Năm năm trước đây, khi dự một Hội Đồng tại Houston, Texas, tôi tình cờ gặp một người trông tựa như một người quen tôi gặp trong trại tù cải tạo hồi năm 1977. Tôi bước tới, chào anh, xin lỗi, hỏi: “Anh có phải tên Thanh, tôi gặp tại Đồng Bang, lúc đó anh giúp vui cho bạn tù buổi tối bằng hành trình của các nhân vật của Kim Dung không? Anh xác nhận và mừng rỡ gặp lại tôi. Tôi hỏi tiếp: “Và anh có biệt danh là người lắm chuyện?” Anh cười ha hả, đáp “chính xác, chính xác”.
Duyên do như thế này: Đời sống trong trại tù cải tạo rất buồn nản, có người còn có ý định quyên sinh. “Láng” tôi ở may có anh Thanh biết nhiều chuyện, nên mỗi tối anh hay kể chuyện võ hiệp của Kim Dung. Anh đặt tựa như: “Theo bước chân Lệnh Hồ Xung”, “Theo bước chân Trương Vô Kỵ”, “Theo bước chân Vi Tiểu Bảo”… Anh có trí nhớ tốt, có cách kể chuyện hấp dẫn, duyên dáng, đưa chúng tôi vào vùng trời ảo mộng hằng đêm. Chi tiết nào anh không nhớ thì anh chế cho xuôi câu chuyện. Ai cũng biết nhưng ai cũng cười xòa thông cảm. Anh cán bộ trại tò mò, tới gần nghe ngóng chúng tôi làm gì mà quây quần nghe anh Thanh kể chuyện. Nghe mấy lần, thấy vô hại vì không dính gì đến chính trị, không gì là phản động, nên anh để cho chúng tôi có những giây phút thoải mái. Có lần, anh Thanh chế một chi tiết rất buồn cười, mọi người lăn ra cười, ngay cả anh cán bộ cũng cười sằng sặc. Tiếng cười của anh rất đặc biệt, mọi người quay lại nhìn. Anh cười và nói chữa thẹn: “Gớm, anh Thanh nầy thật là lắm chuyện”. Từ đó, anh Thanh có biệt danh là “người lắm chuyện”. Qua giờ kể chuyện, tình cảm của chúng tôi và anh cán bộ được cải thiện rất nhiều. Anh hiểu chúng tôi hơn và chúng tôi mến anh hơn.
Trở về với hiện tại, tôi hỏi anh Thanh: “Lóng rày, anh còn theo bước chân của nhân vật Kim Dung không?”
Anh bước tới, nói nhỏ vào tai tôi: “Từ nhiều năm nay, tôi theo bước chân của Phao-lô”. Tôi thốt: “A, điều này hay nhe. Tôi muốn nghe chuyện này”. Anh nói có việc phải đi, rồi ghi số phôn cho tôi.
Chừng vài tuần sau đó, tôi gọi thăm anh và nói ý tôi muốn biết lý do bây giờ anh theo bước Phao-lô.
Anh thong thả kể:
- Tôi thích đọc sách, nhất là sách truyện. Hồi nhỏ, tôi mê đọc Tây-du ký, tác phẩm của Thi Nại Am, tôi theo bước chân của Đường tăng Tam Tạng. Kế đó, từ năm tôi học Đệ nhị cấp, Trung học, có phong trào đọc truyện võ hiệp của Kim Dung mỗi ngày trên báo. Thời đó, chuyện Kim Dung được nhiều triệu người Á châu mê thích. Những nhân vật chính trong truyện như Lệnh Hồ Xung, Trương Vô Kỵ, Vi Tiểu Bảo được tôi và nhóm bạn bàn thảo, phân tích hằng ngày. Do đó, tôi có những câu chuyện kể cho các anh và từ đó có biệt danh là “Người Lắm Chuyện”.
Sau khi ra khỏi trại tù cải tạo, gia đình tôi vượt biển, tới Hoa Kỳ năm 1987. Chị vợ tôi là tín hữu Tin Lành, giới thiệu cho gia đình chúng tôi tình yêu và chương trình cứu rỗi qua Chúa Giê-su. Sau vài tháng tìm hiểu, chúng tôi tin nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa của đời minh. Sau một thời gian học Kinh Thánh, tôi ngưỡng mộ cuộc đời của ông Phao-lô và muốn theo bước chân ông.
Phao-lô là một con người vĩ đại, trước là môn đồ của Ga-ma-li-ên, một trong những Ra-bi nổi tiếng vào lúc ấy (Công Vụ 22:3).
Là một người Do-thái cuồng nhiệt, Phao-lô nổi bật trong nhóm Pha-ri-si.
Vì ngu muội, Phao-lô đã sử dụng thế lực của mình để bắt bớ môn đồ của Chúa Giê-su. Tuy nhiên khi tiến hành khủng bố hội thánh, ông đã có cơ hội gặp Chúa Giê-su trên đường tới Đa-mách. Trước tiên, ông đã nghe tiếng Chúa Giê-su và mắt ông bị mù (Công vụ 9:1-9). Khi biết rõ Chúa Giê-su đến từ trời, ông được sáng mắt và trở nên một con người mới. Ông trở thành người tin đạo nhiệt tình và Chúa đã đại dụng ông như một sứ đồ. Tôi nghiền ngẫm đời sống của ông và muốn theo bước chân ông.
- Tôi theo bước Phao-lô vì đó là người thật, việc thật. Những người tôi theo bước trước kia chỉ là những nhân vật hư cấu, còn Phao-lô là nhân vật có thật trong lịch sử.
- Tôi theo bước ông Phao-lô vì ông theo bước Chúa Giê-su, như trong thư Cô-rinh-tô thứ nhất ghi: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (11:1).
- Bài học quan trọng mà tôi rút ra khi theo bước Phao-lô là: “Tội nhân nào cũng có tương lai, thánh nhân nào cũng có quá khứ. ” Phao-lô rõ ràng là tội nhân hàng đầu khi chống báng Chúa, nhưng khi Chúa dùng đã cho ông một tương lai xán lạn. Điều này mang hi vọng cho mọi người là không có tội nào quá lớn mà Chúa không thể tha thứ, nếu biết ăn năn, xưng tội. Người đời sau xem ông như Thánh dù ông có một quá khứ quá đen tối khi ông bắt bớ, hành hạ tín đồ của Chúa Giê-su. Chúng ta theo bước chân của Phao-lô thì biết rằng từ tội nhân, chúng ta có thể thành thánh nhân.
- Bài học thứ đến là ân-điển hay ân-sủng. Phao-lô đã phạm tội quá lớn, nếu không do ân điển của Chúa thì ông không thể sống để ăn năn và được phục hồi. Một ân điển nữa là ông được Chúa đại dụng trong công trình thuộc linh của Chúa. Qua đó, ông hiểu được thế nào là thời đại ân điển do Đức Chúa Trời hoạch định, Chúa Giê-su thực thi và Thánh Linh ấn chứng để cứu rỗi thế nhân. Trong các tác phẩm của Phao-lô, ông nhắc nhiều đến ân điển, ông nhiều lần nhấn mạnh là chúng ta được cứu bởi ân điển của Chúa và đức tin của chúng ta chứ không phải bởi việc làm.
- Phao-lô đã đi 3 vòng truyền giáo với hơn 10 ngàn dặm đi chân trên hơn 10 năm, thiết lập nhiều hội thánh.
- Ông để lại di sản tâm linh lớn lao: 13 thư tín gửi cho tín nhân thời đó, nhưng giá trị tinh thần rất lớn vì những lời khuyên dạy của ông hữu ích lâu đời.
- Ông Phao-lô có 2 người học trò ruột là Ti-mô-thê và Tít là 2 vị quản nhiệm Hội Thánh. Trong các thư ông gửi cho 2 người này mà ông xem như con, chúng ta thấy một thứ tình cảm sâu đậm, tha thiết của một cha nhân từ. Những lời dạy dỗ, nhắn nhủ này khiến chúng ta liên tưởng tới tình yêu Đức Chúa Trời đối với con cái bé mọn của Ngài.
- Bài luận về tình yêu thương của ông trong chương 13 thư Cô-rinh-tô thứ nhất là một tuyệt tác. Những đoạn luận về ân tứ Thánh linh rất linh hoạt. Những bông trái Thánh linh như tình thương yêu, sự vui mừng, bình an, nhẫn nhịn, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ làm ấm lòng người nghe, người đọc.
- Tôi học được tinh thần thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ của ông: “Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được” (Thư Phi-líp 4:12).
- Tôi học tinh thần chịu đựng, chịu khó, chịu khổ, chịu cực, chịu đau đớn. Càng hoạn nạn, ông càng kiên trì, nhẫn nhịn; càng bị bắt bớ, đức tin ông càng tăng. Trong khi bị bắt vô tù, ông viết thư an ủi, khích lệ người tín hữu ngoài…tù. Bốn bức thư gửi cho Phi-lê-môn, Hội thánh Phi-lip, HT Cô-lô-se, HT Ê-phê-sô là những “ngục trung thư” quí giá, nhất là thư gửi HT Phi-líp, tràn đầy sự vui mừng, cảm tạ, ngợi khen Đức Chúa Trời. Người trưởng thành trong đức tin giống như bông trái chín tới, càng bị bầm dập, vắt ép càng tiết ra vị ngọt, càng tỏa hương thơm.
Từ khi biết Đấng Christ, cuộc đời ông Phao-lô thay đổi 180 độ. Ông coi mọi sự lời thể chất là sự lỗ tâm linh. Ông sẵn sàng sống cũng như sẵn sàng chết, như qua thư Phi-lip 1:21 “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy. ” Chúng ta có thể nói rằng nếu không có Phao-lô thì phần Tân Ước của Kinh Thánh không phong phú, sống động như chúng ta có hiện nay. Nhờ ông, giáo lý Tin Lành được giãi bày một cách rõ ràng, khúc chiết, súc tích, đầy đủ. Ông xứng danh là một Đại Sứ đồ mà nhiều người xưng tụng.
Châu Sa
Nguồn: 🔗