Kinh Thánh: Thi-thiên 19: 14; I Cô-rinh-tô 10: 31; II Ti-mô-thê 2: 15; I Phi-e-rơ 4: 11 (*)
Kính chào quý độc giả,
Là một đầy tớ hèn mọn của Chúa, tôi có trách nhiệm là phải giảng dạy Kinh Thánh mỗi tuần cho bầy chiên mà Ngài đã giao cho tôi.
Về phương diện thuộc thể, con người ta cần phải tự ăn để sống mỗi ngày. Nếu không thì sẽ... không sống được.
Về phương diện thuộc linh, tức về đức tin nơi Chúa, mỗi một Cơ-đốc nhân cần phải tự ăn “thức ăn thuộc linh” mỗi ngày cho chính mình để... sống. “Thức ăn thuộc linh” của người tin Chúa không gì khác hơn là Kinh Thánh.
Mỗi ngày, một người phải tự ăn thức ăn thuộc thể cho mình để sống thể nào, thì mỗi ngày, một người tin Chúa cũng phải tự ăn “thức ăn thuộc linh” cho mình thể ấy. Không ai có thể làm việc đó thay cho ai được cả. Đó là công việc của mỗi người, nếu không muốn... chết.
Ngoài những “bữa ăn thuộc linh bình thường” cần thiết mỗi ngày để sống đó, thì mỗi tuần, vào ngày Chúa nhật, người tín đồ còn được “Ăn Tiệc Thuộc Linh” từ vị Mục Sư Quản Nhiệm Hội Thánh... dọn cho mình.
Sở dĩ gọi bài giảng của Mục Sư ngày Chúa nhật là “Bữa Tiệc Thuộc Linh” là vì nó được vị Mục Sư chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo để... dọn cho tín đồ mình ăn; nhưng nói như thế không có nghĩa là tất cả những bài giảng của các Mục Sư vào ngày Chúa nhật đều là “Bữa Tiệc Thuộc Linh” thực sự đâu, nếu vị Mục Sư đó không chịu đầu tư thời gian và công sức mình vào bài giảng cho ngày Chúa nhật, và không trông đợi, nhờ cậy nơi sự ban ơn, giúp sức của Đức Thánh Linh cho bài giảng của mình.
Là một Mục Sư chăn bầy chiên của Chúa, nói một cách thực lòng, tôi cũng có không ít lần tắc trách trong việc chuẩn bị bài giảng ngày Chúa nhật cho tín đồ, có nghĩa là thiếu đầu tư thời gian và công sức cho bài giảng một cách đầy đủ, cũng như thiếu sự nương cậy nơi sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Tôi biết điều đó. Chúa biết điều đó, và tôi tin rằng tín đồ chắc cũng... biết điều đó, dầu họ không nói ra cho tôi biết, có lẽ là để... giữ thể diện cho tôi chăng???
Lạy Chúa, xin tha thứ cho sự yếu đuối, tắc trách đó của con, và xin giúp cho con luôn luôn có tinh thần, thái độ chuẩn bị bài giảng một cách tốt nhất để nuôi bầy chiên mà Ngài đã giao phó cho con một cách tốt đẹp nhất mà con có thể.
Nguyền xin Thánh Linh của Ngài vùa giúp con!
Không biết có Mục Sư nào cũng mắc phải lỗi lầm như tôi mắc đây không?
Đó là những... tự sự từ trong lòng của tôi, một đầy tớ hèn mọn và còn nhiều thiếu sót của Đức Chúa Trời!
Còn sau đây là vài điều... nho nhỏ mà tôi... để tâm lâu nay và muốn bày tỏ với những tôi tớ, con cái Chúa để chúng ta cùng... suy gẫm và... thay đổi.
Vào mỗi Chúa nhật, là người tin Chúa, chúng ta được Chúa ban cho một ngày yên nghỉ để thờ phượng Ngài. Đó là một phước hạnh lớn lao mà Chúa dành cho những người tin Chúa.
Những người chưa tin Chúa, không có được phước hạnh nầy như chúng ta. Họ vẫn tiếp tục đi làm kiếm tiền để rồi ăn tiêu, chơi bời cho thỏa thích, không hề nghĩ chi đến sự cứu rỗi linh hồn, cho đến khi đi vào cõi hư mất đời đời trong tương lai, khi họ kết thúc cuộc sống trên trần gian nầy. Thật đáng thương cho những người không có Chúa trong đời sống!
Trong thì giờ thờ phượng Chúa ngày Chúa nhật, ngoài việc chúng ta ca hát, ngợi khen Chúa, cảm tạ ơn Chúa, cầu nguyện với Chúa, dâng hiến tiền bạc để tỏ bày lòng biết ơn Chúa đã cứu mình ra khỏi tội lỗi; con cái Chúa còn được nghe lời Chúa qua vị Mục Sư Quản Nhiệm Hội Thánh nữa.
Mỗi khi đến giờ Hội Thánh chuẩn bị nghe lời Chúa qua vị Mục Sư, thì lâu nay, chúng ta thường được nghe giới thiệu như thế nầy, sau khi lời Kinh Thánh đã được một người đọc ra trước Hội Thánh:
“Bây giờ, là thì giờ quan trọng, chúng ta sẽ được nghe lời của Chúa qua đầy tớ của Ngài. Xin trân trọng kính mời Mục Sư lên tòa giảng ban phát lời Chúa!”
Mỗi khi tôi nghe ai đó nói đến từ “ban phát” lời Chúa là tôi tự nhiên cảm thấy... sợ.
Từ “ban phát” tự thân của nó đã cho thấy một điều gì đó như ban ơn, như bố thí. Vị Mục Sư như là người... bề trên ban phát ân huệ cho tín đồ là những người... bề dưới chuẩn bị nhận lãnh ân huệ được Mục Sư ban cho.
Trước đây, khi ai mời tôi như thế, tôi cảm thấy... hãnh diện vô cùng, vì thấy mình... ngon hơn mọi người ngồi ở dưới, vì mình đang chuẩn bị để... ban phát lời Chúa cho tín đồ bên dưới nhận lãnh.
Nhưng thời gian gần đây, tự nhiên, tôi cảm thấy... sợ khi có ai đó mời tôi với từ ngữ ấy. Vì tôi thấy mình không có chi để dám... ban phát cho ai cả.
Không biết tự bao giờ, người ta dùng từ “ban phát” nầy mỗi khi mời Mục Sư lên giảng lời Chúa cho Hội Thánh?
Mỗi khi tôi lên phía trên bục để giảng lời Chúa cho Hội Thánh vào ngày Chúa nhật, tôi chỉ thích dùng từ “chia sẻ” lời Chúa mà thôi. Tôi cũng thường hay dùng cụm từ “Bây giờ, đến giờ, chúng ta cùng suy gẫm lời Chúa với nhau.” để nói về việc mình sắp giảng lời Chúa giữa Hội Thánh.
Vua Đa-vít ngày xưa đã thưa với Chúa với những lời lẽ thật đáng yêu như sau: “Hỡi Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi và là Đấng cứu chuộc tôi. Nguyện lời nói của miệng tôi. Sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!” (Sách Thi-thiên, chương 19, câu 14)
Phao-lô cũng chỉ dùng từ giảng dạy khi nhắc nhở Ti-mô-thê trong việc rao giảng lời Chúa cho dân sự:
“Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.” (Sách 2 Ti-mô-thê, chương 2, câu 15)
Hay như sứ đồ Phi-e-rơ, thì ông cũng nhắc nhở những người giảng lời Chúa như sau:
“Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Giê-xu Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. A men.” (Sách 1 Phi-e-rơ, chương 4, câu 11)
Dường như không có từ “ban phát” nào trong những câu Kinh Thánh nầy.
Tôi cảm nhận khi dùng những từ như “chia sẻ” hay “suy gẫm”, mình thấy gần gũi với con cái Chúa hơn, chứ không ở tâm thế của một người bề trên... ban phát ơn huệ cho người... bề dưới.
Không biết các Mục Sư khác nghĩ sao???
Có ai có cùng suy nghĩ như tôi không???
Điều thứ hai mà tôi muốn bày tỏ trong bài viết nầy, ấy là từ “Diễn Giả”.
Thời gian gần đây, đọc trên mạng Facebook, tôi thấy ở nhiều Hội Thánh có đăng tờ chương trình giới thiệu sự thờ phượng Chúa ngày Chúa nhật của Hội Thánh mình cho nhiều người biết để tiện tham dự. Đó là điều tốt, vì có được tờ chương trình thì các con cái Chúa dễ theo dõi các tiết mục để cùng hưởng ứng và góp phần trong chương trình cho được chu đáo, tốt đẹp.
Khi nhìn vô tờ chương trình, tôi hay chú ý đến phần giảng lời Chúa trong các tờ chương trình ấy. Tôi thấy có nhiều Hội Thánh ghi trong phần giảng lời Chúa như sau:
+ Sứ điệp Kinh Thánh: (Tựa đề bài giảng)
-Diễn giả: Mục Sư ... ... ... .. (Quản Nhiệm Hội Thánh)
Nếu là Mục Sư Quản Nhiệm giảng lời Chúa, thì có nên đề là “Diễn giả” không? Hay chỉ cần ghi “Giảng lời Chúa” (hoặc: “Chia sẻ lời Chúa”): Mục Sư Quản Nhiệm là đủ.
Theo thiển ý của tôi, từ “Diễn giả”, người ta thường dùng cho vị Mục Sư nào đó được mời đến thăm Hội Thánh và giảng lời Chúa cho Hội Thánh hôm Chúa nhật đó, để thể hiện sự... tôn trọng vị Mục Sư được mời. Hoặc là được dùng trong những dịp Đại Hội, Hội Đồng có tính chất trọng thể. Còn nếu là Mục Sư Quản Nhiệm giảng lời Chúa hằng tuần cho Hội Thánh mà mình đang chăn bầy, thì thiết nghĩ chỉ cần ghi như trên là đủ, không cần thiết phải dùng từ ngữ quá trịnh trọng làm gì mà thêm... sự xa cách với tín đồ.
Đó là... suy nghĩ của cá nhân tôi. Không biết các Mục Sư có ai có cùng suy nghĩ như tôi không???
Rất mong được sự góp ý của các tôi, con Chúa gần xa để chúng ta hướng đến những điều tốt đẹp hơn cho Hội Thánh của Ngài, hầu danh Chúa được tôn cao, được vinh hiển qua mỗi một đời sống chúng ta.
Lời Chúa nhắc nhở chúng ta: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” (Sách 1 Cô-rinh-tô, chương 10, câu 31)
Cầu xin Chúa cho mỗi một chúng ta “vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài!” (Sách Phi-líp, chương 2, câu 13)
California, Mùa Thương Khó-Phục Sinh 2021
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu
(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết là trích từ Kinh Thánh Bản Truyền Thống (BTT)