Kinh Thánh: Gióp 14: 1, 2; Giăng 14: 6; Công vụ các sứ đồ 17: 17, 18; I Ti-mô-thê 1: 15 (*)
Kính chào quý độc giả,
Chúng ta thường hay nghe nói về triết lý và về chân lý.
Nhiều người trong chúng ta rất kính nể các triết gia, và thích những triết lý của họ, vì nó hay và sâu sắc, thâm thúy nữa. Có nhiều người còn thuộc lòng nhiều câu nói hay và sâu sắc của các triết gia, và trong các cuộc chuyện trò, thường hay trích dẫn những câu nói đó hầu làm cho cuộc trò chuyện trở nên... hay hơn và... ý nghĩa hơn.
Từ triết học có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “philosophia”, có nghĩa là "yêu thích sự khôn ngoan, thông thái".
Nước Việt Nam mình tuy có chiều dài lịch sử đến bốn ngàn năm văn hiến, nhưng xét theo tiêu chí chung của một nền triết học là phải có triết gia, có triết thuyết và có trường phái, thì ở Việt Nam chỉ có lịch sử tư tưởng nói chung chứ chưa có được một nền triết học theo đúng nghĩa của nó. (1)
Trong lĩnh vực thơ ca ở Việt Nam, nếu nói về thơ mang đậm tính chất triết lý và bay bổng, nhiều khi đến... khó hiểu thì theo tôi, Bùi Giáng Thi Sĩ xứng đáng là một nhân vật đại diện.
Tiếng thơ của Bùi Giáng có thể nói rất chi là... bay bổng, phiêu bồng:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng...
(Chào Nguyên xuân).
Nhiều người xem những câu thơ nầy như là... tuyệt bút của Trung Niên Thi Sĩ (bút hiệu của Bùi Giáng).
Một số câu thơ khác:
Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên là một hai ba
Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm
Hỏi tên, hỏi quê mà Nhà Thơ trả lời nghe... trớt hướt, rồi còn thêm nào là... một, hai, ba, nào là... diệu tưởng, nào là... nghi tâm nữa, thì đố ai hiểu được là Thi Sĩ muốn nói đến điều gì? Có chút hơi hướng của Lão Tử: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật... ” trong đó.
Thơ mang tính triết lý là... hiểu như vậy đó!
Hai câu thơ khác:
Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà
Cũng hỏi quê, mà Nhà Thơ trả lời như thế đó, thì có biết quê Nhà Thơ ở đâu không? Chịu! Thơ mang tính triết lý là thế! Không phải thế thì không phải là... thơ triết lý!
...
Đọc những câu thơ trên, bạn thấy có... dễ hiểu không? Nếu bạn thấy... dễ hiểu, thì có thể nói bạn gần đạt đến tầm mức một... triết gia rồi đó. Còn nếu bạn thấy khó hiểu, thì cũng là chuyện... dễ hiểu, vì đó là thơ của một Thi Sĩ mang đậm tính... triết lý mà.
Có thể nói thơ của Bùi Giáng mang đậm tinh thần của triết học Heidegger Phương Tây.
Người ta cho rằng, Bùi Giáng là người “Ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ thơ, làm thơ” (Mai Thảo)
Tôi... thích đọc thơ của Bùi Giáng, vì nó... khó hiểu; nhưng... hay, vì nó... bay bổng, tưng tửng đâu ở lưng chừng trời.
...
Nói đến triết lý, triết học, thì không thể không nhắc đến các triết gia phương Tây, nhất là các triết gia Hy Lạp với những câu nói... để đời của họ.
Xin mời bạn cùng thưởng thức một vài câu nói của các triết gia Hy Lạp nổi tiếng:
+ Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông. (Heraclitus)
+ Cuộc đời không tự vấn là cuộc đời không đáng sống. (Socrates)
+ Dù sao thì một khi đã kết hôn, nếu lấy được người vợ hiền thì bạn sẽ hạnh phúc; nếu không, bạn sẽ trở thành một triết gia. (Socrates)
...
Tôi nhớ từ lâu lắm, có nghe kể một câu chuyện về Socrates đại khái như sau:
“Dù là một triết gia trứ danh của mọi thời đại, nhưng ông lại có một cuộc hôn nhân không lấy gì làm hạnh phúc. Ông lấy phải một người vợ quá quắt, hung dữ. Bà thường hay mắng chửi ông, không kiêng nể chút nào. Một hôm, ông làm điều gì đó không vừa ý bà, nên bà mắng ông xối xả; nhưng ông không buồn nói lại một lời nào. Thấy thế, bà càng bực, nên càng chửi ông nặng nề hơn. Và rồi cuối cùng, bực tức quá, sẵn thau nước đang rửa chén, bà bưng tát luôn ngay vô mặt của ông, làm ông ướt từ đầu đến cuối.
Ông liền nói:
-Biết ngay mà! Hễ trời mà sấm chớp đùng đùng là sẽ có mưa to thôi!”
Thật, Socrates quả xứng đáng là một triết gia phải không bạn? Vì chỉ có triết gia mới có thể nói ra được một câu nói... hay như thế trong một hoàn cảnh... tức như bò đá như thế!
Vợ bạn là một người như thế nào? Hiền hay dữ? Dầu hiền hay dữ cũng đều... tốt cho bạn cả.
Nếu hiền thì bạn sẽ được hạnh phúc. Còn nếu dữ, thì bạn có cơ hội sẽ trở thành một... triết gia nổi tiếng như Socrates đó.
...
Một trong những triết gia đã lập nên nền tảng cho bộ môn logic học là Aristotle. Aristotle cũng là người đã... đẻ ra phép mà ngày nay người ta gọi là phép "tam đoạn luận” độc đáo:
1. Là con người thì ai cũng sẽ chết.
2. Anh là con người.
3. Vậy, anh cũng sẽ chết.
Đó là chân lý phải không bạn?
Và điều đó Kinh Thánh đã cho biết từ rất lâu rồi:
“Loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày. Bị đầy dẫy sự khốn khổ. Người sanh ra như cỏ hoa, rồi bị phát. Người chạy qua như bóng, không ở lâu dài.” (Sách Gióp, chương 14, câu 1, 2 - BTT)
Những lời luận nầy của Gióp về sự tạm bợ và chóng qua của đời người cũng mang đầy tính triết lý, nói đúng hơn là mang đầy tính chân lý vậy!
...
Trong Tân Ước, chúng ta cũng thấy Phao-lô đề cập đến triết học khi ông biện luận với dân thành A-thên của Hy Lạp như sau:
“Vậy, người biện luận trong nhà hội với người Giu-đa và người mới theo đạo Giu-đa; lại mỗi ngày, với những kẻ nào mình gặp tại nơi chợ. Có mấy nhà triết học về phái Epicuriens và phái Stociens cũng cãi lẽ với người.” (Sách Công vụ các sứ đồ, chương 17, câu 17, 18)
Phái Epicuriens được biết như là Chủ nghĩa khoái lạc do Triết Gia Hy Lạp Epicurus khởi xướng. Phái nầy cho rằng mục đích của cuộc sống chính là hạnh phúc, là hưởng thụ.
Còn phái Stociens được biết đến như là phái Khắc Kỷ, do Triết Gia Hy Lạp Zeno sáng lập. Phải nầy chủ trương ngược lại với phái Epicuriens là phải sống khắc khổ bản thân để đạt đến mục đích cuộc sống. Đời sống hạnh phúc là sống theo lẽ tự nhiên.
Đó là chuyện triết lý của các triết gia trên thế gian nầy.
...
Triết học, triết lý có thể đem lại cho con người chúng ta nhiều điều nghe hay ho, thích thú. Những câu nói của các triết gia thường làm cho người nghe rất thú vị, vì nó nghe như sâu sắc, thâm thúy. Nhưng xét cho cùng thì nó cũng chẳng có đem lại cho con người bất kỳ một sự thay đổi nào cho đời sống; nhất là nó không thể đem lại cho con người sự cứu rỗi linh hồn.
Nhưng thưa bạn,
Có một Đấng và duy nhất Đấng đó có thể đem lại cho bạn một đời sống được thay đổi từ chỗ tuyệt vọng thành hy vọng, từ chỗ bất an đến bình an, từ chỗ tối tăm qua sáng láng, và từ quyền lực của quỷ Sa-tan đến Đức Chúa Trời.
Đấng đó không ai khác hơn chính là Đức Chúa Giê-xu Christ!
Chính Chúa Giê-xu đã khẳng định rằng: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.” (Sách Giăng, chương 14, câu 6)
Các triết gia có thể để lại cho đời những câu nói hay, thậm chí sâu sắc; nhưng các triết gia không phải là chân lý, và lời các triết gia có thể mang tính triết lý, chứ không phải là chân lý.
Chỉ có Chúa Giê-xu và duy Ngài mới là chân lý cho con người chúng ta, và lời Ngài là chân lý đáng để con người đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy Ngài và lời Ngài vậy!
Thần học gia Phao-lô đã khẳng định:
“Đức Chúa Giê-xu Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu.” (Sách 1 Ti-mô-thê, chương 1, câu 15)
Tôi thích một số câu nói hay mang tính triết lý của một số các triết gia; nhưng tôi đã đem lòng tin trọn vẹn mà tin nhận Chúa Giê-xu và lời Ngài là Kinh Thánh vào cho đời sống mình. Và chính Ngài đã ban cho tôi sự cứu rỗi, và lời Ngài đem lại sự thay đổi cho tâm hồn tôi. “Lời Chúa làm cho tôi được sống lại.” (Sách Thi-thiên, chương 119, câu 50)
Tôi tạ ơn Chúa về sự cứu rỗi mà Ngài đã ban cho tôi!
Bạn có muốn nhận được sự cứu rỗi từ Chúa Giê-xu là chân lý ban cho không?
Xin mời bạn hãy mở lòng ra mời Chúa Giê-xu ngự vào đời sống, thì bạn sẽ nhận được sự cứu rỗi linh hồn cho đời sống mình!
Chúa Giê-xu đã từng phán: “Các ngươi sẽ biết lẽ thật (chân lý-nv), và lẽ thật (chân lý-nv) sẽ buông tha các ngươi.” (Sách Giăng, chương 8, câu 32)
Mong chờ bạn hãy sớm đến với Chúa Giê-xu là Chân Lý ngay khi còn có cơ hội! A men (nghĩa là thật như vậy)
California, tháng 8/ 2021
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu
(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Kinh Thánh Bản Truyền Thống (BTT)
(1): https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/ve_nguon_goc_triet_hoc_viet_nam-e.html