Kính chào quý độc giả, thính giả,
Ngày Lễ Cha đang về với mỗi một người trong chúng ta.
Chúa nhật thứ ba của tháng Sáu hằng năm là một Chúa nhật được nhiều người mong đợi, nhất là những người con, vì đó là một dịp tiện để họ có thể bày tỏ lòng biết ơn người cha kính yêu của mình.
Nhân ngày Lễ Cha năm nay, xin mời quý vị cùng thưởng thức những vần thơ đầy yêu thương nói về tình cha như là một món quà tinh thần để kính tặng đến những người cha kính yêu ở khắp mọi nơi.
Tình cha con là một mối quan hệ rất mật thiết. Không có người cha nào là không sống vì con và hy sinh cho con. Ngược lại, cũng không có người con nào là không yêu thương, kính trọng cha mẹ của mình, ngoại trừ một vài trường hợp hãn hữu mà thôi.
Xin mời quý vị cùng thưởng thức những vần thơ viết về tình cha của hai Nhà thơ Cơ-đốc rất quen thuộc với độc giả yêu văn thơ khắp nơi, nhất là với độc giả yêu văn thơ Cơ-đốc.
Trước hết, xin mời quý vị đến với thơ viết về cha của Nhà thơ Thanh Hữu.
Thanh Hữu, như chúng ta đã biết là một trong những nhà thơ nổi tiếng trong làng văn thơ Cơ-đốc. Ông đã sáng tác khá nhiều những bài thơ với chủ đề về cha. Những bài thơ về cha của Thanh Hữu gợi lên cho chúng ta nhiều điều rất đáng trân trọng về người cha.
Lo lắng cho con mình sinh ra và lớn lên ở một đất nước cách xa quê hương Việt Nam đến nửa vòng trái đất, sẽ... mất đi gốc gác Việt Nam, nên người cha đã luôn luôn mong ước con mình bằng mọi cách phải giữ gìn được cái cốt cách, cái tinh túy của người Việt Nam trong tâm hồn. Dù như thế nào đi nữa, con cũng phải “bơi về dòng suối ngọt quê hương” là quê Mẹ Việt Nam:
Vừa sinh ra con là công dân Mỹ
Dù da vàng mũi tẹt ở trên thân
Dòng máu Việt trong con vẫn bền bỉ
Được lưu truyền con đừng để lai căn.
Xã hội Mỹ kéo con về với họ
Trong môi trường sống động và giàu sang
Cha mẹ sợ mất con trong văn hóa
Đem con về đặt tên họ Việt nam...
Là cơ phận con quay cuồng theo máy
Trong hướng nhìn theo triết thuyết tây phương
Cha mẹ muốn tâm hồn con nhìn thấy
Kià đông phương trời vẫn sáng lạ thường
Con như cá thả trên dòng nước chảy
Sóng cuồng lưu lôi kéo con xa nguồn
Cha réo gọi con ơi về nguyên thủy
Hãy bơi về dòng suối ngọt quê hương.
(Nói với con)
Không một người cha tin kính Chúa nào mà không mong ước, khát khao con cái mình khi lớn lên sẽ có một đời sống yêu mến Chúa và biết hầu việc Ngài. Con có thể làm ăn thành đạt, có cuộc sống thịnh vượng, giàu sang, công thành danh toại; nhưng với cha, mong đợi lớn nhất dành cho con, đó chính là một đời sống thuộc linh gần gũi, mật thiết với Chúa yêu thương, sống đắc thắng cho Chúa:
Cha khẩn nguyện, với cả lòng mong đợi,
Con là người tin kính Chúa yêu thương.
Biết cậy trông vào Linh Thánh dẫn đường,
Biết vâng phục, bước đi theo Lời Chúa.
Cha vẫn biết, bao khó khăn giăng bủa,
Bao thử rèn, bao cám dỗ chờ con.
Hãy khiêm nhu, tin cậy Chúa hết lòng,
Ngài sẽ giúp ban niềm vui đắc thắng.
Thời gian sống như là một quà tặng,
Chúa sẵn dành trao đặt vào tay con.
Hãy khôn ngoan xử dụng cách hết lòng,
Theo ý Chúa, để đời con mãn nguyện.
Giá trị thật, không phải là phương tiện
Nhưng Tin Mừng, là sự cứu rỗi hồn linh
Ước ao con đi trọn bước linh trình
Sống đắc thắng trong tầm nhìn Thiên Chúa.
(Lòng cha)
Vẫn một dòng chảy về Thiên quốc vĩnh hằng trong tâm thức mà cha hằng mong đợi cho gia đình mình, nên khi con hỏi về quê hương, thì cha đã nhắc nhở con nhớ về quê hương tạm trên đất để đừng quên dòng giống Việt tộc của mình; nhưng hãy tập trung đời mình về quê hương dấu yêu ở trên trời:
Cha ơi,
Sinh ở đây, con là công dân Mỹ,
Mẹ bây giờ có quốc tịch "Cờ hoa"
Anh Hai con thường trú Canada
Chị Ba đã là công dân Pháp quốc.
Các chú bác định cư tại Nhật, Đức
Các cô dì lưu lạc đến Bắc Âu
Cậu mợ con đang sống ở Úc châu
Và như thế quê hương con đâu nhỉ?...
Cơn gió thoảng hoa rơi về gốc mẹ
Trái chín ngon sẽ rụng xuống cội nguồn
Những con ngoan sẽ trở lại quê hương
Để bồi đắp một non sông thương nhớ
Quê trên đất trong cuộc đời tạm bợ
Quê hương Trời vĩnh cữu cõi lai sinh
Cầu Ơn Trên hướng dẫn cuộc hành trình
Con đi trọn về quê Cha Muôn Thuở.
(Quê cha)
Đó là vài nét chấm phá khá đẹp về tình cha trong thơ Thanh Hữu.
...
Còn với Nữ Thi Sĩ Tiểu Minh Ngọc, thì hình ảnh người cha hiện lên trong thơ của cô sống động theo một cách khác.
Với những hình ảnh quen thuộc như ngọn đuốc đêm, như dòng thác đổ, rộng lớn hơn là như cả Biển Đông, Thi Sĩ miêu tả về đời cha thật cảm động qua những dòng lục bát nhẹ nhàng mà thanh thoát:
Nói về cha, là nói về tấm gương sáng của cha để lại cho con cái trong cuộc đời. Bao giờ cũng vậy, người cha luôn là tấm gương sáng về làm việc cần mẫn, vất vả để nuôi sống gia đình. Và bao giờ cũng vậy, người cha tin kính Chúa là người cha luôn biết nhắc nhở con cái yêu mến Chúa, yêu mến lời của Ngài, chứ không chỉ lo chăm lo phần tiền bạc, vật chất mà thôi:
Những ai còn có cha mẹ sống với mình, sống bên mình, đó là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn; nhưng một khi cha mẹ đã qua đời, không còn ở bên mình nữa, thì chỉ còn lại nỗi nhớ niềm thương vô biên về cha mẹ mà thôi.
Nhớ thương ba là nhớ đến cuộc đời lam lũ, vất vả, hy sinh vì gia đình, vì con cái của ba để cho con mình được lớn khôn thành người, để cho con mình được thảnh thơi, tránh được những gai chông trong đời:
Ca dao thường ví sánh công cha to lớn như núi Thái Sơn bên Trung Hoa:
Dù đã thuộc lòng câu ca dao ấn tượng nầy từ hồi còn nhỏ cho đến bây giờ, cũng có lục tìm sách vở để biết về nguồn gốc của ngọn núi nổi tiếng nầy; nhưng có một điều vẫn còn thắc mắc lâu nay, chưa tìm được câu trả lời. Ấy là, chẳng biết lý do làm sao mà cha ông mình lại ví công cha như ngọn núi Thái Sơn ở... tít tận bên Tàu lận, mà không ví với ngọn núi nào ở Việt Nam mình? Việt Nam mình cũng có nhiều ngọn núi đẹp và hùng vỹ mà! Một đất nước được xem là rừng vàng biển bạc với núi rừng bao la và biển cả mênh mông, đẹp đâu thua nước nào trên thế giới!
Tại sao không dùng một ngọn núi tiêu biểu nào đó của nước mình, quê mình mà lại... vay mượn hình ảnh một ngọn núi của nước người ta, cho dù nó có là nổi tiếng đến mấy đi chăng nữa???
Tôi chưa tìm ra được câu trả lời cho đến bây giờ?
Hãy đợi đấy! Trong tương lai, nếu có thì giờ, sẽ làm một cuộc... nghiên cứu về đề tài... hóc búa nầy, và biết đâu sẽ tìm ra được câu trả lời cũng nên!
Nữ Thi Sĩ cũng dùng hình ảnh ngọn núi Thái Sơn ước lệ đó để diễn tả về công cha, và qua đó bày tỏ lòng biết ơn cha của mình. Có thể nói cha dù làm lụng vất vả, mệt nhọc bao nhiêu, cha cũng không nề hà, miễn thấy con cái mình được khôn lớn là mình mãn nguyện, là mình hạnh phúc:
Núi Thái Sơn, ở Trung Hoa huyền bí,
Bao nhiêu người đã ca tụng trong thơ
Núi không cao, nhưng mây trắng mập mờ,
Tạo nên vẻ, hiên ngang và hùng vĩ!
Người ta ví, công cha thật cao quý,
Như Thái Sơn, là núi đẹp vững vàng,
Bởi quá nhiều, công khó nhọc gian nan,
Thật chẳng biết, làm sao mà kể hết!
Con nhớ mãi, những ngày cha mài miệt,
Ráng đi làm, cùng với mẹ nuôi con,
Bao tháng năm, sức khỏe cũng mỏi mòn,
Cha mãn nguyện, khi nhìn con khôn lớn!
(Núi Thái Sơn)
Khi nói về cha, khi nhớ về cha, thì trong ký ức của người con thường nhớ đến những lời khuyên nhủ, nhắc nhở, và dạy dỗ của người cha-những lời khuyên nhủ, nhắc nhở, dạy dỗ mà ta tưởng như không cần thiết; nhưng rồi khi ta lớn lên, ta mới thấy những lời ấy là quan trọng và cần thiết biết bao nhiêu cho cuộc đời của mình:
Tôi nhớ lúc, cha thường hay căn dặn,
"Phải yêu thương, hòa thuận với mọi người,
Trong gia đình, hãy đùm bọc con ơi,
Chớ gây gỗ, mà sanh ra hờn giận!"
Cha còn dạy, phải siêng năng cố gắng,
Ráng học hành, để có được tương lai,
Luôn cậy trông, vào Thiên Chúa mỗi ngày,
Đấng gìn giữ, sẽ an bày mọi việc!
Thêm vào đó, cha lại còn nhắc nhở,
"Phải để tâm, phụ giúp mẹ khi cần,
Có cơ hội, thì hăng hái dự phần,
Đừng phóng túng, ham chơi mà hư đốn!"
Tôi nhớ mãi, dù nay tôi khôn lớn,
Những lời khuyên, những cực nhọc cả đời,
Thật khó mà, đền đáp hết bạn ơi,
Tình phụ tử, mọi đứa con đều biết!
(Ký ức về cha)
...
Nói về tình cha, viết về tình cha, lòng cha, ơn cha, công cha... thì thiết nghĩ có nói đến... Tết Công-Gô cũng chưa thể hết được, vì nó rất bao la như núi, mênh mông như biển. Nhưng dù sao, một số những vần thơ của hai Nhà Thơ trong bài viết nho nhỏ nầy, hy vọng cũng đem đến một chút những tình cảm tốt đẹp, ấn tượng nào đó về hình ảnh người cha đầy yêu thương và đáng kính trong tâm hồn của mỗi một chúng ta.
Cảm ơn hai Thi Sĩ của Chúa đã trải lòng mình qua những vần thơ viết về cha thật thú vị và để lại nhiều suy nghĩ, nhiều nỗi niềm nhớ thương, yêu quý, và kính trọng về người cha cho mỗi một chúng ta.
Kính chúc hai Nhà Thơ được nhiều sức khỏe và có thêm nhiều cảm hứng để tiếp tục làm thơ ca ngợi Chúa qua nhiều chủ đề khác nhau, hầu khích lệ độc giả gần xa trong cuộc sống cũng như trong niềm tin đặt nơi Chúa.
Kính chúc quý vị và các bạn, nhất là những người cha ở khắp mọi nơi một ngày Lễ Cha thật nhiều niềm vui, và ấm áp bên gia đình, con cái và bên những người thân yêu của mình.
Happy Father’s Day 2021!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.