Vào thập niên 1960, tại Sài-gòn, bác sĩ Nguyễn Tuấn Phát có viết một bộ sách tên là “Một Vài Cảm Nghĩ của Người Thầy Thuốc”, trong đó ông có nhắc đến tiêu ngữ “từ từ và đều đều” mà tôi thấy rất tâm đắc.
Khi tôi nấu cháo mà nóng lòng để ăn thì thấy thời gian kéo dài vô tận, nên phải tự nhủ: “từ từ cháo mới nhừ”.
Nhiều lúc mình cảm thấy lòng quá sốt ruột trong một công việc gì muốn thấy kết quả cho mau, nên phải dừng chân lại, chậm tay lại, tự nhủ: từ từ, từ từ.
Khi mình dễ chán, mau bỏ cuộc, thì tự nhủ: cần phải đều đều, đều đều.
Đã từ lâu, “từ từ và đều đều” trở thành tiêu ngữ (slogan) nhắc nhở tôi sống mỗi ngày.
Thực vậy, muốn an hưởng tuổi vàng, chúng ta cần chẫm rãi, thong thả, huỡn đãi, khoan thai … mà tránh gấp gáp, hối hả, vội vã, bươn bả…
Cần ăn uống chậm lại vì ăn nuốt mau sẽ dễ nghẹn, uống mau dễ bị sặc. Đi chậm vì đi mau dễ té ngã. Nói chậm lại vì nói nhanh sẽ nói lộn, nói liệu, nói lắp, nói lái.
Điều quan trọng nữa là cần chậm giận. Trước khi nói tới châm giận, chúng ta thử tìm hiểu loài máu nóng và loài vật máu lạnh. Loài máu lạnh như loài bò sát, như cá, rắn thì ngày nay gọi là động vật “biến nhiệt” (poikilotherm), nhiệt độ cơ thể nó thay đổi theo môi trường chung quanh, nên thường mát lạnh. Trái lại, với những loài động vật máu nóng hay “hằng nhiệt” (homeotherm), cơ thể luôn duy trì một nhiệt độ ổn định và thường cao hơn môi trường (do đó gọi là máu nóng) bằng các cơ chế cân bằng nội mô và điều hòa thân nhiệt. Lấy một ví dụ gần gũi nhất chính là con người. Khi lạnh chúng ta run cầm cập, động tác này sẽ làm ấm cơ thể. Ngược lại, khi thời tiết quá nóng, cơ thể sẽ tự động đổ mồ hôi để làm mát. (Nhiệt độ bình thường ở người là 37 C hay 98.6F)
Theo nghĩa bóng con người có “máu lạnh” thì có thể giết người không gớm tay. Còn nếu con người dễ “nóng máu” là dễ giận, dễ nổi nóng, dễ nói hay làm những chuyện tai hại, đáng tiếc. Một vài điều bất bình có thể làm chúng ta nổi giận, “nóng máu”, rồi “sôi máu”, tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng lên, thành mach máu dễ vỡ (nhất là người cao niên). Những cơn sôi máu có thể gây chết người hay gây bại liệt. Cơ-đốc nhân thường tự nhắc mình câu nhắn nhủ của Gia-cơ: “Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (mau nghe là sẵn sàng lắng nghe). (1:19).
Trong bức tâm thư gửi cho tín đồ Ê-phê-sô, ông Phao-lô khuyên: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” (4:26)
Châu Sa
Nguồn: 🔗