Sống trên đời, khi đối diện với tương lai bất định, người bình thường ai cũng có những điều khiến mình phải lo âu. Trẻ con dưới 5 tuổi thường sống vô tư, “ăn chưa no, lo chưa tới”. Mọi nhu cầu thể chất có cha mẹ lo cho. Chúng chỉ kêu lên khi cần. Khi chưa biết nói thì biết khóc. Khóc lúc đói, lúc khát, lúc thấy khó chịu trong mình. Chừng tới tuổi đi học là bắt đầu lo. Càng thêm tuổi là càng thêm lo. Thiếu nữ mới lớn bắt đầu yêu, lòng dạ như Thúy Kiều “Ngổn ngang trăm mối bên lòng”.
Trong gia đình, thường những người nữ lo nhiều hơn nam (có lẽ do bản năng làm mẹ, cần nhạy cảm với nhu cầu của con trẻ), con trưởng lo nhiều hơn con thứ nên chúng ta thường thấy chị Hai thường lo xa, còn cậu Út giỏi lo.. ra. Con gái trưởng như chị Hai, quán xuyến gia đình, lo cho cha mẹ, lo cho các em, nên có câu tục ngữ: “Ruộng sâu, trâu nái, không bằng có con gái đầu lòng” và câu ca dao:
Một mình lo bảy, lo ba,
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên.
Có đứa con biết lo, cha mẹ thấy mừng, ngược lai, cha mẹ thấy “mệt” với đứa con không biết lo.
Bạn tôi có kinh nghiệm mừng và mệt này rất rõ. Đứa con gái lớn biết lo, làm bài, học bài cẩn thận từ buổi chiều trước. Cháu xem trước bài cô thầy sẽ giảng ngày mai. Cặp sách đi học, quần áo đã được chuẩn bị sẵn sàng trước khi cháu đi ngủ. Còn cậu Út, vì được cưng chiều, nên thường gặp “nước tới trôn mới nhảy”. Sáng nào cậu cũng hối hả đi tìm cái cặp sách, tìm cây viết, lọ mực, sách vở…
Lo thường chia làm 2 loại, có cái lo tích cực và cái lo tiêu cực:
Những cái lo tích cực giúp mình giải quyết vấn đề: lo liệu, lo nghĩ, lo tính, lo toan, , lo xa…
Những cái lo tiêu cực không giải quyết được gì mà còn hại sức khỏe: lo âu, lo buồn, lo lắng, lo phiền, lo rầu, lo sợ… như câu tục ngữ “Lo bạc râu, rầu bạc tóc”, “Lo nát gan, bàn nát trí”.
Tuy nhiên, có những cái lo lẩm cẩm, vô ích là “lo bò trắng răng”, có cái lo vi phạm luật là “lo lót”. Trong truyện Lục Vân Tiên, tác phẩm của cụ Đồ Chiểu, chúng ta thấy “lo lừa” trong câu 1007-1008 “Ngư ông đã có công đưa, Tới ngày sau sẽ lo lừa đền ơn.” “Lo lừa” là tiếng xưa, có nghĩa như “lo liệu”.
Sách xưa có dạy: “Người không lo xa, ắt có mối phiền gần” (Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu 人無遠慮, 必有近憂 ), Lê Văn Bình dịch thơ:
Làm người chẳng biết lo xa,
Hẳn là sầu muộn xảy ra cũng gần.
Lo xa một cách có ý thức thường hữu ích, nhưng lo quá xa vời như có người tích trữ tài sản để sống tới ngàn năm. Một nhà thơ vô danh viết “Sinh niên bất mãn bách, Thường hoài thiên tuế ưu” 生年不滿百,常懷千歲憂 Nguyễn Quê dịch thơ:
Sống nào tròn được tuổi trăm,
Thích toan tính chuyện ngàn năm với đời.
Như vậy, chúng ta biết có thứ lo hữu ích cần giữ, và có thứ lo gây tai hại cần tránh.
Chúa Giê-su biết chúng ta có trăm ngàn mối lo cho tương lai, nên có lời khuyên: “Chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy” (Ma-thi-ơ 6:34). Chúng ta chi bằng trao gánh lo quá nặng cho Chúa: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các con được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28), và dốc lòng “tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài” (Ma-thi-ơ 6:33).
Ông Phao-lô cũng có giải pháp giải quyết ưu phiền: “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6).
Châu Sa
Nguồn: 🔗