Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 224

Chuyện... Bánh Mì

Kinh Thánh: Mi chê 5: 1; Giăng 6: 32-35; 14: 6; Ma-thi-ơ 6: 33 (*)

Kính chào quý độc giả,

Mấy ngày gần đây, tại Viêt Nam, rộn lên câu chuyện về... bánh mì.

Chuyện bắt đầu từ một ông được gọi là cán bộ ở thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa, tên là Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ Tịch Phường Vĩnh Hòa. Hôm 18 tháng 7 năm 2021, ông ta đã xử phạt một anh công nhân tên là Trần Văn Em vì cho rằng anh ta vi phạm Chỉ thị 16 về chống dịch, do đi mua đồ ăn mà người cán bộ nầy định nghĩa đồ ăn đó không phải là lương thực, thực phẩm.

Số là anh công nhân nầy đi mua mấy ổ bánh mì và nước uống về cho người bạn đang bị đau nằm ở nhà. Và trên đường về thì bị xử phạt, vì người cán bộ ấy cho rằng bánh mì không phải là lương thực, thực phẩm, mà chỉ là... đồ ăn.

Thế là câu chuyện về chiếc bánh mì không phải là lương thực, thực phẩm được báo chí và cư dân mạng bàn tán xôn xao khắp nơi với nhiều cung bậc tình cảm cười... ra nước mắt.

Đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy người cán bộ nầy còn có những lời nói hống hách (xưng mầy tao) với người dân, và miệt thị người công nhân kia là đồ trên núi xuống, không biết gì.

Thật là chán ngán cho khả năng, trình độ yếu kém của người cán bộ nầy. Chán ngán hơn nữa là cách ứng xử vô văn hóa của một người được gọi là cán bộ đối với người dân là Chủ của đất nước như thế.

Cán bộ như thế nầy mà còn ở trong bộ máy công quyền thì chỉ có ăn hại của dân và làm khổ cho dân mà thôi!

Thật đáng buồn!

...

Nhân chuyện định nghĩa... chết cười về bánh mì không phải là lương thực, thực phẩm của một người được gọi là cán bộ ở trên, tôi muốn nói chuyện với quý độc giả về... bánh mì.

Bánh mì, một món ăn rất đơn giản của hầu hết mọi người ở hầu như khắp mọi nơi trên thế giới, và hầu như là không ai không biết đến loại món ăn đơn giản, rẻ tiền mà... khoái khẩu nầy.

Bánh mì xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào?

Qua... nghiên cứu thì được biết:

Bánh mì được du nhập vào Việt Nam, và đặc biệt là ở Sài Gòn ngay từ năm 1858, năm bắt đầu cuộc viễn chinh chiếm thành Gia Định của thực dân Pháp. Ban đầu, loại thức ăn này được dân ta nhìn nhận như một món ăn chơi, Dần dần, theo thời gian, bánh mì đã trở thành một trong những món ăn đặc trưng của người Việt.

Bánh mì (bread) là một loại thực phẩm được chế biến từ bột mì hoặc từ ngũ cốc được nghiền ra rồi trộn với nước, và đem nướng. Trong suốt quá trình lịch sử, nó đã được phổ biến trên toàn thế giới và là một trong những loại thực phẩm nhân tạo lâu đời nhất, kể từ lúc ban đầu của ngành nông nghiệp.(1)

Bánh mì là một phát minh của người Ai-cập từ rất lâu đời, hàng ngàn năm trước Công Nguyên.

Năm 1958, bánh mì Hòa Mã là cửa hàng bánh mì đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn.(2)

Chỉ cần bốn thành phần cơ bản là có thể làm ra được bánh mì : bột, nước, muối và men nở.

...

Tại Hoa Kỳ, có một thương hiệu bánh mì do người Việt Nam làm chủ rất nổi tiếng, đó là Lee’s Sandwiches (tên chính thức là Lee's Sandwiches International, Inc.) là một chuỗi nhà hàng bán thức ăn nhanh Việt Nam có trụ sở chính tại San Jose, California, Hoa Kỳ, cũng có các chi nhánh ở nhiều tiểu bang khác và cũng có mặt tại Đài Loan nữa. Ngoài bánh mì là món chính, họ còn bán kèm theo cà phê sữa đá kiểu Việt Nam và một số loại thức ăn khác.

Tính đến năm 2018, Lee's Sandwiches có 59 tiệm bánh mì tại Hoa Kỳ, thuộc các tiểu bang California, Arizona, Nevada, Oklahoma, Oregon, Texas, và Virginia. (3)

Được biết, năm 1980, gia đình ông Lê Văn Bá, quê ở An Giang, Việt Nam, qua Mỹ, định cư tại thành phố San Jose, California. Thời gian đầu, anh Lê Văn Chiêu, người con trai cả của ông Bá, ngoài thời giờ đi học Anh văn, thì đi phụ bán hàng cho một chiếc xe bán thức ăn dạo chung quanh các hãng xưởng ở San Jose.

Năm 1982, cùng với người em là Henry Lê, anh Chiêu lập ra công ty ''Lee Bros.''

Đến năm 2001, Lee's Sandwiches trở thành một trong những hệ thống cửa hàng bán thức ăn nhanh phát triển nhất tại miền Tây nước Mỹ. (4)

Có dịp đến California, đặc biệt là tại thành phố San Jose và Little Saigon, mời bạn thử ghé đến Lee’s Sandwiches để thưởng thức bánh mì và cà phê sữa đá Việt Nam. Chắc chắn bạn sẽ không thất vọng về món ăn, thức uống Việt Nam do người Việt Nam làm chủ tại Mỹ; và bạn sẽ cảm thấy có chút gì đó tự hào về sự thành công trên thương trường của người Việt Nam ở Mỹ.

Thi thoảng, có dịp đến vùng Little Sai Gòn, thế nào tôi cũng ghé lại Lee’s Sanwiches, mua một vài ổ bánh mì ở đó để lên xe cả gia đình cùng... thưởng thức cho... đã thèm. Giá mỗi ổ bánh mì ở Lee’s Sanwiches là từ $5 - $6.

...

Bánh mì cũng đã... từng được ưu ái đi vào thơ ca như những câu thơ sau:

“Đáp tàu khói, về quê ăn tết
Gió bấc đầu mùa gợn sóng đêm
Ôm ổ bánh mì làm gối nhỏ
Đem về cho mẹ với cho em.”
(Kiên Giang)

Mấy câu thơ ngắn ngủi nhưng nói lên được tấm lòng yêu thương của nhà thơ dành cho mẹ và cho em của mình khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả.

Còn Nhà Thơ Phan Thị Vàng Anh thì có bài thơ cho tuổi thơ về bánh mì mà hầu như các em nhỏ không ai là không nhớ. Đó là bài thơ “Mèo con đi học”:

“Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
Chỉ mang một chiếc bút chì
Và mang một mẩu bánh mì con con”

Bánh mì được chọn để đi theo cậu... Mèo con đến trường để làm no cái bụng, có lẽ vì bánh mì gọn nhẹ và tiện lợi nhất.

Bài thơ hay và dí dỏm, nên khiến nhiều cô cậu học trò đều nhớ, đều yêu!

Có một câu ngạn ngữ phương Tây khá hay về... bánh mì được nhiều người biết và sử dụng, ấy là câu:

“Một nửa ổ bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật.”

Câu nói... chuẩn như một chân lý phải không bạn?

Có hàng chục loại bánh mì khác nhau tùy theo loại nhưn bên trong nó. Có thể kể như bánh mì thịt nguội, bánh mì bò kho, bánh mì pate, bánh mì bì, bánh mì xíu mại, bánh mì chả cá, bánh mì phá lấu, bánh mì thịt nướng, bánh mì heo quay, bánh mì dăm bông, bánh mì bơ...

Tôi cũng yêu bánh mì và thích ăn bánh mì, nhất là bánh mì sandwich kẹp với phô mai bò cười của Pháp nướng cho nóng giòn và một tách cà phê kèm theo nữa thì... tuyệt cú mèo.

Nói về chuyện... bánh mì, tôi nhớ đến Kinh Thánh cũng có đề cập đến một loại bánh rất đặc biệt.

Bạn có biết đó là bánh gì không?
Chúa Giê-xu đã từng phán rằng:

Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, Môi se chưa hề cho các ngươi bánh từ trên trời đâu; nhưng Cha ta ban cho các ngươi bánh thật, là bánh từ trên trời xuống. Bởi chưng bánh Đức Chúa Trời là bánh từ trên trời giáng xuống, ban sự sống cho thế gian.Chúng thưa rằng: Lạy Chúa, xin ban bánh đó cho chúng tôi luôn luôn! Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, ai tin ta chẳng hề khát.” (Sách Giăng, chương 6, câu 32-35 - BTT)

Chúng ta đều biết, khi Chúa Giê-xu giáng sinh làm người, Ngài sinh ra tại thành Bết-lê-hem, xứ Do-thái. Bết-lê-hem có nghĩa là “Nhà Bánh Mì” ( House of Bread). Tiên tri Mi-chê đã tiên báo về nơi sinh của Chúa Giê-xu trước khi Ngài sinh ra chừng 700 năm rằng:

Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Đấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng.” (Sách Mi-chê, chương 5, câu 1)

“Ép-ra-ta” trong tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “dư dật”. Cho nên “Bết-lê-hem Ép-ra-ta” có nghĩa là “Nhà Bánh Mì dư dật” vậy.

Bánh mà Chúa Giê-xu nói đến trong những câu Kinh Thánh trên là bánh không ra từ con người trên trần gian nầy, không do con người làm ra như bánh mì hoặc là bất cứ loại bánh nào khác. Bánh do con người làm ra, cho dù ăn no bao nhiêu rồi cũng sẽ đói lại ngay mà thôi. Và bánh do con người làm ra cũng chỉ giúp đem lại sự sống tạm bợ, ngắn ngủi trên trần gian nầy, chứ không thể nào đem lại sự sống lâu dài được cả.

Thức ăn và nước uống là những nhu cầu vật chất cơ bản để con người có thể sống. Không có thức ăn, nước uống, người ta sẽ chết đói và chết khát. Nhiều người trong chúng ta chỉ nghĩ đến những nhu cầu về vật chất, nhưng không quan tâm đến nhu cầu về tâm linh. Điều con người cần biết, nhu cầu vật chất chỉ là tạm thời, nhu cầu tâm linh mới là nhu cầu đời đời. Kinh Thánh không phủ nhận nhu cầu vật chất nhưng nhấn mạnh đến nhu cầu tâm linh là điều mà con người thường lơ là, không quan tâm.

Bánh mà Chúa Giê-xu nói đến ở đây là bánh từ trên trời xuống, và bánh đó đem lại sống cho con người chúng ta, không phải là sự sống tạm bợ của thể xác nầy, mà bèn là sự sống vĩnh cửu cho linh hồn con người.

Người đời thường nói: "Có thực mới vực được đạo", tức có ăn mới tu hành được. Nhưng Kinh Thánh thì dạy ngược lại: "Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa" (Sách Ma-thi-ơ, chương 6, câu 33).

Bánh mà Chúa Giê-xu nói ở đây chính là Ngài. Chúa Giê-xu là bánh của sự sống, bất cứ ai đến cùng Ngài thì sẽ chẳng hề đói, và ai tin Ngài, thì sẽ chẳng hề khát. Bởi vì trong Ngài có đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời cho con người chúng ta (theo ý trong sách Ê-phê-sô, chương 1, câu 3).

Điều đó có nghĩa gì?

Điều đó có nghĩa là không có bất cứ ai trên trần gian nầy, có thể đem lại cho con người sự cứu rỗi linh hồn được. Không có triết lý, hay tôn giáo nào của thế gian có thể làm thỏa mãn được tấm lòng con người. Con người luôn tìm mọi cách để có thể đáp ứng nhu cầu đói khát sâu xa trong tâm hồn của mình nhưng không bao giờ cảm thấy thỏa mãn được cả.

Blaise Pascal, nhà Bác Học nổi tiếng của người Pháp có nói: “There is a God shaped vacuum in the heart of every man which cannot be filled by any created thing, but only by God, the Creator, made known through Giê-xu.” (Tạm dịch: Trong lòng mỗi con người có một khoảng trống mang hình Đức Chúa Trời,mà không thể lấp đầy bằng bất cứ tạo vật nào, mà chỉ có thể là Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa, được bày tỏ qua Chúa Giê-xu).

C. S. Lewis, nhà Thần Học lừng danh người Anh, cho rằng Chúa dựng nên con người để sống chỉ bằng sự sống của Ngài, như người ta tạo ra chiếc xe hơi để chạy bằng xăng, thì không thể chạy bằng thứ nhiên liệu nào khác.

Con người chỉ thật sự sống khi sống trong mối liên hệ với Đấng đã sáng tạo nên mình. Chỉ trong mối liên hệ với Ngài, con người mới có được sự sống và sự sống sung mãn thật sự mà thôi.

Chỉ khi con người có được mối liên hệ đúng đắn, mật thiết với Chúa, con người mới không còn khao khát điều gì khác nữa.

...

Tạ ơn Đức Chúa Trời, tâm hồn tôi đã được Chúa thương xót và lấp đầy khoảng trống bằng chính Đức Chúa Giê-xu, khi tôi mở lòng ra tin nhận Ngài cách đây mấy chục năm rồi. Và tôi thật sự cảm thấy lòng mình được thỏa mãn, không còn mong muốn tìm kiếm một triết lý hay tôn giáo nào khác nữa. Trước khi gặp Chúa và được Ngài lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn, tôi cũng như bao nhiêu người khác, đều mong mỏi, tìm kiếm các triết lý, tôn giáo đến từ thế gian nầy, hầu mong tìm được một chỗ dựa nào đó cho tâm linh của mình. Nhưng kể từ khi tôi được Chúa Giê-xu ngự vào lòng, tâm hồn tôi thật sự được thỏa mãn, bình an, và cuộc đời đầy hy vọng trong Ngài. Tôi không còn mong ước điều gì khác hơn là Chúa Giê-xu nữa.

Một khi mình đã có Chân Lý trong tâm hồn rồi, thì triết lý, tôn giáo không còn là điều cần tìm kiếm nữa. Chính Chúa Giê-xu đã phán: “Ta là đường đi, lẽ thật (chân lý) và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.” (Sách Giăng, chương 14, câu 6)

Bạn có muốn có được một tâm hồn thật sự thỏa mãn, không còn trống vắng trong tâm hồn không?

Xin mời bạn hãy đến với Chúa Giê-xu là Chân Lý bất cứ lúc nào. Chắc chắn Ngài sẽ sẵn sàng lấp đầy sự trống vắng trong tâm hồn bạn!

Tháng 7/ 2021

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu

(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết là trích từ Kinh Thánh Bản Truyền Thống (BTT)

(1): Theo Wikipedia

(2): https://colormanfood.com/blogs/news/banh-mi-viet-nam-theo-dong-thoi-lich-su

(3): Theo Wikipedia

(4): https://www.voatiengviet.com/a/lee-andwiches-12-4-10