(Kính tặng Nhạc Mẫu của tôi, Bà Quả Phụ Mục Sư BP và tất cả các thành viên trong Hội Thánh Gia Đình Mục Sư BP!)
Kính chào qúy độc giả,
Người ta nói gia đình là tế bào của xã hội. Nhiều gia đình hợp lại thành một xã hội. Gia đình là đơn vị căn bản nhất của một xã hội. Nhiều gia đình vững mạnh thì sẽ có một xã hội mạnh mẽ, tốt đẹp.
Về phương diện xã hội học, thì các nhà xã hội học xem gia đình như là một xã hội thu nhỏ.
Nguồn gốc của gia đình bắt đầu từ đâu?
Tra cứu một số tài liệu thì người ta chỉ nói cách chung chung là gia đình bắt nguồn từ lâu đời, chứ không thấy đề cập đến điều gì cụ thể cả.
Là người tin Chúa, chúng ta được Kinh Thánh cho biết rất rõ ràng về nguồn gốc gia đình.
Trong Kinh Thánh có ghi lại nguồn gốc của gia đình một cách rất cụ thể, như sau:
“Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó... Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một xương sườn, rồi lấp thịt thế vào. Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam. A-đam nói rằng: Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có. Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt. Vả, A-đam và vợ, cả hai đều trần truồng, mà chẳng hổ thẹn.” (Sách Sáng Thế Ký, chương 2, câu 18, và câu 21-25, BTT)(*)
Chính Đức Chúa Trời đã sáng tạo nên A-đam và tạo ra Ê-va từ A-đam, rồi kết hợp họ lại với nhau thành vợ chồng, thành gia đình đầu tiên trên trái đất nầy. Từ gia đình đầu tiên đó, Đức Chúa Trời phán dạy: “Hãy sanh sản thêm nhiều và làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.” (Sách Sáng Thế Ký, chương 2, câu 28)
Và từ đó, cứ thế, và cứ thế, theo luật định của Đức Chúa Trời, con loài người, trai đến tuổi lấy vợ, gái đến tuổi có chồng, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái, làm cho... đầy dẫy đất cho đến ngày nay.
...
Một gia đình thì có chồng vợ, con cái.
Có một số câu nói hay về gia đình như sau:
+ Bạn có thể có rất nhiều bạn bè nhưng bạn chỉ có một gia đình duy nhất.
+ Gia đình là nơi tốt nhất mà bạn tìm về với bình yên
Là nơi có thể giúp bạn nghĩ ngơi khi vấp ngã
Là nơi yêu thương mà không cần điều kiện
Là nơi có cuộc sống tốt nhất để tạo nên vỏ bọc bảo vệ.
+ Có một nơi để về, đó là nhà
Có những người yêu thương, đó là gia đình
Có được cả hai, đó là hạnh phúc.
...
Có ai đó đã nói vẻ đẹp của gia đình là thứ tự.
Đúng vậy!
Một gia đình mà không có thứ tự thì không còn là gia đình nữa.
Cũng Kinh Thánh cho biết về thứ tự trong gia đình như sau:
“Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ khác nào Đấng Christ là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội Thánh. Ấy vậy, như Hội Thánh phục dưới Đấng Christ, thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự. Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh... Mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng. Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm... Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.” (Sách Ê-phê-sô, chương 5, câu 22-25, và chương 6, câu 1, câu 4)
Theo đó, trong gia đình, chồng là người đứng đầu, đóng vai trò lãnh đạo, còn vợ là người giúp đỡ chồng để xây dựng gia đình; thứ đến là con cái.
Đó chính là thứ tự đúng đắn trong gia đình. Gia đình nào đi theo khuôn mẫu nầy của Kinh Thánh dạy thì gia đình đó sẽ hạnh phúc, bình an và vui vẻ. Ngược lại, gia đình nào đảo ngược thứ tự nầy thì gia đình đó sẽ gặp bất hạnh, bất an và buồn thảm.
Tôi được biết, có không ít gia đình, người vợ lấn lướt chồng, nắm quyền trong gia đình, và gia đình đó thật sự không có hạnh phúc. Vẫn vợ chồng, nhưng không có niềm vui. Sự ấm cúng trong gia đình dường như không còn. Tổ ấm đã trở thành... tổ lạnh.
Có một câu danh ngôn rất chí lý về gia đình như thế nầy: “Nhà cửa đảo lộn khi con gà mái gáy to hơn con gà trống.” Gà trống theo tánh tự nhiên của Đức Chúa Trời khi tạo nên nó là nó có tiếng gáy to, còn con gà mái thì... tiếng gáy nhỏ hơn. Bất cứ điều gì mà trái tự nhiên, trái luật định của Đức Chúa Trời, thì đều là không tốt, và đều gặp... rắc rối cả.
Trong gia đình cũng vậy, nếu người vợ mà lấn lướt người chồng (gáy to hơn), giành quyền làm chủ trong gia đình thì chắc chắn gia đình đó, không sớm thì muộn cũng sẽ... đảo lộn.
Kinh Thánh không những cho chúng ta biết về nguồn gốc gia đình, thứ tự trong gia đình mà còn cho chúng ta biết về bí quyết để gia đình được phước nữa:
“Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va. Đi trong đường lối Ngài! Vì người sẽ hưởng công việc của tay mình. Được phước, may mắn. Vợ ngươi ở trong nhà ngươi, sẽ như cây nho thạnh mậu. Con cái ngươi ở chung quanh bàn ngươi. Khác nào những chồi ô li ve. Kìa, người nào kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ được phước là như vậy.” (Sách Thi-thiên, chương 128, câu 1-4)
Bí quyết để gia đình được phước, đó là tin kính Đức Chúa Trời và làm theo lời Chúa dạy. Đức Chúa Trời là nguồn phước, nên một gia đình tin Chúa, tức là được kết nối vào nguồn phước, chắc chắn gia đình đó sẽ được phước.
Bạn có muốn gia đình mình được phước không?
Xin mời hãy tin nhận Chúa và làm theo lời Ngài dạy trong Kinh Thánh.
...
Nhân nói chuyện về... gia đình, tôi muốn nói về đại gia đình của Nhạc Phụ tôi là gia đình của cố Mục Sư B.P.
Cha mẹ vợ của tôi, Chúa cho sinh được... 10 người con (6 trai, 4 gái). Ngoài hai người con gái lớn, cha mẹ vợ tôi đặt tên theo sở thích, Cúc (1958), Hoa (1960). Còn tám người còn lại, được đặt tên theo... địa danh nơi mình đến ở.
Nếu nói về việc vâng theo mạng lịnh của Chúa trong việc sinh sản làm cho đầy dẫy đất, như lời Chúa đã dạy: “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất... ” (Sách Sáng Thế Ký, chương 1, câu 28a), thì có lẽ cha mẹ vợ tôi là một... gương mẫu tốt để noi theo.
Số là cha mẹ vợ tôi là một Mục Sư, nên theo quy định của Giáo Hội, ông bà phải di chuyển đi nhiều nhà thờ ở nhiều vùng khác nhau để phục vụ Chúa .
Khi vào Nha Trang, học ở Thần Học Viện vào năm 1962, ông bà sinh được người con trai Trưởng Nam, và thế là ông bà đặt tên là Trang, để nhớ là mình đã sống ở Nha Trang. Sau đó, ông bà được chuyển về làng Lệ Thủy thuộc Tỉnh Quảng Ngãi để hầu việc Chúa vào năm 1964. Tại đây, ông bà sinh được cô con gái, và thế là đặt tên là Lệ Thủy. Cô gái nầy không ngờ sau đó lại trở thành... người tình trăm năm của tôi bây giờ. Tiếp theo, ông bà được chuyển đến Thị Trấn Bình Sơn (Quảng Ngãi) để phục vụ Chúa vào năm 1966. Tại Bình Sơn, ông bà sinh được một con trai, và đặt tên là Bình Sơn. Từ Bình Sơn, ông bà được chuyển ra tuốt ngoài Đông Hà (Quảng Trị) vào năm 1968. Tại đây, ông bà sinh được một con trai nữa, và đặt tên là Hà. Năm 1970, ông bà được chuyển đến phục vụ Chúa tại Gio Linh, Bến Hải. Ông bà lại sinh được một con trai nữa, và đặt tên là Hải.
Từ Bến Hải, ông bà được Hội Thánh Tin Lành Thăng Bình (Quảng Nam) mời về làm Quản Nhiệm vào năm 1972 để chăn bầy chiên của Chúa tại đây. Đây là nơi mà cha mẹ vợ tôi phục vụ Chúa lâu nhất, đến 30 năm.
Trong ba chục năm dài ở tại Thăng Bình, Chúa ban cho ông bà sinh tiếp được... ba người con nữa (một gái, hai trai) lần lượt là Bình (1972), Tú (1974) và Cẩm (1976). Bình để nhớ Huyện Thăng Bình, Tú là để nhớ Xã Bình Tú, nơi có Nhà Thờ Thăng Bình đứng chân, và Cẩm là để nhớ Thôn Tú Cẩm của Xã Bình Tú.
Năm 2002, Nhạc Phụ tôi được Chúa đem về yên nghỉ trong nước Ngài. Hưởng thọ 70 tuổi, để lại Nhạc Mẫu tôi với một đàn con cháu đông đúc vô cùng cho đến ngày hôm nay.
...
Lời Kinh Thánh đã phán: “Hãy tin Đức Chúa Giê-xu, thì người và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi.” (Sách Công vụ các sứ đồ, chương 16, câu 31)
Từ buổi ban đầu, chỉ có hai người là vợ chồng cha mẹ vợ chúng tôi tin Chúa, theo Chúa. Sau một thời gian chung sống với nhau, sinh con đẻ cái, rồi xây dựng gia đình cho con cái của mình; tính cho đến nay, Chúa đã ban cho cha mẹ vợ tôi có được một dòng dõi trên bảy chục người, và tất cả đều ở trong Chúa, dù mạnh dù yếu. Trong đó, có 4 Mục Sư, và 2 Nữ Truyền Giáo.
Quả thật, đó là một gia sản thuộc linh quý báu mà Đức Chúa Trời đã ban cho gia đình cha mẹ vợ của tôi.
Căn cứ theo Thi-thiên chương 128 đã dẫn ở trên, thì Nhạc Phụ của tôi đã tin kính Chúa, và một lòng theo Chúa, phục vụ Ngài, nên Ngài đã ban cho ông một gia sản thuộc linh thật đáng nể. Nhạc Mẫu của tôi quả đúng là... “cây nho thạnh mậu” (tức cây nho sai trái). Còn con cái của cha mẹ vợ tôi quả như những chồi ô-li-ve khỏe khoắn, mạnh mẽ và đáng yêu vậy.
Tôi còn nhớ những năm khi Nhạc Phụ tôi còn sống, cứ mỗi lần gia đình có dịp sum họp với nhau thì con cháu ngồi chung quanh dãy bàn ăn dài đến mấy chục người, sau khi Nhạc Phụ tôi cầu nguyện cảm tạ Chúa về thức ăn xong, là mọi người bắt đầu ăn uống, chuyện trò với nhau thật rôm rả như vang cả một không gian rộng lớn.
Trong những dịp như vậy, tôi thường để ý nhìn gương mặt của Nhạc Phụ tôi, và thấy gương mặt Người tràn đầy sự rạng rỡ, vui sướng. Tôi hiểu sự rạng rỡ, vui sướng ấy của Người. Tôi biết Người đang tận hưởng phước hạnh của Đức Chúa Trời ban cho qua dòng dõi của mình.
Cảm tạ Chúa về sự ban cho đó của Ngài cho cuộc đời của Nhạc Phụ tôi!
...
Có một điều tôi không thể nào không nói đến trong bài viết nầy, đó là mới đây, vào dịp tháng 8 năm 2021 nầy, Chúa cảm động người con gái út của Nhạc Phụ tôi (sau khi cô ấy được Chúa chữa lành một căn bệnh nan y, thập tử nhất sinh), đã kêu gọi các anh chị em trong đại gia đình Nhạc Phụ tôi tổ chức một chương trình thờ phượng Chúa qua Zoom, vào mỗi tối thứ Bảy hằng tuần, lúc 6 giờ. Buổi nhóm đầu tiên quy tụ được gần ba chục người. Đến nay, mỗi buổi nhóm có chừng trên dưới năm chục người con cháu trong gia đình từ nhiều nơi khác nhau tham gia như Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cà Mau, Mỹ...
Buổi thờ phượng Chúa diễn ra trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ, gồm ca ngợi Chúa, nghe lời Chúa, cầu nguyện với Chúa và thông công, giao lưu với nhau để thắt chặt tình yêu anh em, con cháu trong gia đình lại trong tình yêu của Chúa.
Qua chương trình thờ phượng Chúa của... Hội Thánh Gia Đình Mục Sư BP nầy, chúng tôi thấy Chúa có thăm viếng nhiều anh chị em và các con cháu trong gia đình, làm cho đức tin của họ được mạnh lên, đời sống theo Chúa được nóng cháy lên nhiều.
Mỗi tuần, hầu như ai trong... Hội Thánh Gia Đình Mục Sư BP cũng đều mong muốn được đến tối thứ 7 để cùng thờ phượng Chúa và gặp gỡ nhau tâm sự, chuyện trò cho thỏa thích.
Ước ao sẽ có thêm nhiều những Hội Thánh Gia Đình như thế nầy được mọc lên để thờ phượng Đức Chúa Trời và gây dựng niềm tin cho nhau, cũng như thắt chặt tình yêu thương anh em, con cháu trong gia đình lại gần gũi nhau, thương yêu nhau hơn, hầu làm vinh hiển danh Chúa kính yêu của chúng ta!
Lời Chúa phán rất rõ ràng rằng, Ngài “sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến Ta và giữ các điều răn Ta.” (Sách Xuất Ê-díp-tô ký, chương 20, câu 6)
Khi cha mẹ tin kính Chúa thì con cái cũng sẽ noi gương cha mẹ mà đi theo con đường tin thờ Chúa, và rồi đến lượt gia đình chúng nó, con cái chúng nó cũng sẽ tiếp tục trong con đường đức tin mà ông cha mình đã để lại, vì “đức tin sẽ dẫn đến đức tin” (Sách Rô-ma, chương 1, câu 17). Thiết tưởng không có gì phước hạnh hơn là cả gia đình, dòng dõi, hậu tự, và cả tộc họ của chúng ta đều tin thờ Chúa và hầu việc Ngài.
Tạ ơn Chúa về ơn lành và sự thương xót của Ngài dành cho... Hội Thánh Gia Đình Mục Sư BP!
Cầu xin Đức Chúa Trời cứ tiếp tục ban phước của Ngài cho... Hội Thánh Gia Đình Mục Sư BP, cũng như nhiều... Hội Thánh Gia Đình khác ở khắp mọi nơi!
Nguyện danh Chúa sẽ được tôn cao qua mỗi một con cái Ngài, qua Hội Thánh của Ngài và qua cả đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta!
California, tháng 9/ 2021
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu, một thành viên trong... Hội Thánh Gia Đình Mục Sư BP.
(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Kinh Thánh Bản Truyền Thống (BTT)