Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 1: 16; Thi-thiên 8: 3; 104: 19; Nhã ca 6: 10 (*)
Kính chào quý độc giả,
Vậy là mùa Thu đang về với mỗi một chúng ta theo đúng chu kỳ mà Tạo Hóa đã ấn định.
Nói đến mùa Thu thì người Việt Nam ta không thể không nhắc đến Tết Trung Thu. Và cũng không thể không nhắc đến trăng Trung Thu, vì trăng Trung Thu là trăng dường như... đẹp hơn trăng của tất cả các mùa khác trong năm thì phải.
Có thể nói ở một số nước vùng Đông Á, và Đông Nam Á như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... người ta rất coi trọng Tết Trung Thu. Dù chỉ là Tết dành cho các em Thiếu Nhi, nhưng người lớn nhân dịp đó cũng hưởng niềm vui lây với các em.
Cứ mỗi dịp Tết Trung Thu về là những nhà kinh doanh lo chuẩn bị bánh Trung Thu để bán ra thị trường. Người ta mua bánh Trung Thu về để ăn, để biếu, và để cho các em nhỏ...
Theo Wikipedia cho biết, Bánh Trung Thu gồm hai thành phần chính là vỏ bánh và nhân bánh.Tùy theo vỏ bánh làm bằng bột mì hay bột gạo, bột nếp, cũng như quy trình chế biến (làm chín bằng lò nướng hay không) mà người ta lại chia thành hai loại bánh chính là bánh nướng và bánh dẻo. Nhân bánh Trung Thu có thể bao gồm đậu xanh, lạp xưởng, trứng muối, đường, dầu ăn, mỡ lợn, hạt sen. v... v...
Bánh Trung Thu trong tiếng Trung gọi là Nguyệt Bính (月餅 ), tiếng Anh là Moon cake (bánh mặt trăng).
Bánh Trung Thu trước Tết Trung Thu bán đắt giá bao nhiêu thì sau Tết Trung Thu lại... hạ giá bấy nhiêu. Nhờ vậy mà nhiều người nghèo mới có thể mua được bánh Trung Thu để mà ăn với người ta cho...đỡ thèm.
Những nhà kinh doanh bánh Trung Thu mỗi năm nhân dịp Trung Thu cũng kiếm được... bộn bạc chứ không phải chơi.
Tết Trung Thu cũng đã đi vào thơ ca từ rất lâu đời.
Đại Thi Hào Đỗ Phủ củ Trung Quốc có bài thơ Trung Thu nổi tiếng như sau:
Thu cảnh kim tiêu bán
Thiên cao nguyệt bội minh
Nam lâu thùy yến hưởng
Ty trúc tấu thanh thanh
Dịch:
Cảnh thu nay đúng nửa rồi
Trăng thu thêm sáng, khung trời thêm cao
Lầu nam ai rót rượu đào
Tiếng tơ, tiếng trúc thanh tao nhịp nhàng
(Thái Giang dịch)
Nhà thơ Tản Đà cũng nhắc đến ngày Trung Thu với các câu thơ khá đặc sắc:
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
...
Tết Trung Thu, người đời thường vui chơi như thế nào?
Người ta thường tổ chức cho các em Thiếu Nhi vui chơi với các trò chơi như múa lân, rước đèn, bịt mắt đập niêu... Trong đó, trò chơi được chú ý nhiều nhất và phổ biến nhất có lẽ là... múa lân. Trong màn múa lân, không thể thiếu nhân vật... “Ông Địa”, một người bụng phệ (do độn vải vào bụng), mặc áo dài, tay cầm quạt giấy to phe phẩy, mang mặt nạ ông địa đầu hói tròn cười toe toét đi theo giỡn lân, đùa khách xem múa hoặc mua vui cho gia chủ.
Đến mùa Tết Trung Thu, ở khắp các ngã đường Việt Nam đâu đâu cũng đều có những đội múa lân với những tiếng trống “bùm bùm” vang lên làm náo động khắp hang cùng ngõ hẻm.
Nói đến chuyện vui Trung Thu, chợt nhớ trước đây, có một ông Mục Sư đang Quản Nhiệm một Hội Thánh lớn và cũng là một Mục Sư trong Ban Lãnh đạo Trung Ương của một Giáo hội Tin Lành nọ, nhân dịp Tết Trung Thu năm ấy, không biết do... hứng chí đột xuất như thế nào đó mà ông ta tự nhiên lại mặc áo dài Ông Địa, mặt mang mặt nạ Ông Địa, tay cầm quạt phe phẩy đi vào trong... Nhà Thờ múa may như... Ông Địa thật để làm trò vui cho các em Thiếu Nhi.
Đây đúng là... chuyện lạ mà có thật! Chuyện thật mà như... đùa!
Nghe nói sau vụ làm... Ông Địa nầy, ông Mục Sư đó bị Giáo Hội của ông ta thi hành kỷ luật bằng cách ngưng Mục vụ một thời gian, rồi sau đó phục hồi lại.
...
Nói đến Trung Thu, mà không đề cập đến mặt trăng là một... thiếu sót không thể... tha thứ được.
Mặt Trăng, cũng theo Wikipedia, là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất và là vệ tinh tự nhiên lớn thứ năm trong Hệ Mặt Trời.
Tính cho đến nay, Mặt Trăng là thiên thể duy nhất ngoài Trái Đất mà con người đã đặt chân tới.
Không biết trong tương lai, con người còn có thể đặt chân lên được các hành tinh khác trong hệ mặt trời hay không? Điều đó còn phải chờ thời gian và phụ thuộc vào sự tiến bộ của khoa học không gian nữa.
Hãy chờ xem!
...
Tết Trung Thu hấp dẫn mọi người là nhờ vào mặt trăng, nhất là ánh sáng dịu hiền, mát mẻ của mặt trăng vào giữa mùa Thu đầy thơ mộng.
Mỗi một khi chúng ta nhìn thấy mặt trăng với tất cả vẻ đẹp hấp dẫn của nó, chúng ta cần phải nghĩ đến Đấng đã sáng tạo nên mặt trăng.
Ai đã sáng tạo nên mặt trăng?
Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn, vì lớn hơn (mặt trời-nv) để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn (mặt trăng-nv) để cai trị ban đêm; Ngài cũng làm các ngôi sao.” (Sách Sáng Thế Ký, chương 1, câu 16)
Thi-thiên thứ 8, Vua Đa-vít ca ngợi sự vinh hiển oai nghi của Đức Chúa Trời qua công cuộc sáng tạo vũ trụ như sau:
“Khi tôi nhìn xem các từng trời là công việc của ngón tay Chúa. Măt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt.” (Sách Thi-thiên, chương 8, câu 3)
Tác giả Thi-thiên 104 cũng cho biết: “Ngài đã làm nên mặt trăng để chỉ thì tiết, mặt trời biết giờ lặn.” (Sách Thi-thiên, chương 104, câu 19)
Vua Sa-lô-môn cũng nói đến một cách hình bóng về Hội Thánh của Ngài với một vẻ đẹp trong trẻo, tươi nguyên như rạng đông, dịu hiền như mặt trăng, tinh sạch như mặt trời, và làm cho Sa-tan phải run sợ, vì Hội Thánh như một đạo quân chiến thắng thế gian:
“Người nữ nầy là ai, hiện ra như rạng đông. Đẹp như mặt trăng, tinh sạch như mặt trời. Đáng sợ khác nào đạo quân giương cờ xí?” (Sách Nhã Ca, chương 6, câu 10)
Đấng sáng tạo nên mặt trăng nói riêng, và muôn loài vạn vật trên thế giới nầy, nói chung, không ai khác hơn là Đức Chúa Trời quyền năng.
Chính vì vậy mà mỗi một khi chúng ta vui hưởng vẻ đẹp của trăng, sư mát mẻ của ánh trăng Trung Thu, hay trăng mùa Xuân, mùa Hạ, là ta phải biết cúi đầu xuống cảm tạ Đức Chúa Trời là Đấng đã ban mặt trăng xinh đẹp cho chúng ta được thưởng thức.
Nhân nói chuyện... Tết Trung Thu, tưởng cũng nên... luận bàn một chút về chuyện vui chơi Tết Trung Thu của các em Thiếu Nhi Tin Lành:
Trung Thu là Tết dành cho Thiếu Nhi theo văn hóa cổ truyền của người Việt Nam. Các em Thiếu Nhi tin Chúa cũng có quyền vui hưởng Tết Trung Thu theo cách của riêng mình, như ca hát, ngợi khen Chúa về quyền năng sáng tạo vũ trụ tuyệt vời của Ngài. Dùng Kinh Thánh để nói lên lợi ích và vẻ đẹp của mặt trăng (như mặt trăng dùng để soi sáng ban đêm, dùng để chỉ thì tiết... ánh trăng sáng đẹp mát mẻ cho con người thưởng thức sau một ngày làm việc mệt nhọc, vất vả... ) Có thể cho các em dán lồng đèn hình mặt trăng, hoặc ngôi sao, để tập cho các em sự khéo tay, và qua đó dạy cho các em về những vật mà Đức Chúa Trời đã sáng tạo. Nếu có điều kiện thì mua một ít bánh kẹo cho các em vui chơi với nhau vì trẻ em nào cũng thích bánh kẹo cả. Bạn và tôi khi còn nhỏ cũng không là ngoại lệ.
Trong những dịp vui Trung Thu như thế, nên cho các em mời bạn bè chưa tin Chúa của mình đến tham dự cho đông vui; và qua đó, chúng ta có thể giới thiệu về Chúa cho những Thiếu Nhi ấy.
Không chỉ đợi đến Tết Trung Thu, chúng ta mới tổ chức vui chơi cho các em, mà Hội Thánh có thể tổ chức những cuộc vui chơi cho các em vào các dịp trăng đẹp khác như trăng rằm mùa Xuân, hay trăng rằm mùa Hạ.
Không nên tổ chức vui Trung Thu cho các em Thiếu Nhi tin Chúa theo kiểu múa lân, đeo mặt nạ hình ông Địa, mặc đồ có hình con rồng nhảy múa như cách ngoài đời.
Hội Thánh cần giáo dục cho các em Thiếu Nhi biết những hình thức vui chơi như múa lân, đeo mặt nạ hình ông Địa, mặc đồ hình con rồng nhảy múa như cách người đời là những hình thức đến từ ma quỷ, không đẹp lòng Chúa để các em hiểu và loại bỏ dần trong tâm trí các em những tư tưởng hư không của đời; hầu tư tưởng Kinh Thánh từng bước được in đậm trong tâm trí các em.
Dầu vậy, các em còn nhỏ, chưa ý thức được đầy đủ, nên không ít các em còn tham gia vào các sinh hoạt vui chơi Trung Thu như người thế gian. Chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa thương xót, bảo vệ, giữ gìn các em khỏi sa vào chước cám dỗ của ma quỷ.
Tết Trung Thu đang đến với mỗi một người trong chúng ta. Trăng Trung Thu sáng và đẹp một cách lung linh. Mỗi lần vui hưởng ánh trăng tuyệt diệu giữa mùa Thu, bạn có nghĩ đến Đấng đã tạo nên mặt trăng đẹp cho mình hưởng không?
Người Việt Nam ta có những câu nói nhắc nhở về lòng biết ơn rất sâu sắc:
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Uống nước nhớ người đào giếng.”
Hay: “Uống nước nhớ nguồn”
Hoặc: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mình trồng.”
Bạn đã từng vui hưởng bao nhiêu mùa trăng Trung Thu rồi? Bạn đã biết nói lời cảm ơn Đấng Tạo Hóa chưa?
Nếu chưa, thì hôm nay là cơ hội, là dịp tiện quý báu, thuận tiện để bạn làm điều ấy với Đức Chúa Trời!
Xin mời bạn hãy cùng tôi cúi đầu xuống nói lời cảm tạ Chúa và tôn thờ Ngài. Đó là việc làm phải lẽ và Chúa rất đẹp lòng khi bạn làm như thế.
Nguyện xin Đức Chúa Trời ban phước cho hết thảy mỗi một chúng ta!
California, Tháng 9/ 2021
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu
(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết là trích từ Kinh Thánh Bản Truyền Thống (BTT)