Như đã nói trước đây, tâm linh con người trở thành tạo vật mới lúc họ tiếp nhận Giê-su làm Chúa. Họ lập tức được tái tạo theo hình ảnh của Chúa Giê-su. Ðiều này được xác chứng bởi câu nói của sứ đồ Giăng: “Ngài thế nào thì chúng ta cũng như vậy trong thế gian này” (1) Như bạn có thể thấy, Giăng phân biệt các tín đang ở trên đất này và tín hữu đã đi nhận phần thưởng của mình. Một người thật sự được tái sinh bởi Thánh Linh đã được làm cho trọn vẹn trong tâm linh ngay bây giờ và ngay trên đất này. Sau khi tâm linh chúng ta được cứu, thì tiến trình cứu rỗi phần hồn bắt đầu.
Như đã chỉ ra trước đó, hồn gồm có tâm trí, ý chí và tình cảm. Hồn chúng ta được cứu hay biến đổi bởi Lời Chúa và sự vâng lời của chúng ta đối với Lời Ngài. Sứ Ðồ Gia-cơ khẳng định điều này khi nói, “Thưa anh chị em thân yêu, hãy ý thức điều này... Vì thế, hãy bỏ tất cả những điều ô uế, gian ác đang lan tràn, lấy lòng mềm mại nhận lấy lời Chúa đã trồng trong anh chị em, là lời có khả năng cứu rỗi linh hồn anh chị em. Hãy thực hành Lời Chúa, đừng tưởng chỉ nghe là đủ mà tự lừa dối mình.” (2) Ðiều quan trọng cần để ý là liên quan đến sự cứu rỗi phần hồn, Gia-cơ đang nói với anh chị em, không phải người không tin. Ông nhấn mạnh việc nghe lẫn làm theo Lời Ðức Chúa Trời. Hồn là phần duy nhất của con người mà mức độ được cứu là do chúng ta quyết định. Chúng ta hợp tác qua việc nghe và làm theo Lời Chúa, là việc sẽ đẩy nhanh tiến trình này. Còn ngược lại, chúng ta sẽ làm chậm tiến trình cứu rỗi qua việc xem thường những gì Chúa phán. Sự biến đổi phần hồn của chúng ta rất quan trọng đối với việc chúng ta là một tín hữu kết thúc tốt đẹp.
Cuối cùng, có một phần sau cùng của chúng ta cần phải được cứu: thân thể. Hãy đọc kỹ những gì Phao-lô viết về vấn đề này. Vì chúng ta biết rằng nếu trại tạm trú của chúng ta dưới đất bị hủy diệt, chúng ta còn có nhà vĩnh cửu ở trên trời là nhà do Ðức Chúa Trời xây dựng chứ không phải do loài người làm ra. Thật vậy, chúng ta than thở trong trại tạm trú này, mong ước mặc lấy nhà trên trời. Khi đã mặc lấy thì không bị trần truồng. Còn sống trong trại tạm trú bao lâu, chúng ta còn than thở não nề, không phải vì chúng ta muốn lột bỏ nó nhưng muốn mặc thêm vào để cái chết bị sự sống nuốt đi. Ðấng đã chuẩn bị điều này cho chúng ta chính là Ðức Chúa Trời, Ngài cũng ban Ðức Thánh Linh cho chúng ta làm bảo chứng. Vì thế, chúng ta luôn luôn tin tưởng và biết rằng khi nào còn sống trong nhà của thân xác thì chúng ta xa cách Chúa. Vì chúng ta sống bởi đức tin, chứ không phải bởi điều mắt thấy. Chúng ta tin tưởng và mong ước rời khỏi thân xác để về nhà với Chúa thì tốt hơn. (3)
Ðọc những lời này mang lại cho chúng ta hy vọng lớn lao và thậm chí làm sạch tâm hồn chúng ta. Ðể ý Phao- lô không chỉ nói đến mà ông còn tập chú vào sự thật là chúng ta sẽ có thân thể đời đời. Ở một chỗ khác ông nói, “Vì sự hư nát này phải mặc lấy sự không hư nát và sự hay chết sẽ mặc lấy sự bất tử” (4) . Thân thể chúng ta sẽ không khác gì thân thể của Chúa Giê-su, vì Kinh Thánh nói, “Vì nếu chúng ta kết hợp với Ngài trong sự chết giống như sự chết của Ngài thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ kết hợp với Ngài trong sự sống lại của Ngài” (Rô-ma 6:5). Và, “Các con yêu dấu! Giờ đây chúng ta là con cái Ðức Chúa Trời. Còn chúng ta sẽ như thế nào thì chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài vẫn hiện hữu.”(5) . Chúng ta hãy xem thân thể của Chúa Giê-su sau khi Ngài sống lại. Bất cứ đặc điểm nào thân thể vật lý của Ngài có, chúng ta sẽ có một khi chúng ta kinh nghiệm sự cứu chuộc thân thể. Chúng ta hãy bắt đầu với những gì xảy ra ngay tại ngôi mộ vào buổi sáng Ngài sống lại. Mary Magdalene phát hiện ngôi mộ trống trước hết và than khóc, nghĩ rằng thân thể Chúa đã bị ai trộm. Cô nhầm Ngài là người làm vườn. Vì thế Ngài có một cơ thể rất giống với cơ thể chúng ta đang có. Thân thể của Chúa Giê-su không khác với thân thể một người bình thường. Nhưng chúng ta phải hỏi, phải chăng Mary nhìn thấy một khải tượng về tâm linh của Ngài, hay Ngài thật sự có thể xác không? Câu hỏi này được trả lời rõ ràng trong câu chuyện sau khi Chúa Giê-su hiện đến với các môn đồ. Ngài nói, “Tại sao các con hoảng hốt và lòng các con nghi ngờ như thế? Hãy xem tay Ta và chân Ta, vì thật chính Ta đây! Hãy sờ Ta xem!Ma chẳng có xương có thịt như các con thấy Ta có đây!” (6) Chúa Giê-su có thịt và xương. Nên chúng ta cũng sẽ có. Nhưng để ý Chúa Giê-su không nói gì về huyết. Ðó là vì huyết Ngài được rưới lên Nắp Thi Ân của Ðức Chúa Trời. Bây giờ những gì tuôn ra qua tĩnh mạch của Ngài, tôi tin, là sự sống vinh hiển của Ðức Chúa Trời. Chúa Giê-su cũng có thể ăn thức ăn thuộc thể. Ta đọc, “Thấy họ vẫn chưa tin vì vừa vui mừng vừa kinh ngạc, Ngài hỏi: “Tại đây các con có gì ăn không?” Họ đưa cho Ngài một miếng cá khô. Ngài cầm lấy, ăn trước mặt họ” (7) Việc Chúa Giê-su ăn trước mặt môn đồ không chỉ diễn ra một lần. Có hai trường hợp khác được ghi lại: một là ở trong nhà của một người mà Ngài gặp trên đường Em-ma út, và trường hợp kia là khi Ngài nấu bữa sáng cho mười một môn đệ tại bờ biển. Vì thế, trong thân thể đời đời của mình chúng ta có thể ăn uống. Trong thân thể vinh hiển của Ngài, Chúa Giê-su có thể nói, hát, đi bộ, cầm đồ vật và vân vân, giống như một người bình thường, nhưng Ngài cũng có thể đi xuyên qua tường và biến mất trong nháy mắt! Bạn hỏi, “Ngài có xương và thịt nhưng có thể đi bộ qua đường và biến mất được sao?” Vâng, hãy xem điều Giăng ghi lại: “Buổi chiều ngày đầu tuần lễ đó, khi các môn đệ đang họp, các cửa ra vào đều đóng chặt vì sợ người Do Thái, Ðức Giê-su đến đứng giữa họ, phán rằng: “Bình an cho các con!” (8) Trong cuộc gặp với những người thuộc về Ngài, Chúa Giê-su đã bảo Thô-ma đặt ngón tay vào tay Ngài và hông Ngài. Nên một lần nữa ta thấy Chúa Giê-su có xương và thịt. Sao Ngài có thể bất chợt đứng giữa họ, thậm chí khi cửa đang khóa? Ngài đi qua tường và xuất hiện – Ngài xuất hiện cũng dễ như biến mất, điều này cũng được ghi lại. Sau khi Ngài bẻ bánh với những người Ngài gặp trên đường Em-ma-út, chúng ta được biết, “Lúc ấy, mắt họ bừng mở, nhận ra Ngài, nhưng Ngài biến đi,không còn thấy nữa.” (9)
Trong thân thể phục sinh, chúng ta cũng sẽ có khả năng để “biến mất” và “tái xuất” tại một địa điểm khác. Ðiều này giải thích cách chúng ta sẽ di chuyển các quãng đường xa ở trên trời mới và đất mới. Chúng ta sẽ phải làm điều này, bởi vì Thành của Ðức Chúa Trời rộng và dài 1400 dặm, chưa nói đến khoảng cách trong việc đi đến các dải ngân hà khác. Chúng ta cũng có thể nổi trong không khí; nhớ lại việc Chúa Giê-su đã cất lên thiên đàng sau bốn mươi ngày nói chuyện với các môn đồ.
John Bevere (HƯỚNG VỀ CÕI ÐỜI ÐỜI)
1. (1Giăng 4:17)
2. (Gia-cơ 1:19, 21-22)
3. (2Cô-rinh-tô 5:1-8)
4. (1Cô-rinh-tô 15:53)
5. (1 Giăng 3:2)
6. (Luca 24:38-39)
7. (Luca 24:41-43)
8. (Giăng 20:19)
9. (Luca 24:31)