm sự tăng trưởng về khả năng để nhận thấy và chống cự sự cám dỗ.
Chúa Giê-su đã kinh nghiệm điều này lúc khởi đầu chức vụ khi Cha Ngài cho phép ma quỷ cám dỗ Ngài trong đồng vắng: "Đức Giê-su đầy dẫy Thánh Linh, từ sông Giô-đanh trở về và được Đức Thánh Linh đưa vào đồng hoang, để chịu quỷ vương cám dỗ trong bốn mươi ngày. Trong những ngày đó, Ngài không ăn gì cả, nên đến cuối thời gian này, Ngài đói.” (Lu-ca 4:1-2). Tôi đã cẩn thận chọn từ "được cho phép,” bởi vì Chúa không bao giờ là tác giả của sự cám dỗ: "Người đang bị cám dỗ đừng nên nói: Sự cám dỗ này đến từ Chúa” vì Đức Chúa Trời không cám dỗ ai cũng không bị điều ác nào cám dỗ.” (Gia-cơ 1:13).
Điều thực sự xảy ra với chúng ta khi chúng ta bị cám dỗ là gì? Chúng ta biết ý định của satan là khiến chúng ta rơi vào tội lỗi và hậu quả là đẩy chúng ta ra khỏi sự vâng lời và mối quan hệ với Chúa. Vì thế, nếu satan muốn cám dỗ của hắn có kết quả, thì Chúa tìm kiếm điều gì khi cho phép chúng ta bị cám dỗ? Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra một cái nhìn sâu sắc: "Vậy, vì Chúa Cứu Thế chịu khổ trong thân thể, hãy trang bị chính mình anh chị em bằng thái độ như thế, người nào đã chịu khổ trong thân thể được dứt khỏi tội lỗi.” (1 Phi-e-rơ 4:1).
Nói cách khác, sự thử thách đến qua sự cám dỗ và sự chiến thắng tội lỗi và các vấn đề khác trong kinh nghiệm đồng vắng là để giúp chúng ta xây dựng cơ bắp thuộc linh và càng ngày được tăng trưởng. Trong câu này, những từ chìa khóa là "hãy trang bị chính mình.” Bạn có thể tưởng tượng một đơn vị quân đội đi chiến trận mà không được vũ trang không? Không có trực thăng chiến đấu, không có xe thiết giáp, không có súng ống, không có đạn dượt-chẳng có vũ trang gì cả? Đó là sẽ một thảm hoạ. Tương tự, đây là thảm họa mà các môn đồ của Chúa đối diện khi họ không được trang bị để chịu khổ, khi họ không được trang bị đối diện các thử thách. Các phi công lái máy bay thương mại là một ví dụ rất hay về những người được trang bị cho bài thi ứng viên phù hợp. Mỗi sáu tháng, hãng hàng không đưa họ đi huấn luyện lại. Các phi công này phải đi vào một máy mô phỏng và phản ứng hiệu quả với mỗi viễn cảnh tồi tệ nhất có thể tưởng tượng. Mục đích là củng cố năng lực của mỗi phi công để biết cách xử lý một tình huống khẩn cấp. Điển hình trong một khủng hoảng hàng không, các hành khách, những người chắc chắn không được trang bị - sẽ phản ứng khác, trong khi đó phi công thì hành động khác. Tại sao? Vì phi công đã được trang bị. Đó là điều mà kinh nghiệm đồng vắng sẽ tác động tới một cơ đốc nhân biết vâng lời. Nó khiến chúng ta đối đầu với nghịch cảnh, vốn có mục đích trang bị chúng ta cho những cuộc chiến trong tương lai. Chúng ta phải nhận ra rằng nghịch cảnh - đồng vắng - sẽ xảy ra với chúng ta. Chúa Giê-su nói ở trong thế gian này chúng ta sẽ đối diện với những nan đề và hoạn nạn, nhưng Ngài sẽ giúp chúng ta chiến thắng. Và trong tiến trình này, chúng ta sẽ được thêm sức.
Cơ Hội Lớn Thái độ của chúng ta về đồng vắng phải thế này : nhìn nó như một cơ hội lớn để xây dựng cơ bắp thuộc linh, để trở nên mạnh mẽ hơn cho điều Chúa muốn ban cho chúng ta tiếp theo. Đây là điều sứ đồ Gia-cơ nói: "Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng.” (Gia-cơ 1:2). Là những người Mỹ mà hiểu cơ hội là gì thì chúng ta nên ca ngợi các nhà khởi nghiệp. Ví dụ, một cơ hội trong kinh doanh là một cơ hội để phát triển, để thành công và để thịnh vượng. Đó là cơ hội để mở rộng chân trời của chúng ta. Và đó chính là cách chúng ta phải nhìn các nan đề, vì Gia-cơ nói tiếp, "Vì biết rằng đức tin anh chị em có bị thử nghiệm mới sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì.” (Gia-cơ 1:3-4).
Mẹo Để Sống Sót Trong Đồng Vắng là Đừng Sản Sinh Ra "Ích-ma-ên” Khi chúng ta thấy mình trong đồng vắng và nghĩ mình đã cắm trại ở đó quá lâu, thì sự cám dỗ sẽ đến là "chỉ cần làm điều gì đó” để hiện thực giấc mơ. Tôi gọi đây là việc sản sinh "Ích-ma-ên,” tức là lúc chúng ta cố gắng thực hiện qua các nỗ lực riêng điều mà Chúa đã hứa với chúng ta rằng Ngài sẽ làm. Ích-ma-ên thường được sinh ra từ một nhu cầu hợp lý nhưng nó sinh ra bởi xác thịt. Tất nhiên, ý tưởng này xuất phát từ câu chuyện của Áp-ra-ham và Sa-ra mà Chúa đã hứa với họ một người con trai. Họ đã chờ mười một năm và, hỡi ôi, Áp-ra-ham đã 86 tuổi và Sa-ra đã quá già để sinh con. Vì thế họ đã nghĩ ra kế hoạch B, Sa-ra đề nghị Áp-ra-ham lấy A-ga và có con theo lời hứa qua bà ta. Đây là một ý tưởng vô cùng tồi tệ. Và mỗi phương pháp Ích-ma-ên - dù nhìn có vẻ tốt đẹp - cũng là một ý tưởng tồi. Hãy luôn nhớ, những những gì bạn sản sinh bởi sức mạnh của xác thịt thì bạn sẽ phải duy trì nó bởi sức mạnh của xác thịt! Trong một số lần tôi kinh nghiệm đồng vắng, tôi đã thử kế hoạch B.
Tôi biết Chúa đã hứa với tôi rằng một ngày nào đó tôi sẽ có chức vụ giảng dạy toàn cầu. Nhưng nó không xảy ra - và tôi "bị mắc kẹt” trong chức vụ hội thánh địa phương. Vì thế, tôi đã vài lần thử gượng ép bản thân và chạy thoát khỏi đồng vắng. Các nỗ lực của tôi đã phải chịu một cái giá rất cao và chẳng có kết quả tốt đẹp gì. Khi tôi tan vỡ, rốt cuộc Chúa hành động và thay đổi hoàn cảnh đó hoàn toàn.
Tôi khuyên bạn - đừng tự làm cho mình đau đầu nhức óc và đừng sản sinh ra một Ích-ma-ên nào hết. Hãy để Chúa làm thành những gì Ngài đã hứa với bạn. Trong đồng vắng chúng ta được trao cơ hội để phát triển sự bền bỉ. Chúng ta dùng từ "bền bỉ” trong thế giới ngày nay thường xuyên nhất như thế nào? Tôi nghe nó thường liên hệ tới sự huấn luyện bền bĩ, nó được định nghĩa là bài thực hành có chủ đích gia tăng sức chịu đựng của chúng ta. Nói đơn giản, rèn luyện sự bền bỉ mở rộng khả năng của chúng ta để xử lý các thử thách tương lai. Tình huống là thế này: Trong bất cứ thử thách nào chúng ta đối diện, Chúa cho phép những khó khăn này vì một mục đích, và mục đích đó là sản sinh ra khả năng chịu đựng. Chúa sẽ cho phép và một lần nữa tôi nhấn mạnh từ "cho phép,” sự khó khăn hôm nay sẽ kích thích (nhớ lại sự mô phỏng bay của phi công) các cấp độ áp lực mà Ngài biết chúng ta sẽ đối diện ngày mai.
Đó là lý do chúng ta cảm nhận thử thách luôn lớn hơn mức độ trách nhiệm hiện tại của chúng ta. Vì thế, vấn đề là Chúa đang dùng các thử thách hiện tại để thêm sức cho chúng ta để có những chiến thắng vẻ vang lớn trong tương lai.
Đây là lý do các thử thách mà chúng ta trải qua, thường trong nhiều hoàn cảnh trong một thời gian dài, thật ra là sự rèn luyện sức mạnh thuộc linh để chuẩn bị chúng ta cho những thử thách lớn hơn trong tương lai. Khi chúng ta mạnh mẽ hơn ở trong Chúa, chúng ta có khả năng để làm nhiều hơn trong việc xây dựng vương quốc Chúa.
John Bevere (Chúa Ơi Ngài Ở Đâu)