Bây giờ chúng ta hãy xem các hậu quả lâu dài dành cho các mục sư hay những người rao giảng tin lành. Sự phán xét được tuyên bố trong Kinh Thánh dành cho một người đã được giao thác Lời Chúa nhưng họ không rao giảng những khía cạnh mang tính chất đối chất của lẽ thật thì thật là nghiêm khắc. Hãy đọc kỹ lời cảnh báo này khi Chúa nói với các sứ giả của Ngài: “Khi Ta phán với kẻ ác rằng: Ngươi chắc sẽ chết nhưng ngươi không cảnh cáo nó, không nói lời cảnh cáo kẻ ác để nó tránh con đường ác hầu được sống. Kẻ ác đó sẽ chết vì tội lỗi nó nhưng Ta sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi. Nhưng nếu ngươi cảnh cáo kẻ ác mà nó không từ bỏ điều ác cùng đường dữ, nó sẽ chết vì tội lỗi nó, nhưng ngươi được thoát mạng. Khi một người công chính từ bỏ công chính và phạm tội; Ta sẽ đặt chướng ngại trước mặt nó và người ấy sẽ chết vì tội lỗi. Nhưng ngươi không cảnh cáo nó; việc công chính người ấy đã làm sẽ không còn được nhớ đến, nhưng Ta sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi. Nếu ngươi cảnh cáo người công chính đừng phạm tội; người ấy không phạm tội nên sẽ sống vì đã nghe lời cảnh cáo, còn ngươi được thoát mạng.” (Ê-xê-chi-ên 3:18-21) Xin hãy quan sát số lần xuất hiện chữ “cảnh báo” trong các câu trên. Hãy để tôi hỏi một câu thành thật với các mục sư, các lãnh đạo và tất cả các tín hữu, vì tất cả chúng ta được giao sứ mạng làm chứng cho những người hư mất và hãy dùng tình yêu thương mà phơi bày ra những người nào còn sống trong tội lỗi. Bạn có muốn bị quy trách nhiệm về những người mà bạn khiến họ tin rằng họ đã được Chúa tha tội rồi, nhưng thực tế thì không phải, bởi vì bạn không cảnh cáo họ quay lưng khỏi tội lỗi cố tình? Họ sống dưới danh nghĩa là đã được cứu rồi, nhưng vì thiếu đi lời cảnh cáo nên họ cứu sống trong tội lỗi và vào “Ngày Phán Xét,” họ sẽ nghe tiếng, “Hãy lui ra khỏi Ta.” Phải chăng đây là lý do sự rao giảng tin lành đích thực là “Dùng tất cả sự khôn ngoan để cảnh cáo mọi người, dạy dỗ mọi người, ngõ hầu chúng tôi trình diện mọi người cho Ðức Chúa Trời như những người trưởng thành trong Chúa Cứu Thế” (Cô-lô-se 1:28). Chúng ta không chỉ dạy mà còn phải cảnh cáo nữa. Hãy suy nghĩ về điều mà Chúa nói rõ ràng ở những câu trên: “Ta sẽ bắt ngươi chịu trách nhiệm cho cái chết của họ.” Bạn có bao giờ suy nghĩ đến sự thật rằng chúng ta sẽ nhận thức về sự bỏ bê của chúng ta suốt cả cõi đời đời không? Ê-sai bảo chúng ta rằng trong trời mới và đất mới, “Từ ngày trăng mới này đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát này đến ngày Sa-bát nọ, mọi người sẽ đến thờ phượng trước mặt Ta. Họ sẽ đi ra và thấy xác của những người phản loạn cùng Ta; vì giòi bọ trên chúng nó sẽ không chết, lửa thiêu chúng nó sẽ không tàn và chúng nó là vật ghê tởm cho mọi người.” (Ê-sai 66:23-24) Bạn có nghĩ những người “bị quy trách nhiệm” sẽ quên mất rằng những người bị đốt trong hồ lửa vì họ bỏ qua không cảnh cáo những tín đồ tội lỗi sao? Nếu triết lý của chúng ta chỉ là người ta thế nào thì chấp nhận họ thể ấy, trình bày ơn cứu rỗi bằng cách cầu nguyện lời “cầu nguyện tin Chúa” mà không có sự ăn năn, qua đó tạo cho họ một hy vọng giả tạo là sẽ được về thiên đàng, thì chúng ta nghĩ hậu quả sẽ ra sao? Chúng ta đã mang lại cho những người nghe một sự an ninh giả tạo và triệt tiêu động lực để họ ăn năn thật. Chuyện này vẫn cứ tiếp diễn mà không ai cảm thấy vô cùng kinh khiếp khi quan sát những người mà chúng ta đã dẫn đi sai lạc. Hãy nhớ những lời chắc nịch của Phao-lô, “Vì thế, hôm nay tôi xin thưa rằng tôi trong sạch, không phải chịu trách nhiệm về máu của một ai. Vì tôi đã công bố cho anh em biết tất cả ý định của Ðức Chúa Trời, không giữ lại điều gì” (Công Vụ 20:26-27). Phao-lô biết rõ điều Chúa đã nói qua Ê-xê-chi-ên cho tất cả những người rao giảng Lời Ngài. Nếu chúng ta không công bố các đường lối Ngài, chúng ta sẽ chịu trách nhiệm - đó sẽ là lỗi của chúng ta. Ðây có thể là lí do mà Gia-cơ viết cho chúng ta: “Thưa anh chị em, trong anh chị em không nên có nhiều người làm thầy vì biết rằng mình sẽ bị xét đoán nghiêm khắc hơn.” (Gia-cơ 3:1) Những lời này được ghi trong Kinh Thánh không phải để cho chúng ta phớt lờ hay xem nhẹ. Chúa kêu nài chúng ta đừng đơn giản hóa lời của Ngài, đừng xem nhẹ lời kêu gọi của Ngài là hãy ăn năn tội lỗi cố tình. Ngài nói điều này là vì cớ các lãnh đạo hội thánh cũng như tín đồ. Ngài yêu chúng ta, nhưng Ngài là Ðức Chúa Trời thánh khiết và Ngài không thể dung chịu bản chất tội lỗi trong sự hiện diện của Ngài. Ngài đã mở một lối thoát; Ngài đã trả một giá cao cho sự giải cứu của chúng ta lẫn cho sự thêm sức của Ngài để chúng ta bước đi tự do khỏi tội lỗi. Chúng ta sẽ trốn thoát sự phán xét thế nào nếu chúng ta bỏ qua không giảng dạy hay tiếp nhận ơn cứu rỗi lớn dường ấy? Có đáng cho chúng ta để bỏ bớt những gì mà Kinh Thánh Tân Ước kêu gọi rõ ràng trong lời kêu gọi người ta tin Chúa không? Những lời kết luận trong sách cuối cùng của Tân Ước có ghi, “Còn ai bớt lời nào trong sách tiên tri này, thì Ðức Chúa Trời sẽ cất phần của kẻ ấy trong cây hằng sống và thành phố thánh mà sách này đã ghi.” (Khải Huyền 22:19). Làm sao chúng ta có thể phớt lờ lời cảnh báo này? Làm sao chúng ta có thể không chia sẻ cho những thân hữu rằng bước đầu tiên để đến với sự cứu rỗi thật đó là ăn năn tội lỗi? Chúng ta có nghĩ mình biết nhiều hơn Chúa không? Chúng ta có nghĩ giúp một thân hữu trở lại đi nhóm và có thể trong tương lai họ được thuyết phục quay lưng khỏi tội lỗi là quan trọng hơn sao? Nhưng thực tế là nếu người này được dạy là họ đã được cứu bởi vì họ đã cầu nguyện tin Chúa và được chào đón vào “gia đình Chúa,” thì sau đó họ đâu có cảm nhận là cần phải ăn năn? Họ đã “vào” trong Chúa rồi và đã được “che phủ bởi ân điển.” Charles G. Finney là một nhà truyền giảng tuyệt vời. Chức vụ của ông rất quyền năng đến nỗi trong một trường hợp nọ cả thị trấn hay toàn bộ thành phố Rochester, New York, đã phải ngừng công việc hàng ngày vì cớ ảnh hưởng quyền năng từ các buổi nhóm của ông. Có những lần ông giảng sự ăn năn tội lỗi và nhấn mạnh sự cứu rỗi với khán giả của ông hết đêm này tới đêm khác tới khi những thân hữu này đứng dậy khỏi hàng ghế. Ông chưa cầu nguyện cho thân hữu được cứu. Cuối cùng, sau vài buổi nhóm tối, ông sẽ nói thế này: “Nếu anh chị em suy nghĩ mốn trở thành một Cơ Ðốc nhân, thì sau buổi nhóm tối nay chúng tôi sẽ sắp xếp có người sẽ hỏi kỹ anh chị em.” Cả hàng ngàn ngàn người được cứu trong các buổi nhóm của ông, và lịch sử cho thấy hơn chín mươi phần trăm những người tin Chúa qua ông vẫn còn giữ vững đức tin. Ngày nay, các thống kê tương tự thì thấp hơn nhiều. Thành công của ông thật là lớn lao bởi vì ông bám sát những gì Tân Ước dạy; ông biết phương pháp của Kinh Thánh là tốt nhất!
John Bevere (Giải Độc Siêu Nhân)