Kinh Thánh: Giăng 1: 12; Công vụ các sứ đồ 4: 12; I Ti-mô-thê 2: 5 (*)
Kính chào quý độc giả,
Vào ngày 13/ 7/ 2021 vừa qua, chúng tôi có cơ hội được đến tham quan cây cầu nổi tiếng của nước Mỹ và của cả thế giới, đó là Cổng Cầu Vàng (Golden Gate Bridge), tại thành phố San Francisco, tiểu bang California.
Vài nét về Cổng Cầu Vàng:
Cây cầu được khởi công xây dựng vào đầu năm 1933. Sau chừng 4 năm xây dựng, vào năm 1937, cây cầu được hoàn thành, và trở thành cây cầu treo dài nhất thế giới lúc bấy giờ.
Cây cầu có độ dài là 2,7 km, khoảng cách giữa các nhịp cầu là 1.280 mét, cách mặt nước 67 mét, còn hai tháp cầu có độ cao 230 mét tính từ mặt nước.
Tại sao gọi là Cổng Cầu Vàng?
Tại vì cây cầu được bắc qua Cổng Vàng, một eo biển rộng chừng một dặm (tương đương 1,6 km) nối liền vịnh San Francisco và Thái Bình Dương. Cầu này nối thành phố San Francisco đến Quận Marin, thuộc tiểu bang California.
Kể từ khi hoàn thành đến nay đã có tám chiếc cầu khác có chiều dài... qua mặt Cầu Cổng Vàng. Tuy thế, đây vẫn là cây cầu treo dài thứ hai ở Hoa Kỳ, sau cầu Verrazzano-Narrows ở New York.
Chi phí dùng để xây dựng cầu lên đến 35.000.000 USD.
Strauss là kỹ sư trưởng của công trình xây dựng nầy. Hiện nay, ngay tại gần chân cầu, có một đài tưởng niệm vị kỹ sư nổi tiếng nầy, để mọi người được biết và ghi nhớ công ơn của một vị kỹ sư tài năng và can đảm của nước Mỹ.
Cổng Cầu Vàng là biểu tượng của thành phố San Francisco và cũng là niềm tự hào của đất nước Hoa Kỳ xinh đẹp. (*)
Ngay từ thời còn học Trung Học Đệ Nhất Cấp trước năm 1975, trong chương trình tiếng Anh “English For Today”, tôi đã được học biết về cây cầu nổi tiếng nầy, cũng như biết đến thành phố Chicago lừng danh của Mỹ, và thầm mong ước có một ngày nào đó, nhờ ơn Ông Trời, sẽ được đến tận nơi để chiêm ngưỡng những cảnh đẹp thú vị nầy.
Và mong ước đó đã thành hiện thực sau... 40 năm.
Vào đầu tháng 7/ 2014, tôi được qua Mỹ để tham dự Đại Hội Baptist tổ chức tại thành phố Atlanta xinh đẹp thuộc tiểu bang Georgia. Sau khi dự Đại Hội xong, tôi được một số Hội Thánh mời giảng vào những Chúa nhật sau Đại Hội. Chúa nhật ngày 13 tháng 7 năm 2014, tôi được Mục Sư AQV mời đến thăm viếng và giảng lời Chúa cho Hội Thánh Baptist Chicago, thuộc tiểu bang Illinos. Thế là, tự nhiên tôi được đến ngay tại trung tâm thành phố Chicago sầm uất để được ngắm nhìn vẻ đẹp một cách kỳ lạ của Chicago. Mục Sư AQV chở tôi đi tham quan một số cảnh đẹp tại Chicago, và đi ăn Phở Việt Nam cực kỳ ngon ngay tại trung tâm thành phố.
Cảm ơn tấm lòng tốt của vợ chồng Mục Sư AQV đã dành cho chúng tôi. Nhớ mãi tâm tình của ông bà Mục Sư dành cho... người nhà quê thiệt quê lần đầu đến Mỹ như tôi!
Rồi vào Chúa nhật ngày 20 tháng 7, tôi đến thăm và giảng lời Chúa tại Hội Thánh Sống-Tin-Hy vọng tại San Jose, do Mục Sư KTH làm Quản Nhiệm lúc bấy giờ. Sau ngày Chúa nhật, Mục Sư KTH chở tôi đi thăm Cổng Cầu Vàng theo sự hướng dẫn của Mục Sư NVK.
Phải nói đó là một kỷ niệm đẹp mà tôi không bao giờ quên được trong cuộc đời, vì Chúa đã cho một mong ước từ lúc nhỏ của mình đã trở thành hiện thực.
Cảm ơn sự nhiệt tình và tận tâm của hai vị Mục Sư thân thương: KTH và NVK thật nhiều!
Và ngày 13/ 7/ 2021 vừa qua là lần thứ hai, tôi được trở lại thăm Cổng Cầu Vàng nổi tiếng nầy, sau 7 năm, kể từ lần viếng thăm đầu tiên vào năm 2014.
Thế đấy, trong đời, có nhiều điều quý báu mà Chúa dành cho mình, nhiều khi mình cũng không ngờ được. Chúa quả thật là tốt lành biết bao!
...
Trên thế giới, có nhiều cây cầu nổi tiếng như Cổng Cầu Vàng tại San Francisco. Có thể kể tên như:
Cầu Brooklyn là một trong những cây cầu treo lâu đời nhất ở Mỹ và cũng là cây cầu treo dài nhất thế giới cho đến năm 1903. Cầu kết nối khu Manhattan và Brooklyn bị chia cắt bởi dòng sông East. Khi đến thăm New York, bạn không thể không đến thăm cây cầu độc đáo và thơ mộng nầy.
Cầu Cảng Sydney là cây cầu chính băng qua Cảng Sydney, nối liền khu thương mại trung tâm của thành phố với vùng North Shore ở miền Bắc. Đây là biểu tượng của thành phố Sydney xinh đẹp và của cả nước Úc.
Hầu như du khách nào đến thăm Sydney đều không thể không ghé thăm và chụp hình tại cây cầu nầy để làm kỷ niệm cho chuyến đi của mình.
Cầu Tháp là một trong những biểu tượng của thủ đô London, Anh Quốc, cũng là một cây cầu lừng danh thế giới mà ai cũng mong một lần được viếng thăm. Sở dĩ gọi là Cầu Tháp, vì nó nằm liền với 2 tòa tháp.
Cầu Rialto, ở thành phố Venice, nước Italy, là một trong những cây cầu thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới ghé thăm mỗi năm.
Millau là một cây cầu dây văng bắc qua thung lũng sông Tarn ở miền nam nước Pháp, cũng là một cây cầu xinh đẹp đáng cho du khách mỗi khi đến nước Pháp dành thì giờ để viếng thăm, chiêm ngưỡng.
Ở Nhật Bản có cầu Akashi Kaikyō (cầu Ngọc Trai) nổi tiếng bắc qua vịnh Akashi, nối thành phố Kobe (Honshu) với Iwaya trên đảo Awaji. Cây cầu Ngọc Trai nầy cũng đẹp tầm cỡ thế giới không thua gì những cây cầu vừa kể.
Còn nhiều cây cầu xinh đẹp và độc đáo khác nữa ở nhiều nước khác, nhưng chưa thể nào kể ra được trong bài viết ngắn ngủi nầy.
Ước ao có ít nhất một lần trong tương lai, người viết bài nầy sẽ có cơ hội đặt chân đến thăm những quốc gia nói trên và thăm những cây cầu đáng yêu đó, như đã được viếng thăm Cổng Cầu Vàng tại San Franciso vậy.
Tôi ơi, hãy đợi đấy!
Trong ca dao Việt Nam, ông cha ta cũng đã tạo ra những... cây cầu rất thú vị và nên thơ mà chắc nhiều người Việt Nam đều biết. Xin được kể ra vài... cây cầu đặc biệt ấy:
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dãi yếm cho chàng sang chơi.
Có lẽ đây là... cây cầu ngắn nhất thế giới, vì chỉ có... một gang tay thôi.
Dải yếm là trang phục của người phụ nữ xưa, là vật bất ly thân, thể hiện nét đẹp mềm mại, dịu dàng, kín đáo, đầy nữ tính của người con gái.
Dùng chiếc dãi yếm để bắc cầu cho người yêu sang chơi, quả là một cách tỏ tình... không còn gì nồng cháy hơn, mãnh liệt hơn phải không bạn?
Đây là một... cây cầu độc đáo khác:
Ở gần sao chẳng sang chơi
Để em hái ngọn mồng tơi bắc cầu
Bắc cầu anh chẳng đi cầu
Để tốn công thợ để sầu lòng em
Trong tình yêu, khi yêu, người ta có thể dùng cả... ngọn mồng tơi để bắc cầu cho người mình yêu đi qua mà đến thăm mình và tình tự với nhau. Cách tỏ tình của người con gái ở đây thật khéo léo và độc đáo đến... bất ngờ.
Còn đây lại là một... cây cầu đáng yêu khác:
Bao giờ sông hẹp bằng ao,
Bắc cầu chiếc đũa qua trao lời nguyền
Bạn thấy cầu... chiếc đũa bao giờ chưa?
Tôi chưa thấy ở ngoài đời, nhưng tôi đã thấy nó trong ca dao, mà cụ thể là câu ca dao nầy. Dùng chiếc đũa để bắc cầu cho người mình yêu qua trao lời hẹn ước, thề nguyền với nhau. Quả thật, đây lại thêm một cách tỏ tình rất độc đáo của cha ông ta ngày xưa.
Cầu... dãi yếm, cầu... mồng tơi, cầu... chiếc đũa... là những cây cầu độc đáo, có một không hai trên thế giới, và chỉ có ở Việt Nam, và cũng chỉ ở trong kho tàng ca dao độc đáo của người Việt Nam chúng ta mà thôi.
Tôi yêu thích ca dao, tục ngữ, dân ca của người Việt Nam mình lắm lắm, vì nó vô cùng sâu sắc và ý nhị.
Hãy thử đọc thêm mấy câu ca dao sau để thấy cái bình dị mà thâm thúy của nó:
Không đi thì nhớ thì thương
Đi thì lại mắc cái mương, cái cầu
Không đi thì nhớ thì sầu,
Đi thì lại mắc cái cầu, cái mương
Những từ “không đi”, “đi”, “nhớ”, “thương”, “cái mương”, “cái cầu” cứ lặp đi lặp lại trong mấy câu ca dao ngắn ngủi, nói lên nỗi nhớ thương da diết của đôi lứa yêu nhau cứ như quay cuồng trong trái tim, nỗi nhớ thương cứ như quấn chặt lấy họ vậy.
Bạn có thấy như thế không? Và bạn có cảm nhận được cái thâm thúy, sâu sắc, đáng yêu của ca dao không?
Hãy yêu lấy ca dao, dân ca của nước Việt mình bạn nhé!
...
Thưa bạn,
Những cây cầu mà chúng ta thường thấy đây đó khắp mọi nơi trên thế giới nầy là những cây cầu địa lý, nó giúp con người có thể lưu thông được từ chỗ nầy qua chỗ khác, làm cho con người không bị ngăn cách nhau. Những cây cầu đó nó đem lại nhiều ích lợi và giá trị cho cuộc sống con người; nhưng xét cho cùng, nó cũng chỉ đem lại cho con người chúng ta những giá trị trong cuộc sống tạm bợ, ngắn ngủi của con người khi còn sống trên trần gian nầy mà thôi.
Có một cây cầu và chỉ một mà thôi có thể đem lại cho con người chúng ta một giá trị vĩnh cửu, đời đời. Cây cầu đó chính là CHÚA Giê-xu.
Kinh Thánh cho biết, Chúa Giê-xu chính là cây cầu nối liền giữa con người tội lỗi với Đức Chúa Trời thánh khiết.
Sứ đồ Phao-lô khẳng định:
“Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ, là người.” (Sách 1 Ti-mô-thê, chương 2, câu 5-BTT)
Chúa Giê-xu Christ chính là Đấng Trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, có nghĩa là Ngài là CÂY CẦU nối liền giữa Đức Chúa Trời thánh khiết với con người tội lỗi chúng ta.
Qua CÂY CẦU CHÚA Giê-xu CHRIST, Đức Chúa Trời chấp nhận bất cứ người nào ăn năn tội, tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời, là con cái của Ngài. Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi cho bất cứ ai tin đến danh Con của Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ. Đức Chúa Trời ban cho người nào kêu cầu danh Chúa Giê-xu địa vị làm con cái Ngài.
Sứ đồ Giăng xác nhận:
“Nhưng hễ ai đã nhận Ngài (Chúa Giê-xu-nv), thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.” (Sách Giăng, chương 1, câu 12)
Bạn muốn được làm con cái của Đức Chúa Trời, và muốn được vào Thiên đàng ở với Chúa sau khi kết thúc cuộc đời ngắn ngủi nầy, thì chỉ có một cách duy nhất, không có cách thứ hai, ấy là bước đi trên CÂY CẦU CỨU RỖI là ĐỨC CHÚA Giê-xu CHRIST.
Sứ đồ Phi-e-rơ đã bày tỏ chân lý ấy rất rõ ràng: “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác (ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu, nv), vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Sách Công vụ các sứ đồ, chương 4, câu 12)
Tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc khi được bước đi trên CÂY CẦU CỨU RỖI là ĐỨC CHÚA Giê-xu CHRIST bao nhiêu năm qua. Đời tôi thật sự được bình an khi ở trong Ngài. Và tôi có một hy vọng vững chắc ở tương lai, ấy là tôi sẽ được bước vào Thiên đàng ở với Chúa Giê-xu mãi mãi, khi kết thúc cuộc sống tạm bợ nầy.
Tôi ước mong bạn cũng sẽ sớm quyết định bước đi trên CÂY CẦU CỨU RỖI là ĐỨC CHÚA Giê-xu CHRIST như tôi và biết bao người trên thế giới nầy đã và đang bước đi vậy.
Cầu xin Đức Chúa Trời thương xót và làm ơn cho bạn cũng như Ngài đã thương xót và làm ơn cho tôi!
Thành phố Stockton, California, tháng 7/ 2021
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết là trích từ bản Kinh Thánh Truyền Thống (BTT)
(**): Dựa theo ý từ Wikipedia