Nhân ngày Lễ Thương khó của Chúa Giê-su, nghe tôi đọc cặp câu đối:
Tuân phụ lệnh, Con Trời giáng thế,
Thương nhơn loài, Cứu Chúa hi sinh.
Một người bạn nhận xét âm hưởng câu đối này nghe quen quen, hình như nghe từ câu nào.
Tôi nhắc: “An Lộc địa". Anh ồ lên một tiếng và tiếp: “Sử ghi chiến tích". Tôi tiếp: “Biệt Cách dù, vị quốc vong thân".
Anh nói viết câu đối mỗi câu 7 chữ tách làm đôi: 3 chữ / 4 chữ như 2 cặp đối trên truyền tải ý tưởng mạnh mẽ, sắc bén, diễn tả được tính cách bi hùng của câu chuyện.
Anh em tôi bèn kể lại chuyện xưa: Trận An Lộc năm 1972: Một trận đánh ác liệt trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Liên đoàn 81 Biệt cách nhảy dù đã chiến anh dũng với đặc công quân đội miền bắc khiến cho lực lượng cả hai bên bị thiệt hại rất nhiều.
Những người lính còn sống phải lập một nghĩa trang tại chỗ để chôn tử sĩ. Để đánh dấu một trang sử đáng nhớ này, một cô giáo làm bài thơ có 2 câu nổi bật mà nhiều người vẫn còn nhớ sau gần 50 năm:
An Lộc Địa, Sử Ghi Chiến Tích
Biệt Cách Dù, Vị Quốc Vong Thân.
Sự hi sinh vì đại cuộc nào cũng đáng trân quý, nhất là sự hi sinh của Chúa Giê-su. Chúng tôi bèn ôn lại cuộc đời của Chúa Cứu Thế Giê-su.
Cuộc đời của Chúa Giê-su có 5 biến cố lớn, có thể đặt thành 1 câu cho dễ nhớ: Sinh – Tử - Phục – Thăng – Hồi.
1. Sinh: sự giáng sinh của Chúa Giê-su là một huyền nhiệm: trinh nữ Mari được hoài thai bởi Thánh Linh. Con Trời lại sanh trong chỗ thấp hèn, mang thân xác loài người, nhưng có lai lịch từ Trời, nên Ngài được gọi là Thần-Nhân.
2. Tử: Chúa Giê-su chết vì tình yêu nhân loại quá lớn lao, bao nhiêu tội lỗi con người Đức Chúa Cha đã chất lên Chúa Giê-su. Ngài hi sinh chịu chết, huyết đổ ra để tội lỗi thế nhân được tẩy sạch, và ai tin vào điều này sẽ được ơn cứu rỗi.
3. Phục: Chúa Giê-su đã chịu chết và chôn, đến ngày thứ ba, Đức Chúa Trời khiến Chúa Giê-su sống lại, để qua đó, tín nhân cũng nhận được sự phục sinh. Chúa Giê-su phục sinh với thân thể được biến đổi (transformed), cũng có thân xác (môn đồ Thô-ma rờ được vết đinh đóng trên hai bàn tay Chúa; Chúa ăn cá nướng với đồ đệ tại biển Ti-ba-ri-út), nhưng thân thể này đi xuyên qua cửa đóng kín tại phòng cao lúc các môn đồ họp.
4. Thăng: 40 ngày sau phục sinh, Ngài thăng thiên. Ngài thăng thiên để Đấng Yên Ủi tức là Thánh Linh có thể xuống để ban năng quyền, dẫn dắt, dạy dỗ con cái Chúa. Năm nay 2021, chúng ta kỷ niệm Thương khó của Chúa Giê-su là ngày 2 tháng 4; Lễ Phục sinh ngày 4 tháng 4; Lễ Thăng Thiên: ngày 13 tháng 5 (tức là 40 ngày sau Lễ Phục sinh); Lễ Ngũ Tuần ngày 23 tháng 5, kỷ niệm ngày Thánh Linh giáng xuống như những cái lưỡi bằng lửa ghi trong Công-Vụ chương 2.
5. Hồi (hồi lai): biến cố này chưa xảy ra, nhưng con cái Chúa đang trông đợi, đó là thời điểm Chúa Giê-su trở lại, để đưa những tín đồ thật (còn sống hay đã chết) hội ngộ với Chúa trên đám mây, gọi là rupture. Kinh Thánh cho biết những người còn lại sẽ trải qua 7 năm đại nạn khốn khổ.
Cuộc đời Chúa Giê-su thật là khó hiểu và không dễ tin, nhưng ai tin được thì quả là ơn phước lớn. Anh em chúng tôi lắng lòng mình cảm tạ ơn Chúa mở mắt, mở lòng mình để tin được điều khó tin, chấp nhận được điều khó chấp nhận, nên bây giờ trở thành con cái Đức Chúa Trời. Chúng tôi cùng cầu xin nhiều người cũng được ơn cứu rỗi như chúng tôi.
Châu Sa
Ngày 1 tháng 4, 2021
Nguồn: 🔗