Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 220

Chuyện... Học Trò

(Thân tặng tất cả bạn bè tôi, và tặng tất cả những ai đã và đang là học trò!)

NGHỈ HÈ

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!

Một nét mặt trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.

Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ
Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.

Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót
Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.
(Xuân Tâm)

Đó là bài thơ “Nghỉ hè” nổi tiếng của Nhà Thơ Xuân Tâm, một nhà thơ trong phong trào Thơ Mới vào những năm 30, 40 của thế kỷ trước ở nước ta.

Xuân Tâm tên thật là Phan Hạp, sinh ngày 01/ 01/ 1916 ở làng Bảo An, Huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Đã từng học tại Trường Quốc Học (Huế), đậu bằng Thành Chung.

Xuân Tâm đã xuất bản tập thơ “Lời Tim Non” (1941) vào năm 25 tuổi (trong đó có bài “Nghỉ hè”). Ngoài ra, ông cũng còn có xuất bản hai tập thơ khác là “Hương giữa mùa” và “Hoa cuối mùa” nữa thì phải.

Nhà thơ Xuân Tâm đã qua đời vào năm 2012. Ông là nhà thơ cuối cùng của phong trào Thơ Mới đã từ giã cõi trần gian nầy và ra đi thật xa. Hưởng thọ 97 tuổi.

Tác giả sách “Thi nhân Việt Nam”, đã ghi lại cảm nhận của mình về “Lời tim non” như sau:

“Tôi thấy rõ Xuân Tâm, người học trò Quảng ấy, có phải lòng một cô gái Huế không? Nhưng cảnh Huế cũng là một cô gái và cô gái này đã quyến rũ lòng non trẻ của Xuân Tâm.

Mặc dầu cảnh Huế cơ hồ Xuân Tâm không nói đến, không khí sông Hương núi Ngự vẫn mang mác trong thơ Xuân Tâm.”

Nguyễn Tấn Long trong tác phẩm “Việt Nam thi nhân tiền chiến”, cũng có đoạn viết:

“Lời thơ Xuân Tâm thật hồn nhiên, trong như thủy tinh, sạch như băng tuyết. Đọc thơ ông, tôi cứ ngỡ như chính mình vừa phát thanh lên tiếng nói của lòng mình, và có lẽ của đa số các bạn...khi hồi tưởng lại tuổi học sinh...

...Tập thơ "Lời tim non", không phải là những lời dại khờ trong tình ái, mà là những ý thơ hướng về thế giới của tuổi thơ...” (*)

“Nghỉ hè” của Xuân Tâm đã từng đoạt giải nhất trong cuộc thi của báo "Bạn Đường", vào mùa Hè năm 1941. Nó cũng được giới thiệu trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân.

Bài thơ nổi tiếng nầy cũng được chọn in trong sách giáo khoa của nhà trường ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 để cho các em học sinh học thuộc lòng.

Như thế đủ biết bài thơ có một giá trị như thế nào rồi.

Bài thơ ra đời đã... 80 năm qua, nhưng cho đến nay, nó vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều thế hệ học trò. Có rất nhiều người còn thuộc lòng bài thơ đáng yêu nầy nữa, bởi nó nói rất đúng... tim đen của lứa tuổi học trò.

Có học trò nào mà không sung sướng khi tiếng trống trường bãi khóa vang lên sau giờ học cuối cùng cơ chứ? Sau chín tháng trời miệt mài đèn sách, học học, thi thi, ôn bài, làm bài, trả bài... ,người học trò chỉ mong nghe vang lên tiếng trống bế giảng năm học là lòng mừng vui khôn tả, vì sẽ được trở về miền quê yêu dấu để vui chơi với bạn bè cho thỏa thích. Và mùa Hạ của học trò cũng chính là mùa Xuân, vì đó là mùa của đoàn tụ, của sum họp. Đó chính là tâm trạng chung của mọi lứa tuổi học trò vậy:

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!

Những từ láy “sung sướng”, “hớn hở”, “nhảy nhót” diễn tả được niềm vui sướng tột cùng của tuổi học trò khi mùa Hè về. Có thể nói, mùa Hè là mùa được mong đợi nhất của tuổi học trò, vì họ có đến, không phải chỉ là... ba tháng thôi, mà là đến... chín mươi ngày lận để vui chơi, để nô đùa cho thỏa thích.

Tác giả rất có lý khi không nói “ba tháng”, mà dùng “chín mươi ngày”. Nói “ba tháng” nghe nó... ngăn ngắn thế nào ấy, nhưng nói “chín mươi ngày” nghe nó... dài “đã” làm sao phải không bạn? Đó là một nghệ thuật dùng từ ngữ trong thơ ca của các thi sĩ.

Có thể nói, khi nghe tiếng trống nghỉ hè vang lên sau giờ học cuối cùng là mọi học trò đều vui mừng khôn tả, trăm nét mặt đều như một, có chung tiếng cười rộn rã làm sao. Những lời nói chia tay, nhừng dòng lưu bút đầy lưu luyến, như... chen chúc nhau, như nối tiếp nhau không dứt trong cái giờ khắc chuẩn bị chia tay nhau về quê ấy. Cả đêm như không ngủ được, và cũng chẳng màn ăn nữa, vì cái lòng sung sướng được nghỉ hè đã làm... no bụng luôn rồi, chỉ nôn nao chờ đợi cho trời mau sáng để bước lên tàu về quê mà thôi.

Một nét mặt trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.

Vẫn cách dùng những từ láy khá điêu luyện như “rộn rã”, “chen chúc”, “nôn nao”, Nhà Thơ thể hiện được sự lưu luyến, nôn nao của tuổi học trò trước lúc chia tay bạn bè để về quê nghỉ hè. Ăn làm sao được, không nôn nao làm sao được, khi tác giả đi học xa nhà, xa miền quê Bảo An thân yêu của mình đến cả... 9 tháng trời dài, đến xứ Huế mộng mơ để ở và lo chuyện học hành?

Và ngay sau khi tiếng trống bãi khóa vang lên, kết thúc một năm học, thì học trò liền cất sách, vở, bài làm của mình vào rương, không còn... vướng bận với chúng nữa làm chi, để tất cả tâm trí, tâm hồn mình vào việc vui hưởng... “chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê” cho thỏa thích với bạn bè thân thương ở xóm, ở làng.

Tác giả hình dung những hình ảnh tuyệt đẹp đang chờ đợi mình, nào là cha mẹ ở nhà đang nôn nao chờ đợi con đi học xa về, em út đang ngóng trông anh về từng giây phút. Nào là những hàng phượng vỹ hai bên đường làng với bông nở đỏ rợp trời như đang chờ để đón người đi xa trở về với làng với xóm. Nào là biết bao trái cây ngon ngọt trong vườn nhà đang đợi để có người... thưởng thức. Với những hình dung như thế càng làm cho lòng của cậu học trò thêm háo hức bước lên đường để về quê sớm được giờ phút nào hay giờ phút đó.

Cách Thi Sĩ dùng dấu chấm bất ngờ ngay giữa câu thơ “Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông” cũng là một nghệ thuật, mang một giá trị tu từ rất cao. “Dấu chấm” độc đáo ấy như tách bạch hai khoảng thời gian riêng ra của người học trò: Khoảng thời gian chín tháng miệt mài đèn sách vừa trôi qua và trở thành “cũ”, thành quá khứ, cho vào dĩ vãng. Và khoảng thời gian “chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê” đang ở phía trước với biết bao niềm vui sướng đang đợi chờ:

Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ
Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.

Khổ thơ kết của bài thơ đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc xôn xao đến lạ trong lòng. Người học trò chuẩn bị cho chuyến về quê của mình thật... kỹ lưỡng, để một khi đã bước lên tàu rồi, thì phải chắc chắn là không còn quên thứ gì, không còn thiếu sót thứ gì, nhất là những sách, vở, giấy tờ quan trọng của một người học trò. Hoặc là những... lá thư tình đáng yêu của tuổi học trò. Lỡ quên là... mệt lắm, không có mà sử dụng khi có cần trong công việc, thì... khổ. Quên những lá thư tình thì không có mà đọc lại thì... nhớ người yêu chết mất thôi. Điều nầy cũng cho thấy tính cẩn thận, kỹ lưỡng có cần của một người học trò vậy. Không còn thiếu sót gì cả. Tất cả những gì có cần đều đã được... nhốt hết vào trong rương của người học trò đi học xa nhà. Chiếc rương như là cả... gia tài của người học trò đi học xa. Mọi thứ có cần từ quần áo, sách vở, bút viết, thư từ, hình ảnh, đồ dùng cá nhân... Tất tần tật đều nằm gọn hết trong đó. Tất cả đều được... nhốt hết trong đó, chỉ có một... thứ không nhốt nổi, đó là niềm vui của kỳ nghỉ hè trong tâm hồn của người học trò quá lớn so với chiếc rương nhỏ bé kia mà thôi. “Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui” là một câu thơ mộc mạc, dung dị; nhưng đầy ắp sự xúc động, khó ai có thể diễn tả được hay hơn như thế.

Và một điều khi tạm biệt, khi chia xa không thể nào... thiếu được, đó chính là... cái bắt tay. Thời điểm lên tàu về quê đã đến gần hơn bao giờ hết, và bắt tay bạn bè để chia tay về quê là... công việc cuối cùng.

Câu thơ cuối cùng của bài thơ nói lên một sự hứa hẹn đẹp đẽ, tràn đầy hy vọng của lứa tuổi học trò:

Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót
Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.

Cảm ơn Xuân Tâm đã để lại cho đời, cho người, nhất là cho lứa tuổi học trò một bài thơ tuyệt đẹp. Theo tôi, có rất nhiều bài thơ viết về mùa hè của tuổi học trò; nhưng có thể nói cho đến nay, chưa có bài thơ nào... qua mặt được bài thơ “Nghỉ hè” nổi tiếng nầy của Xuân Tâm.

Theo tôi, chắc có lẽ, cũng còn lâu lắm, mới may chi có ai đó làm được một bài thơ về...nghỉ hè của tuổi học trò hay hơn bài thơ nầy.

Hãy chờ xem, khi nào thì điều... kỳ diệu ấy sẽ xảy ra?

...

Nhắc đến tuổi học trò, tôi nhớ đến một câu Kinh Thánh cũng có đề cập đến... học trò. Câu ấy như sau:

Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi. Ngài đánh thức ta mỗi buổi sớm mai, đánh thức tai ta để nghe lời Ngài dạy, như học trò vậy.” (Sách Ê-sai, chương 50, câu 4) (**)

Một người học trò thì cần phải học hỏi kiến thức nơi thầy dạy cho mình để có một sự hiểu biết nhất định mà sống với người ta cho phải phép, và để giúp đời, giúp người khi bước vào đời trong tương lai. Một người học trò muốn thành công, thì người học trò đó phải có tính siêng năng, cần mẫn trong học tập, một trong những điều biểu hiện tính siêng năng, cần mẫn đó, chính là... dậy sớm để học bài, để làm bài trước khi đến trường học bài mới, tiếp thu kiến thức mới cho mình.

Tôi đã từng thức khuya, dậy sớm để học bài, làm bài từ khi còn là một cậu học trò cho đến khi là một chàng sinh viên. Và cho đến bây giờ, dù đã ngoài 60 tuổi, tôi vẫn còn thức khuya, dậy sớm để đọc, học Kinh Thánh, nghiên cứu Kinh Thánh, lục loại, tìm kiếm sách vở để soạn bài giảng nuôi bầy chiên mà Chúa giao cho mình chăn dắt. “Thức khuya, dậy sớm” như là một thói quen trong đời sống của tôi tự bao giờ rồi vậy. Đó là một... thói quen đáng quý không chỉ của một người học trò, mà còn là thói quen không thể thiếu của một người chăn bầy, một Mục Sư vậy!

Một người tin Chúa cũng vậy, muốn tiến tới trên linh trình theo Chúa, muốn hiểu biết Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn, thì cũng cần phải siêng năng dậy sớm, cần mẫn lắng nghe lời Chúa dạy, chăm chỉ học hỏi lời Kinh Thánh, chứ không có cách nào khác.

Bạn có thể đã lắng nghe nhiều tiếng nói trong cuộc đời mình, lắng nghe những điều dạy dỗ khác nhau từ người nầy, người kia, và những điều đó có thể cũng giúp ích cho bạn nhiều ít trong cuộc sống. Nhưng thưa bạn, những điều đó cũng chỉ có giá trị hữu hạn, tạm thời trong cõi đời tạm nầy mà thôi.

Có một Đấng mà bạn cần dành thì giờ để lắng nghe Ngài dạy, Đấng ấy chính là Đức Chúa Trời. Ngài đang dạy cho bất cứ ai qua lời phán của Ngài là Kinh Thánh. Đó là một tiếng nói rất quan trọng mà bạn cần phải lắng nghe và làm theo để cuộc đời bạn được hưởng sự cứu rỗi, được bình an khi sống trên trần gian tạm bợ nầy; và được bước vào “Miền Vinh Hiển” phước hạnh miên viễn sau khi lìa cõi đời nầy.

Tôi đã lắng nghe được tiếng Chúa phán với mình qua Kinh Thánh và đã đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy Ngài từ bao nhiêu năm qua. Tôi thật sự cảm nhận được một đời sống vui thỏa, phước hạnh khi ở trong Ngài. Và có hy vọng ngập tràn trong tương lai, sẽ được hưởng lấy Nước Thiên đàng mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho người tin Ngài.

Tôi mạnh dạn mời bạn hãy đến với Chúa Giê-xu để lắng nghe lời Ngài dạy qua Kinh Thánh và đem lòng tin nhận Ngài như tôi đã tin nhận, hầu bạn cũng nhận được một đời sống bình an và phước hạnh như tôi đã từng nhận.

Nào, xin mời bạn!

Kính chúc mọi người một mùa hè thật bình an và nhiều niềm vui với những kỳ nghỉ hè đầy ý nghĩa bên gia đình và người thân yêu!

Thành phố Stockton, California, Mùa Hè 2021

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.

(*): Wekipedia (Xuân Tâm)

(**): Những câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Kinh Thánh Bản Truyền Thống (BTT)