Đầu mùa mưa, ở thôn quê (dĩ nhiên VN), người ta hay xách đèn đi soi ếch. Cô hay chú ếch nào nằm im thin thít thì không ai biết ở đâu mà bắt. Chú nào há miệng ọp ọp là dễ bị chụp nhất, từ đó có câu tục ngữ “con ếch chết vì cái miệng”. Không phải con ếch thôi, con người cũng chuốc vạ vào thân (tự chiêu kỳ họa) bằng lời nói. Chúng ta thường nghe câu: “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất” để khuyên răn hoặc nhắc nhở nhau. Sách Châm Ngôn trong Kinh Thánh dạy “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi” (18:21), ngụ ý lời nói có thể đem lại sự sống mà cũng có thể gây ra cái chết cho người và cả cho chính mình. Vì vậy, ca dao khuyên:
Chim khôn tránh bẫy, tránh dò,
Người khôn mở miệng, đắn đo từng lời.
Bộ truyện Tam Quốc Chí ghi lại câu chuyện của Dương Tu phò Tào Tháo. Dương Tu hiểu rộng, biết nhiều, nhưng phải cái bệnh hay khoe kiến thức không đúng chỗ và không đúng người, nên bị giết lảng nhách. Mời đọc chuyện “Cái Lưỡi cắt Cái Cổ” đã đăng trên Nếp Sống Mới, tháng 7-8 năm 2004:
Dương Tu (hay Dương Đức Tổ) là một nhân vật thời Tam Quốc, ngay từ trẻ đã nổi tiếng thông minh, học nhiều biết rộng. Ông cha của Dương Tu làm quan dưới triều nhà Hán, còn ông thì lại phò Tào Tháo nên đã bị mang tiếng là thiếu sáng suốt vì phò trợ không đúng người. Tào Tháo là tay đại gian hùng, tánh đa nghi, chủ trương thà giết lầm hơn là bỏ sót, thà ta phụ người chứ không để người phụ. Dương Tu tuy giỏi giắn nhưng không khôn ngoan, ông đã can thiệp vào chuyện gia đình của Tào Tháo. Nguyên, Tào Tháo phân vân giữa việc lập Tào Phi hay Tào Thực làm thế tử. Dương Tu giúp cho Tào Thực những mánh khóe, bí quyết để được lòng cha. Chừng Tào Tháo biết được thì rất giận Tu. Thêm vào đó, Dương Tu còn khoe khoang kiến thức không đúng lúc, lại phát ngôn bừa bãi càng làm Tào Tháo ghét. Một lần Tháo sai người kiến tạo một vườn hoa. Khi công việc xong, Tháo đến xem, không khen không chê một lời, chỉ cầm bút viết một chữ “hoạt” (活)vào cửa vườn, rồi ra về. Mọi người không ai hiểu gì. Dương Tu giảng: “Chữ ‘môn’ (cửa) có chữ ‘hoạt’ bên trong thì thành chữ ‘khoát’ (闊) (là rộng).” Người ta sửa cho cái cửa hẹp lại và mời Tháo ra xem. Tháo bằng lòng lắm, vui vẻ hỏi: “Ai khéo biết ý ta thế?” Chừng biết chính là Dương Tu, Tháo khen ngợi nhưng trong lòng thêm ghét. Lại một hôm, người vùng Tái Bắc dâng về một hộp sữa, Tháo cầm bút viết lên nắp hộp ba chữ “nhất hợp tô” (一合 酥 ), rồi để trên bàn mà lui vào. Tu bước tới phủ, trông thấy thế, bèn bảo lấy thìa chén, mời các quan ngồi vào cùng ăn hết hộp sữa. Tháo bước ra hỏi sao lại ăn như thế. Tu đáp: - Trên nắp hộp đã viết rõ: “nhất nhân nhất khẩu tô” 一人一口 酥 (mỗi người một hớp sữa), chúng tôi đâu dám trái lệnh thừa tướng? Tháo cười hỉ hả khen Tu vì nhận ra được chữ HỢP 合 chiết tự ra là Nhân Nhất Khẩu 人一口, nhưng lòng càng ghét hơn. Tháo vốn đa nghi, lúc nào cũng sợ có người ám hại, nên thường căn dặn bọn hầu cận: - Trong lúc ta nằm mơ, thường hay nổi nóng giết người đấy. Vậy những lúc ta đang ngủ, các ngươi chớ có lại gần! Một hôm, Tháo ngủ ngày trong trướng, cái chăn đang đắp tụt rơi xuống đất. Một viên hầu cận vội bước lại, kéo chăn đắp lên mình Tháo. Bỗng Tháo ngồi bật dậy, rút gươm chém người ấy rồi lại đắp chăn vào, nằm xuống như ngủ say, không biết gì cả… Độ nửa giờ sau thức dậy, giả bộ hớt hải: “Ai giết người hầu của ta đây?” Mọi người kể lại việc mới xảy ra. Tháo khóc òa lên một hồi, rồi truyền chôn cất người ấy rất long trọng. Ai ai cũng tưởng Tháo vì ngủ mê, hoảng hốt nên giết lầm người hầu. Chỉ riêng Dương Tu hiểu rõ thâm ý của Tháo. Khi đưa đám tang người ấy, Tu trỏ tay vào quan tài lẩm bẩm than rằng: “Không phải thừa tướng ngủ mê đâu! Chính ngươi mới là kẻ mê ngủ! Có kẻ nghe lọt, mật báo với Tháo. Tháo càng căm giận Tu vì thấy Tu biết được lòng dạ của mình, như “đi guốc trong bụng mình” vậy! Bản án tử hình đã treo sẵn mà Tu không nhận ra. Một lần đi đánh trận, quân Tào Tháo bị kẹt tại Tà Cốc, tiến thoái lưỡng nan, dùng dằng không quyết. Một buổi chiều, Tháo đang ngồi buồn bực, thì nhà bếp mang bát thang gà lên dâng. Tháo nhìn trong bát có miếng gân gà, bất giác thở dài một tiếng, chạnh nghĩ đến tình thế gay go lúc ấy mà buồn. Vừa vặn, Hạ Hầu Đôn bước vào xin khẩu hiệu đi tuần trong đêm, Tháo buột miệng nói: “Gân gà! Gân gà!” Dương Tu nghe khẩu hiệu như thế thì bảo quân sĩ thu xếp hành trang, chuẩn bị rút quân. Hạ Hầu Đôn kinh hoảng hỏi thì Tu đáp: “Cứ suy hai tiếng hiệu lệnh “gân gà” thì đủ biết là Vương sắp rút về bất thần đó. Vì cái gân gà không có thịt, dai lắm, ăn chẳng thú vị gì, mà bỏ thì tiếc. Nay, quân ta tiến lên thì không thắng nổi, lùi thì sợ người ta cười, ở đây mãi cũng vô ích, chi bằng rút về cho xong. Ngày mai, thế nào cũng có lệnh ban sư… nên tôi cho thu xếp hành trang gọn ghẽ để lúc lâm hành khỏi lục đục vội vàng. Hạ Hầu Đôn khen: “Ông thật đã hiểu thấu ruột gan của Ngụy vương!” Rồi Đôn cũng cho quân sửa soạn hành trang. Đêm ấy, Tháo bồn chồn rối loạn trong lòng, không sao ngủ được, thân cầm búa sắc, lén đi tuần hành quanh các trại. Khi đến trại Hạ Hầu Đôn, thấy quân sĩ đua nhau sửa soạn hành trang như sắp rút về đến nơi. Tháo giật nẩy mình, triệu Đôn tới hỏi. Được biết đó do ý của Dương Tu. Tháo gọi Tu vào hỏi. Tu đem ý nghĩa cái “gân gà” ra giải đáp. Tháo đùng đùng nổi giận, đập án mắng: “Sao ngươi dám vẽ chuyện, làm rối loạn lòng quân?” Lập tức thét đao thủ phủ lôi Tu ra chém, rồi truyền đem bêu thủ cấp ngoài viên môn làm lệnh!
Châu Sa
Nguồn: 🔗