Chúng ta phải nhớ rằng không phải một số ít mà rất nhiều người sẽ đến với Chúa Giê-su vào Ngày Phán Xét và thật sự tin rằng họ sẽ cho bước vào Vương Quốc Chúa, nhưng trái lại họ sẽ nghe những lời, “Ta không biết các người, hỡi những kẻ gian ác, hãy lui ra khỏi Ta!” (Ma-thi-ơ 7:23). Những người này là ai? Họ có phải là những người theo thuyết duy linh? Họ có phải là những người theo tôn giáo khác không? Họ có phải là người nô lệ cho tà giáo không? Nếu chúng ta nghiên cứu những lời phán này của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ khám phá họ ở ngay giữa vòng chúng ta; họ đến với hội thánh của chúng ta và xưng nhận mình là Cơ Ðốc nhân. Ngài bắt đầu phán: “Không phải hễ ai nói với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ đều sẽ vào Nước Thiên Ðàng đâu, nhưng chỉ những người làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời” (Ma-thi-ơ 7:21). Chúa Giê-su xác định rõ những người tuyên bố Ngài là Chúa. Tại sao “Chúa” được lặp lại hai lần trong câu này? Một lần nữa, như tôi đã nói, nếu một từ hay câu được lặp lại hai lần trong Kinh Thánh, thì đó không phải sự tình cờ. Trước giả đang truyền đạt sự nhấn mạnh. Tuy nhiên, trong các trường hợp như thế này, thì đó không chỉ là sự nhấn mạnh mà còn có cả cường độ cảm xúc. Ví dụ, khi tin tức đến tai vua Ða-vít rằng con trai ông bị giết bởi quân đội của Giô-áp, ông phản ứng vô cùng thảm thiết, “Trong khi đó, vua trùm mặt, khóc than lớn tiếng: “Ôi, con ơi! Áp-sa-lôm, Áp-sa-lôm, con ơi, con ơi!” (2 Sa-mu-ên 19:4). Chắc chắn Ða-vít đã không nói các từ chính xác “con trai ta” hai lần, nhưng sự đau buồn của ông quá đau đớn, đến nỗi Kinh Thánh đã lặp lại các từ này để độc giả nắm được độ nhấn trong cảm xúc của Ða-vít. Tương tự, Chúa cho thấy rằng những người này nói với Ngài rất quả quyết. Họ không chỉ đồng ý với sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, Con của Ðức Chúa Trời; họ còn dồn cả tâm tư và tình cảm mình vào niềm tin đó. Chúng ta đang nói về những người rất phấn khởi làm Cơ Ðốc nhân, chắc chắn họ là những người rất nóng cháy làm chứng về đức tin của mình. Họ không chỉ cảm nhận sâu sắc chính nghĩa của Chúa Giê-su, mà còn tham gia phục vụ Ngài: “Trong ngày Phán xét sẽ có nhiều người phân trần: “Thưa Chúa, chúng tôi đã giới thiệu Chúa cho nhiều người, đã dùng Danh Chúa đi đuổi quỷ và làm nhiều phép lạ.” (Ma-thi-ơ 7:22 - BDY) Bản Diễn Ý chuyển tải được rõ nhất, rằng những người này không phải là người ngoại. Họ trực tiếp tham gia vào hoặc hỗ trợ công việc của các hội thánh của họ. Họ cũng bênh vực niềm tin của họ về tin lành - “Chúng tôi đã giới thiệu Chúa cho nhiều người.” Về thực chất, họ cũng góp phần thay đổi đời sống người khác. Bản Diễn Ý này dùng chữ “hàng ngàn người.” Tuy nhiên, phần lớn các bản dịch dùng từ “nhiều.” Chữ Hy Lạp là polus, được định nghĩa là, “nhiều, số lượng, lượng,” và chữ này thường được dùng theo nghĩa “đa số.” Trong bất cứ trường hợp nào, Chúa Giê-su không nói đến một số nhỏ, mà là một số lớn người - đúng vậy, rất có thể là đa số người đang có mặt ở đó. Chúng ta hãy tóm tắt: Chúa Giê-su đang nói về những người tin những lời dạy của tin lành - họ gọi Ngài là Chúa, họ dồn hết cả tâm tư và tình cảm của mình vào đó, rao truyền sứ điệp và năng nổ hầu việc Chúa. Chúng ta rất dễ xem họ là những Cơ Ðốc nhân thật. Vậy thì nhân tố phân biệt là gì? Họ khác với các tín hữu thật như thế nào? Chúa Giê-su nói cho chúng ta biết, “Nhưng Ta sẽ phán cùng họ rằng: ‘Ta không biết các người, hỡi những kẻ gian ác, hãy lui ra khỏi Ta!’” (Ma-thi-ơ 7:23). Câu tuyên bố chìa khóa là “những kẻ (làm điều) gian ác.” Trước tiên, thế nào là gian ác? Ðó là chữ anomia trong tiếng Hy Lạp. Từ điển Thayer’s Greek Dictionary định nghĩa chữ này là, “Tình trạng không có luật pháp, vì cớ thiếu sự hiểu biết về luật pháp hoặc vì cớ vi phạm luật pháp.” Nói đơn giản, một người gian ác (không có luật pháp) không tuân theo thẩm quyền của Lời Chúa. Họ thường xuyên phạm tội mà không có sự ăn năn thật. Người này là người thờ hình tượng thời hiện đại. Vì thế, sự gian ác là một hình thức của chất diệt siêu nhân. Những người nam, người nữ này không phải thỉnh thoảng mới phạm tội. Mà, họ có thói quen né tránh, phớt lờ, bỏ qua và không vâng theo Lời Chúa. Họ sống một đời sống tội lỗi - một số thì chỉ tin một phần của Kinh Thánh nói thế nhưng không phải thế, số khác thì nghĩ nhiều câu Kinh Thánh không liên hệ gì đến thời nay, còn đa số thì tin rằng họ được che phủ bởi một thứ ân điển không có nói trong Kinh Thánh. Tôi tin một trong những lí do họ tiếp tục sống trong tội lỗi là vì các mục sư chưa bao giờ phơi bày lối sống của họ qua việc kêu gọi họ ăn năn thật. Họ không được dạy là không thể đem những sự thờ thần tượng vào trong mối quan hệ giao ước với Chúa Giê-su. Nếu thật sự được cứu bởi ân điển, thì họ không chỉ loại bỏ suy nghĩ như thế mà còn chọn để tránh xa tội lỗi cố ý. Họ sẽ đóng đinh xác thịt cùng với những đam mê và dục vọng của nó, và theo đuổi phẩm hạnh tin kính và đời sống bông trái. Ðây là dấu hiệu của một tín hữu thật. Thật lí thú khi để ý Chúa Giê-su tuyên bố: “Ta không biết các người.” Chữ “biết”trong tiếng Hy Lạp là ginosko, có nghĩa, “biết cách thân mật.” Họ chưa bao giờ có mối quan hệ thật với Ngài. Dù họ gọi Ngài là “Chủ” và là “Chúa,” đó chỉ là một danh xưng, vì họ không vâng lời Ngài. Bằng cớ của một người thật sự có mối quan hệ với Chúa là họ giữ Lời Ngài: Nhờ điều này chúng ta biết rằng mình đã biết Ngài: Ấy là chúng ta tuân giữ các điều răn của Ngài. Người nào nói: “Tôi biết Ngài”, nhưng không tuân giữ các điều răn của Ngài là người nói dối, chân lý không ở trong người đó. (1 Giăng 2:3-4) Lời tuyên bố này hoàn toàn phù hợp với cách mà Chúa Giê-su bắt đầu toàn bộ bài giảng này: “Thế thì, các con nhận biết người ta là nhờ quả của họ” (Ma-thi-ơ 7:20). Các “quả” mà Chúa Giê-su nói không phải là sự phục vụ Chúa, không phải việc rao giảng tin lành, không phải việc đi nhà thờ, vì những người quay lưng với Chúa cũng có những đặc điểm này. Ngày nay, đa số chúng ta xem một người gọi Giê-su là “Chúa,” tin các sự dạy dỗ của Ngài, dồn cả tâm tư và tình cảm của mình vào đó, và năng nổ tham gia vào sự phục vụ Chúa là một con cái Chúa. Nhưng qua những lời này của Chúa Giê-su chúng ta thấy rõ đây không phải là những nhân tố quyết định trong việc xác định một tín hữu thật. Hãy để tôi trình bày điều đó thế này: Chắc chắn bạn sẽ thấy những đặc điểm này trong một tín hữu thật. Ðúng vậy, một người không thể nào là một tín hữu thật nếu không có những đặc điểm trên. Tuy nhiên, có những đặc điểm này không có nghĩa họ là con cái Chúa thật. Câu hỏi quyết định là; họ đã ăn năn tội lỗi cố ý và hết lòng vâng lời Ngài chưa? Chìa khóa quyết định là đây: Họ có xem lời Ngài, “Hãy đi và đừng phạm tội nữa” là việc tùy ý hay việc bắt buộc (xem Giăng 5:14)?” Những Người Rao Giảng?
John Bevere ( Giải Độc Siêu Nhân)