Hãy còn lại một nguyên tắc cuối cùng để chúng ta suy xét: thờ phượng là cách duy nhất để chuẩn bị Hội thánh cho công tác của mình và làm chứng cho thế gian với tư cách là Thân thể Chúa Cứu Thế. Như E.R.Micklem nhắc nhở chúng ta: “để Hội thánh sẽ hoàn tất bất cứ điều gì mà vì đó nó phải sống mà sự sống của Hội thánh thì lệ thuộc vào sự thờ phượng của mình (1) Nói như thế không có nghĩa là bảo rằng phải xem sự thờ phượng là một phương tiện nhằm đạt một cứu cánh. Tự nó vốn là cứu cánh của chính nó; trong nó, con người ta thực hiện cứu cánh chủ yếu của mình là tôn vinh Thượng Đế. Loài người chẳng có một hoạt động nào quan trọng hơn là dâng lên cho Chúa sự vinh quang xứng đáng với Danh Ngài. Cho nên, với các Cơ-đốc nhân, sự bó buộc phải thờ phượng, là tuyệt đối, và bất luận một cách đánh giá chỉ có tính cách chủ quan nào về nó đều là sai lầm.
Sau khi kết thúc một loạt các bài giảng về sự thờ phượng, có một thanh niên hết sức thành thật đã đến với tác giả quyển sách này. Anh ta hỏi: “Theo ông nghĩ, thì tôi có phải đi nhà thờ khi tôi cảm thấy không thích làm như thế hay không? Có nhiều lúc tôi muốn đến nhà thờ và thật sự cảm thấy vui vẻ trong buổi nhóm, nhưng có nhiều lần khác, tôi không hề có ý muốn đến. Vào những lúc như thế, nếu tôi đến, thì đó có phải là đạo đức giả hay không?” Tôi đáp: “Tốt lắm, cậu John à. Thế cậu có trả tiền theo hoá đơn của người chủ hiệu tạp hoá và tiền thuê phòng trọ chỉ khi nào cậu cảm thấy thích làm như thế mà thôi hay không?” Chàng thanh niên nọ liền nhận ra ngay vấn đề. Thờ phượng là một món nợ phải trả bất chấp các cảm thức của chúng ta; đó là dâng lên cho Chúa sự vinh quang xứng đáng với Danh Ngài; do đó nó có tính cách bắt buộc đối với các Cơ-đốc nhân” (2) Chủ đích đầu tiên của việc thờ phượng là vinh quang của Thượng Đế chứ không phải là vì gây dựng con người. “Phải đặt Thượng Đế lên hàng đầu, nếu không việc xây dựng cho con người sẽ không xảy ra tiếp theo đâu”
Tuy nhiên, việc gây dựng cho con người sẽ xảy ra tiếp theo, khi sự thờ phượng được hướng vào đúng cứu cánh của nó. Một nhà thần bí học người Đức nói: “Chúng ta trở thành người như thế nào trước hiện diện của Thượng Đế tuỳ thuộc vào việc chúng ta sống như thế nào suốt ngày hôm ấy” . Chính là nhờ sự thờ phượng mà Hội thánh được hợp nhất với Chúa Cứu Thế bởi Đức Thánh Linh trong của lễ Ngài tự dâng lên cho Đức Chúa Cha, và do đó, trở thành công cụ của hoạt động cứu rỗi của Ngài trong thế gian. Mức độ Hội thánh được quyền năng là mức độ Hội thánh hợp nhất với Chúa mình. Chính với tư cách là thân thể Chúa Cứu Thế được Thánh Linh Ngài ngự bên trong và phản chiếu vinh quang Ngài, mà Dân sự của Thượng Đế làm ứng nghiệm thiên chức của mình trong thế gian này. Tắt một lời, là công tác làm chứng có kết quả tuỳ thuộc việc nâng đỡ, duy trì sự thờ phượng. Chấp sự trưởng Harrison nói: “Vấn đề không phải là sự thờ phượng có khiến chúng ta cảm thấy thoả mãn vui vẻ hay không, mà là nó có khiến chúng ta giống với Chúa Cứu Thế hay không, thiên hạ có nhận ra rằng chúng ta đã từng ở với Chúa Giê-xu hay không”
Lời khuyến giục tại phần bắt đầu những bài Tụng niệm Buổi sáng (3) trong Sách Cầu Nguyện phổ cập (4) có một đoạn tóm tắt ngắn gọn nhưng hàm súc về chủ đích của sự thờ phượng trong Cơ-đốc giáo. Chúng ta tập họp và gặp nhau trước hiện diện của Thượng Đế. Để tạ ơn về những điều lợi ích lớn lao chúng ta đã nhận được từ tay Ngài, để trình bày lời ca ngợi tán tụng xứng đáng nhất, để nghe Lời thánh khiết nhất của Ngài, và để cầu xin những nhu cầu cần thiết cả cho thân thể lẫn linh hồn.
Raymond Abba (Nguyên Tắc Thờ Phượng)
1. F.H.Brabant trong Liturgy and Worship, p.31).
2. Ways of Worship, p.33).
3. Mattins
4. Book of Common Prayer